TỪ THUỐC BẮC, THUỐC NAM, THUỐC DÂN TỘC... ĐẾN DƯỢC THẢO
MAI THANH TRUYẾT
Mời quí độc giả đọc một
bài viết rất hay của Tiến sĩ Mai Thanh Truyết.
Nguyễn Văn Đức
Những danh từ dùng cho tựa đề của
bài viết nầy đều có cùng chung một định nghĩa và ứng dụng tùy theo không gian và
thời gian. Thuốc Bắc ở Việt Nam dùng để chỉ các loại thuốc dùng cây, lá, rễ, củ,
hột, v.v., đã được biến chế do một Đông y sĩ người Trung Quốc khám bịnh và cho
toa. Còn thuốc Nam, tương tự như thuốc Bắc, nhưng do một Đông y sĩ người Việt
Nam đảm nhận. Các loại cây lá được biến chế trong thuốc Nam tương đối đơn giản
như phơi khô hoặc sấy khô, và cân lượng cũng không có yêu cầu chính xác như một
nắm lá khô, một muỗng bột rễ cây, ... thay vì một chỉ, ba ly, … như ở thuốc Bắc.
Người được chẩn bịnh sau khi nhận
thuốc xong, mang về nấu trong một cái nồi đất với (thông thường) ba chén nước và
đun sôi. Khi nước “xắc” lại còn tám phân, bịnh nhân “chắt” nước ra, để nguội và
uống. Một thang thuốc có thể uống được nhiều lần, thường là hai lần.
Thuốc dân tộc chỉ được dân miền
Nam nghe đến kể từ sau 30 tháng tư năm 1975 do miền Bắc xâm nhập vào. Thuốc dân
tộc không cần có Đông y sĩ chẩn mạch như thuốc Bắc và thuốc Nam. Thuốc đã được
bào chế sẵn cũng như được “nhà nước’ công bố công dụng của từng loại cây, lá,
hay củ, ... dùng để chữa trị một bịnh nào đó. Và dân chúng cứ thế mà dùng, cho
dù có hiệu nghiệm hay không. Nếu chúng ta đã từng sống trong xã hội Việt Nam
khoảng năm năm đầu sau khi nước nhà được “thống nhất”, chắc ai cũng còn nhớ cây
xuyên tâm liên. Thực sự, người viết chưa từng thấy cây nầy cũng như cung cách
chữa trị như thế nào, và trị bịnh gì? Nhưng, trong giai đoạn trên, mỗi lần đi
khám bịnh ở phòng y tế phường hay xã, đều được cán bộ chữa trị bằng xuyên tâm
liên. Người viết cũng đã từng nghe nhiều câu chuyện kỳ thú về xuyên tâm liên do
một anh bộ đội vượt Trường sơn kể như sau: “Nếu vợ chồng không có con trong một
thời gian dài, đôi vợ chồng nầy sẽ được cán bộ hướng dẫn là mỗi khi “ăn nằm” với
nhau, chỉ cần cột một dây xuyên tâm liên qua bụng người vợ. Thế là sẽ có con sau
đó ngay!”.
Còn câu chuyện dài dược thảo ở Hoa
Kỳ thể hiện “tính khoa học” còn cao hơn nữa, nhất là trong cộng đồng Việt Nam.
Các Đông y sĩ ở đây, nói chung đều mang (được mang, hay tự mang) những danh hiệu
rất oai là Bác sĩ Đông y (Oriental Doctor – OD) hay Tiến sĩ Đông Y (Ph.D of
Oriental Medicine), cũng như nhiều danh xưng nổ khác nữa. Thật ra, ở đây cũng
căn cứ vào rễ, thân, củ, lá, hột như thuốc Bắc và thuốc Nam; tất cả được chế
biến có tính cách hoàn chỉnh hơn dược thuốc Bắc và thuốc Nam, gần giống như các
loại thuốc của y khoa hiện đại như dạng bột, viên, hay viên bọc nhựa, nước, hay
dạng thuốc tể, v.v..
