CÁM ƠN EM
Có nhà văn nào đó viết câu : văn hóa là những gì còn lại khi người ta đã quên hết ( La culture est ce qui rest , quand on a tout oublie ), và trong cái nét chung của văn hóa người ta cũng không thể không nhắc đến vai trò của giáo dục , nó như người bạn đồng hành đã góp phần tạo nên cái hồn xác , cái sức mạnh riêng của một dân tộc .Thiết nghĩ , một nền giáo dục mang đậm nét nhân bản , trong đó đưa yếu tố dạy làm người lên hàng đầu , sản phẩm của nó sẽ là những học trò có ích cho nhân quần , xã hội . Không phải ngẫu nhiên mà trong nhân gian lại lưu hành những ca dao, tục ngữ vinh danh vai trò của người thầy như : trọng thầy mới được làm thầy , không thầy đố mầy làm nên v.v.. người ta đưa vào quốc văn giáo khoa thư những bài ngụ ngôn nêu đậm nét nhân văn này mà có lẽ hình ảnh ông quan Carnot về trường cũ thăm người thầy già là mang nhiều cảm xúc nhất , hình ảnh đó là tấm gương tốt cho nhiều thế hệ học trò sau này .Những em này dẫu sau này có bước thênh thang trên con đường danh vọng , vẫn tìm về những ân tình thầy trò xưa cũ , có thể nói trong hội ngộ thâm tình , những cái bắt tay thân ái của sau những năm dài không gặp là niềm vui lớn lao cho những người thầy , người cô đã chọn cho mình một chỗ đứng khiêm nhường trong xã hội , dẫu rằng xã hội thường giao cho họ cái nhiệm vụ mà người ta gọi là cao cả , nó nặng nề quá , chắc không ai dám nhận , nhưng những người thầy cô đó vẫn miệt mài âm thầm vun bón một phần những thành quả tốt đẹp của nhân loại cho đàn em của mình với mong muốn cháy bỏng là các em sau này sẽ là những nhân tài của đất nước . Có thể nói ngắn gọn , một xã hội không có giáo dục đúng nghĩa là một xã hội ly tán , loạn lạc , ươn hèn . Người ta nhìn vào giáo dục của một dân tộc để biết sức mạnh của đất nước đó .
Cái phần nhập dề lung khởi của một bài văn nó dài dòng như vậy chắc có lẽ các thầy dạy Văn cho điểm thấp , nhưng không sao , cái mà mình muốn nói đến nó quý hơn cái điểm thấp đó nhiều và mình sẽ nói như thế nào để nhân vật chính không cho là mình cường điệu bây giờ ? Nhân gian chẳng phải đã có câu : “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau “ đó hay sao ?
Nhớ lại thời gian trước , đã lâu lắm rồi , khi mình được gọi tên để chọn nhiệm sở thì danh sách các trường danh tiếng vẫn còn trên bảng ,có thể kể như nào là Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho ,Tống Phước Hiệp Vĩnh Long , rồi Thoại Ngọc Hầu Long Xuyên , nhưng mình lại chọn trường Hoàng Diệu của tỉnh Sóc Trăng . Có lẽ chỗ này nó vừa gần quê , vừa gần trường.Gần quê để về thăm nhà , gần trường để lên đó học nốt chương trình cử nhân còn dang dở .Với tuổi đời con non so với cái nghề mà đòi hỏi con người ta phải nghiêm khắc với bản thân , mình lo lắng lắm , học trò ở đó hiên lành , chăm ngoan hay ngược lại , dân sinh , dân tình ở đó ra sao ?Mọi thứ rối như tơ vò , thôi thì : đã mang lấy nghiệp vào thân / Cũng đừng trách lẫn trời gần , trời xa “ . Cám ơn trời , mọi thứ rồi cũng qua đi , học trò nơi đây hiền lành dễ mến , các đồng nghiệp lẫn ban Giám hiệu đều đáng yêu .Có lúc mình tự nhủ : dừng chân soi bóng bên dòng nước “ chăng ? Hãy cứ bình tĩnh mà , có gì đâu mà vội .
Biến cố 30-4 làm thay đổi nhiều số phận của con người trên mãnh đất Việt . Ai đó nói rằng , ngày này có trăm người vui thì cũng có trăm kẻ buồn . Đâu có cái chiến tranh nào của một nòi giống cứ đánh mãi với nhau mà kết cuộc của nó đem về hai tâm trạng chênh vênh lòng người như vậy ?!
Có nhiều nguyên nhân để mình rời khỏi Sóc Trăng , nhưng theo mình cái lớn nhất đó là sự xung đột tư tưởng giũa cũ và mới . Có lẽ ai ở trong phạm vi nhỏ của nghề nghiệp của mình họ sẽ biết và thông cảm được với mình , trong hoàn cảnh đó, bỏ đi cái nghề mà mình đã tốn nhiều cơm áo cha mẹ để có được là một quyết định đau buồn . Tính ra , kể từ tháng 10 năm 1973 là lúc đến trường nhận nhiệm sở cho đến tháng 12 năm 1975 rời trường , mình dạy được hai niên khóa , mà không niên khóa nào trọn vẹn cả .
Tình cờ mình biết được cô (em ) này , cô là một học sinh cũ của trường Hoàng Diệu , tuổi đời có lẽ xấp xỉ mình , nhân dịp một đồng nghiệp cũ rũ mình đến dự một buổi họp mặt của các thầy cũ tại nhà của em , ở đó mình gặp các đồng nghiệp mà tuổi đời cũng như tuổi nghề của họ ngang tầm với thầy của mình .Câu chuyện gặp gỡ này cũng loanh quanh những kỷ niệm xưa của thời còn dạy ở trường cũ , nhưng cái ấn tượng mà mình ghi nhận nơi cô là sự trân quý , sự ân cần , sự năng động của một người học trò cũ .
Nhìn sự năng động , lo lắng của cô (em ) cho những lần tổ chức họp mặt mình thấy cảm phục cho tấm lòng của một cô học trò , mình nghĩ nếu không có sự hiện diện của cô (em) có lẽ chưa chắc rằng những cuộc họp mặt được mỹ mãn như vậy . Bên cạnh các bạn nam trong ban đại diện của trường cũng hết lòng , hết sức cho cái chung thì sự năng nổ từ miếng ăn , chỗ nghỉ , xe cộ , cô đều hoàn thành một cách xuất sắc vai trò của mình ,mình nghĩ nếu tất cả các ban liên lạc của các trường trên trên toàn quốc nên có những con người dám quên mình vì cái vui chung của các đồng môn và thầy cô cũ như vậy .
Người ta nói có một loài chim mà ngoài tiếng hót hay của nó , ngoài cái tên gọi rất đẹp của nó ,sự hiện diện của nó còn đem lại niềm may mắn vui tươi cho người khác ,loài chim đó có tên là Hoàng Yến , và người em gái mà mình có đôi lời vinh danh những công sức của em , những thâm tình của em dành cho trường xưa , thầy cô cũ , có cái tên giống như loài chim mình vừa nhắc ở trên : Lâm Hoàng Yến , ( con chim Hoàng Yến ở rừng ? ) cựu học sinh trường Trung học công lập Hoàng Diệu tình Sóc Trăng nk 1964 -1971. Môt lần nữa mình , mình mượn những dòng ngắn ngủi này để cám ơn em về những đóng góp quý báu trên .
Huỳnh Thanh Long