Sunday, January 26, 2014

ĐỊNH MỆNH BỨC TRANH CUỐI ĐỜI CỦA VAN GOGH ( Thầy Nguyễn TưThiếp )




Có lẽ trong các danh họa thiên tài trên thế giới vào thời cận đại, Van Gogh
là người được các nhà phê bình hội-họa, cũng như người đời nhắc nhở nhiều
nhất, so với những người đồng thời chẳng kém gì ông về phương diện tài năng,
như: Gauguin, Cézanne, Millet...Điều đó cũng dễ hiểu, bởi vì ngoài những tác
phẩm vĩ đại của ông để lại cho nhân loại, ông là một người nghệ sĩ khác thường,
trong cách sống cũng như cách thế lựa chọn cái chết cho mình. Điều dễ mến nhất
nơi Gogh, vẫn là lòng yêu thương tha thiết với cuộc đời, nhất là đối với những
người nghèo khó, mà trong những chiếc thư gửi cho bạn bè, hay rõ nhất là trong
những bức tranh mô tả lại sự cơ cực của những người thợ mõ ở vùng ngoại ô thành
phố Brussels: Borinage - nơi ông đã đến với tư cách một nhà truyền giáo. Ông ca
ngợi sự nghèo khó và tính cần cù của họ như là niềm vinh quang đối với kiếp
người. Và chính trong những ngày gần gũi với đám thợ mõ này, ông mới quyết định
theo đuổi nghiệp vẽ suốt đời!



Trong một chiếc thư gửi cho Théo - em của ông - Gogh đã thố lộ:"Anh khẳng
định rằng, chỉ có một việc làm tốt nhất mà anh có thể làm cho cuộc đời anh, là
lao mình vào hội họa", sau khi ông đã làm đủ thứ nghề để kiếm sống, cũng như
bị gia đình ép buộc trong việc chọn ngành "dealer"!


 Bố ông là một nhà truyền giáo Tin Lành, theo hệ phái Lutheran, nhưng lại muốn
ông trở thành một "dealer" tranh ảnh - một nghề chẳng thích hợp gì, nếu không
muốn nói là trái nghịch với bản tính phóng đãng và nghệ sĩ của ông, ngoài việc
ông cũng học hỏi được đôi chút về những bức danh họa tại những phòng triển lãm
do người chú ông làm chủ. Nhưng cũng chính nhờ nghề này mà ông mới được sống
nơi nhiều chi nhánh khác nhau, khởi sự từ năm ông mới 16 tuổi - tuổi của ước
mơ và tham vọng. Ông đã sống với cái nghề miễn cưỡng này từ Hague trong 3 năm,
rồi đến Luân-đôn trong 2 năm, và cuối cùng bám trụ tại văn phòng trung ương ở
Paris, kinh đô ánh sáng! Tuy ở một nơi hoa mộng nhất thế giới, với một cái
nghề trong thâm tâm chẳng ưa, dù đó là sở nguyện của người cha, Gogh vẫn dứt
khoát, âm thầm trở lại cố hương: nước Hoà Lan nhỏ bé! Nơi đây ông đọc sách
thực nhiều và say mê tôn giáo. Nhưng những giáo điều và những lời Kinh Thánh,
không đủ nhiệm màu để neo chân người nghệ sĩ giang hồ thích lang thang như ông.
Dường như lang thang là khát vọng lớn lao nhất của người nghệ sĩ, chưa thấy một
nghệ sĩ nào mà không lang thang vì họ không chấp nhận cái hiện tại chết cứng,
tĩnh vật chung quanh mình, sừng sững như những bức tường có giá trị là những
chấn song vây hãm họ: bức tường của áo cơm, bức tường của đức hạnh,và bức tường
của công danh...xét theo nghĩa của nhu cầu vật chất tầm thường. Rimbaud, một
thi hào thiên tài của nước Pháp đã lang thang hết cuộc đời mình, đến nỗi một
chiếc xương sườn đã cọ xát, đâm thủng một bên hông ông! Gogh cũng thế, cũng đi
khắp bốn phương trời, sống với đủ thứ nghề, thượng vàng hạ cám! Đầu tiên kiếm
sống với nghề dạy ngôn ngữ học tại Ramsgate, rồi ở Isleworth với chức vụ Thừa
sai, nghề bán sách ở Dordrecht, nghiên cứu Thần học tại Amsterdam, theo đuổi
một khoá về tôn giáo tại Brussels...cuối cùng được bổ dụng như một Mục sư ở
vùng mõ Borinage - nơi Gogh đã cống hiến hết cả đời mình cho những người thợ
nghèo nàn lam lũ! Ông đã cho họ những gì ông có, kể cả tiền bạc, nên ông đã trở
thành khánh kiệt, đưa đến bịnh tật không phục hồi nổi, kéo dài đến những ngày
cuối đời! Nhưng cũng chính nơi này, ông khởi đầu sự nghiệp vẽ của mình, để dắt
dẫn đến những đau thương, và cũng chính từ những đau thương cùng cực này, Gogh
đã để lại cho nhân loại những kiệt tác, mà người đồng thời ông vẫn dửng-dưng -
dửng-dưng như ông Bác sĩ Gachet, dù là một người chơi tranh, vẫn không đủ khả
năng thưởng ngoạn, mà đem bức tranh của Gogh tặng hầu đền ơn phần nào khi ông Bác sĩ này chữa bịnh cho chính Gogh …để dừng chuồng gà!!? Ngày nay, những bức tranh đó được đặt cẩn trọng, được bảo vệ tối đa trong những viện bảo tàng lớn nhất thế giới, với giá hàng trăm triệu dollars mỗi bức!


