CÂY ĐA KHỔNG LỒ 13 GỐC Ở HẢI PHÒNG
Nhiều ý kiến cho rằng đó là cây đa có nhiều gốc nhất Việt Nam, hơn cả cây đa đại thụ 9 gốc trên đỉnh núi Thạch Bàn.
Cây đa khổng lồ được cho là trổ nhiều gốc nhất VN.
Cây
đa cổ thụ có gốc vài người ôm không hết là hình ảnh thường thấy ở nhiều
làng quê Việt Nam. Nhưng cây đa trổ tới 13 gốc, gốc nào cũng lớn thì có
lẽ chỉ duy nhất có ở Hải Phòng.
Gốc nào cũng lớn vài người ôm…
Những chạc đa cũng lớn vắt vẻo nằm lưng chừng không.
Cây đa khổng lồ…
Làng quê Việt Nam có nhiều cây đa thuộc hàng cổ thụ nhưng đến nay có lẽ chỉ có cây đa nằm ở đầu một ngôi làng thuộc thành phố Hải Phòng là cây cổ thụ trổ được nhiều gốc nhất.
Nơi
phát tích cây đa 13 gốc này, xưa kia vốn là một làng thuộc ngoại ô
thành phố. Sau nhiều năm tách nhập hành chính, bây giờ cây đa thuộc địa
phận xóm Trại, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.
Nằm ngay cạnh ao làng xưa, sau hàng trăm năm cây đa bây giờ đã tỏa bóng
lên khắp một vùng đất rộng lớn. 13 rễ được trổ lên trên nền diện tích
tới vài sào ruộng. Gốc đa chính cũng là gốc lớn nhất, phải đến 4- 5
thanh niên lực lưỡng ôm mới xuể. 12 gốc còn lại trổ ra khắp xung quanh
gốc chính. Những rễ đa trổ sau gốc chính, to đến 2- 3 người ôm. Những
chạc đa nối liền từ rễ này sang rễ khác có đường kính chừng gần một mét,
đan xen vào nhau như một mạng nhện khổng lồ chắc chắn. Hai rễ được trổ
ngay cạnh gốc chính cũng lớn vài người ôm, trông như hai cột cửa khổng
lồ che chắn cho ngôi miếu nhỏ nằm lọt thỏm bên trong.
Cụ
Phạm Đức Lễ, năm nay đã ngoài 80 tuổi, người gốc làng Trại kể: Cây đa
13 gốc gắn bó, thân thuộc với người dân địa phương từ nhiều đời nay. Xưa
kia, nơi đây vốn là một làng quê nghèo sống bằng nghề làm ruộng. Cây đa
khổng lồ nằm ngay ở đầu làng với tán cây xòe rộng, quanh năm mát mẻ nên
đã thành chốn nghỉ chân của người dân mỗi khi đi làm đồng về. Xưa kia,
dưới gốc cây đa chỉ có một ngôi miếu nhỏ bằng tranh tre. Các cụ bô lão
trong làng bảo đó là ngôi miếu thờ đức Thổ Vượng, người có công giúp dân
làng khai hoang lập ấp xưa. Dân làng Trại còn bảo nơi đây xưa có người
ăn mày xấu số đói lả mà chết dưới gốc cây. Vì thế, từ nhiều đời nay, như
một lệ bất bất thành văn, vào những ngày rằm, mùng một dân làng thường
ra gốc đa khấn cầu may mắn. Cây đa 13 gốc cứ thế mà lưu truyền khắp
trong dân gian nơi phố cảng Hải Phòng như
một cây đa thiêng khổng lồ. Đây có lẽ là cây đa cổ thụ khổng lồ trổ
nhiều gốc nhất nước ta hiện nay, lớn hơn cả cây đa 9 gốc trên đỉnh Thạch
Bàn thuộc dãy núi Tam Đảo hùng vĩ.
Cây đa nghìn tuổi?!
Nơi
đây xưa kia cỏ mọc rậm rạp, ngay cạnh gốc đa là bờ ao cây cối um tùm.
Các cụ già thuộc hàng bô lão trong làng bây giờ vẫn nhớ như in những
ngày còn nhỏ, thường ít dám qua lại chơi đùa ở chốn cây đa khổng lồ đượm
không khí linh thiêng này. Không mấy ai biết cây đa có tự bao giờ, đời
cha, đời ông các cụ cũng không hề biết?! Cụ Phạm Đức Lễ, năm nay đã
ngoài 80 tuổi, người đầu tiên "dám" mở cửa hàng bán đồ vàng mã phục vụ
khách hành hương ngay cạnh gốc đa khổng lồ cho biết: "Từ lúc nhỏ tôi đã
thấy cây đa như thế này, tôi cũng không nghe bố tôi hay ông nội tôi kể
về thời điểm có cây đa. Các cụ cũng chỉ biết cây có từ lâu lắm rồi, lúc
còn để tóc trái đào cởi trần chăn trâu đã thấy có".
