Sunday, April 13, 2014

THƠ NÔM CỦA LÊ THÁNH TÔN VÀ HỘI TAO ĐÀN ( Kim Chi Sưu Tầm )




Chắc chắn thơ ca bằng tiếng Việt (bất thành văn) đã xuất hiện trên đất nước ta từ rất sớm, có  thể trước thời đại Hùng Vương cả một vài nghìn năm. Kết quả khảo cổ cho biết chữ  Việt cổ (có hình tựa như con nòng nọc) ghi cách đọc tiếng Việt đã xuất hiện từ trước thời Bắc thuộc rồi sau đó bị chữ Hán lấn át và tiêu diệt. Người Việt chỉ còn một cách duy nhất là dùng hình thức truyền miệng để lưu giữ nền thơ ca dân tộc (ca dao, tục ngữ, dân ca…) cũng như các tri thức khác.
Sau khi thoát khỏi ách Bắc thuộc (từ năm 938), do yêu cầu bức xúc của lịch sử dân tộc thời đại tự chủ, trong khoảng một vài trăm năm, bên cạnh việc tiếp tục sử dụng chữ Hán, các trí thức An Nam đã cố công tìm cách sáng chế ra chữ Nôm (dựa vào chữ Hán và cải biến thêm để đọc âm Việt). Tương truyền Hàn Thuyên (thế kỉ XIII, đời Trần) là người đầu tiên chế định luật thơ nôm, đồng thời làm bài Văn tế cá sấu  bằng chữ nôm. Tiếp sau đó, những người khác như Nguyễn Sĩ Cố, Chu Văn An, Trần Quí Khoáng, Nguyễn Biểu … đều có những sáng tác thơ nôm. Sự xuất hiện chữ nôm và thơ nôm là một hiện tượng mang tính cách mạng của nền văn hoá dân tộc.
Đến thế kỉ XV, chữ nôm đã tương đối hoàn thiện và thơ nôm đạt tới đỉnh cao mới với sự xuất hiện của thiên tài thơ nôm Nguyễn Trãi. Sự kì diệu của thơ nôm đã gây hứng thú lớn lao cho tất cả các thi nhân sau Nguyễn Trãi. Ở nửa sau thế kỉ XV, trong bối cảnh cực kì thuận lợi của một thời kì thực sự thái bình thịnh trị, thơ nôm được cả triều đình nhà Hậu Lê, đứng đầu là vị minh quân Lê Thánh Tông, đặc biệt chú trọng. Thơ nôm lần đầu tiên được nâng lên tầm vóc, địa vị quốc thi. Năm 1495 Hội Tao Đàn ra đời do đích thân Lê Thánh Tông làm nguyên súy, gồm 28 “ngôi sao thơ” (nhị thập bát tú) như: Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Ngô Luân, Ngô Hoán, Nguyễn Xung Xác…
Tác phẩm trứ danh của Hội Tao Đàn là tuyển tập thơ khá qui mô và đồ sộ Hồng Đức quốc âm thi tập.
Lê  Thánh Tông là mẫu ông vua hoàn thiện nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông và triều đại của  ông đã thoả mãn được điều mà Nguyễn Trãi khao khát một đời nhưng không có diễm phúc được chứng kiến: “Ước một tôi hiền, chúa thánh minh”. Ông là linh hồn của triều đại phong kiến Việt Nam cực thịnh. Triều đại Lê Thánh Tông gợi lại thời Nghiêu – Thuấn của Trung Hoa thời cổ, từng được giới nho sĩ thời phong kiến coi là điển phạm của tất cả các thời đại.
Là  vị vua sáng và vô cùng hiển hách, Lê Thánh Tông đồng thời là nhà thơ nhà văn Hán  – Nôm đích thực. Thơ nôm của ông cho thấy hình ảnh của một ông vua hiền minh hoà quyện tuyệt diệu với hình ảnh một nhà thơ. Xưa nay rất hiếm có ông vua nào viết được những câu thơ đằm thắm lạ thường như thế này:
                  Thấy dân rét mướt nghĩ  mà thương,
                  Vậy phải lên ngôi gỡ  mối giường.
                  Tay ngọc lần  đưa thoi nhật nguyệt,
                  Gót vàng dận dạn máy  âm dương.