Với một tâm hồn nghệ sĩ như vậy, trong một con người đầy tài hoa, làm sao Gogh lại không liên quan đến những cuộc tình? Những ngày ở Luân đôn sương mù Gogh đã khởi sự mối tình đầu nồng cháy của mình, thế nhưng sự bồng bột của tuổi xanh, cộng với đời sống không tiền bạc, lại lông bông nay đây mai đó, cuộc tình chỉ để lại cho ông những tiếc nuối cay đắng không nguôi! Rồi những ngày ở Etten với người góa phụ em họ, cũng chỉ đem đến cho ông những nỗi ngậm ngùi không tả, cộng với sự hất hủi từ chính gia đình mình khi ông bắt đầu ham mê Nghệ thuật - một nghiệp dĩ, mà ít bố mẹ nào muốn cho con cái mình theo đuổi hết
cả! Tiếp đến, những ngày với cô gái điếm lang thang ông đã gặp nơi một nhà thổ, ông đã phải đương đầu về những khó khăn tiền bạc - dĩ nhiên - nên cuối cùng tình yêu cũng vỗ cánh bay cao, Gogh đành trở về với gia đình ở Nuenen, ông phải làm lụng cực nhọc trong suốt hai năm trời để đền vào cái tội không nghe lời bố mẹ!


Nhưng điều thê thảm hơn, và cũng có thể là một trong những nguyên nhân sâu xa gây nên cuộc sống điên loạn cho ông sau này. Đó là sự gắn bó nồng nàn với cô láng giềng Margot Bergmann, để dẫn đến cái chết tự sát bi thương của cô khi gia đình cô quyết tâm từ chối cuộc tình hàng xóm này, lúc nàng đã trót yêu một người chẳng công danh gì mà lại nghèo khó như Gogh! Tiếp đến là cái chết của người cha, suốt đời buồn tủi vì đứa con ngang tàng không dạy dỗ được! Từ những đau thương khủng khiếp đó, Gogh lặng lẽ trở lại Paris với người em. Nơi đây, ông đã quên đời trong những tác phẩm cùng những gặp gỡ thường xuyên với những
danh họa thời bấy giờ như Lautrec, Bernard, Seurat, Signac...và nhất là Gauguin , người ông quí mến hàng đầu. Chính Gogh đã đưa Gauguin về ở chung với mình trong căn nhà tồi tàn ở vùng Arles, đầy nắng ấm và rất yên tĩnh, thuộc ngoại ô Paris. Nơi đây, hai người đã cộng tác chung trong công việc hội họa, nhưng vì tính tình Gogh hay cáu kỉnh đã gây-gổ với Gauguin nhiều lần. Và hình như do sự phát khởi của bịnh điên, Gogh đã tấn công người bạn thân nhất của mình bằng dao, để rồi sau đó Gogh ân hận, đã tự trừng phạt bằng cách cắt một phần vành tai mình! Từ những biến cố khủng khiếp như vậy, Gogh đã được đưa vào bịnh viện
tâm thần ở St. Remy De Provence, nhưng sức khỏe của ông ngày càng trở nên tệ!


