Đọc “Chuyện tình của Liên Hoa Hòa Thượng”
Trần Bình Nam
Cuốn sách “Chuyện tình của
Liên Hoa Hòa Thượng” vừa xuất bản tại chùa Viên Giác,
Hannover, Đức quốc là một cuốn sách độc đáo. Độc đáo vì tác giả là một
cao tăng: Hòa Thượng Thích Như Điển. Hòa Thượng Như Điển giải thích cơ
duyên đưa đẩy Thầy viết câu chuyện tình này là do thời gian tịnh thất tu
học hằng năm tại Úc châu lần thứ 8 năm 2010 Thầy có cơ hội đọc cuốn “Lịch sử Phật giáo Đàng Trong”
của tác giả Nguyễn Hiền Đức. Cuốn sách có thuật lại chuyện tình một
chiều của Quận chúa Hoàng Cô, em ruột vua Gia Long với một vị cao tăng
đã gắn bó với triều đại nhà Nguyễn Gia Long từ khi còn bôn ba chống Tây
Sơn cho đến khi lên ngôi Hoàng đế.
Liên Hoa Hòa Thượng
Hòa
Thượng Như Điển đánh giá câu chuyện của tác giả Nguyễn Hiền Đức với
những chứng cớ trưng dẫn có thể là sự thật nên Thầy đã dàn dựng phóng
tác để qua đó nói đến những kín đáo của nhân sinh mà xưa nay ít có cây
bút nào bàn đến. Thầy Như Điển thấy rằng trong văn chương cũng có vài
tác phẩm về chuyện tình trong chốn thiền môn, nhưng – theo như Thầy biết
– đều do thường nhân viết. Họ tiểu thuyết hóa qua tưởng tượng hay hư
cấu theo chuyện có thật. Chưa có một tác phẩm nào nói đến tình yêu tại
chốn sơn môn do một tu sĩ viết. Bởi nhiều lẽ, và
lẽ đơn giản nhất là tu sĩ trên nguyên tắc thoát tục đi tu thì không nói
đến chuyện tình. Hòa Thượng Như Điển cho rằng như vậy là chưa đào sâu
cội nguồn tình cảm của con người, một thiếu sót tài liệu về mặt tu học
và cũng là một thiếu sót về mặt văn học.
Mối tình trong “Lịch sử Phật giáo Đàng Trong”
của tác giả Nguyễn Hiền Đức kết thúc trong bi ai, nhưng không làm cho
thiền môn nhuốm màu tục lụy. Thầy Như Điển nghĩ rằng có ai hiểu được
tình yêu của Hoàng Cô, có ai hiểu được tinh thần của Liên Hoa Hòa Thượng
trước một mối tình trong sáng như vậy … nếu không phải là một tu
sĩ.
Hòa
Thượng Như Điển lấy một quyết định quan trọng.Thầy tạm gác ra mấy tuần
lễ để viết cuốn “Chuyện tình của Liên Hoa Hòa Thượng”. Thầy nói với độc
giả rằng, người tu sĩ vẫn còn một quả tim con người với những xúc
động tự nhiên của nó. Nhìn khác đi là thần thánh hóa người khóac áo tu
hành dù vị tu sĩ đã đạt đến một đẳng cấp nào được “người đời” trao tặng
trong nghi lễ. Đi tu không phải là tìm cách diệt những cảm xúc đó mà
chính là để thăng hoa nó, biến nó thành hoa, thành trái tô điểm cho cuộc
đời. Và người nữ khi yêu thương một tu sĩ cũng chưa hẵn đã làm một việc
sai trái.
Hiểu
Hòa
Thượng Như Điển như vậy, tôi thấy Thầy thật can đảm. Thầy đi vào hỏa
ngục để cứu chúng sinh. Thầy đụng chạm đến vấn đề không một cao tăng nào
dám đụng chạm để mang đến những lý giải cho những điều từ trước đến nay
còn bỏ trống.
Câu
chuyện thật có trong chính sử như sau: Vua Gia Long khi còn bôn ba ở
Gia Định tranh giành ngôi vương với vua Quang Trung có thời gian cùng kẻ
tùy tùng trú tại chùa Từ Ân, để Mẹ, vợ, các em và các con nương nhờ
chùa Khải Tường trong tỉnh Gia Định. Hoàng Tử Nguyễn Phước Đảm, sau này
là vua Minh Mạng sinh tại chùa Khải Tường năm 1791. Thiền sư Thiệt
Thành – Liễu Đạt thuộc Thiền tông Lâm Tế trụ trì chùa Khải Tường. Tiếp
cận với Hòa Thượng Liễu Đạt tại chùa Khải Tường, một người em gái của
vua Gia Long thường được gọi là Hoàng Cô, đã thọ Bồ Tát giới với ngài,
pháp danh Tế Minh – Thiên Nhựt đem lòng luyến ái ngài.