                                     (Dệt cửi)                                                                                      
                                                                                    
Thơ  Lê Thánh Tông là thơ “tái đạo”  (chở đạo). Đạo là quy luật tự nhiên của càn khôn và xã hội. Ở loài người, đạo hàm nghĩa đạo đức mà gốc của đức là chữ nhân. Thơ ông tràn ngập nhân đức và do đó tràn ngập vẻ đẹp. Chính lòng nhân đức đã cho ông con mắt nhìn thế gian khác nhiều so với những nhà thơ khác trong Hội Tao Đàn. Vận dụng triết lí vạn vật nhất thể và nghệ thuật khẩu khí, ông cố tình xóa nhoà ranh giới giữa cao và thấp, giữa sang và hèn nhằm mục đích nâng đỡ, an ủi, khích lệ, làm nở nụ cười trên môi những người mang số phận hẩm hiu:
                  Góp giang sơn xách một quai,
                  Lượng bằng sông bể  chẳng từ ai!
                  Vườn đào ngõ mận từng len lỏi,
                  Gác tía lầu son mặc nghỉ  ngơi…
                                (vịnh người ăn mày)                                                                              
                  Bác mẹ  sinh ra vốn áo sồi,
                  Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi.
                  Chép miệng nuốt ba con kiến gió,
                  Nghiến răng chuyển  động bốn phương trời.
                                        (Vịnh con cóc)                                                                                
Những bài thơ viết về những số phận đáng thương trong đời đủ cho thấy ông là một nhà  thơ nhân đạo chủ nghĩa đích thực không khác gì Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du sau này:
                  Thờ  chúa thờ chồng hết tấc thương,
                  Một mình lọn  đạo việc cương thuờng.
                  Non thiêng dễ  hoá hồn Tinh Vệ,
                  Nước biếc khôn nhìn mặt Phạm vương.
                                      (Vịnh Mị Ê)                                                                                      
                  Nghi ngút  đầu ghềnh toả khói hương,
                  Miếu ai như  miếu vợ chàng Trương?
                  Bóng đèn dầu nhẫn, đừng nghe trẻ,
                  Cung nước chi cho lụy tới nàng?…
                  Qua đây mới biết nguồn cơn  ấy,
                  Khá  trách chàng Trương khéo phũ  phàng!
                                    (Miếu bà Trương)                                                                                       
Ở Lê Thánh Tông, chữ nhân gắn liền với chữ trí. Là vị vua sáng, ông hiểu hơn ai hết cái nguyên lí đã được xướng ra ở triều đại nhà Lê: Hiền tài – quốc gia chi nguyên khí (bậc hiền tài là tố chất căn bản của quốc gia). Chính vì thế, ít có ông vua nào sánh nổi với ông về tinh thần chiêu hiền đãi sĩ. Sự trọng thị, yêu quí của ông với những hiền tài quốc gia được thể hiện sâu nặng trong những bài thơ khóc điếu các đại thần khi họ qua đời:
                  Dẹp yên bốn cõi mới buông tay,
                  Lồ  lộ Thai tinh (sao lớn) một đoá mây.
                  … Thương ít tiếc nhiều khôn xiết chế,
                  Miếu  đường hầu lấy cột nào thay?
                                    (Điếu Lê Khôi)                                                                                                     
                  Khí  thiêng đã lại thu sơn nhạc (cõi trời),
                  Danh lạ  còn truyền để quốc gia.
                  Khoát ngón tay than tài cái thế,
                  Lấy ai làm trạng nước Nam ta?
                    (Điếu trạng nguyên Lương Thế  vinh)                                                                     
Với khối óc vô cùng mẫn tuệ (tương truyền  ông là một vị tiên đồng giáng xuống làm vua nước Nam), Lê Thánh Tông đã nhận định, bình phẩm một cách xác đáng theo quan điểm độc lập của ông về các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa như Hán Cao Tổ, Hạng Vũ, Trương Lương, Tiêu Hà, Hàn Tín, Tô Vũ… Ví dụ ông thừa biết Hán Cao Tổ chỉ là một kẻ vô học, cho nên với hành động qua nước Lỗ viếng Khổng Tử của ông ta, Lê Thánh Tông đã hạ một câu:
                  Qua Lỗ  vì chưng chút đãi buôi!