Sau một năm không chịu đựng nổi không khí tù túng của bịnh viện, nên Gogh trốn về Auvers Sur Oise, nơi đây ông được Bác sĩ Gatchet săn sóc cho ông và trông ông có vẻ khá hơn, nhưng sự thực lại khác, bất ngờ trong một cơn điên, ông dùng súng tự bắn vào người khi ông tới đây mới chỉ được 2 tháng! Ông mê man 2 ngày trên giường bịnh, vì không chịu đựng nổi sự đau đớn do vết đạn, ông từ giã cõi đời hệ lụy và rối rắm này trên tay người em của mình, bên cạnh vị Bác sĩ ân nhân Gatchet vào ngày 29/4/1890, lúc chỉ mới 37 tuổi, tuổi hãy còn quá trẻ đối với một thiên tài...

*   *

*


Thực sự, như Gogh - một người dám phá vỡ mọi chấn song ràng buộc của Đạo đức, Xã hội, Gia đình...trên đời này, từ việc dám trái ý của cha mình trong vấn đề chọn nghề nghiệp, cho đến việc chấp nhận lang thang ở khắp các quốc gia khi chỉ mới 16 tuổi, dám làm mọi thứ nghề để kiếm sống từ “dealer” đến “Mục sư”, dám gần gũi những người mình mong muốn như em gái họ, kể cả gái điếm, dám trao tất cả tài sản của mình cho đám thợ mõ nghèo nàn để phải mang bịnh và đói rách suốt đời, dám dùng dao cạo râu để tấn công người bạn thân nhất của mình 2 lần, để tự trừng phạt bằng cách cắt vành tai của mình...thì việc ông tuyên bố câu nói thời danh này:"Có lẽ, đối với người nghệ sĩ, cái chết không phải là việc khó nhất đểchịu!", đối với chúng ta không có gì là lạ hết, và ông đã làm điều đó năm ông mới 37 tuổi đời!


Theo câu nói này, Gogh cho rằng"cái chết" không phải là điều khó nhất để chịu đựng, thì hẳn nhiên phải còn một cái gì đó khó hơn cái chết nữa, có lẽ đó là"cuộc đời", như vậy ông đã lựa chọn cái chết cho mình vì không thể chịu đựng nổi đời sống! Cho nên, theo quan điểm củaGogh"sống"mới khó, chứ không phải là"chết", khi đời thường vẫn"tham sinh, úy tử",nghĩa là ham sống mà sợ chết!? Thế thì cái chết của ông là một cái chết có ý thức chứ không phải là một tai nạn bị thôi thúc bởi cơn điên, vì ông đã nói câu nói đó trong trạng thái tỉnh táo của tâm hồn, bởi người điên không thể nói một câu khúc chiết và sâu thẳm đầy triết lý như vậy! Chính ông cũng đã có lần viết rằng:"Chúng ta không thể nào nói hết những điều chung quanhchúng ta, những điều giam nhốt chúng ta, và dường như chúng cũng đang vùi lấp chúng ta. Chúng ta đã thấy rõ những rào cản vô hình đó, những chấn song đó, kể cả những bức tường..."


Vậy thì,"những điều không thể nói hết", những"giam nhốt", những "rào cản", những"chấnsong", những"bức tường"...bao quanh kiếp sống con người mà ông đã cảm nghiệm từ gia đình mình ra tới xã hội, trong khắp mọi nơi, mọi vùng, mọi từng lớp nhân sinh trên toàn thế giới, đó là gì, nếu không phải là những xấu xa, chật hẹp, cố chấp của con người!? Trong gia
đình, mặc dù Bố ông là một người có chức sắc lớn trong Giáo hội, nhưng cũng chỉ muốn ông chọn nghề "dealer", một thứ  "lái buôn" trong  lãnh vực tranh ảnh! Rồi gia đình của cô bạn láng giềng chê ông nghèo, chống đối mối tình của con gái họ để đến nỗi cô ấy phải tự sát! Còn những người thợ mõ mà ông gần gũi , họ là những người lầm than cùng cực, lại bị khinh rẻ và sống nghèo đói nhất trong xã hội tư bản, khi chính những đôi bàn tay họ làm giàu cho kẻ khác, dù vậy những đôi bàn tay đen đúa kia, chỉ được phép cầm những củ khoai tây mà đút
vào mồm chứ không được bánh mì, họ quây quần nhau bên chiếc đèn dầu leo lét, rách rưới trông rất thảm thương, như ông đã vẽ trong bức"Những kẻ ăn khoai tây"(The Potato eaters), hay họ phải vất vả còng lưng dưới nắng làm việc cực nhọc như người đàn bà nông dân trong bức"Người phụ nữ quê trồng củ cải đường"(The peasant woman planting beeroot)...Đời là thế đó!