Sau
khi vua Gia Long lên ngôi, Hoàng Cô theo anh về Phú Xuân (nay
là Huế) mang theo mối tình thầm kín trong tim. Năm 1817 vua Gia long
ban chiếu triệu thỉnh Hòa Thượng Liễu Đạt về làm Tăng cang chùa Linh Mụ,
và mời Hòa Thượng vào cung mỗi tháng 8 kỳ giảng kinh cho Hoàng Thái
Hậu, Hoàng Hậu và các em, trong đó có Hoàng Cô. Năm 1820 vua Gia Long
mất, vua Minh Mạng lên ngôi ban danh hiệu Liên Hoa cho Hòa Thượng Liễu
Đạt. Lần lữa thêm mấy năm Hòa Thượng Liên Hoa quyết chạy trốn lưới tình
của Hoàng Cô vây bủa. Năm 1823 nhân được tin sư huynh là Hòa Thượng Linh
Nhạc tại chùa Từ Ân viên tịch Hòa Thượng Liên Hoa xin phép vua Minh
Mạng trở về Gia Định thọ tang và giữ chùa Từ Ân. Lưu luyến mãi,nhưng
vua Minh Mạng phải để Hòa Thượng trở về Gia Định.
Tưởng
đã thoát nợ
trần. Không ngờ Hòa Thượng trở về chùa Khải Tường đầu năm thì cuối năm
Hòang Cô xin phép vua Minh Mạng vào Gia Định lấy cớ đi cúng dường để
thăm Hòa Thượng Liên Hoa.
Sau
mấy ngày ở dinh quan trấn thủ thành Gia Định cho phải phép Hoàng Cô cho
lệnh sắp xếp bà ở lại chùa Từ Ân để bà được gần Phật cho đến khi bà hồi
kinh.
Mấy
ngày sau Liên Hoa Hòa Thượng nguyện đến chùa Đại Giác tại tỉnh Biên Hòa
nhập thất hai năm. Sau khi Hòa Thượng đi, Hoàng Cô bỏ ăn. Sợ Hoàng Cô
có mệnh hệ gì có lỗi với triều đình nên nhà chùa phải tiết lộ nơi Hòa
Thượng Liên Hoa nhập thất cho Hoàng Cô. Lửa tình nung nấu , Hoàng Cô cho
người kiệu
đến chùa, quỳ ngoài thất xin Hòa Thượng Liên Hoa nếu không cho gặp mặt
thì cho cô nhìn thấy bàn tay ngài và cô hứa sẽ hồi kinh ngay. Cầm lòng
không đậu, Hòa Thượng Liên Hoa đưa bàn tay ra chiếc cửa sổ nhỏ dùng đưa
thức ăn vào cho Hòa Thượng đang nhập thất, Hoàng Cô cầm tay ngài hôn và
khóc sướt mướt, xong cô trở về chùa chờ Hòa Thượng xuất thế. Hoàng Cô
nghĩ rằng khi để cho cô hôn bàn tay Hòa Thượng đã không còn tinh tấn
tiếp tục tu hành.
Vài
ngày sau Hòa Thượng Liên Hoa tự thiêu. Sau đó Hoàng Cô uống thuốc độc
tự vận theo Hòa Thượng. Chùa Từ Ân thờ linh vị của Hòa Thượng Liên Hoa
nơi dành cho các bậc xuất gia, và thờ Hoàng Cô tại bàn linh của người
trần thế. Trong chùa luôn luôn có
bóng người xuất hiện gây xáo trộn làm cho tăng chúng không tu hành
được. Cho đến khi chùa mang hai linh vị thờ cạnh nhau chùa mới trở lại
yên tịnh .
Hòa
Thượng Như Điển nghĩ rằng không ai có thể hiểu được tình cảm khúc mắc
và trong sạch của Hòa Thượng Liên Hoa và Hoàng Cô bằng một tu sĩ. Và Hòa
Thượng Như Điển có thẩm quyền nhìn vấn đề một cách chủ quan như vậy.
