Tuesday, September 15, 2015

YÊU NHỮNG CÂU RU - CÂU HÒ - ĐIỆU LÝ... ( Hương Chiều )




YÊU NHỮNG CÂU RU - CÂU HÒ - ĐIỆU LÝ ...



           Được sinh ra và lớn lên trên đất Mẹ Việt Nam , lăn tròn trong chiếc nôi tình tự dân tộc, tiếng ru đầu tiên ạ ời của Mẹ đã cho con cảm nhận tất cả mọi thương yêu êm ái từ trái tim mẹ hiền ; khi Mẹ ôm ấp dỗ dành giấc ngủ con yêu.
     …  Rồi một ngày.. tôi cất tiếng hát ru . Tiếng hát ru em đầu đời .Tiếng ru đã pha vào tiếng khóc nỉ non của đứa bé 13 tuổi đầu vừa mất Mẹ .  Nước mắt nhoè nhoẹt . Tôi cố quệt nước mắt và  câu hỏi cứ lẩn quẩn trong đầu óc non nớt của tôi bấy giờ là tại sao Má lại chết nhanh và chết dễ đến thế ? Rồi Má sẽ về đâu vậy Má ??..
                 ... Ầu.. ơ..Chiều chiều chim vịt kêu chiều .
                 Bâng khuâng nhớ Mẹ chín chiều ruột đau ..
                 … Ầu.. ơ..Má ơi đừng đánh con đau ..
                   Để con hát bội làm đào cho má xem...

…Và từ đó- tiếng hát bé bỏng ngô nghê của tôi đã dỗ dành các em tôi vào giấc ngủ trưa say nồng thay cho tiếng hát ru của Má . Má đã vĩnh viễn xa lìa Ba và bầy con sáu đứa nhóc nheo  Đứa Út nhất mới tròn mười một tháng!!. Tôi đã thuộc nằm lòng những câu Má hát ngày xưa..Má có nghe con không??..
                   Ầu .. ơơ…Mẹ già như chuối Ba Hương.
                   Gió đưa Mẹ rụng con rày mồ côi …

- Má có sống đến già đâu để còn có dịp nói cho con biết chuối nào là chuối Ba Hương. Sao Má không đợi đến khi chỉ cần có chút gió nhẹ thôi là Má sẽ được đi trọn một vòng sanh lão bệnh tử - như câu hát của người xưa ?- Mẹ đã già thì Mẹ sẽ theo Ông theo Bà.Vậy mà khi Mẹ mất đi ; đứa con đã già đầu vẫn còn phải buông lời kêu khóc cho thân phận côi cút!!-  Chuối Mẹ Ba Hương của con đang còn xanh tươi .Buồng đang trổ thêm nải tốt thì đã ngã vật nhào sau lần vượt cạn đớn đau . ..Bây giờ..con cũng đang hát bội làm đào. ..muốn có Má để đánh cho con vài trận giống như ngày còn bé - con thường để cơm khét vì  cái tội mãi mê hát hò mấy câu vọng cổ !…   
         … Tôi tập cất giọng ngân nga  như tiếng ầu …ơ ..của Má ngày nào. Ầu ơ ...Còn cha gót đỏ như son . Đến khi cha chết gót con đen sì.- Tôi đã khóc cha ,nhớ cha trong suốt những tháng năm lưu thân nơi xứ người - Ba tôi –thâm tình máu mủ  duy nhất còn lại của chị em chúng tôi sau ngày Má tôi mất đi.
            Ba đã cho tôi biết thế nào là sân khấu , là cải lương ,là vọng cổ..vì khi sanh tiền Ba rất mê kép Minh Chí , Út Trà Ôn, Thành Được.. khoái kép độc Trường Xuân, Việt Hùng, Hoàng Giang  .. Ba thích Út Bạch Lan vì Cô đào nầy hát mùi mà lại khóc hay quá.Ba tôi giải thích cho tôi như vậy đó . Ba luôn dẫn tôi theo mỗi lần có bất cứ một đoàn cải lương- dù đại ban hay gánh hát bù tèo đến Thị xã. Rạp hát Cải lương vừa mới xây xong lại rất gần nhà tôi. Các gánh hát lớn về tới tấp .Dân Sóc Trăng tôi ghiền Cải Lương lắm .Những tay thầu bao giàn đã một thời hốt bạc .Nguyên cái xóm Chợ Gà đêm nào cũng có đủ mặt .Ba tôi dù rất tiết kiệm trong mọi thứ sinh hoạt nhưng – coi cải lương là phải kiếm mua cho được vé hạng nhứt Ba mới chịu .Tôi nhớ câu Ba tôi nói hoài : coi hát cải lương phải ngồi gần sân khấu thì coi mới đã- vừa thấy được mặt mày hóa trang thiệt đẹp vừa nghe đào kép hát rõ ràng thì mới biết được sọan giả viết tuồng hay. Vậy mà khi tôi nói với Ba tôi ý nguyện : khi lớn lên  thì Ba cho con theo gánh hát nghe Ba . Ba tôi nổi trận lôi đình quát cho một trận.. Lúc ấy  Ba đã hỏi tôi : Con có biết đó là con đường sương gió hay không ??
        ...Đợi đến tối lâu quá , tôi hay trốn Ba đi coi thêm phần tập tuồng vào giấc trưa khi Ba nằm đu đưa lim dim trên chiếc võng.. Có lần tôi lân la hỏi Ông thầy đờn ?  (Vì ổng và Ba thường đi đánh bida với nhau. )–Sao Cô Út Bạch Lan  hát cái điệu gì trong bài ca Lan và Điệp mà không giống vọng cổ vậy thầy ?- Thầy đáp gọn lỏn : Lý con sáo.. Và ..sau đó tôi đã học hát Lý con sáo và nguyên bản Vọng cổ Lan và Điệp cuả sọan giả Viễn Châu từ  tiếng hát Út BLan vẳng lên của chiếc “ pickup “ cuả  Bác Sáu Mắm sát bên cạnh nhà...

