Có thể nói, cuộc đời ngắn ngủi của một hồn thơ độc đáo và khác thường nhất trong nhịp thở chung của thi ca, văn chương miền Nam những ngày tháng đau thương đã đưa Nguyễn Tất Nhiên trở thành một hiện tượng đến giờ vẫn còn sống mãi trong lòng nhiều thế hệ người đọc.
Có lẽ bàn luận về giá trị của mỗi thi phẩm mang tên Nguyễn Tất Nhiên sẽ không bao giờ là đủ và khiến những người yêu mến tiếng thơ ấy có cảm giác thỏa mãn trọn vẹn. Trong con người tinh hoa phát tiết ra ngoài này, có những điều mà sau khi những giá trị cũ vừa được khai phá, người ta sẽ lại bắt gặp những ám ảnh mới nặng trĩu trên vai cần phải được tiếp tục đào xới. Dễ dàng nhận thấy, những bài viết đi vào đời sống riêng của Nguyễn Tất Nhiên đều luôn đề cập đến một bóng hồng đã quật ngã hồn thơ, tình thơ và cuộc đời tuổi trẻ của ông là cô Bắc kỳ nho nhỏ tên Duyên. Tuy nhiên, ít ai biết, ngoài Duyên - mối tình hoa mộng đầy buốt giá ấy, Nguyễn Tất Nhiên còn gửi cảm hứng của mình vào một người con gái khác mà ông cũng tha thiết yêu bằng cả trái tim là Nguyễn Thị Minh Thủy.
Hình ảnh nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên khi sinh thời
"Vết thương hành liệt tim"
Cái bi thiết của một người nuôi nhiều mơ mộng nhưng thực tế lại mênh mông những bóng tối thẳm sầu. Cuộc sống như trải dài từ những nợ này đến nợ khác để thi sĩ phải tự than thân. Ta mấy kiếm vẫn là ta mắc nợ. Nợ tình, nợ đời, thành những câu thơ bi thiết, thành những tâm tình đầy dằn vặt thảm thê. Trong tập thơ Thiên tai, không chỉ dành những ý từ hay nhất cho người con gái tên Duyên, Nguyễn Tất Nhiên còn dành sự ngưỡng mộ và tình cảm thiêng liêng đầu đời của mình cho người bạn cùng trường Nguyễn Thị Minh Thủy. Dù bà không đẹp kiều diễm, kiêu sa như Bùi Thị Duyên nhưng lại nền nã, hài hòa, dịu dàng và đặc biệt bà là cô gái học giỏi nhất trường khi ấy. Đã biết chắc tình yêu mình dành cho Duyên là vô vọng, nhà thơ si tình tỏ ra săn đón Minh Thủy nhiều hơn.
Không từ chối tình yêu của chàng thi sĩ một cách nghiệt ngã như Bùi Thị Duyên, Minh Thủy dè dặt đón nhận tình cảm của Nguyễn Tất Nhiên một cách kín đáo. Cứ mỗi khi tan trường, đi cạnh bạn học, chỉ cần nhác thấy chiếc xe Honda của Nguyễn Tất Nhiên lạng lại từ xa là Minh Thủy vội đẩy bạn học ra ngoài, còn mình đi bên trong để tránh tiếp xúc với chàng nhà thơ. Những lần như thế, quà cáp và thư từ của Nguyễn Tất Nhiên đều được gửi cho người con gái anh thầm thương trộm nhớ đều được cô bạn thân nhận giúp. Sau này, có lần bà Minh Thủy hồi tưởng lại những ngày đầy hoa mộng: "Có lần anh ấy dúi vào tay bạn tôi một cái bọc và nói trước khi phóng xe đi: "Thuốc bổ óc đó, một cho Dung (tên bạn tôi) và một cho Thủy, ráng thức để mà học thi. Tôi cũng cảm động, vui vui một chút. Anh chàng làm thơ mà cũng biết điệu đó chứ.
Nhưng khi hiện tượng Nhiên - Duyên đình đám khắp cả trường, cả miền Nam, Minh Thủy cũng rất dè chừng và cẩn thận. Sau đó, bà gom hết thư từ, quà cáp của Nguyễn Tất Nhiên tặng mang sang đưa cho cô bạn thân nhờ gửi trả lại cho ông. Sự kiện đó đã làm cho nhà thơ vốn yếu đuối lại càng thêm chấn động tâm lý. Ngay lập tức Nguyễn Tất Nhiên cho ra đời bài thơ Kẻ tự đóng đinh tim như một cách trách móc người tình trong mộng: “Chiều em đi học về, chim trắng bước/ Ngang giáo đường nhòe nhoẹt nước vô phai/ Có động lòng xin hãy rút khăn tay/ Lau mắt giùm kẻ xương bày như tháng giá/ Là ta đó em ơi, đang tầm tã/ Mưa đầy hồn, đau đớn, thương thân”.
Cũng là hờn trách nhưng những ngôn từ mà Nguyễn Tất Nhiên dành cho Nguyễn Thị Minh Thủy nhẹ nhàng, đằm thắm hơn chứ không phẫn uất như đối với Bùi Thị Duyên. Có thể nói, những bài thơ viết dành cho người tình thứ hai tình tứ, cảm động hơn dù chuyện tình này không ồn ào như với Bùi Thị Duyên.
