Saturday, May 17, 2014

SG VIỄN CHÂU - NS TRÚC PHƯƠNG QUÊ Ở TRÀ VINH ( Kim Chi Sưu Tầm )




SOẠN GIẢ VIỄN CHÂU




THĂM SOẠN GIẢ VIỄN CHÂU ../1:37

  Soạn giả Viễn Châu 

   “Viễn Châu được mệnh danh là ông vua viết lời vọng cổ không chỉ vì ông viết đến hơn 2.000 bài ca, mà còn vì ông đã tạo ra cho những bài vọng cổ của mình một phong cách rất riêng, rất… Viễn Châu.


Dễ ca, dễ nhớ nhưng các bài vọng cổ của ông lại hàm chứa một lượng kiến thức rất sâu rộng, từ dân ca, tục ngữ đến các điển tích xa xưa. Cái hay là ông đưa những kiến thức đó vào trong bài ca một cách rất ngọt” - nhà báo Lê Phước.

Mối duyên nợ với cải lương

Soạn giả Viễn Châu sinh năm 1924, là con thứ sáu trong một gia đình Nho giáo ở xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Tên khai sinh của ông là Huỳnh Trí Bá, theo cách gọi của người miền Nam là Bảy Bá. Thuở còn học ở trường, ông đã mê đờn ca và thường có mặt trong các buổi đờn ca tài tử.




Sự hiểu biết một cách bài bản cải lương là do ông học lóm từ chương trình ca cổ nhạc ở đĩa nhựa và đài phát thanh. Ngoài ra, ông còn được dịp làm quen, học hỏi về đờn ca với nhiều ban nhạc và nghệ sĩ như Văn Võ hí ban, bầu Lúa, bầu Phục, bầu Hùng mỗi khi đến địa phương lưu diễn. Bảy Bá có khiếu viết văn, làm thơ và ham mê âm nhạc. Năm 15 tuổi ông tỏ ra xuất chúng về ngón đàn tranh.

Năm 1943, theo lời rủ rê của người bạn, ông tìm đến Đài phát thanh Sài Gòn xin đờn thử. Nhờ ngón đờn tài hoa, ông được nhận vào ngay. Khi ấy, Bảy Bá có quen với nhạc sĩ Mười Còn, lúc đó đang đờn cho đoàn Việt kịch Năm Châu (NSND Năm Châu). Bất ngờ, trước chuyến lưu diễn ra Hà Nội, nhạc sĩ đàn tranh của đoàn bị bệnh, Bảy Bá được nghệ sĩ Mười Còn kêu vào thế chân. Từ đó, ông có cơ hội tiếp xúc với các nghệ sĩ Năm Châu, Lê Hoài Nở, Trần Hữu Trang, Duy Lân... và bắt đầu học sáng tác.



Vở cải lương đầu tay của Bảy Bá là Hồn chiến sĩ có nội dung chống thực dân Pháp, được viết vào năm 1945 và được tổ chức hát bán vé để góp quỹ kháng chiến. Năm 1946, khi người anh kế bị Pháp bắt và bức tử, để tránh khủng bố, Bảy Bá rời Đôn Châu lên Vĩnh Long tá túc trong nhà một người bạn rồi sau đó phiêu bạt lên Sài Gòn. Ông mưu sinh bằng cách đi đờn cho các đám cưới, đám hỏi, liên hoan… Nhiều khi đi về khuya quá, sợ phá giấc ngủ của bạn nên ông kê cây đờn làm gối ngủ tới sáng ngay ở ngoài hàng ba nhà trọ chớ không gọi cửa. Bút danh “Viễn Châu” với hàm ý xa Đôn Châu được ông lấy trong thời gian này, như một cách nhớ về quê hương, nguồn cội.

Năm 1947, sau khi đi “an trí” ở Cẩm Giang (Tây Ninh), ông viết vở Nát cánh hoa rừng nhằm tố cáo chế độ thực dân Pháp và sự bóc lột của bọn chủ đồn điền Pháp. Đây là vở cải lương đầu tiên của Viễn Châu được trình diễn trên sân khấu đại ban. Kể từ đó, tên tuổi Viễn Châu bắt đầu được giới mộ điệu chú ý. Cũng trong thời gian này, tiếng đờn tranh của Bảy Bá được các hãng đĩa thu thanh và phát hành liên tục. Soạn giả Kiên Giang ca ngợi: “Ngón đờn tranh điêu luyện của anh Bảy Bá như rót vào hồn bài vọng cổ những rung động con tim của người nghệ sĩ đã có nhiều vốn sống”.


