Wednesday, July 2, 2014

ANGKOR KÝ SỰ - KỲ 1 ( Trịnh Ngọc Thủy )




Từ khi được đọc cuốn sách Đế Thiên Đế Thích khi vừa tròn 13 tuổi, tôi đã ao ước được đặt chân đến Đế Thiên Đế Thích (Angkor). Đó là di sản văn hóa tồn tại ở đất nước Cambodia và đã yên ngũ trong rừng thiêng qua nhiều ngàn năm, trước khi được khám phá vào năm 1860. Thêm vào đó huyện Lịch Hội Thượng - Sóc Trăng nơi tôi được sinh ra đa số dân là người Khmer và Hoa, bà vú nuôi tôi cũng là người Khmer cho nên mong muốn có ngày đặt chân đến Angkor huyền bí lúc nào cũng ở trong lòng tôi.



Ngôn ngữ Khmer là ngôn ngữ cổ lâu đời nhất trên lục địa Đông Nam Á, thuộc hệ Môn-Khmer. Tiếng Việt ngày nay cho thấy có dựa trên Ngôn ngữ Khmer. Ngôn ngữ Môn-Khmer có ở Miến Điện, Thái Lan, Cambodia và cả cao nguyên Việt Nam. Một số nơi ở Ấn-Độ còn có các sắc dân thiểu số nói tiếng thuộc ngôn ngữ Môn-Khmer. Các cư dân của những bộ lạc cổ còn sót trên đảo Nicobar và Aldaman ở Ấn Độ dương cũng cùng thuộc hệ ngôn ngữ Khmer. Như vậy Môn-Khmer là có thể là ngôn ngữ của dân cổ nhất Đông Nam Á.



Nhân chuyến trở về thăm quê hương Việt Nam vào năm 2004 và 2011 tôi đã thực hiện hai chuyến viếng thăm Angkor. Dù chỉ cách nhau 7 năm nhưng tốc độ phát triển của đất nước Cambodia quả thật có rất nhiều sự khác biệt. Tuy nhiên Angkor vẫn như thế với dáng vẽ đầy huyền bí trơ gan cùng thời gian.



Bước sang thế kỷ 21, Cambodia đã thay đổi rất nhiều so với những năm đen tối khi Khmer Đỏ nắm quyền và đã là một cản trở cho bước tiến đất nước Cambodia. Angkor đã trở thành nơi du lịch văn hóa thu hút du khách nước ngoài. Phi trường Siem Reap được Pháp giúp đỡ trở thành một phi cảng quốc tế hiện đại cách cửa ngỏ đến quần thể Angkor ở Siem Reap chỉ vài cây số.



Từ Sài Gòn mỗi ngày đều có chuyến bay và xe đi Phnom Penh hoặc Siem Reap. Còn đi theo đường tàu thì du khách có thể đi từ Cần Thơ hay Châu Đốc đến Phnom Penh rồi sau đó đi Siem Reap. Ngày nay các dịch vụ du lịch ở nhiều nơi ở Việt Nam đều có chương trình đi qua Cambodia, trong khi vào năm 2004 thì các dịch vụ nầy chưa có thịnh hành lắm. Do đó nhóm chúng tôi phải đi tự túc.



Chuyến đi vào năm 2004 tôi đã đăng ký xe bus đi Phnom Penh ở dịch vụ du lịch Sinh Cafe tại đường Phạm Ngũ Lão. Lúc 7 giờ sáng xe khởi hành và trên xe có người Khmer làm ăn ở Thành phố Hồ Chí Minh trở về Cambodia và rất nhiều du khách “Tây ba lô” . Xe có máy lạnh nhưng đến cử khẩu biên giới Mộc Bài (lúc ấy đang xây dựng) thì mọi người đều xuống xe đến hải quan làm thủ tục xuất cảnh. Tại cổng lớn nơi có hải quan Cambodia làm thủ tục nhập cảnh và cấp thị thực tại chổ.



Sau khi qua cửa khẩu xuất cảnh phía bên Việt Nam, khách phải đi bộ một đoạn đường đất để đến cổng biên giới phía Cambodia. Trên con đường đất lổm chổm đá, xung quanh không bóng người hay cây cối và dưới ánh nắng gay gắt đến phỏng người, có các em trai người Kmer độ từ 16-17 tuổi chạy theo xin vác giúp hành lý để qua biên giới. Chuyện nầy làm tôi nhớ lại cảnh đi vượt biên của nhiều năm trước.