Tuy vậy, Gogh là người không muốn đương đầu với thực tế đau thương, nên ông lại ít vẽ những loại tranh đó nhiều, nhưng lại cố dùng những màu sắc tươi vui hơn để hóa giải phần nào những tiêu cực của cuộc đời, như màu vàng sáng (hopeful yellow), kể cả trong những bức tranh về đêm, ông cố cho trăng sao vào thực nhiều, rực sáng, hạn chế tối đa màu đen là màu của tăm tối như bức "Sân cà-phê ban đêm"(The cafe terrace at night) chẳng hạn. Và, luôn luôn trong những bức vẽ về phong cảnh, bao giờ ông cũng cho người xem thấy cái"background" là những màu xanh tươi tốt rất mát mắt, ngoại trừ những bức cuối đời được vẽ trong thời kỳ điên loạn, dường như ông không còn kiểm soát được lý trí của mình nữa, lúc sắp chết, nên trong tranh ông đã hiện lên những hình ảnh đen tối bất thường, bốc lửa, cuồng nộ trong quằn quại đau thương...như nơi bức"Bầy quạ trên cánh đồng lúa mì"(Crows over the wheat field) mà tôi sẽ đề cập tới đây!


Với những tác phẩm đầu đời, Gogh chỉ muốn trình bày như một ước mơ: những trăng sao, hoa cỏ, những cánh đồng lúa...xuất hiện tuần tự nơi cái chu kỳ đời sống, nẩy mầm bình dị trong sự truyền sinh nhiệm màu của đất trời, ông không muốn nhắc nhiều tới những khổ đau của kiếp người, có lẽ vì ông đang sợ nó!?Điều này được Gogh bày tỏ như sau:"Tôi chỉ thíchnhững nỗi buồn man mác, mà mang những hy vọng và ước mơ, hơn là tìm kiếm những tuyệt vọng trong bế tắc ngưng đọng và khổ đau!",nhất là khi ông đã khám phá ra những màu sắc dịu dàng từ những bức tranh Nhật bản mà ông thường dùng để trang trí nơi phòng riêng của mình như tranh của Hokusai, Hiroshige...Ông ngưỡng mộ họ đến nỗi ông phải từ bỏ lối sử dụng kỹ thuật"màu tương phản"(chiaroscuro) của ông trước đó, để vẽ những bức tranh sáng và nhẹ của mình sau này như bức"Cầu Langlois"có hình một cô gái cầm dù đi qua khoan thai như một thiếu nữ Phù-tang trên nước Nhật.


Nhưng thực ra, Gogh không thể nào tránh né được mãi thực chất của cuộc đời, mà ông cố che giấu trong thâm tâm sâu kín của mình! Những thanh bình, tươi mát, hiền dịu và hy vọng...nơi tranh của ông trước đây đã dần dần bị xóa đi, để nhường lại cho những điều kinh hãi! Gogh đã bắt đầu dùng những đường nét mạnh bạo bằng những màu sắc sậm, nhất là sử dụng kỹ thuật"phân chia"(divisonist, còn gọi là pointilist), một lối vẽ chỉ dùng những chấm nhỏ hay những vạch ngang ngắn nhằm mục đích làm cho tranh có vẻ thô bạo hơn, như trong bức
"Chân dung tự họa"(self portrait) của chính ông. Trong bức này, Gogh trông hung dữ: tóc dựng, mắt đăm chiêu đầy tính cách tấn công kẻ khác, nhuốm màu sắc bất mãn...Đặc biệt trên bâu áo vest ông vẽ những nét màu tím xanh hình zigzag, nổi bật như hình những tia sấm sét đầy phẫn nộ của một cơn dông. Gogh vẽ chân dung lúc nào cũng chú trọng tới đôi mắt, và ông đã từng tuyên bố rằng: "Tôi thích vẽ đôi mắt hơn là vẽ những nhà Thờ". Điều này cũng chứng tỏ nơi ông một thái độ đập phá đối với thần linh, bởi vì ông trước đây là kẻ của nhà Thờ, đã từng nghiên cứu Thần học và Thánh kinh, đã từng làm Mục sư cho một họ Đạo! Trước khi chết, có lần Gogh tâm sự:"Thực sự, tranh tôi buồn bã và cô đơn cùng cực!"