Cũng nhờ khối óc sáng suốt phi thường mà Lê  Thánh Tông đã nhận ra tất cả những sai quấy, vô  lí, bất cập của các triều vua Lê trước ông. Một hành động nổi bật là ông đã xuống chiếu minh oan cho bậc vĩ nhân Nguyễn Trãi vào năm 1464, ra lệnh và cắt cử người sưu tầm di cảo của Nguyễn Trãi để làm quốc bảo. Nhờ thế mà di sản văn hoá vĩ đại của Nguyễn Trãi mới còn đến ngày nay.
Trong thời đại phong kiến, không một triều đại nào phát triển rực rỡ như triều đại Lê Thánh Tông. Tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, luật pháp, văn hoá, xã hội… đều trở nên hoàn thiện chưa từng thấy. Điều đặc sắc nhất là triều đình đồng thời là một “hội văn chương”, để lại cho đời những tác phẩm lớn như Quỳnh uyển cửu ca (bằng chữ Hán) và Hồng Đức quốc âm thi tập (thơ nôm).
Lê  Thánh Tông có ý thức sâu sắc xây dựng một nền văn hoá độc lập của dân tộc. Kế thừa di sản thơ quốc âm của Nguyễn Trãi, ông đặc biệt chú  trọng xây dựng nền thơ nôm để một mặt thoát khỏi sự phụ thuộc vào ngôn ngữ của Trung Hoa, mặt khác mang ý đồ đối thoại, sánh vai với nền văn chương Bắc quốc! Đó chính là tư tưởng có tầm chiến lược của một bậc minh quân vĩ đại trong thế kỉ XV. Chúng ta sẽ thấy rõ điều đó khi đi sâu nghiên cứu thơ nôm thời Hồng Đức.
Trong thơ cũng như trong đời, Lê Thánh Tông tuy cao đạo mà chân thành, tuy kì vĩ mà bình dân. Ông luôn gần gũi mọi người và tỏ ra là  một con người vô cùng hữu tình, tế nhị, dễ  mến:
                  Vạc thẩn thơ  tìm nội quạnh,
                  Trời lác  đác vẻ sao thưa.
                  Một bầu thế giới hây hây lạ,
                  Mấy kẻ  chung tình đã thức chưa?
                              (Vịnh canh bốn)                                                                                                                                                                                     
                                                                                                       
GIÁ  TRỊ CỦA TẬP THƠ HỒNG ĐỨC QUỐC ÂM THI TẬP



Mặc dù thời Hồng Đức (1470 – 1497, triều Lê  Thánh Tông) không sản sinh ra một thiên tài thơ nôm tầm cỡ Nguyễn Trãi, nhưng thơ nôm thời kì  này lại nở rộ trên diện rộng hơn, số người tham gia sáng tác thơ nôm cũng đông đảo hơn. Mặt khác, chất lượng thơ cũng có những ưu điểm lớn: nội dung và đề tài phong phú hơn, nhiều bài thơ rõ ràng đã tiếp thụ được tinh hoa nghệ thuật trác tuyệt của thơ Nguyễn Trãi. Và một điều hết sức đặc sắc mà thơ nôm Nguyễn Trãi không có, đó là sự hiện diện của loại thơ nôm tiếu lâm, phản ánh bản tính thích cười của người Việt.
Toàn bộ nội dung thơ nôm thời Hồng Đức toát lên tinh thần độc lập và tự cường dân tộc, đặc biệt chú trọng biểu dương, ca ngợi đất nước An Nam vừa oai hùng hiển hách vừa vô cùng tươi đẹp như một xứ sở kì diệu bậc nhất trên thế gian.
Sau đây là những những nội dung cụ thể:
* Phản ánh khí phách hào hùng của dân tộc thông qua những trang sử oanh liệt và các nhân vật anh hùng hiển hách như Thánh Gióng, Trưng Vương, Triệu Ẩu, chiến thắng Bạch Đằng Giang …  
                  Trợ  dân dẹp loạn trả thù  mình,
                  Chị  nhủ cùng em cất nghĩa binh.
                  Tô  Định bay hồn vang một trận,
                  Lĩnh Nam mở  cõi vững trăm thành…
                  Còn nước còn non còn miếu mạo,
                  Nữ  trung đệ nhất đấng tài danh.
                                 (Trưng Vương)                                                                                                        
                  Leo lẻo doành xanh nước tựa dầu,
                  Trăm ngòi ngàn lạch chảy về chầu.