                   Lý Con Sáo
         Hoa bay theo gió cuốn rụng đầy sân rêu
         Nhìn hoa tàn rụng rơi
         Lan bâng khuâng tê tái tâm hồn
         Bởi bao cay đắng dập dồn
         Tình đầu vừa tan theo khói sương
         Lan khóc than trong đớn đau sầu thương
         Mùi thiền vừa quen câu muối dưa
         Mong lãng quên bao nỗi đau ngày xưa...

Tôi đã bắt đầu thích cái điệu lý mùi mẫn nầy cho đến bây giờ tôi vẫn còn nằm lòng baì ca hát đó !!.
……………………………………..
Câu hát ru, câu hò  điệu lý quê hương , lời ca cổ.. đã nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ tôi. Những tình tự đã thoát thai từ cuộc đời thật giản đơn mà dạt dào mạch sống.Tâm hồn chơn chất hồn nhiên nhưng sâu nặng tình người nhân nghĩa thủy chung của người dân Việt vẫn luôn gắn bó, nồng đậm tình quê hương xứ sở..

           - Đất Cần Thơ em ở
            Xứ Châu thành nọ anh về 
            Bấy lâu sông biển cận kề 
            Nay phân ly mai trúc dầm dề giọt châu …
           -Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
            Gió nào độc cho bằng gió Gò Công
            Anh thương em phải lạc vợ xa chồng
            Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi...

Có ai không khỏi xao xuyến ngùi ngùi ..khi chợt đâu giữa buổi trưa hè vắng lặng ; tiếng Bà ru cho cháu ngủ vì cha mẹ vắng xa …

             Ầu .. ơ… Đốn cây ai nở đốn chồi
             Đạo chồng nghĩa vợ…giận rồi lại thương..
            …Hò  .. ơ..Ghe lui khỏi bến còn dầm
             Người thương đâu mất ơờ..chỗ nằm còn đây. ơ…  