Trong phần trình bày sau đây,
chúng tôi sẽ bàn về định nghĩa, nguồn gốc, cách dùng và những vấn nạn có thể xảy
ra sau khi dùng thuốc dược thảo. Danh từ “thuốc” dùng ở đây để chỉ tất cả các
loại cây, cỏ, rễ, thân, lá, củ, hột, … chứ không nói đến những hóa chất khác
được gian thương cho thêm vào để làm tăng một vài đặc tính trị liệu mà không cần
lưu tâm đến những di hại về sau, như arsenic, đồng, chì, thủy ngân, selenium,
thậm chí vàng (gold) nữa.
Nguồn Gốc Và Định Nghĩa Dược
Thảo
Theo quan điểm của các nhà khoa
học Hoa Kỳ, khoa dược thảo chỉ có thể được xem như là một phương cách trị liệu
bổ túc (complementary therapy), chuyên dùng các loại cây hay hóa chất ly trích
từ cây. Do đó, đây là một ngành y khoa riêng biệt đặt trọng tâm chữa trị bằng
cây cỏ có trong thiên nhiên. Và danh từ herbalism dùng để chỉ hệ phái dùng cây
cỏ để trị liệu hầu hết các bịnh gần giống như tất cả những bịnh liệt kê trong
ngành y khoa hiện đại.
Nguồn gốc của ngành y khoa dược
thảo được xem như xuất hiện từ khi có sự hiện diện của con người trên quả địa
cầu. Và nếu đi xa hơn nữa, nguồn gốc nầy đã có trước khi loài người xuất hiện
(qua sự tiến hóa từ khỉ). Giống khỉ Chimpanzees đã biết ăn một loại lá cây đặc
biệt để diệt các ấu trùng trong bao tử. Loài nai đã biết truy tìm các lá dùng để
kích thích tâm thần (psycho-active). Một số thú vật khác cũng đã biết tìm đến
nấm như penicillin và các loại nấm chống nấm (antifungals) để trị liệu hay tiêu
diệt các loại bò chét ngoài da. Sau đó, con người mới biết áp dụng trong trị
liệu như những liều thuốc kháng sinh.
Ngành dược thảo đúng nghĩa đã góp
phần không nhỏ vào việc trị liệu bổ túc và song hành với ngành y khoa hiện đại.
Thuốc phiện (morphine) được trích ly từ cây thuốc phiện (poppies), aspirin từ
cây liễu, và digoxin dùng để chữa trị nhịp tim đập không đều đến từ cây đuôi
chồn (foxglove).
Ngành dược thảo không ngừng ở mặt
trị liệu từng bộ phận hay từng bịnh mà còn có “tham vọng” chữa trị toàn cơ thể
con người, và “khuyến khích” cơ thể tự “hoàn chỉnh” hay điều chỉnh qua thuốc cây
cỏ. Các nhà chuyên môn của ngành nầy nghĩ rằng, những hóa chất trong một tập hợp
cây cỏ sẽ làm cân bằng cơ thể và tạo nên những phản ứng hỗ tương để chữa trị
toàn thể con người.
Có thể nói ngành y khoa cây cỏ
ngày nay phát triển rất nhanh trên toàn thế giới. Mức tiêu thụ ước tính khoảng
23 tỷ Mỹ kim trong năm 2004 căn cứ vào báo cáo của cuộc triển lãm quốc tế lần
thứ hai về dược thảo. Hiện tại, có khoảng 34% người Hoa Kỳ lớn tuổi đã hơn một
lần viếng các Bác sĩ Đông y dược vào năm 1990.
Vấn Đề An Toàn Của Dược Thảo
Có một khái niệm hết sức thông
thường và tự nguyện của người đời là, dược thảo nghĩa là cây cỏ (herbal), là tự
nhiên (natutal), và là an toàn (safe); vì vậy, dược thảo ao toàn hơn các loại
thuốc bằng hóa chất hay tổng hợp hóa chất do ngành y dược khoa hiện đại bào chế.