Vào Cambodia, chúng tôi chuyển qua xe khách phía Cambodia của công ty Capitol Tours. Đường đi từ Mộc Bài đến Phnom Penh khác với đường từ Saigon, rất xấu và ghồ ghề.



Trong khi vào năm 2011 tôi đăng ký đi tour với công ty du lịch Sapaco tại Sài Gòn, lúc ấy cửa khẩu Mộc Bài đã hoàn thành và phương tiện di chuyển của chuyến đi bằng xe bus lớn đời mới nên cuộc hành trình tốt đẹp hơn rất nhiều, và đường xá bên Cambodia đã hoàn toàn đổi khác rất thuận tiện.



Hành trình cả 2 chuyến có phần giống nhau nhưng lần thứ hai thì do đất nước Cambodia đã phát triển, cho nên  các khách sạn, nhà hàng  lớn mọc khắp nơi so với năm 2004. Vì thế trong lần thứ nhất thì tôi vất vả hơn nhiều. Tuy nhiên cả 2 chuyến vẫn cùng dừng chân ở một trạm nghĩ trong một quán dọc đường, ngồi uống nước với khung cảnh không khác chi trên nhiều nẻo đường ở Việt Nam. Ngoại trừ hình ảnh các cây thốt nốt và người dân Khmer và khi nhìn thấy hàng bày bán, tôi mới giật mình vì hàng là các con nhện và bò cạp rất to chiên để ăn. Tuy nhiên tôi không dám thử! Khoảng 3 giờ chiều thì xe đến ngoại ô Phnom Penh, qua khỏi cầu Monivong là vào trung tâm thành phố Phnom Penh.



Trong bài nầy tôi xin tường thuật về lần đi thứ nhất. Xe vào Cambodia thì đậu ở nhà khách của công ty xe khách Capitol Tours. Nhóm chúng tôi nghĩ tại nhà khách Nice Guesthouse, bên cạnh nhà khách Capitol Tours trên đường 107 và gần toà đại sứ Đức trên đại lộ chính Monivong. Khu vực này là tụ điểm du lịch giống như khu Phạm Ngũ Lảo ở Saigon.



Phnom Penh sầm uất, cũng giống Saigon là rất nhiều xe gắn máy. Buổi tối sau khi nghĩ mệt, nhóm chúng tôi đi xích lô đến bờ sông Tonle Sap ngay trung tâm thành phố. Ở Phnom Penh còn có rất nhiều người Việt sinh sống, dọc bờ sông Tonle Sap là con đường Sisowat Quay với quang cảnh rất thơ mộng. Bây giờ là tháng giêng nên lượng nước sông Tonle Sap rút xuống thấp và hướng nước chảy từ biển hồ Tonle Sap về sông Cửu Long rồi xuống biển đông của miền nam Việt Nam. Lúc nước lớn, hướng nước từ sông Cửu Long và Bassac chảy ngược về biển hồ. Thành phố Phnom Penh nằm ở giao điểm của 3 con sông Tonle Sap, sông Bassac và sông Cửu Long. Tương truyền thành phố được thành lập do một bà tên Penh xây một chùa trên một đồi nhỏ (phnom) thờ 4 tượng phật vàng vì bà đã tìm thấy lúc mùa nước dâng ngập từ sông trôi vào một cây gổ bên trong có chứa 4 tượng trên. Hiện nay chùa Wat Phnom vẩn còn và là địa điểm nhiều du khách cùng người dân đến thăm viếng và cúng bái. Trong Wat Phnom có tượng thần tài Preah Chau mà nhiều người Việt và Hoa rất chuộng để thờ cúng.



Vào chiều tối rất nhiều dân thành phố ra phố Sisowat Quay dọc bờ sông để đi dạo. Trên đại lộ Sisowat Quay dọc theo sông là các cung điện, viện bảo tàng, các khách sạn, cửa hàng và nhà hàng rất lịch sự và sang trọng. Toà nhà Câu Lạc bộ Ký giả nước ngoài (Foreign Correspondents Club) nổi tiếng, mô tả trong phim “Cánh đồng chết” (The killing field) cũng nằm trên con đường này. Cảnh trí giống như đường Đồng Khởi và Nguyễn Huệ ở Saigon, nhưng rộng lớn và thanh lịch hơn. Gió mát với cảnh trí thanh bình không như những ngày biến động đen tối đã qua trong quá khứ của Cambodia.


