Nguyễn Đình Toàn có bút hiệu ban đầu là Tô Hà Vân nhưng thành danh với tên thật và cũng là bút hiệu chính thức sau này; sinh ngày 6 tháng 9 năm 1936 tại huyện Gia Lâm, bên bờ sông Hồng, ngoại thành Hà Nội. Di cư vào Nam 1954, Nguyễn Đình Toàn bắt đầu viết văn làm thơ, viết kịch, viết nhạc, cộng tác với các tạp chí Văn, Văn Học [trong nhiều năm, Nguyễn Đình Toàn phụ giúp Trần Phong Giao tuyển chọn thơ và truyện cho báo Văn]; Nguyễn Đình Toàn cũng viết feuilleton cho các nhật báo Tự Do, Chính Luận, Xây Dựng, Tiền Tuyến; biên tập viên đài phát thanh Sài Gòn, nổi tiếng với chương trình Nhạc Chủ Đề trong những năm 1970s. Sau 1975, cùng chung số phận như mọi văn nghệ sĩ Miền Nam, Nguyễn Đình Toàn bị bắt hai lần và đi tù cải tạo một thời gian gần sáu năm. Sang Mỹ định cư từ cuối năm 1998, Nguyễn Đình Toàn và vợ, chị Thu Hồng cùng phụ trách chương trình Đọc Sách cho đài phát thanh VOA, Nguyễn Đình Toàn còn viết cho tuần báo Việt Tide mục Văn Học Nghệ Thuật của nhà văn Nhật Tiến cho tới khi nghỉ hưu. Gia đình Nguyễn Đình Toàn hiện sống tại Nam California.
Tác phẩm đã xuất bản:
Văn: Chị Em Hải (truyện, Nxb Tự Do 1961); Những Kẻ Đứng Bên Lề (truyện, Nxb Giao Điểm 1974); Con Đường (truyện, Nxb Giao Điểm 1965); Ngày Tháng (truyện, Nxb An Tiêm 1968); Phía Ngoài (tập truyện, viết chung với Huỳnh Phan Anh, Nxb Hồng Đức 1969); Đêm Hè (truyện, Nxb Hiện Đại 1970); Giờ Ra Chơi (truyện, Nxb Khai Phóng 1970); Đêm Lãng Quên (Nxb Tân Văn 1970); Không Một Ai (truyện, Nxb Hiện Đại 1971); Thành Phố (truyện, Nxb Kẻ Sĩ 1971); Đám Cháy (tập truyện, Nxb Tân Văn
1971); Tro Than (truyện, Nxb Đồng Nai 1972); Áo Mơ Phai (truyện, Nxb Nguyễn Đình Vượng 1972); Đồng Cỏ (truyện, Nxb Đồng Dao/ Úc châu 1994).
Thơ: Mật Đắng (thơ, Nxb Huyền Trân 1962)
Kịch: các vở kịch Nguyễn Đình Toàn đều là kịch truyền thanh, trừ Cơn Mưa được trích đăng trong bộ môn Kịch Văn Học Miền Nam của Võ Phiến, những bản thảo khác đều thất lạc.
Nhạc: Hiên Cúc Vàng (tập nhạc, 1999); Tôi Muốn Nói Với Em (tập nhạc, 2001); Mưa Trên Cây Hoàng Lan (tập nhạc, 2002).
Ký: Bông Hồng Tạ Ơn I & II (Nxb Đêm Trắng 2006, 2012)
Áo Mơ Phai đoạt giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật 1973.
Có lẽ Nguyễn Đình Toàn viết khá sớm từ những ngày niên thiếu ở Hà Nội, cũng lập bút nhóm và chọn bút hiệu ban đầu là Tô Hà Vân. Khi di cư vào Nam, thời gian ban đầu, Nguyễn Đình Toàn sống chung với gia đình Nhật Tiến. Không có tiền mua giấy trắng, những trang bản thảo đầu tiên của Nguyễn Đình Toàn đã được viết trên mặt sau của các bản tin VN Thông Tấn Xã phế thải. Khi bắt đầu có tác phẩm xuất bản, Toàn quyết định lấy tên thật làm bút hiệu.