Soạn giả Viễn Châu và vợ tại nhà riêng
Soạn giả Viễn Châu và vợ tại nhà riêng

ngoài đoàn Việt kịch Năm Châu, ông còn cộng tác với nhiều đoàn hát tên tuổi thời ấy: Kim Thanh Út Trà Ôn, Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Tân Hoa Lan. Sau giải phóng, ông cộng tác với Đoàn Văn công thành phố, Hãng băng Sài Gòn Audio… Năm 1984, ông cùng đoàn nghệ thuật 284 lưu diễn ở các nước Tây Âu. Các vở cải lương của ông: Tình mẫu tử, Đời cô Nga, Sau bức màn nhung, Chuyện tình Hàn Mặc Tử, Nợ tình, Hoa Mộc Lan, Hai nụ cười xuân… đã tạo nên những dấu ấn không phai trong lòng khán giả. Đặc biệt, vở Ai điên ai tỉnh đã được báo giới bình chọn là vở cải lương hay nhất ở miền Nam năm 1974.

Người tạo nên tên tuổi cho các nghệ sĩ
Một sáng tác của soạn giả Viễn Châu có ý nghĩa đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật là ghép tân nhạc vào bản vọng cổ mà ông gọi là “Tân cổ giao duyên”. Vào thời hưng thịnh của sân khấu cải lương, có rất nhiều hãng đĩa ra đời, để cạnh tranh nhau, người ta buộc phải suy nghĩ để tìm ra cái mới.

Trên đà phát triển chung đã có rất nhiều người muốn cách tân bài vọng cổ. Soạn giả Viễn Châu cũng không ngoại lệ. Ông cho biết: “Năm 1958, sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi thử đem bài tân nhạc Chàng là ai của anh Nguyễn Hữu Thiết hòa với bài vọng cổ. Tôi mạnh dạn bỏ hai câu 3, 4 vì dễ bị trùng lắp, để đưa tân nhạc vào, tạo thành một bài tân cổ giao duyên hoàn chỉnh. Sau đó, đưa cho hãng đĩa thu âm và phát hành qua tiếng hát cô Lệ Thủy”.

Khi những bài tân cổ giao duyên đầu tiên của Viễn Châu ra đời, ông bị báo chí Sài Gòn thời ấy “đánh” tả tơi vì cho rằng ông đã làm hỏng bài vọng cổ chính thống. Tuy nhiên, Viễn Châu không dao động mà bình tĩnh lắng nghe các ý kiến khen chê rồi quyết định tiếp tục sáng tác, bởi: “Vấn đề là công chúng đã có được một món ăn tinh thần ngon miệng.

Qua sàng lọc của thời gian, tôi đúc kết được, bài tân cổ giao duyên chỉ có thể phù hợp khi chọn ca khúc mang âm hưởng dân ca, gần với chất ngũ cung của âm nhạc cải lương thì mới quyện được”. Thời điểm ấy, NSND Út Trà Ôn thường nói vui: “Anh lì đòn quá, đánh hoài mà hổng chết”. Và nhờ sự “lì đòn” này mà bài tân cổ giao duyên mới tồn tại đến ngày hôm nay.


Soạn giả Viễn Châu và các nghệ sĩ trong đêm diễn tri ân ông tại tỉnh Trà Vinh
Soạn giả Viễn Châu và các nghệ sĩ trong đêm diễn tri ân ông tại tỉnh Trà Vinh

Chính những sáng tác theo kiểu “đo ni đóng giày” của Viễn Châu đã góp phần tạo nên nhiều tên tuổi: Tình anh bán chiếu - Út Trà Ôn, Hoa lan trắng - Út Bạch Lan, Áo tình đắp mộ người yêu - Ngọc Giàu, Tiếng trống tàn canh - Thành Được, Bạch Thu Hà - Lệ Thủy, Tu là cội phúc - Minh Cảnh, Lắng tiếng chuông ngân - Thanh Nga, Hòn vọng phu - Mỹ Châu, Hận Kinh Kha - Tấn Tài, Lòng dạ đàn bà - Minh Vương… NSƯT Ngọc Giàu khẳng định: “Không có Viễn Châu là không có Ngọc Giàu cũng như gần hết các tên tuổi cải lương nổi tiếng của cải lương thời hoàng kim. Hồi tôi mới 12 - 13 tuổi ông đã viết cho tôi bài Áo tình đắp mộ người yêu để tôi thu đĩa và nổi tiếng từ đấy. Nhiều nghệ sĩ khác thời còn con nít như tôi cũng được nổi tiếng nhờ những bài ca đo ni đóng giày…” của chú Bảy. 