Do có suy nghĩ trên, cho nên một
số người Hoa Kỳ và dĩ nhiên, một số không nhỏ người Việt ở hải ngoại vẫn thường
dùng các loại thuốc cây cỏ trong công việc phòng bịnh và trị bịnh. Đối với dược
thảo, các nhà sản xuất không cần phải khai báo với Cơ quan Thực phẩm và Dược
phẩm (FDA) về cơ cấu của thuốc, cũng như tính hiệu nghiệm, cùng phản ứng phụ, và
mức an toàn của thuốc đặc chế. FDA cũng không đòi hỏi thông tin cần được liệt kê
trên nhãn hiệu của các lọ thuốc. Do đó, kết quả dù tích cực hay tiêu cực, hay
ảnh hưởng dài hạn lên cơ thể hoàn toàn không được biết đến và cũng không có một
cuộc nghiên cứu dài hạn nào để thẩm định mức an toàn của thuốc.
Thí dụ như nước trích từ cây nhàu
(gingko biloba) đã đưộc quảng cáo rầm rộ trong cộng đồng Việt Nam trước đây, và
hiện nay vẫn còn lai rai, là có khả năng trị bá bịnh. Có mấy ai biết được, qua
nghiên cứu khoa học, phản ứng của thuốc nầy có thể gây ra hiện tượng chảy máu
bên trong cơ thể, và có thể gây ra phản ứng với các yếu tố làm chống đông máu có
sẵn trong máu của con người.
Mặc dù Luật Dietary Supplement
Health & Education Act năm 1994 cho phép các loại thuốc thực vật trên được ghi
trong nhãn hiệu hướng dẫn cách dùng và tính hiệu nghiệm của thuốc, nhưng trên
thực tế ngoài thị trường, các nhãn hiệu trên hoàn toàn không ghi rõ về cách định
bịnh, chữa trị hay phòng bịnh gì cả!
Thêm một điều nữa là dược thảo
không bị đòi hỏi phải cung cấp tỷ lệ các thành phần hóa học cấu tạo ra thuốc,
cũng như tính tinh khiết (purity) như các loại thuốc dành cho ngành y khoa hiện
đại. Do đó hiệu quả của cùng một loại thuốc, cùng một nhãn hiệu có thể không
giống nhau vì do những tạp chất có trong thuốc thay đổi trong lúc sản xuất như
phấn hoa, chất gây dị ứng cho cơ thể, bào tử của hoa, v.v.. Và tỷ lệ khác biệt
nầy có thể thay đổi tính hiệu nghiệm của thuốc, đôi khi gây ra những phản ứng
bất lợi cho bịnh nhân.
Do đó, mặc dù một số dược thảo có
thể trợ giúp giải quyết một số bịnh của con người, nhưng điều đó không có nghĩa
là dược thảo đạt được mức an tòan. Theo khuyến cáo của ngành y dược khoa tân
tiến, phụ nữ đang mang thai không nên dùng dược thảo vì có thể có phản ứng bất
ngờ và có thể bị trụy thai.
Đối với các loại thuốc trong ngành
dược khoa, dựa vào hóa chất tổng hợp hay một số trích ly từ cây cỏ, hay nấm
trong thiên nhiên, nhưng các thuốc nầy đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, với cân
lượng chính xác, và được thí nghiệm lên thú vật hay con người trong một thời
gian dài trước khi tung ra thị trường. Và dĩ nhiên, những thuốc trên cũng có thể
có những phản ứng phụ hay phản ứng khi dùng nhiều loại thuốc khác nhau trong
cùng một thời điểm. Điều nầy cũng đã được liệt kê trên nhãn thuốc hay được bác
sĩ khám bịnh khuyến cáo và lưu ý bịnh nhân khi kê toa.