Ý tình đơn giản, mộc mạc nhưng nghe ra được cái nhân nghĩa sống thật đằm thắm thiết tha. Nên cứ nhớ.. nhớ quá !.Nhớ muốn khóc .Nơi xứ người, nhạc nhót vang dậy trời đất . Văn minh Róc, Ráp..có đôi khi cũng khoai khoái lỗ tai .Nhưng nó làm sao ấy..Vẫn  như mang mang thèm thèm một điệu hò, câu hát Ru ,hát Lý, hát Sáu câu để đến khi xuống xề..rơi nước mắt..!          
        Lý khác với Hò hay Ru ở nhạc tính có tính chất bài bản hẳn hoi .Thể điệu Lý còn có khả năng chuyên chở nội dung tình cảm, tâm tư đời sống con người một cách cụ thể ,sâu rộng-Với nghệ thuật luyến láy , dễ nhớ, dễ thuộc bởi làn điệu thể hiện ở mỗi điệu lý  mang chất dân gian -nhất là địa phương tính .
         Thoát thai từ kho tàng Ca dao Đồng dao Dân ca Tục ngữ dân tộc ; những hình tượng dẫn dụ miêu tả- cho dù quá đơn điệu bộc bạch đi nữa –Lý vẫn được sự yêu quý ,trân trọng của những người còn yêu câu hát Việt , đậm đà chất Việt, phong cách Việt . Một thể hát nghệ thuật bình dân : ngô nghê như hạt lúa , cù lần như củ khoai , mộc mạc như lá sen cọng súng , quê mùa như con trâu , cái cày -gần gũi như con quạ , con sáo ,con chim quyên, con cóc , con ngựa…. , cây khế ,cây chanh - khi lại quá tầm thường như là cái nắng giọt mưa  -là trăng ,là sao.. ,là chiều chiều… là tâm sự , là tự tình , là chuyện người  ,chuyện đời thường nhật . Vậy mà Lý có sức hấp dẫn thật lạ kỳ-  vì trong làn điệu Lý có chất trữ tình, chất thơ mang đầy nhạc tính . Hơn nữa , ngôn ngữ vận dụng trong thể điệu Lý  mang sắc thái dân gian đầy tính sáng tạo .Thế nên- thể điệu Lý được vận dụng như là một tánh cách dẫn giải một điều gì đó qua sự ,vật tiêu biểu -rất sống thực và  gắn bó với đời sống và tâm hồn con người Việt Nam .

           Đặc biệt ở đa số các thể Lý chỉ có trong nền cổ nhạc miền NAM như Lý Cái Mơn , Lý Mỹ Hưng, Lý Ba Tri , Lý Con Sáo Gò Công , Lý Đất Mũi..vv..những tên địa phương đi kèm chính là xuất xứ của điệu Lý ấy .Sau bao năm tháng thăng trầm từ dân gian đến sân khấu ; các thể điệu Lý  đã trở thành bài bản chính thức để biểu diễn dù đã được sáng tác bằng lời ca mới .  Một số các điệu Lý từ dân nhạc được các bậc Thầy Cổ nhạc chuyển thành những bài bản bất hủ với đầy đủ những cung bậc Nam Ai Bắc Oán như Lý Giao Duyên ( từ Lý Ru Con) ,Ngựa Ô Nam ,Ngựa Ô Bắc (từ lý Ngưa Ô ) - ở hai bản Vắn nầy , âm điệu không còn giống bản nguyên thủy nữa : bản Nam bi ai - bản Bắc rộn rã mà ray rức , còn nữa..bản Chuồn Chuồn, Lý Chiều Chiều ..vv.  Mặc dù các thể Lý không có tầm vóc quan trọng như các Bản Lớn và Bản Vắn trong một vở tuồng nhưng người soạn giả tài ba sẽ vận dụng cách “gác” một bài Lý vào một câu Vọng Cổ để cho du dương hay lâm ly hơn .Ngay cả khi muốn chuyển đổi sang các cung bậc hỉ nộ aí ố bi ai lạc dục.. điệu Lý có sứ mệnh như là điều trần một sự tình cũng như lý giải một sự việc mà với nhạc tính của Lý , đoạn tuồng sẽ sống động và tránh được sự đơn điệu .Chính nghệ thuật Ca Cổ của Cải Lương đã đưa các thể điệu Lý thành chuẩn hoá trọn vẹn do được yêu chuộng và phổ biến nên đã được phát tiển  rộng rãi trong quần chúng . Nghe rồi hát, hát hoài hát mãi ,hát dài suốt ba miền đất nước..và  ngay cả ở hải ngoại .Giờ đây,  những thể điệu Lý đã có mặt trong những buổi sinh hoạt ngoài trời ,những lần họp mặt ca hát tài tử , những buổi trình diễn trên sân khấu Tân nhạc lẫn Cổ nhạc : Lý chim Quyên , Lý Quạ kêu , Lý con Sáo , Lý Ngựa Ô , Lý con Cóc , Lý con Khỉ đột ,Lý Chim Xanh Lý cây Khế, Lý Cây Trúc xinh, Lý cây Bông, Lý đất Giồng, Lý Mười thuơng,Lý qua Đèo,Lý Chiều Chiều, Lý Đêm Trăng , Lý Trăng Soi ,LýTòng Quân,Lý Đất Mũi ,Lý Cái Mơn ,Lý Mỹ Hưng.vv...
      Tôi không có ý lạm bàn vào việc nghiên cứu về thể điệu Lý ở những khía cạnh có tính cách chuyên môn mà chỉ có lòng yêu thích và trân quý  thể điệu quê hương nầy- Nó chính là những hạt luá vàng đã nẩy mầm trong lòng người Việt xa quê không thể thay cơm bằng bánh mì ,bánh Cheese..!!-Nó cũng chính là kỷ niệm của tuổi thơ tôi khi còn cặp sách đến trường : Tôi thường được Thầy Cô biểu tôi hát trong mỗi dịp văn nghệ cuối năm  ..-Giờ đây, ngồi viết những hồi ức nầy, tôi thấy mình buồn cười quá…  Nhất là.. khi  mình tìm ra được nó là bản gì thì mình đã đi lấy chồng và sắp sanh con !!