Hơn 70 năm gắn bó với sân khấu cải lương, Viễn Châu không chỉ để lại cho đời lượng tác phẩm đồ sộ với hơn 2.000 bản vọng cổ, 70 kịch bản cải lương nổi tiếng mà còn sáng lập ra trường phái vọng cổ hài và những bài tân cổ giao duyên - một thể loại được công chúng yêu mến cho đến ngày hôm nay.


Nói về tài viết vọng cổ thì soạn giả Viễn Châu là người có khả năng “xuất khẩu thành… vọng cổ”. Một lần - khoảng năm 1964, ông đến Hãng đĩa Hồng Hoa chơi thì gặp nghệ sĩ Hữu Phước. Ông giám đốc bèn kêu: “Anh Bảy, có bài vọng cổ nào không, đưa cho Hữu Phước ca, thu đĩa liền!”. Tình thế cấp bách, ông nhận lời viết liền, còn ông Hồng Hoa cho người đi chở nhạc sĩ Văn Vĩ, Năm Cơ - hai người đờn cổ nhạc - và một chuyên viên âm thanh lại.

Khi các danh cầm, chuyên viên âm thanh đến thì ông đã viết xong 3 câu vọng cổ của bài Nhớ mẹ. Hữu Phước lấy vô phòng thu. Khi thu xong ba câu đầu, Hữu Phước trở ra thì ông cũng đã viết xong 3 câu vọng cổ còn lại. Vậy là Nhớ mẹ ra đời và nổi tiếng cho đến giờ!

Trong hơn 2.000 bản vọng cổ của soạn giả Viễn Châu được giới mộ điệu say mê, thật thiếu sót nếu không nhắc đến những bản vọng cổ hài khá sinh động, dí dỏm gắn liền với giọng ca Văn Hường.

Sáng kiến này của soạn giả Viễn Châu đã tạo sự mới mẻ và gây tiếng vang lớn cho thể loại vọng cổ hài hước, đưa Văn Hường trở thành nghệ sĩ vọng cổ hài hước duyên dáng và độc đáo với những bài Đêm tân hôn, Tôi đi làm rể, Ba chàng rể quý, Tư Ếch đi Sài Gòi, Vợ tôi tôi sợ, Văn Hường nể vợ, Tâm sự Văn Hường, Vợ tôi nói tiếng Tây… Cá nhân tôi nghĩ, đây là hiện tượng có một không hai trong làng cổ nhạc, bởi khi nhắc đến vọng cổ, người ta thường nghĩ đến cái gì đó buồn thảm, bi ai. 

Thế nhưng, soạn giả Viễn Châu đã lật ngược suy nghĩ đó. Chính giọng ca nhiều màu sắc của nghệ sĩ Văn Hường đã tạo cảm hứng rất lớn cho soạn giả Viễn Châu và những sáng tác ấy đã đưa tên tuổi Văn Hường đến đỉnh cao vinh quang: “Ông vua hài vọng cổ”. Có lẽ, không quá khi nói, Viễn Châu viết vọng cổ hài chỉ để cho Văn Hường mà thôi. Tôi cứ ám ảnh mãi câu trả lời mà như câu hỏi - một câu hỏi không dễ trả lời - của soạn giả Viễn Châu về lý do ông không viết vọng cổ hài nữa với nhà báo Đỗ Hạnh trên báo SG: “nếu tôi viết vọng cổ hài, ai sẽ ca đây?”

Với nhiều đóng góp to lớn cho cổ nhạc, năm 1988, soạn giả Viễn Châu được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và Nghệ sĩ nhân dân vào năm 2012. Hiện ông đang sống ở một ngôi nhà nhỏ trong một con hẻm thuộc quận 1, đường Trần Hưng Đạo, TP.HCM. Dù đã bước sang tuổi 90 với nhiều bệnh tật của tuổi già nhưng giọng nói của ông vẫn thanh trong, đầu óc vẫn còn rất minh mẫn và các sáng tác của ông vẫn luôn được đón nhận nồng nhiệt. 

