Anh tôi từ Úc về. Mấy ngày nghỉ ngơi tại nhà, nói chuyện với nhau riết hết chuyện. Tôi rủ đi Vĩnh Châu thăm trại tôm, ăn cơm đồng quê để nhớ thời niên thiếu.
Lần trước anh tôi về cách nay bốn tháng. Lúc đó nhãn hai bên đường Giồng Nhãn Vĩnh Châu trỉu trắng bông. Hàng sáng, hàng chiều tôi đi ngang mùa nhãn cũng như bao mùa hoa trái khác của địa phương này. Cũng tới lúc trái trỉu cành. Một người địa phương, tuy mới quen, đã gởi tôi cả một bao nhỏ nhãn đầu mùa. Tôi mới rõ, nhãn Vĩnh Châu đã thay giống nhãn da bò nổi tiếng một thời bằng giống nhãn đang thịnh hành là nhãn xuồng cơm vàng. Những trái nhãn xuồng cơm vàng Vĩnh Châu to mũm mĩm, mọng nước ngọt lịm… Tôi chú ý mỗi khi từ trại tôm về lại Sóc Trăng, nhìn hai bên đường coi có ai bán nhãn để mua về. Nhưng nhãn Vĩnh Châu trúng mùa, trúng giá chỉ đem bán tận chợ Sóc Trăng. Rồi mùa nhãn cũng từng ngày qua đi. Mấy hôm trước, tôi chú ý chỉ có một khúc quanh trên đường Giồng Nhãn là còn nhãn trên cây. Nay anh tôi qua Giồng Nhãn, nhìn hai hàng cây chỉ còn lá, tiếc rẽ nói nhãn hết trái rồi! Tôi mới kể, chỉ còn một đoan đường trước mắt còn nhãn để ngắm nhìn! May mắn, hôm nay vườn nhãn đó đang hái trái nữa. Thấy cảnh đó cũng vui vui… để anh tôi nhắc dấu vết Triều Châu. Người Tiều qua đất khách, ở quay quần thành xóm. Từng bước, từng xóm hùn nhau xây miếu, xây chùa, xây trường… tùy cộng đồng đó lớn hay nhỏ. Trên đường Giồng Nhãn, cứ khoảng vài cây số có một cái miểu nhỏ, có xóm có một cái trường… Trường hay miểu đang tồn tại đều được tu bổ, sơn phết mới mẻ; không rêu phong như chùa Miên hay trường Việt. Cộng đồng người Hoa có tổ chức tự nguyện chặt chẻ mới làm được chuyện này. Anh tôi coi những miếu, trường đó là… dấu vết Triều Châu! Nghĩa là xóm nào có miếu, có trường như vậy là quanh đó đa phần là người Tiều. Và kể chuyện dân Triều Châu có mặt nhiều ở Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Miến Điện. Anh cũng kể thêm, người Triều Châu làm ăn rất giữ chữ tín, dẫu thiếu một đồng nhưng do tình huống nào đó chưa trả kịp, mấy năm sau cũng trả đủ. Bởi vậy có câu Uy tín người Tiều! Nhưng theo dòng nhào nặn của thương trường khắc nghiệt, theo môi trường đầy bất trắc nơi đất khách, uy tín người Tiều chắc còn phân nữa! Anh tôi nêu lại nhận xét của chính một người Tiều quen biết. Dẫu uy tín còn bao nhiêu phần trăm, nhưng người Tiều Vĩnh Châu có những cái khá hay mà tôi biết được qua người anh cô cậu sinh sống ở đây. Người Tiều Vĩnh Châu có 4 hội đoàn là Ban liên lạc đồng hương Vĩnh Châu đang sinh sống trên Sài Gòn, Ban quản trị trường dạy tiếng Hoa, Ban quản trị đoàn hát tiếng Hoa và Ban quản trị nghĩa trang người Hoa, dĩ nhiên tất cả đều ở Vĩnh Châu. Những người làm việc này đều tự nguyện ăn cơm nhà làm chuyện chung. Đó là điểm mạnh của người Tiều ở đây.
trong đó hương ngầm của biển, chắc sẽ sạch hơn gió nơi khác vì vùng này ít trồng trọt, không lẫn thuốc trừ sâu! Anh tôi được bữa cơm quê thực sự. cá kèo canh chua, cá đối kho, cá rô phi phi lê chiên, cá chẽm hấp. Còn thêm tép rang và rau luộc là đọt nhãn lồng bẻ trong vườn trại. Toàn là món đồng quê. Ăn để nhớ thời thơ, thời niên thiếu, thuở tung tăn chân sáo trên những bờ đất ngày hè; thuở đêm thức đi thăm câu, thăm nò, thăm lọp. Siêng thì những chạng vạng có mưa đi bắt nhái, ba khía… Tha hồ với món quê, có sẵn quanh nhà trại.