Khi lên đại học, Minh Thủy và Nguyễn Tất Nhiên đã không còn nhiều cơ hội gặp nhau. Nhưng, thỉnh thoảng trên báo, ông vẫn gửi thơ đều đặn cho bà. Đến năm 1975, miền Nam giải phóng đã vô tình đẩy Minh Thủy và Tất Nhiên gặp lại nhau ở tại quê hương Biên Hòa. Sự bình lặng của thời kỳ đầu giải phóng đã khiến trái tim một thi nhân điên tình, say tình như Nguyễn Tất Nhiên ngủ yên và bình lặng. Nó đã làm nguội sự bốc đồng của một chàng trai trẻ một thời. Hai người đến với nhau thanh thản, hiểu đời hơn và tình yêu từ đó cũng được hồi sinh trở lại.
Năm 1978, hai người chính thức làm đám cưới. Với một tâm hồn quá nhạy cảm, thậm chí hơi khác thường khi chuyển từ vị trí người tình thành chồng, ông vẫn có những dự cảm báo hiệu cuộc tình sẽ không bền lâu và ông không xứng đáng với sự hiền ngoan, dịu dàng của người đàn bà mang tên Minh Thủy. Cuộc sống hôn nhân, chồng vợ của họ không hạnh phúc, viên mãn, chủ yếu xuất phát từ tính nết hoang đàng cố hữu của Nguyễn Tất Nhiên như ông khẳng định là nhẫn nhục cưu mang đời vợ chồng. Dù đã có với nhau hai con trai nhưng hai người vẫn thường xuyên có những cuộc di cư, tìm kiếm chỗ trốn bình yên cho tinh thần. Đến năm 1992, trong một lần dẫn hai con trai đi xa như thế, bà bàng hoàng nghe tin chồng của mình đã tự sát.
"Ngày ta buồn thần thánh cũng thôi linh”
Hai vợ chồng Nguyễn Tất Nhiên và Nguyễn Thị Minh Thủy di cư sang Mỹ từ năm 1978. Khi thành vợ, thành chồng rồi hai người ly thân, Nguyễn Tất Nhiên vô cùng buồn bã (vì phải xa vợ và hai con trai nhỏ) mang đời sống tinh thần của một kẻ có số phận không may. Những bài thơ chia ly, nhớ thương và cả những niềm ăn năn, day dứt đã thể hiện sự não lòng buốt trong tim, trong óc của thi sĩ lừng danh một thời.
“Đường không gian - đã phân ly/ Đường thời gian đã một đi không về/ Những con đường mịt sương che/ Tôi vô định lái chiếc xe mù đời”.
Chiếc xe, có lẽ là nơi chốn an toàn nhất đối với Nguyễn Tất Nhiên khi đó để ông lựa chọn làm nơi trút hơi thở cuối cùng rồi chìm vào cõi miên viễn. Nơi đó, trong một phút thảng thốt nhìn lại những ngày quá khứ, hoài niệm xa xăm để nhớ vợ, nhớ con da diết. Cũng chiếc xe ấy khi trước là chung đường, chung đôi mà giờ thì chia đời vạn dặm. Ông từ giã cõi đời lúc 14h30’ ngày 03/08/1992 khi tròn 40 tuổi bằng cách tự uống thuốc ngủ. Trong chiếc xe Toyota cũ nát rải đầy hoa vẫn còn một bài thơ mới sáng tác có chữ ký của ông cài nơi túi áo.
Chính vợ ông bà Minh Thủy cũng không thể tin được Nguyễn Tất Nhiên lại chọn cách ra đi mãi mãi để chấm dứt đời sống trần thế cay đắng, khổ nhọc ấy. Cho đến bây giờ, bà vẫn cứ tự trách mình như trong những vần thơ đau đời một thuở của người chồng quá cố: "Chính vì em mà thiên tài chán sống. Nguyễn Tất Nhiên của tài hoa, khí chất, của mộng mơ, sầu khổ, dịu dàng khi cuối đời với bộ quần áo nhàu nát cùng gương mặt tóc râu bờm xờm ấy, người khách phong sương muôn thuở, yêu sóng cả sông dài, yêu trời cao, biển rộng đã có một cuộc viễn du, đi mãi không trở lại đời sống trần tục này.
Sự bộc phát như định mệnh không thể ngờ trước khi tập thơ Thiên tai ra đời năm 1970 lúc Nguyễn Tất Nhiên vừa tròn 17 tuổi đã hóa thân ông từ một lãng tử trở thành một thần tượng của tất cả giới trẻ Sài Gòn và được coi như một thiên tài của thi ca đổi mới. Với thứ ngôn ngữ lấp lánh tỏa ra từ những trang thơ, ông khiến những nhạc sĩ tài hoa nhất như Phạm Duy, Anh Bằng cũng phải mượn thơ ông để trút hồn vào đó. Tài hoa một cách kỳ diệu trên sáng tác, một cách ngông nghênh của thi sĩ và cái nhìn tình yêu bằng đôi mắt tuyệt vọng, điêu tàn, Nguyễn Tất Nhiên đã để lại cho đời một di sản thơ ca khác biệt và đầy ám ảnh. Cuộc đời ông ngắn ngủi và tăm tối trải dài từ khi sinh ra cho tới khi giã biệt cuộc đời, phải chăng cũng là một sự trớ trêu của số phận khi để người tinh hoa phát tiết ra ngoài như ông phải hứng chịu mọi đày ải của kiếp nhân gian quạnh quẽ, cô độc.
Hương Giang