Soạn giả Viễn Châu



CỐ NHẠC SĨ TRÚC PHƯƠNG                           

        

Phỏng vấn Nhạc sĩ Trúc Phương /3:08


Trong đời sống và trong tình yêu, người phụ nữ bao giờ cũng chịu nhiều thiệt thòi hơn. Tuy nhiên xưa nay con tạo an bày, đã cho mang lấy kiếp tài hoa thì mệnh bạc cứ thế mà vận vào... chẳng phân biệt nam hay nữ đâu... Cố nhạc sĩ Trúc Phương : người nhạc sĩ tài hoa được mệnh danh là ông vua của thể điệu boléro nhưng tình riêng lại lắm nỗi long đong.
Ngang trái tình đầu
Cố nhạc sĩ Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiện Lộc, ông sinh năm 1933 tại Vĩnh Bình (cũ), nay là huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Mê nhạc từ nhỏ nên ông đã mày mò tự học guitar rồi tập tễnh sáng tác. Do gia cảnh khó khăn, ông chỉ tham gia sinh hoạt văn nghệ tại Ty thông tin tỉnh Vĩnh Bình một thời gian rồi lên Sài Gòn mưu sinh. Theo lời kể của tác giả Hàn Phương, nhạc sĩ có dáng người cao, lưng hơi tôm, dù nhà nghèo nhưng có thói quen ăn mặc rất chỉnh tề. Vĩnh Bình ngày ấy được bao bọc bởi nhiều rặng tre trúc nên khi chọn bút hiệu, chàng trai Nguyễn Thiện Lộc đã lấy hai chữ “Trúc Phương” như một cách hoài nhớ về quê hương.
Nhạc sĩ Trúc Phương đã sống qua thời vàng son, rực rỡ nhất của nền văn nghệ miền Nam với các sáng tác được biết đến từ cuối những năm 50, phổ biến rộng rãi trong những năm 60 qua tiếng hát khàn đục, mộng mị và liêu trai của danh ca Thanh Thúy. Dư âm của những ca khúc ấy còn lan rộng đến ngày hôm nay. Tôi tin, khi cất câu hát: Buồn vào hồn không tên/Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời/Đường phố vắng đêm nao quen một người/Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời... bất cứ người miền Nam nào dù mới thoáng nghe cũng có thể ư ử hát theo được.
Bản Nửa đêm ngoài phố vừa kể trên đã mở đường và định hình phong cách Trúc Phương trong lòng người yêu nhạc. Nó mang âm hưởng cổ nhạc miền Nam, lại thấm thía với nỗi muộn phiền, nhức nhối tim gan của tác giả. Trong các nhạc phẩm của Trúc Phương, người ta thấy thấp thoáng những hy vọng và hiển hiện những chia ly, những mong ngóng, đứt gãy, những cuộc hẹn hò lãng đãng như sương, mỏng manh như khói, những cuộc tình dở dang, ngang trái. Nói là định hình bởi trước Nửa đêm ngoài phố, nhạc sĩ Trúc Phương có viết Chiều làng quê và Tình thắm duyên quê với giai điệu cực kỳ vui tươi, trong sáng. Khởi nguồn cho sự chuyển đổi phong cách sáng tác đột ngột này, có lẽ là do thực tại đời sống đã cứa vào trái tim vốn nhạy cảm, mong manh của chàng trai tuổi vừa đôi mươi những vết thương lòng sâu hoắm. Những ngày đầu đặt chân lên đất Sài Gòn, không tiền bạc, không một ai thân quen, Trúc Phương nhận dạy nhạc cho cô con gái của một gia đình giàu có. Thương hoàn cảnh đơn côi của ông, gia đình ấy đã cho ông trọ lại tại nhà. Cảm thông, rồi dần dần ngưỡng mộ tài năng, trái tim cô con gái của chủ nhà đã rung động trước chàng nhạc sĩ nghèo. Quyết ngăn cản tình yêu của đôi trẻ, ba mẹ của cô gái đã đuổi xua ông đi nơi khác. Ngậm ngùi cho số kiếp nổi trôi, Trúc Phương đành trút tâm sự vào những câu hát đớn đau, sầu tủi.