                Chiều chiều ra đứng Tây lầu Tây...
                Tây  lầu Tây.. .thấy cô tang tình mà gánh nước
                Tưới cây tưới cây ngô đồng
                 Thương nhớ thương trong lòng
                 Trong lòng tôi thương
                Thương cô tưới cây ngô đồng…

   Đó chính là bản Lý Chiều Chiều-  tôi đã hát thuở ngày xưa . Và tôi  bắt đầu tìm tòi, học hỏi về các thể điệu Lý - Thật ra cảm nhận về cái hay , cái đẹp - nhất là trong lãnh vực nghệ thuật, âm nhạc, văn học .vv ..không hề có vách ngăn .  Tôi không có được may mắn có đủ điều kiện để học lại bộ môn mình yêu thích . Nên tôi cứ mày mò với  một sự ham mê .Yêu thì yêu , thích thì vẫn thích-  nhưng việc  thể hiện niềm yêu như thế nào phải còn tuỳ thuộc vào sự học hỏi, sáng tạo và niềm đam mê có mãnh liệt không nữa ??-Tôi luôn tự dặn lòng mình như thế .Và tôi bắt đầu : YÊU CÂU HÒ, CÂU RU , ĐỊÊU LÝ …
         Trong hiểu biết còn rất chừng mực nhưng lại rung cảm tha thiết với thể điệu Lý, HC xin giới thiệu đến Quý Thầy Cô, đồng nghiệp và thân hữu một ít thể điệu Lý mang âm hưởng Cổ nhạc miền Nam với  những lời nhớ thương về chốn xưa ,trường cũ --những hoài niệm thân yêu về một thời áo trắng mộng mơ…và.. một thời áo đời tơi tả..

     LÝ CÁI MƠN : VỀ HẬU GIANG
             Lời HƯƠNG CHIỀU

     -Về Hậu Giang về qua bến Bắc 
Nhớ quá quê tôi ,câu hò buông mái chèo lơi 
Đã bao năm quê người viễn xứ hôm nay lại về
Cần Thơ ơi! Mối tình đôi mươi.
Nhớ ai! thương ai!
Tóc bay dài, dáng nghiêng nón đợi chờ ai
     -Chiều Hậu Giang, chiều lên tím ngắt
Tím mắt em xưa, nghẹn ngào em khóc tiễn đưa
Nghe nhói đau, áo bà ba trắng khuất sau hàng dừa
Chiều Hậu Giang sóng ngập ngừng đưa
Trăng nước chơi vơi
Bông tím lục bình ngẩn ngơ trôi dạt về đâu??

LÝ MỸ HƯNG :NHỚ NGƯỜI RA ĐI
        Lời HƯƠNG CHIỀU

Giờ đây trôi dạt đến nơi phương trời
Ngày qua tháng lại phai tàn tóc xanh môi hồng
Nhìn sông chiều buồn khơi sóng - nhớ người viễn phương
Nhớ lúc ra đi cầm tay mong ngày đoàn viên
Anh đã đi rồi, phố xưa càng thêm hoang vắng
Ngóng trông một người.. mịt mùng.. quê người dặm khơi.