 Qua sự hất hủi của gia đình, khi biết ông từ bỏ nghề "dealer" nhiều tiền để theo đuổi ngành Hội họa không tương lai, rồi những cuộc tình chẳng tới đâu mà chỉ đem lại tai ương (tự sát) cho người khác, cũng như đau khổ cho chính mình, những mặc cảm tội lỗi đối với bạn bè (Gauguin) với những sự kiện đáng tiếc xảy ra, thì tất nhiên một người đầy nhạy bén như ông phải thấy mình buồn tủi và cô đơn không tránh khỏi. Cái mặc cảm bị ghét bỏ từ gia đình, từ những người tình (cả 4 lần đều tan vỡ), từ xã hội (vì tranh ông, người đương thời không biết
thưởng ngoạn, dường như sinh thời ông chỉ bán được mỗi một bức tranh với số tiền vừa đủ để ông mua một ổ bành mì, hay như Gatchet đã lấy tranh ông chắn chuồng gà chẳng hạn, dù Bác sĩ này là một người chơi tranh và là ân nhân đã chữa bịnh cho Gogh! Đó là chưa kể việc Théo (em Gogh)chỉ đưa tiền cho ông xài và nói dối là tiền bán tranh để Gogh yên lòng mà sáng tác tiếp), những bạc đãi vô tình này, từ mọi phía (gia đình, người tình, xã hội) đã khiến ông trở thành một kẻ cô đơn gần như tuyệt đối theo nghĩa vật chất cũng như tinh thần! Có lẽ
vì do ông lớn lao quá, vĩ đại quá, thời đại không bắt kịp thiên tài của ông đã vút cao đi bằng đôi hài 
7 dặm, nói như Hàn Mặc Tử:"Thơ tôi bay hết một trời chưa thấu", chăng?!


Nói tóm là chả ai chia xẻ và hiểu ông cả, ngoài người em lúc nào cũng an ủi, bao bọc và khuyến khích anh mình sáng tác vì biết Gogh là một thiên tài, nhưng tình anh em, máu mủ đã làm cho Gogh nghi ngờ rằng: Théo, vì thương anh nên đã nói thế thôi!


Nói theo kiểu phân tâm học như Freud, thì cái phần "libido" của Gogh trong tiềm thức đã bị dồn nén quá mạnh từ những bạc đãi của cuộc đời, dù vô tình hay hữu ý, khiến nó bộc phát ra một cách vũ bão cuồng nộ bằng những “hành động lỡ”(actes manqués) không còn sự kiểm soát nổi của lý trí nữa, qua những sự kiện bất ngờ đầy hung bạo như tấn công bạn 2 lần bằng dao, tự cắt lỗ tai mình như sự ăn năn khốn khổ và nhất là sự “áp chế” đó (refoulement) đã được trang trải trên những bức tranh cuối đời của Gogh (khoảng 150 bức lúc ông đang nằm bịnh viện)...