Trong các quán ăn, nhà hàng có rất nhiều du khách từ nhiều nước. Gần đến khuya, chúng tôi đón xe xích lô trở về khách sạn. Ban đêm gió mát từ sông, cảnh phố xá vắng lặng và các con đường dưới hàng cây với ánh đèn yếu ớt hắt xuống đường đã vắng bóng người. Đã làm cho tôi suy nghĩ về đất nước Cambodia vào những năm mà Khmer đỏ nắm chính quyền. 



Sau khi ở lại Phnom Penh một đêm, sáng hôm sau chúng tôi đăng ký đi Siem Reap. Từ Phnom Penh đi Siem Rep có ba phương tiện chính: đường bộ bằng xe khách, tàu và phi cơ. Có thể đi Siem Rep bằng xe lửa nhưng phương tiện này không bảo đảm đúng giờ và an toàn. Đi bằng tàu thủy (trượt nước) nhanh và thoải mái hơn đi bằng xe khách. Sáng hôm đó, vé đi tàu đã bán hết và chúng tôi phải đi xe tour đăng ký từ các nhà khách.



Tỉnh Siem Reap là tỉnh giàu nhất Cambodia với nền kinh tế chính là dựa vào du lịch: trọng điểm là quần thể di sản thế giới Angkor. Siem Reap có phi trường rất hiện đại và có các đường bay quốc tế đến thẳng trực tiếp từ nhiều năm trước đây. Đối với người dân Khmer thì Angkor là tượng trưng cho nền văn minh rực rỡ của họ. Họ rất tự hào là dân tộc họ đã tạo lập ra Angkor.



Chiều thì xe đến Siem Reap, nhóm chúng tôi ở một nhà khách gần chợ. Sau khi tắm rửa, chúng tôi đi dạo quanh gần nhà khách. Thành phố Siem Reap rất nhỏ, nhưng hiện nay đang nở rộ mọc ra đủ loại khách sạn và các nhà khách (guest houses). Các nhà hàng và các tụ điểm Internet cafe rất hiện đại. Du khách đến nhiều nhất là các du khách trẻ Tây ba lô (backpackers). Ở Siem Reap có những địa điểm massage của người khuyến tật (mù).


Sáng hôm sau, chúng tôi đi đến trụ sở dịch vụ Tour Angkor để đi thăm quan quần thể Angkor. Quần thể Angkor rất lớn rộng khoảng 420 km2, trong đó có nhiều đền, cung điện. Vì thế chúng tôi thuê bao xe nguyên ngày để thăm quan. Một số khá đông du khách Tây ba lô mướn xe gắn máy hay dùng dịch vụ “xe ôm” để  đi thăm quan, tôi cũng thấy một vài du khách phương tây chạy xe đạp trong những khu rừng ở Angkor. Xe chúng tôi giống như xe lam ở Saigon đã chở chúng tôi và anh hướng dẫn viên.
Angkor là di sản thế giới nên việc trùng tu quần thể Angkor được nhà nước Cambodia, Liên Hiệp quốc và nhiều nước rất quan tâm. Trước khi vào Angkor du khách phải đăng ký ở cửa vào, với thẻ và hình ảnh trên thẻ được chụp tai phòng đợi ở cửa vào quần thể. Lệ phí vào là 20$ US mỗi ngày. Chúng tôi lấy thẻ vào cho 3 ngày, chỉ trả 40$ US. Nếu muốn xem hết các kiến trúc đền, điện trong quần thể Angkor, 3 ngày là tối thiểu để có thể thực hiện được ước vọng đó. Nhiều chính phủ và tổ chức của nhiều nước trên thế giới đã và đang tài trợ giúp đỡ trùng tu nhiều đền trong quần thể Angkor như Nhật, Pháp, Đức, Mỹ, Ấn độ và Trung quốc.



( Còn tiếp )

Trịnh Ngọc Thủy & các bạn cùng nhóm du lịch