Duyên kiếp long đong
Sau đó là hàng loạt các bản nhạc như rút tâm can của người nghe: Tàu đêm năm cũ, Mưa nửa đêm, Buồn trong kỷ niệm, Hai lối mộng, Thói đời… Người ta cho rằng những bài hát này ông viết khi ôm mối tình đơn phương, vô vọng với nữ danh ca Thanh Thúy. Khoảng năm 1970, nhạc sĩ Trúc Phương lập gia đình với một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp, cao sang đài các. Tuy sống trong cảnh nghèo nàn, nhưng đời sống của họ rất nghệ sĩ. Đó, có lẽ là những tháng ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời ông. Đớn đau thay, những tháng ngày hạnh phúc cứ phai nhạt dần theo năm tháng. Họ lặng lẽ chia tay nhau. Nhạc sĩ Trúc Phương vùi đầu vào men rượu để tìm quên. Bạn bè thường gặp ông ngồi yên lặng bên những ly rượu nơi một quán nhỏ ở đường Tô Hiến Thành, quận 10 gần nhà của ông.
Theo ghi chép của bè bạn, nhạc sĩ Trúc Phương cũng có nhiều mối tình thoáng qua đầy lãng mạn. Mà tình yêu, trong trái tim người nghệ sĩ, có gì lớn lao, to tát đâu. Có khi, chỉ một câu chuyện, một ánh mắt, một lời hẹn cũng đủ để trái tim nhạy cảm ngần ngật đập, ngần ngật sống và không nguôi hy vọng. Cố nhạc sĩ Thanh Sơn từng kể lại rằng: “Mối tình không thành như loại hoa phù dung sớm nở tối tàn. Ngày đó, nhân chuyến đi Phan Thiết, mua vé ở ga xe lửa Sài Gòn, vô tình trên tàu, anh gặp cô Trần Thị Thắm, 22 tuổi. Chuyện trò qua lại, hai người hợp lòng nhau. Đến Phan Thiết, họ chia tay và hẹn 3 hôm sau ra ga trở lại Sài Gòn. Anh đến ga đợi mãi đến 9 giờ tối, Thắm không đến, bèn trở về một mình. Không thể nào quên mối tình ngắn ngủi, anh đã viết bài Hai chuyến tàu đêm.”
Sau chuyện tình cảm tan vỡ, với nỗi bơ vơ cùng cực, với hai bàn tay trắng, lại mang bệnh suyễn trong người, ông trôi dạt về Trà Vinh một thời gian rồi lại lang bạt lên Sài Gòn. Có người hỏi sao ông không về quê hẳn luôn, ông buồn bã đáp: “Má tôi già yếu đang ở dưới quê Cầu Ngang (Trà Vinh), nhưng bà nghèo quá, lại phải nuôi đám cháu nheo nhóc, không đủ ăn … nên tôi không thể về đó để làm khổ cho bà thêm nữa.” Tại Sài Gòn, ông làm thuê, làm mướn đủ nghề để kiếm sống và lang thang khắp nơi. Ông từng trải lòng: “Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng mà no thì chẳng có ngày nào gọi là no. Một năm như vậy, tôi ngủ ở xa cảng hết 9 tháng. Khổ lắm! Hôm nào có tiền để đi xe lam, ra đó sớm khoảng chừng năm giờ chiều, thuê được chiếc chiếu trải được cái chỗ lịch sự, tương đối vệ sinh một tí. Nhưng mà hôm nào ra trễ thì họ chiếm hết rồi, những chỗ sạch sẽ, người khác chiếm hết rồi, tôi đành phải trải chiếu gần chỗ “thằng cha đi tiểu vỉa hè”, cũng phải nằm thôi.”
Ngày 21/9/1996, ông từ giã cõi đời trong một căn phòng trọ tồi tàn ở quận 11. Tài sản quý giá nhất của ông lúc đó là một đôi dép đứt.


Đường tình của cố nhạc sĩ Trúc Phương như giọt rượu nồng giữa cõi trần ai. Càng đượm ưu tư, càng in đậm đường trần, càng xót xa, buồn tủi thì sáng tác của ông càng thăng hoa, xa xót, người nghe càng ngậm ngùi, đồng cảm. Cái giá phải trả cho một kiếp tằm rút ruột nhả tơ sao mà đắt đỏ đến thế?



Thanh Thúy Nửa Đêm Ngoàì Phố / 5:04