                  Rửa không thay thảy thằng Ngô dại,
                  Gịa (giũ) mọi lâng lâng khách việt hầu.
                                 (Bạch Đằng Giang)                                                                                                             
* Ca ngợi đất nước An Nam gấm vóc, hoàn toàn không thua kém gì những danh thắng như Tiêu Tương bát cảnh của Trung Hoa: núi Thần Phù, động Bạch Nha, chùa Phật Tích, chùa Non Nước, chùa Trấn Võ…
                  Muối pha bãi bạc sông sâu hoáy,
                  Chàm nhuộm cây xanh núi tuyệt mù.
                  Khói quán mây ngàn tuôn ngùn ngụt,
                  Chợ  quê sóng bể dức (réo) ù ù…
                                  (Núi Thần Phù)                                                                                                     
                  Hòn  đá ai đem đặt giữa đồng,
                  Mĩ  miều thiếu nữ lựa (khiến) người trông.
                  Da dồi phấn tuyết nhuần nhan sắc,
                  Đầu gội mưa xuân sạch bụi hồng...
                  Tới nay tuổi  đã bao nhiêu tá?
                  Chành chạnh (khư khư) bền gan chửa lấy chồng?
                                  (Núi goá)                                                                                                                                      
Những vẻ tuyệt mĩ của thiên nhiên như trăng, hoa, thảo mộc, thời tiết bốn mùa, cảnh đẹp năm canh, lễ hội… đều được miêu tả một cách tỉ mỉ và đầy chất thơ:
                  Nước cạn  đồng hồ canh chuyển hai,
                  Đêm dài đằng đẵng tựa năm dài.
                  Vang ngõ  nọ chày cao thấp,
                  Nhộn  đầu kia địch (sáo) bẻ bai.
                  Trăng sáng ba ngàn thế  giới,
                  Gió  đưa mấy xóm lâu đài…
                                          (Canh hai)                                                                                                       
                  Mai gầy liễu guộc cỏ  le te,
                  Biết chạy làm sao khỏi nắng hè?
                  Đậu lá, võ vàng con bươm bướm,
                  Ấp cây, gầy guộc cái ve ve…
                          (Vịnh nắng hè)                                                                                                                       
* Phản ánh bản sắc tâm hồn giàu tình cảm và chất thơ của người Việt qua những bài thơ trữ  tình như: Miếu bà Trương, Vịnh Mị Ê, chùm thơ  Lưu Nguyễn nhập đào nguyên, Ngưu Lang – Chức Nữ, Vương Tường…
Đây là lời một người vợ trẻ nói với người chồng phụ bạc:
                  Chàng hỡi hai ta nghĩa  đã cân,
                  Thốt thề  chẳng hổ với linh thần?
                  … Mây nước dạ chàng dầu bạc nghĩa,
                  Cỏ  hoa lòng thiếp hãy còn xuân…
Cách đây nửa thiên niên kỉ mà thi nhân thuở ấy  đã phát hiện và miêu tả những cảm xúc tinh tế như vậy nơi tâm hồn một người đàn bà trẻ, điều ấy không đủ khiến chúng ta ngạc nhiên và khâm phục hay sao?
* Thơ nôm thời Hồng Đức dành một mảng đáng kể  chuyên miêu tả sinh hoạt dân dã với những vật hết sức thông thường, nhỏ mọn nhưng rất đỗi thân thương, gắn bó mật thiết với người Việt như hình với bóng: khoai lang, quả dưa, cây chuối, cây cau, cái nón, cái đó, cái quạt, ông đầu rau, cối xay, thằng bù nhìn, nhà dột, con chó đá, con gà, con muỗi, con cóc, trứng vịt…
                  Ngọt bằng mít, mát bằng dừa,
                  Trợ  khát nào qua một quả dưa?
                  Mùi mẽ  ngon, người dễ trọng,
                  Tinh thần lạ  thế (đời) đều ưa.
                                       (Qủa dưa)                                                                                                                
                  Muỗi hỡi, mi sinh giáp tí (ngày tháng) nào,
                  Đêm đêm lẻn đến cửa buồng tao…
                  Canh khuya lẩn quất làm cho nhọc,
                  Châm  đốt ngoài da có xuể  nào?