Sự cô quạnh nơi ông, mà ông vẫn thường cố che giấu, (dù có lúc đã thú nhận rằng"Thực sự,tranh tôi buồn bã và cô đơn"- câu nói quan trọng ở chữ "thực sự", có nghĩa là còn phần"không thực sự": đó chính là sự che đậy vậy), thường được nhìn thấy rõ nơi những bức tranh của ông trong thời kỳ tâm hồn ông còn tạm yên ổn, được bù lấp vào bằng ý niệm song đôi (couple) như một khát vọng mà ông nhằm tới, bởi vì chính ông là sự lẻ loi, đơn chiếc, như
trong bức"Căn phòng của Vincent ở Arles", ông đã phối trí bằng 2 (chứ không phải 1) cái gối, 2 cái chai, 2 cái ghế, 2 hàng tranh, 2 cửa sổ...hay trong bức"Những kẻ ăn khoai"có 2 cặp trai gái ngồi bên nhau, hoặc nơi bức"Những cây trắc bá"cũng chỉ có 2 cây đứng chơ vơ trên đồi! Cái tình cảm song đôi mời gọi yêu thương đó (bởi tục ngữ Pháp nói:"Il faut être deux, pournommer que le ciel est beau": phải có 2 người, mới nói rằng bầu trời đẹp) được thấy rõ nét nhất trong bức"Thuyền trên bãi Mary", gồm có những chiếc ghe xếp thành hai hàng từng cặp một, cạnh đó có 2 thùng gỗ đặt sát nhau, nhưng điều thú vị là người ta đã thấy rõ chữ"AMITIÉ"(tình thân) trên một mũi tàu, nơi dễ nhìn thấy nhất...Chính tác giả là người đã thiếu cái "tình thân" đó từ gia đình, từ người yêu, từ bạn bè, từ những người thưởng ngoạn...Nói rõ hơn là Gogh cô đơn như ông đã tâm tình bằng ngôn ngữ! Ông đã tìm mọi cách để thỏa hiệp với cuộc đời, vốn khó tính và cố chấp này bằng những yêu thương, hy vọng, nhưng rốt cuộc những cái mà ông gọi là "rào cản", là "giam nhốt", là "bức tường"...vẫn cứ bao quanh ông, ngày càng siết chặt! Ông đã tự lừa dối lòng mình để tiếp tục với những hy vọng thăng hoa ngày còn son trẻ qua những tác phẩm nổi tiếng như bức"Hoa hướng dương"(sunflower) được vẽ bằng màu vàng vui tươi, với những nét rất mịn màng, dù vẫn không giấu được cái gì đó tàn tạ, ủ rủ nơi chiếc hoa!


Thế nhưng bức vẽ làm rõ nét những suy nghĩ thực của ông nhất về cuộc đời có lẽ là bức"Bầyquạ trên cánh đồng lúa mì", được thành hình trong những ngày cuối đời trước khi ông tự sát chẳng bao lâu! Đặc biệt trong thể loại phong cảnh (landscape) của Gogh, ông thường dồn bức vẽ về phần cuối của khung hình, để rồi tiếp nối với chân trời xanh mênh mang, như muốn tạo niềm hy vọng vô biên cho con người, và ông cũng thường chọn con đường chéo (diagonal)là khoảng dài nhất trong một tứ giác để hướng dẫn tầm nhìn vời-vợi đó. Nhưng trong bức tranh cuối đời điên loạn này, thì lại khác thường, nó phản ảnh đúng cái nhìn bi quan, bế tắc về cuộc đời trong màu sắc cũng như sự phối trí, cùng những hình ảnh chi tiết rất rõ của bức tranh!


Trước tiên, về màu sắc, Gogh đã từ bỏ những màu sặc sỡ, nhất là vàng sáng mà ông thường sử dụng như là màu ông ưa thích, đều được vẽ trong bất cứ bức tranh nào của ông trước đây, nhưng giờ thì ông chỉ dùng những màu u-ám, như màu nâu của con đường, màu đen của bầy quạ, màu vàng sậm của lúa mì, màu lục sậm của cỏ, màu xám ngoắt của mặt trời, màu đen tím của mây...!Thứ đến là những hình ảnh bế tắc, không thênh thang, xa tắp như những chân trời xanh nhạt trước kia!Và đó cũng là những bế tắc trong cuộc đời của ông vậy, những bế tắc không còn lối thoát nào, ngoài việc tự cầm súng mà bắn vào mình! Mặt trời, với ông, bây
giờ không còn là niềm tin đỏ ối như xưa, mà nó bị bao quanh bởi những lớp mây xám rã rời! Những đám mây chỉ còn là những vần vũ, tím đen, quay cuồng trong bão tố, sà thấp xuống như báo hiệu trước những thiên tai! Bầy quạ đen rợp trời - loài ác điểu chỉ biểu tượng cho những tai ương, đang hăm hở lượn thấp xuống cánh đồng! Thảm lúa mì vàng sậm không tươi mát, hứa hẹn một mùa gạo mới no đầy như trong bức"Mùa gặt ở La Crau"ngày xưa! Và điều nổi bật tuyệt vọng nhất, vẫn là con đường cụt, nằm chơ vơ giữa cánh đồng mênh mông, được khép lại bởi 2 bờ cỏ ngoằn-ngoèo. Ngõ cụt, là ngõ của đường cùng, của sự bó tay, là con đường chỉ đưa tới cái chết! Bầy quạ đen, là loài dã điểu đồng loại với kênh-kênh, chỉ bén nhạy với những hơi xác chết, chuyên bay lượn trên các nóc nhà mồ! Trong bức tranh thê thảm này, bầy quạ là hình ảnh của sự chết chóc, chao đảo, sà ụp xuống cánh đồng vàng xác xơ, cũng chính là cuộc đời héo úa của Gogh lúc này!