LÝ BA TRI :TIỄN BIỆT
      Lời  HƯƠNG CHIỀU
                             
 Nghe tiếng nước khuấy lao xao
Ngậm ngùi niềm thương nỗi nhớ
Em khóc ngất trong tay anh
Quặn lòng tiễn bước sang sông
Con sáo bay xa rồi
Con sáo bạn còn trông...

LÝ CON SÁO GÒ CÔNG: NHỚ NGOẠI
    Lời  HƯƠNG CHIỀU

  -Ôi ngày xưa..con còn ấu thơ
  Trưa võng đưa  Ngoại ngồi
  Thì thầm mong con ngày sau
  Con lớn lên Ngoại những mong nên người
  -Nay, ngày nay con đã lớn  khôn
  Tung cánh bay… giữa trời
   Từng lời Ngoại khuyên ngày xưa
    Luôn khắc ghi trong lòng.. ơn biển trời..Ngoại ơi
    Nghe tiếng ru võng  buồn..con nhớ hoài ngoại yêu.


LÝ CÂY BÔNG : VỀ TRƯỜNG XƯA
    Lời  HƯƠNG CHIỀU

   - Ai xuôi bến Bắc… về Hậu Giang thăm Cần Thơ
Quê tôi đây miền sông Hậu ,Ninh Kiều mơ.
Lòng nghe thiết tha mơ màng khi dừng chân chốn xưa
Trường Phan nhớ nhung trường Đoàn thuở học trò sách mang.
     -Nghe thương thương quá… tuổi ngọc ngà ngây thơ hồn nhiên
Trắng bay bay tà áo mộng ,nón cười nghiêng
Cuộc thế biết bao thăng trầm ngôi trường cũ nắng mưa
Vạt nắng mát trong sân trường như còn nguyên dấu xưa
      -Đi quanh sân vắng.. lòng tràn bao nhiêu buồn vui
Dư âm tiếng cười rỡ rạng trong giờ chơi
Trường xưa đã thay tên rồi, người phiêu bạt mỗi nơi
Giờ đây đã xa thật rồi, Ôi !Thầy cũ trường ơi..
     -Bao năm viễn xứ… lòng nặng mang mối tình quê
Anh em quây quần chung một tên trường xưa
Gặp nhau sớt chia ngậm ngùi sau nghìn cuộc bể dâu
Nhìn nhau tóc pha mái đầu…chỉ còn tình khắc sâu…

LÝ ĐÊM TRĂNG : GIẤC MƠ TƯƠNG PHÙNG
        Lời  : HƯƠNG CHIỀU

Trở về miền quê xưa, trăng nước xuôi về miền Hậu Giang
Hỏi em xưa còn xanh tóc thề ? .Lòng anh đang xôn xao trở về
Vẫn như xưa- Đã trót mang ân tình em Cần Thơ
Giấc mơ tương phùng hẹn ước bấy lâu
Nầy em Tây Đô, tóc bay vào hồn thơ tôi
Ngày nay bên nhau ta hát ru điệu buồn phương Nam
Tiếng thơ tôi Cần Thơ vẫn chờ
Đàn ngân nga hát câu tương phùng..( BIS )
 
LÝ CẦN THƠ 1:

Thể Điệu và Lời : HƯƠNG CHIỀU

  -Xuôi trên dòng Hậu Giang
Cần Thơ sông nước mơ màng
Trăng vàng rớt giữa đò ngang
Hò hò khoan hò em nhớ chàng
Sông về Ngả Bảy thênh thang
Ôm lòng sóng vỗ miên man
Cần Thơ em vẫn đợi chàng
Trăng tàn chết giữa Trường Giang
   -Ôi Ninh Kiều đẹp mơ
Người đi em vẫn mong chờ
Cung sầu lỡ mấy đường tơ
Ù ù xang cống xê liu hò
Sông về bảy ngả bơ vơ
Ôm thuyền đợi bến sông xưa
Vàng trăng đáy nước lững lờ
Mong người trở lại Cần Thơ …

HƯƠNG CHIỀU


Ghi Chú : Các thể điệu Lý trên đây đã được Ban Văn Nghệ Cựu HS Phan Thanh Giản- Đoàn Thị Điểm CT Sydney trình diễn trong tiết mục ca nhạc cảnh CÔ GÁI CẦN THƠ năm 2004 trong đêm Văn Nghệ LIÊN TRƯỜNG –Các Trường Trung Học Miền Nam tại SYDNEY  - HC )