                                  (Con muỗi)                                                                                                                      
Những đề tài, đối tượng “rất tầm thường” mà văn chương chữ Hán thường coi khinh và chối bỏ thì thơ nôm Hồng Đức lại tiếp nhận và miêu tả một cách say sưa khác thường! Rõ ràng người Việt thế kỉ XV có khát vọng làm một cuốn từ điển bách khoa bằng thơ về cuộc sống hiện thực vô cùng sinh động, đáng yêu đáng quý của dân tộc mình! Họ đã phát hiện được một chân lí tuyệt vời: chính từ đất mẹ thân yêu đã sản sinh ra vô vàn cái đẹp cho đời, không cần phải cầu  cạnh, vay mượn ở đâu khác!
Nhiều bài thơ khác chuyên miêu tả những người bình dân như: người hái củi, người cày ruộng, người kiếm cá, trẻ chăn trâu, thằng mõ, người ăn mày… Mặc dù các thi nhân còn chịu ảnh hưởng loại thơ vịnh tứ thú (ngư tiều canh mục) của văn học Trung Hoa nhưng về thực chất, họ muốn nhấn mạnh ý tưởng thâm thúy quốc dĩ dân vi bản, muốn miêu tả con người, cư dân trên giang sơn gấm vóc của xứ sở An Nam:
                  Năm canh bố  cốc (tu hú) tiếng kêu om,
                  Leo lẻo canh phu (thợ cày) sớm đã nom.
                  Gió  ngàn xanh xoay nón lệch,
                  Mưa núi lục cúi lưng khom…
                  Tấc  đất tấc vàng yêu bấy tá,
                  Mồ  hôi dồn dọi thuở đầu mom.
                               (Vịnh người đi cày)                                                                                                       
                  Mõ  này cả tiếng lại dài hơi,
                  Mẫn cán ra tay chẳng phải chơi…
                  Trẻ  già chốn chốn đều nghe hiệu,
                  Làng nước ai ai cũng cứ  lời…
                  Thứ  bậc dưới trên quyền cắt  đặt,
                  Một mình một chiếu thảnh thơi ngồi.
                           (Vịnh thằng mõ)                                                                                                 
* Như chúng tôi đã nói trên đây, triều  đại Lê Thánh Tông trị vì là thời kì  cực thịnh của chế độ phong kiến Việt Nam. Trong triều ngoài nội đều vang lên những khúc “âu ca thái bình”. Là ông vua hiền minh và nhân  đức, Lê thánh Tông cư xử với các bề tôi của mình như tình huynh đệ. Bản tính ông rất hồn nhiên, vui tính, thích đùa, chứng tỏ ông mang cái gen trào lộng, khôi hài độc đáo của người Việt. Chắc chắn chính ông đã “bật đèn xanh” cho chủng loại thơ nôm tiếu lâm đặc thù của dân tộc ta được nghiễm nhiên lọt vào Hồng Đức quốc âm thi tập – một tuyển tập thơ “chính quy”của triều đình. Đó là thứ thơ mang biểu tượng hai mặt: một mặt miêu tả phong cảnh hay một sự vật nào đó, còn mặt kia cố ý miêu tả những động tác phối ngẫu âm dương của nam và nữ. Trong thế giới tinh thần hết sức lành mạnh, gần gũi thiên nhiên của người Việt cổ (cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới), hiện tượng phối ngẫu âm dương đó là hoàn toàn tốt đẹp, đáng ngợi ca, là một niềm say sưa, hứng thú thực sự, và hoàn toàn có thể là một đề tài đặc sắc của văn chương. (Chỉ có một vài tôn giáo như Phật Giáo, Nho Giáo… kì thị với hiện tượng tự nhiên đó). Trong văn học dân gian, nhất là trong truyện tiếu lâm, môtíp “phối ngẫu âm dương” này thường xuyên xuất hiện và có sức hấp dẫn đặc biệt làm cho người Việt bật lên tiếng cười vô cùng thích thú và sảng khoái. Hồng Đức quốc âm thi tập có ít nhất ba bài thơ thuộc môtíp ấy: Kênh Trầm, Vụng Bàn Than, Cây đánh đu.    
                  Đồn rằng huyện Ngọc có kênh Trầm,
                  Tuy hẹp le (nhưng) vui hết mấy rằm (tháng).
                  Gò  nổi xương trâu rêu lún phún,
                  Bãi lè  lưỡi bạng (trai) bọt lăm tăm.
                  Chan chan thuyền khách sào chưa nhổ,
                  Sịch sịch chài ai cọc hãy cằm (cắm).