Những đám mây đen vần vũ, những ác điểu la-đà như đánh hơi được mùi tử khí,và mặt trời buồn dã-dợi đang bao phủ trên một cánh đồng héo tàn, mà trung tâm điểm chỉ có mỗi con đường cụt, không có lối ra, thì đó chính là con đường dành cho Gogh, kẻ đã từng thấy cái chết dễ hơn đời sống! Đó là con đường hủy diệt cuộc đời, dù trước đây Gogh là người say mê Tôn giáo, nhưng Niềm tin đó đã mất, khi ông tự thú nhận là ông yêu đôi mắt con người hơn là những nhà Thờ, và đã quyết định chọn viên đạn để tìm cách ra đi ngoài ý của Chúa! Cuộc đời, đối với ông bây giờ không có màu xanh như những bức tranh Nhật bản mà ông đã say mê trước đây, mà chỉ còn là lửa bỏng đốt cháy hình hài, nên ông nhìn đâu cũng thấy những lửa là lửa -"lửa đến từ những ngưỡng cửa cuộc đời" như trong thơ Nguyên Sa!? Thế nên, phần lớn những bức tranh ông vẽ sau này bị bao trùm bởi lửa, lửa cuồn-cuộn, lửa hung-hăng, xoáy tít vào bầu trời cao thẳm, lửa Sodome hùng vĩ thiêu rụi tội lỗi của kiếp người...như trong bức"Đêm sao"(Starry night) hay bức"Những cây trắc bá"(The cypresses), mà những ngọn cây là những vòm lửa ngút trời dưới mắt Gogh!


 Có thể người đời nhìn ông như một kẻ điên! Điều đó đúng, vì ông đã có những hành động khác thường và đã nằm chữa trị tại bịnh viện tâm thần, nhưng ít ai tự hỏi: Tại sao Gogh điên!? Nietzsche cũng điên, vì đã từng ôm hôn con ngựa giữa đường trong những giọt nước mắt, nhưng hàng ngàn trang sách của ông được sáng tác trong thời kỳ này lại làm đảo lộn cả tư tưởng Châu Âu! Thế cho nên, cũng như Nietzsche, Gogh đã điên bởi mình là bậc thiên tài bị quên lãng, đôi khi bị hất hủi rẻ khinh, vì "đời thường" không đủ khả năng để thừa nhận nó, bằng cách đưa ra những "rào cản" chật hẹp đầy cố chấp - nói như Trịnh Công Sơn là“Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng” không kém dã man (như áo cơm, tiền bạc,danh vọng...) mà một người quá tầm vóc như Gogh không thể vượt qua trong kiếp người phàm tục, nên ông đã lựa chọn cho mình "cái chết", điều mà chỉ có mỗi mình ông lên tiếng, là dễ hơn"cái sống", khi tự biết mình sẽ phải thua đau!
Nói như nhà phê bình Hội họa nổi tiếng Alberto Martini về Gogh rằng:"Vào tháng tư, Goghđã tự bắn vào người để chấm dứt sự khổ đau của chính mình trong một ngày mà mặt trời ngoàikia vẫn nắng, đồng lúa vẫn vô tình chín vàng, và bầu trời vẫn xanh hơn bao giờ hết, với bầy quạ đen đã bay xa..."


 Tôi muốn chấm dứt bài này cho một thiên tài tôi ngưỡng mộ từ tác phẩm cũng như cách sống, trong một buổi chiều, qua khung cửa sổ nơi bàn viết, tôi nhìn thấy trời mưa tầm-tã trên đường King ở phố Newtown, vào mùa tháng 4, mùa cuối đời của Gogh, mùa Lưu-vong của tôi, và cũng là mùa “Thương Khó” của Chúa bị hành hình...

*Easter 4/1988

 *Nguyễn Tư