Trên đường về, dấu vết Triều Châu lại là đầu câu chuyện. Tôi kể có người quen ở đầu bên kia con đường này, thuộc tỉnh Bạc Liêu, nhà họ Trần đó tự hào là cây nhãn đời ông đem từ Triều Châu qua trồng nay vẫn còn xanh tươi, trên trăm năm tuổi là cây nhãn Vĩnh Châu đầu tiên ở xứ này. Sau đó, hột từ cây đó được ươm và trồng khắp vùng Vĩnh Châu. Xưa quận Vĩnh Châu thuộc tỉnh Bạc Liêu. Nhãn Vĩnh Châu có một thời rất tiếng tăm bởi mùi thơm đặc trưng của cơm nhãn. Mãi khen trái nhãn Vĩnh Châu, xe vừa tới nơi hái nhãn. Xe dừng hỏi mua, chủ nhà người Miên nói chỉ có nhãn da bò, nhãn chính hiệu làm nên thương hiệu nhãn Vĩnh Châu. Như là nhãn này chín chậm hơn nhãn xuồng nên giờ những cây còn trái cuối mùa đều là nhãn da bò. Anh tôi chịu mua liền nói là mấy chục năm nay chỉ ăn nhãn nơi khác, nay ăn lại nhãn Vĩnh Châu để nhớ hương vị của bốn chục năm trước! Thật tình, trái nhãn da bò Vĩnh Châu chỉ có cái hương vị, còn cơm nhãn mõng, hạt to. So với nhãn xuồng thì khoảng cách chênh quá lớn. Vậy mà trên xe, đoan đường gần 50km với khoảng một tiếng xe chạy, anh tôi đã bóc vỏ nhãn không ngừng tay! Anh nhâm nhi cơm nhãn coi bộ ngon lành. Mà cơm nhãn mõng quá, làm sao nhai rõ ràng được! Anh ta cũng nói tao ăn lần này cách lần trước cả 40 năm, coi như ăn để nhớ! Quả là người lớn tuổi có suy nghỉ phức tạp hơn lớp trẻ thực dụng. Ăn mà không hẳn phải thực sự ăn. Ăn để bới tìm cảm xúc đẹp trong tâm tưởng! Tay cầm, miệng nhai nhưng cảm xúc lại diễn ra nơi nào đó trong dòng suy nghĩ. Để rồi một lúc, anh tôi ngạc nhiên, sao tao ăn nhiều tới như vậy, khi nhìn lại đống võ trong bọc rác khoảng ký lô. Tôi an ủi cho chiếu lệ không sao đâu nhãn này ăn nhiều chưa chắc nóng vì cơm nhãn có chút xíu! Sẵn đó tôi kết luôn chắc nhãn này cũng là dấu vết Triều Châu!
Dấu vết Triều Châu, kể ra còn nhiều lắm. Xóm nào hia hia, chế chế là chắc chắn có người Tiều. Xóm nào khi mình hỏi người quen ở đó là định đi đâu? Người đó không trả lời địa chỉ cụ thể mà chỉ nói đi về hướng bắc, hoặc đi về hướng nam… đích thị đó là người Tiều! Nhưng là Tiều Vĩnh Châu, chớ Tiều Sóc Trăng không trả lời như vậy. Người Tiều Vĩnh Châu quen cách trả lời này từ người Miên, cộng đồng dân tộc chung sống cả trăm năm nay. Nhưng tại sao người Miên có cách trả lời chung chung như vậy, do thói quen, tập quán hay nguyên nhân nào đó phải tốn thời gian tìm hiểu thêm. Dấu vết Triều Châu kể ra thì nhiều lắm, dấu vết phi vật thể lẫn vật thể. Phi vật thể là tiếng nói, tập tục, tín ngưỡng, văn hóa…Vật thể như là các công trình kiến trúc vừa nêu… Dẫu sao đây là chuyện rất rộng bàn, không thể nói hết ở đây. Dẫu sao anh tôi cũng ra một đề tài để tôi thêm ý thức về sự quan sát sự vật của mình, ít nhiều cũng tăng thêm sự hiểu biết, nhất là hiểu biết hơn những cái hàng ngày gần gủi mình.