                  Có  kẻ kéo khan năm bảy lúc,
                  Chờ  cho thấy nước bõ đêm nằm.
                                    (Kênh Trầm)                                                                                                  
                  Một vụng Bàn Than vành vạnh tròn,
                  Tư mùa nước chảy chẳng hay mòn.
                  Lòng bòng vó  cất bên kia bãi,
                  Đủng đỉnh chày đâm mái nọ non.
                  Cắm nhổ  đầu ghềnh sào mấy cỗi,
                  Nhấp nhô  mặt nước đá hai hòn.
                  Ngư  ông đưa đẩy khoan thì nhặt,
                  Nhân nhẩn (nhởn nhơ) triều lên nước dẫy (đầy) con.
                                          (Vụng Bàn Than)                                                                                                                
                  Bốn  cột lang nha cắm để trồng,
                  Ả thì  đánh cái, ả còn ngong.
                  Tế  hậu thổ khom khom cật,
                  Vái hoàng thiên ngửa ngửa lòng.
                  Tám bức quần hồng bay phới phới,
                  Hai hàng chân ngọc  đứng song song.
                  Chơi xuân hết tấc xuân dường ấy,
                  Nhổ  cột đem về để lỗ  không.
                                (Cây đánh đu)                                                                                                                                           
Không nghi ngờ gì nữa, chủng loại thơ nôm tiếu lâm này là tiền thân của thơ nôm Hồ Xuân Hương sẽ nở rộ và đạt tới đỉnh cao vào 300 năm sau. Chúng tôi tin chắc rằng sau thời Hồng Đức, chủng loại thơ này vẫn luôn được tiếp tục trong nền thơ dân tộc nhưng vì lí do nào đó đã bị thất truyền. Thơ nôm Hồ Xuân Hương ở thế kỉ XVIII –XIX cũng chỉ là một sự kế tục và là trường hợp nổi bật.



Tóm lại, thơ nôm của Lê Thánh Tông và Hội Tao Đàn trong nửa cuối thế kỉ XV là một thành tựu lớn đóng góp vào nền văn hiến Đại Việt, thực sự làm khởi sắc nền văn học dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của một ông vua – hiền triết có tư tuởng và hoài bão chấn hưng đất nước, tất cả các thi nhân đương thời đều thấm nhuần tinh thần tự cường tự tôn dân tộc, ra sức biểu dương sự vinh quang, cái đẹp và sức mạnh của tổ quốc, của truyền thống văn hoá ưu tú xứ sở mình. Vua tôi triều Hồng Đức muốn tuyên bố trước thế giới rằng: trên đất nước Đại Việt ngàn năm này đã và sẽ tồn tại vĩnh viễn một cuộc sống đích thực, diễn ra thiên hình vạn trạng và bất tuyệt, gắn chặt với thiên nhiên tuyệt diệu phương Nam, với truyền thống lịch sử oai hùng và những phong tục cổ truyền tốt đẹp. Đất nước ấy tuyệt nhiên không hề kém cạnh gì so với “Bắc quốc” mà sách vở và thi ca Trung Hoa đã mô tả, ngợi ca suốt bao nhiêu thời đại!
Lần  đầu tiên ở nước ta, thơ nôm được nâng lên địa vị thơ cung đình, mang tầm vóc quốc gia, sánh ngang với thơ chữ Hán. Thơ nôm ấy không còn bị coi là “nôm na”, vì chúng được sáng tác bởi những thi nhân kiệt xuất của thời đại: nhị thập bát tú (28 ngôi sao thơ) trong Hội Tao Đàn do đích thân nhà vua sáng lập và đứng làm chủ súy!
Thơ  nôm thời Hồng Đức là biểu trưng rực rỡ của một thời đại tự chủ huy hoàng, kế  tục thời đại oanh liệt do Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn tạo dựng nên và Nguyễn Trãi là người cầm ngọn cờ văn hoá.

Dòng thơ nôm ấy sẽ được thừa kế và  phát triển liên tục trong những thời đại sau ở  các thế kỉ XVI, XVII, XVIII, XIX, XX… đưa nền thi ca Việt Nam – sau khi đã thoát khỏi tình trạng phải đi mượn một thứ tiếng nước ngoài là  tiếng Hán – vươn lên tầm vóc chung của nền thơ nhân loại.