Thầy là một trong những bậc chân tu ít ỏi còn lại trong thời đại mạt
pháp này. Thầy can đảm không ngại thị phi xuyên tạc cầm ngọn đuốc soi
vào góc thầm kín nhất của nhân sinh.
Hòa Thượng Như Điển không nhiều lời miêu tả tâm hồn của Hòa Thượng Liên Hoa, nhưng bàng
bạc độc giả cảm thấy như chia sẻ cơn sóng dữ Hòa Thượng phải trải qua suốt cuộc đời tu tập.
Nhưng
với Hoàng Cô Hòa Thượng Như Điển đã soi rọi tận tình. Thầy hư cấu 15 lá
thư tình của Hoàng Cô nói về “nỗi lòng” của cô với chính mình, với Mẹ,
với Chị, với Vua và một lá thư đầy nước mắt viết cho Liên Hoa Hòa
Thượng.
Thầy Như Điển viết: “…
tôi mong tác phẩm này không làm hạ uy tín của các bậc Tăng cang Hòa
Thượng thuở ấy hay ngay cả ngày nay, mà ngược lại qua câu chuyện tình
này, ta thấy Liên Hoa Hòa Thượng đã thoát tục như đóa hoa sen tinh khiết
nhiệm mầu khi bị nghiệp trần duyên ràng buộc.
Còn Hoàng Cô, cũng là một nhân vật lịch sử, tôi thăng hoa cho bà siêu
thóat. Mặc dầu tất cả “những lá thư tình” của bà đều do tôi viết. Nếu bà
có đầu thai đâu đó, sẽ bảo tôi rằng ‘Tại sao ông Hòa Thượng này lắm
chuyện thế …!’ Vì lẽ khi yêu thầm nhớ trộm một người, người ta khó có
thể chôn hết nhưng ngôn từ vào lòng đươc, mà phải thổ lộ bằng giấy trắng
mực đen thì mới có thể nói hết cõi lòng của mình. Nếu tôi có mạo phạm
lời lẽ của một Công Chúa Hoàng Triều, thì mong tâm thức của bà đại xá
cho …” (“Chuyện tình của Liên Hoa Hòa Thượng”, trang 624).
Viết
cuốn sách Hòa Thượng Như Điển còn có mục đích “tùy căn cơ chúng sanh mà
độ” để hoàng dương
chánh pháp. Kinh Kim Cang là một tạng kinh dạy chuyện đời thường của
Phật giáo nhưng lời lẽ cao siêu nên Phật tử tại gia ít ai để tâm nghiên
cứu. Hòa Thượng Như Điển đã dùng cuốn “Chuyện tình của Liên Hoa Hòa
Thượng” làm con thuyền chuyên chở nội dung kinh Kim Cang đến cho độc giả
“tò mò thích đọc chuyện tình”.
Trong
cuốn “Lịch sử Phật giáo Đàng Trong” tác giả Nguyễn Hiền Đức không ghi
Liên Hoa Hòa Thượng khi vào cung đã giảng kinh gì, và Hòa Thượng Như
Điển tưởng tượng Hòa Thượng Liên Hoa đã giảng kinh Kim Cang. Qua 32 thời
giảng và 103 trang giấy (128 – 130) Hòa Thượng Như Điển đã mang kinh
Kim Cang đến cho độc giả của Thầy, trong đó có Hoàng Cô ngồi nghe Hòa
Thượng Liên Hoa giảng
kinh mà bồi hồi trăm mối tơ lòng.
Trần Bình Nam
April 28, 2012
Ghi chú:
Tôi được biết cuốn sách “Chuyện tình của Liên Hoa Hòa Thượng” của Hòa Thượng Như Điển khi đọc bài viết: “Hoàng Cô tình sử” của
cô Thiện Giới – Hoa Lan. Bài viết của cô Hoa Lan biểu lộ một sự hiểu
biết triết lý Phật giáo vững chắc, một văn tài, và sự thẳng thắn của cô
khi tranh luận với Liên Hoa Hòa Thượng.
Qua
“Hoàng Cô tình sử” tôi liên lạc với chùa Viên Giác để có một cuốn. Gặp
may vào lúc Hòa Thượng sắp lên đường hoằng dương Phật Pháp 3 tháng tại
Hoa Kỳ.
Tôi được phép gặp thăm Thầy tại Nam California vào một ngày cuối tháng
3/2012 và nhận một cuốn sách Thầy cho. Sau đây là bài viết : “Hoàng Cô tình sử” của Thiện Giới – Hoa Lan.