Monday, October 12, 2015

SỐNG VÀ CHẾT - ĂN TRỘM DẠY CON




*SỐNG VÀ CHẾT

Sống và chết có gì khác nhau? Khi chúng ta được sinh ra đời, người vui mừng không phải là bản thân chúng ta, mà là cha mẹ, người thân cuả chúng ta. Sau khi chúng ta chết, người khóc lóc cũng không phải là bản thân chúng ta, mà là con cái, người thân của chúng ta.
Chúng ta không vui sướng vì ra đời, vì lúc đó không biết vui sướng; chúng ta không khóc lóc vì chết đi, vì sau khi chết sẽ không còn cảm giác. Chúng ta không cách gì phát biểu cho cuộc sống, vì khi phát biểu ta đã được sinh ra rồi, bất luận được sinh ra trong một hoàn cảnh như thế nào, chúng ta đều không có tư cách quyết định; chúng ta cũng không có cách gì rơi lệ cho cái chết vì cho dù có chống trả thì sinh vật nào cũng phải chết.
Chúng ta mở đầu cuộc hành trình bằng tiếng khóc của bản thân, rồi lại kết thúc mạng sống trong tiếng khóc của người thân. Chúng ta rời khỏi cơ thể mẹ mà ra đời, rồi lại rời khỏi thế giới này mà chết đi. Chúng ta được đẩy lên sân khấu cuộc đời, rồi laị bị kéo xuóng. Chúng ta tựa hồ không hề có một quyền lực can thiệp nào vào hai vấn đề lớn nhất của cuộc đời, là sự sống và cái chết..
May mà trong vấn đề này, chúng ta vẫn có thể có một chút hành vi để khiến bản thân sinh ra bình thường, nhưng có thể chết vĩ đại.
Ra đời trong cơn đau đẻ của một mình người mẹ, nhưng có thể từ bỏ thế gian này trong tiếng khóc đau thương của hàng triệu con người.






*ĂN TRỘM DẠY CON

Xưa có một tên đạo chích rất lành nghề. Một hôm, con trai ngỏ ý muốn học nghề của cha. Tên ăn trộm liền dẫn con đi thực tập. Hai cha con đến một nhà giàu có, đánh bã cho lũ chó chết mê mệt xong, đạo chích đào ngạch, khoét vách dắt con chun vào nhà. Cả nhà ngủ say như chết. Tên trộm thấy một cái rương to còn trống bèn giở nắp rương bảo con:
- Con chun vào đây, hốt hết đồ đạc bỏ vào bao cho cha.
Thằng con y lời, đạo chích liền đóng nắp gài khoen lại... rồi lẻn ra khỏi nhà, hô hoán lên ầm ĩ:
- Ăn trộm! Ăn trộm!
Chủ nhà bừng tỉnh, thấy nhà bị khoét vách, dáo dác tìm kiếm hồi lâu, không thấy động tịnh liền đi ngủ lại. Thằng con lão đạo chích nằm chết điếng trong rương, tái tê vì sợ và hận cha khôn tả. Hồi lâu hắn nghĩ ra một kế thoát thân, bèn lấy tay cào sột soạt vào thành rương và giả tiếng chuột kêu "chí... chí..." để đánh lừa chủ nhà. Nghe chuột kêu, chủ nhà vội thức giấc, đốt đèn mở rương đuổi chuột. Thằng bé liền nhỏm dậy, tắt đèn, xô té chủ nhà, tông cửa chạy một mạch. Chủ nhà lục tục kéo nhau, vừa chửi vừa đuổi theo.
Thằng bé chạy đến đường cùng thì gặp một cái giếng, nó vội vàng ôm một cục đá to liệng xuống giếng và tri hô:
- Thằng ăn trộm rớt xuống giếng rồi... Làng xóm ơi!
Mọi người đổ xô nhau kéo đến giếng để bắt trộm. Thằng bé chạy thẳng về nhà. Gặp cha, thằng bé oà lên khóc. Và không tiếc lời để oán trách cha. Lão đạo chích mĩm cười nói:
- Khoan đã... Con hãy kể cho cha nghe con đã thoát thân bằng cách nào?
Cậu con thuật lại từ đầu chí đuôi. Lão đạo chích vỗ tay cười ha hả:
- Hay quá, con tôi đã thành nghề rồi!

 Lời Bàn:
 Hốt của báu bỏ vô bao và vác về nhà xài khi có người dắt đi, đào ngạch, khoét vách sẵn... là một điều mà bất cứ thằng cu con nào cũng làm được, nhưng phải tìm cách thoát thân một mình thì chỉ có thằng Cu này. Vì vậy mà lão đạo chích mới cười ha hả khi nghe con mình thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Còn chúng ta, nhờ nghiệp lực dẫn dắt chui vào thế gian này, tôi và em giống như thằng Cu con đang lúi húi hốt ngũ dục nhét cho đầy túi tham của mình thì “ầm” một cái, cửa rương khoá chặt. Đó là lúc chúng ta bị vây bủa và phải đối diện với bát phong: Lợi, suy, mắng nhiếc, khen tặng, vinh nhục, vui buồn .v.v... Oà lên khóc than và không tiếc lời oán trách mẹ cha, thượng đế... thì ai làm cũng được. Nhưng làm sao để tự tại trước bát phong thì... tùy theo sự khéo léo của từng người.
Nghệ thuật ăn trộm, nghệ thuật sống hay nghệ thuật thiền chỉ là một thôi !