Cây
đa 13 gốc bây giờ trở thành danh thắng nổi tiếng, thu hút đông đảo
khách thập phương đến thăm thú, hành hương. Hai rễ trổ ngay cạnh gốc
chính sau hàng trăm năm đã trở thành gốc lớn vài người ôm mới hết, bao
trọn lấy ngôi miếu nhỏ nằm lọt thỏm phía trong. Nhiều cụ bô lão trong
làng thì bảo đó là ngôi miếu cổ thờ đức Thổ Vượng nhưng trong dân gian
lại có dòng lưu truyền rằng ngôi miếu thờ bà chúa Năm Phương. Chị Đỗ Thị
Nhinh, người An Lão, Hải Phòng kể:
"Trước đây có miếu thờ bà chúa Năm Phương ở vườn hoa chéo nhưng khi
miếu đó không còn thì sau này mọi người đều đến đây để thờ phụng bà".
Cụ
bà Nguyễn Thị Viên năm nay 80 tuổi, người gốc làng Trại thì bảo, ngôi
miếu nằm lọt trong lòng gốc đa này có từ lâu lắm rồi, miếu hiện được giữ
nguyên như xưa, người ta chỉ tôn tạo và sửa chữa phía ngoài tạo thành
nơi ngồi nghỉ cho khách thập phương thôi. Dường như bất kỳ vị khách thập
phương nào đến nơi đây cũng đều phải trầm trồ trước sự hùng vĩ của cây
đa khổng lồ 13 gốc. Những cái rễ lớn của cây đa rủ xuống ôm trọn lấy
ngôi miếu cổ ở trong như một mái đình trời tự nhiên. Theo các cụ bô lão
trong làng đoán chừng thì cây đa có lẽ đến 1.000 tuổi.
Sức sống mãnh liệt
Sức sống mãnh liệt
Chẳng hiểu do thổ nhưỡng hay do khí biển nơi đất cảng mà
cây đa 13 gốc có sức sống vô cùng mãnh liệt. Nhiều cây đa cổ thụ nổi
tiếng ở các vùng đất khác như cây đa Thổ Hà, cây đa Đình Bảng, cây đa ở
thành Cổ Loa xưa đều đã bị bật gốc hoặc bom đạn chiến tranh tàn phá.
Nhưng cây đa 13 gốc này trải qua hàng trăm năm mưa gió bão bùng, bom đạn
khói lửa... vẫn hiên ngang đầy sức sống.
Chị Phạm Thị Hoa, người dân làng Trại thì kể: "Bao nhiêu trận bão lớn đổ về Hải Phòng,
cây cối nhiều chỗ đổ gãy cả mà riêng cây đa 13 gốc này không bao giờ bị
gãy. Chỉ thi thoảng có cành đa lâu ngày bị mục mới tự gãy xuống. Trong
những năm chiến tranh tàn phá nhiều nơi trong thành phố, nhưng cây
đa 13 gốc vẫn nguyên vẹn. Cây chưa bao giờ bị sâu bệnh, bị tàn phá bởi
bất kỳ nguyên nhân gì".
Làng
Trại xưa bây giờ đã trở thành phường Bạch Đằng đông đúc dân cư, tấp nập
khách hành hương, khách thăm quan danh thắng cây đa 13 gốc. Xác định
được cây đa là cây cổ thụ quý, Ban quản lý danh thắng đã lập hẳn tấm bia
vinh danh cảnh quan cây đa 13 gốc và đặt ngay dưới gốc chính khổng lồ
của cây. Hiện địa phương đang làm hồ sơ đề nghị Hội Bảo vệ thiên nhiên
và môi trường Việt Nam công nhận cây đa 13 gốc là cây di sản Việt Nam.
Tuy còn đang "chờ" được vinh danh là cây di sản Việt Nam nhưng dường như
bất kỳ vị khách nào tới nơi đây chiêm bái đều sững sờ trước sự hùng vĩ
của cây đa khổng lồ 13 gốc. Không khí yên bình, tĩnh lặng nhuốm màu linh
thiêng dường như luôn bao trùm cả không gian nơi đây. Những tán lá đa
hàng trăm năm nay vẫn cứ tỏa bóng rợp mát trên cả khu đất rộng lớn.
Những gốc đa khổng lồ tạo thành những cột lớn nằm vắt vẻo lưng chừng
không khiến cả khu vực này nhuốm một màu yên bình, tĩnh lặng khó tả.
Đa
là một loài cây thuộc họ dâu tằm, nó có thể phát triển thành loài cây
khổng lồ mà tán của nó che phủ đến một vài nghìn mét vuông. Đa có phương
thức sinh trưởng không bình thường. Chúng là loài cây lớn mà thông
thường bắt đầu sự sống như là loại cây biểu sinh trồng từ hạt trên các
loại cây khác (hoặc trên các công trình kiến trúc như nhà cửa, cầu cống)
do các loài chim ăn quả phân tán hạt. Cây trồng từ hạt nhanh chóng phát
triển các rễ khí từ các cành cây và các rễ khí này sẽ phát triển thành
thân cây thực thụ khi chúng chạm tới mặt đất. Cây chủ cuối cùng sẽ bị
bóp nghẹt hay bị phân chia ra bởi sự phát triển nhanh của cây đa. Đặc
trưng này cho phép một cây lan tỏa trên một diện tích rộng. Cây đa lớn
nhất còn sống tại Pune (Ấn Độ) có đường kính tán tới 800 m xung quanh
thân chính của nó.