Tuy nhiên, điều trên đây không xảy
ra đối với dược thảo về các điều kiện bào chế thuốc. Hiện tại, hầu hết các sản
phẩm dược thảo đều nằm ngoài tầm kiểm soát của những luật lệ quy định cho ngành
y khoa. Điều đó có nghĩa là không có gì bảo đảm cho sự hiệu nghiệm của thuốc,
cũng như thành phần cùng cân lượng của những chất hoá học cấu tạo ra thuốc. Ngay
cả nhà bào chế thuốc cũng không đạt được tính chính thống của ngành, mỗi nhà bào
chế (sản xuất) theo từng trường phái dược thảo khác nhau. Thí dụ thuốc nhàu của
nhà bào chế A sẽ khác thuốc của của nhà bào chế B. Một thí dụ khác điển hình là
nếu bạn bị bịnh về tim, bị đau ngực do hẹp tắc các động mạch vành tim (angina),
cao áp huyết, hay bịnh cao áp suất mắt (glaucoma), một số dược thảo dùng để trị
liệu các chứng bịnh kể trên sẽ đưa đến những phản ứng có thể làm chết người đối
với bịnh nhân bị tiểu đường loại I hay bị chứng phong giựt (epilepsy). Thêm nữa,
các dược thảo quảng cáo cho những bà mãn kinh nguyệt và hay bị chứng nóng mặt
(hot flashes) là các loại cỏ và rễ của cây Black Cohosh, Black Snake, Bugwort,
Rattle weed. Thực sự nếu dùng các loại dược thảo kể trên, các bà có thể giảm
chứng nóng mặt lúc ban đầu nhưng hậu quả sẽ phải trả là một giá rất đắt, đó là
bịnh ung thư. Nên nhớ, nếu không dùng thuốc chi cả, chứng nóng mặt sẽ biến mất
sau một thời gian.
Từ những nhận định trên, câu hỏi
được đặt ra là, chúng ta có nên dùng dược thảo không?
Hiệu Năng Của Dược Thảo
Đối với ngành y dược khoa, một
thuốc mới sắp ra sẽ phải được kiểm chứng qua nhiều giai đọan như vừa kể trên,
điều đó không những bảo đảm được tính hiệu nghiệm và an tòan của thuốc, mà còn
đi xa hơn nữa là liệu thuốc mới vừa được tung ra thị trường có an tòan hơn
(safer), và hiệu nghiệm hơn không khi so sánh với các loại thuốc đã sản xuất
trước kia và có cùng một mục đích trị liệu.
Nhưng đối với dược thảo, hoàn toàn
không có một nghiên cứu nào cả mà chỉ dựa vào cảm tính (intuition) nhiều hơn. Do
đó, nhiều khi bịnh nhân phải trả một chi phí cao cho dược thảo mà không nhận
được kết quả trị liệu nào cả, không kể đến những phản ứng phụ có thể xảy ra.
Để trả lời câu hỏi trên, quan điểm
của một số nhà y dược học là:
- Một số dược thảo được xem như là
một loại thức ăn bổ túc (food additive) như các loại sinh tố thiên nhiên và vô
hại cùng những loại muối khoáng, cũng như không ảnh hưởng và phản ứng phụ cho
người tiêu dùng.
- Ủy ban An toàn Y khoa (Committee
on Safety of Medicine) khuyến cáo bịnh nhân cần phải tham khảo với bác sĩ về các
loại dược thảo đang dùng trước khi được giải phẫu, vì có rất nhiều loại dược
thảo dị ứng với hóa chất gây mê, chống đông máu, và những thuốc xử dụng trong và
sau khi giải phẩu.
- Còn Viện Quốc gia Những Nhà Sưu
tầm Dược thảo (National Institute of Medical Herbalists) khuyến cáo nhà dược
thảo cần phải theo dõi từ ba đến năm năm ảnh hưởng lên con người của dược thảo
đã được bào chế trước khi tung ra thị trường.
Vì những lý do trên cùng những hạn
chế thông tin về dược thảo, lời khuyên hay nhất cho người xử dụng dược thảo là
cần phải tham khảo bác sĩ gia đình và những bác sĩ chuyên môn về dược thảo
(herbal practictioner) trước khi dùng.
Cũng cần nên tham vấn nhà dược
thảo trị liệu để họ có thể hiểu rõ hơn điều kiện sức khoẻ tổng quát của bịnh
nhân, cùng các loại thuốc đã hay đang xử dụng, cuộc sống thường nhật của bịnh
nhân và lịch sử về sức khoẻ gia đình. Và sau một thời gian trị liệu bằng dược
thảo, bịnh nhân cần phải đến tham khảo thêm để có thể chận đứng được những phản
ứng phụ kịp lúc nếu có.
Sau cùng, Viện Sức khoẻ Quốc gia
(National Institute of Health) có một mạng lưới tập trung về những nghiên cứu
liên quan đến dược thảo cũng cần được tham khảo thêm qua Trung tâm Quốc gia về Y
khoa Bổ túc và Tương ứng (National Center for Complementary & Alternative
Medicine).
Thay Lời Kết
Ngày hôm nay, ngoài những bữa ăn
chính, nhiều người cần phải có thức ăn dinh dưỡng bổ túc (dietary supplements)
tùy theo điều kiện sức khỏe của cơ thể cả về vật chất lẫn tâm sinh lý. Do đó, xử
dụng dược thảo cũng phụ giúp một phần nào trong việc trị liệu với điều kiện là
bịnh nhân cũng như người chẩn đoán bịnh và cho thuốc cần hiểu rõ căn bịnh và nhu
cầu cần phải có dược thảo bổ túc thêm cho việc trị liệu.
Ngành dược thảo ở đây hoàn toàn độc lập, và hoàn
toàn tùy thuộc vào người bào chế .. và hầu như những nhà bào chế .. là
những cá nhân hoạt động riêng rẽ, không nơi nào giống nơi nào.
Qua truyền thông như phát thanh,
báo chí, truyền hình .. chúng ta hàng ngày nghe ra rả những quảng cáo rất
nhiều loại thuốc dược thảo dùng để trị liệu nhiều bịnh khác nhau, cũng như trị
“bá bịnh”. Nhiều khi cùng một nguồn gốc dược thảo, những nhà bào chế đã trình
bày những phương cách trị liệu và liều lượng khác nhau. Chúng ta dễ dàng kiểm
chứng điều nầy qua các quảng cáo về thuốc nhàu Noni, thuốc cây lô hội, v.v..
Thậm chí, có những nhà bào chế
không biết lấy từ nguồn nguyên liệu nào gọi là sữa ong chúa rồi chia ra thành lọ
thuốc mang những con số vô tình khác nhau như: 7, 9,14, 26, v.v., để trị bách
bịnh hay bá bịnh. Giả sử như sũa ong chúa có tính chất trị bá bịnh đúng như
quảng cáo, mỗi người trong chúng ta thử đặt một câu hỏi nhỏ cho nhà bào chế nầy
là, làm thế nào để có đủ lượng sữa ong chúa để sản xuất hàng trăm ngàn chai lọ
thuốc như trên? Nên nhớ, mỗi tổ ong chỉ có một con ong chúa và khả năng chứa sữa
(?) của một con ong chúa không đạt được 0.05 cc, tức nhỏ hơn một giọt nước.
Người viết không rõ người bào chế định nghĩa chữ “sữa” như thế nào, nhưng qua
tài liệu tham khảo đọc được, Honey Bee Venom, tức là nọc của loài ong mật có thể
trị được chứng đau cơ sơ hóa tức là Fibromyalgia mà thôi!
Nên nhớ, ảnh hưởng và các phản ứng phụ khi dùng hoá chất không
đúng cách có trong dược thảo sẽ diễn ra sau vài thập niên xử dụng chứ không phải
là một ảnh hưởng tức khắc.
Khẩn mong quý bà con lưu ý đến
những điều trình bày trên đây.
Mai Thanh
Truyết