Chị Em Hải là tác phẩm đầu tay của Nguyễn Đình Toàn, ít được nhắc tới nhưng đã mang ngay dấu ấn văn phong của Con Đường Nguyễn Đình Toàn xuyên suốt qua các tác phẩm văn học của Nguyễn Đình Toàn sau này. Bản thảo Chị Em Hải, được k. giả Lô Răng Phan Lạc Phúc chuyển tới nhà báo Phạm Xuân Ninh rồi tới tay nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến, tác giả Khói Sóng, lúc đó đang là tổng thư k. nhật báo Tự Do. Như Phong nhìn ngay được viên ngọc ẩn thạch, nhận ra văn tài của Nguyễn Đình Toàn nên đã để
cơ sở báo chí Tự Do xuất bản ngay cuốn sách này cùng với cuốn Thử Lửa của Thao Trường [tiền thân của bút danh Thảo Trường sau này]. Cùng năm sinh 1936, với hai tác phẩm đầu tay, Nguyễn Đình Toàn và Thảo Trường đều mau chóng trở thành hai tên tuổi văn học của Miền Nam.
ÁO MƠ PHAI
Vào thập niên 1960s, nhiều nhà văn Miền Nam, có số lượng sách khá đồ sộ một phần do lối viết feuilleton cho các nhật báo, bên cạnh đó là những truyện kiếm hiệp Kim Dung, truyện dịch Quỳnh Dao nhằm đáp ứng nhu cầu mọi thành phần độc giả thời bấy giờ. Viết feuilleton, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ
còn gọi viết truyện nhật trình; đó là những tiểu thuyết, truyện dài được các tác giả viết mỗi ngày và đăng từng kỳ báo. Điển hình là nhà văn Mai Thảo, cùng một lúc nhận viết truyện dài cho nhiều tờ báo, đôi khi tới ngồi viết ngay tại toà soạn, đưa từng trang viết chưa ráo mực cho nhà in để kịp sắp chữ.
Rồi cũng phải kể tới tình huống một feuilleton do nhiều người viết, điển hình là truyện dài "Một Triệu Đồng" của nhà báo Như Phong đăng trên nhật báo Tự Do, khi Như Phong bị lao phổi, do truyện đang ăn khách, toà soạn quyết định tiếp tục. Trong hồi k. Tôi Làm Báo, nhà văn nhà giáo Tạ Quang Khôi kể lại: "Do, ông Nguyễn Hoạt yêu cầu mỗi người viết một đoạn để chờ ông Như Phong đi làm lại". Và truyện dài của nhà báo Như Phong đã được nhà thơ Đinh Hùng, nhà báo Hiếu Chân Nguyễn Hoạt và sau đó là Tạ Quang Khôi viết thay cho tới khi nhà báo Như Phong trở lại toà báo.
Gần như một phong trào, không thiếu những nhà văn danh tiếng cũng tham dự vào phong trào viết tiểu thuyết feuilleton như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đình Toàn, Thảo Trường, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Nhã Ca, Tu. Hồng, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ... nhiều người xem đó như thứ sản phẩm giải trí ngắn hạn đáp ứng nhu cầu của xã hội tiêu thụ. Nhà văn Sơn Nam cũng viết feuilleton nhưng chính Sơn Nam sau này lên tiếng phủ nhận, không coi đó là những tác phẩm văn học. Công bằng mà nói tiểu thuyết feuilleton không phải không có tác phẩm hay phải nói là rất hay. Chất lượng tác phẩm tuỳ theo thái độ chọn lựa và cách viết của mỗi tác giả.
Nguyễn Đình Toàn cũng không là một ngoại lệ. Trừ Chị Em Hải là tác phẩm được viết xong rồi xuất bản, hầu hết các tác phẩm còn lại của Nguyễn Đình Toàn đều là tiểu thuyết feuilleton sau đó được in thành sách như Con Đường [nhật báo Tự Do], Đồng Cỏ [nhật báo Chính Luận], Áo Mơ Phai [nhật báo Xây Dựng], và những cuốn khác trên nhật báo Tiền Tuyến mà chính Nguyễn Đình Toàn cũng không còn nhớ. Nguyễn Đình Toàn có một đức tính là các trang bản thảo chỉ viết một lần, không sửa chữa và giao thẳng
cho thợ nhà in sắp chữ. [Nguyễn Mộng Giác sau này là người thứ hai cũng viết bản thảo chỉ một lần không sửa chữa]. Nguyễn Đình Toàn cho rằng chưa hề hy sinh tính văn chương khi chọn viết những truyện dài feuilleton như vậy.
Nếu theo thứ tự xuất bản, thì Áo Mơ Phai là cuốn sách feuilleton thứ 13 của Nguyễn Đình Toàn, và cũng là tác phẩm được trao giải Văn Học Nghệ Thuật 1973.
Khi viết bài điểm sách Áo Mơ Phai, Huỳnh Phan Anh, đã nhận định: "Phải nhìn nhận rằng yếu tố 'truyện' là cái gì quá nghèo nàn trong Áo Mơ Phai, truyện dài. Một độc giả bình thường có thể thất vọng sau khi đọc Áo Mơ Phai. Người đọc có thể xếp cuốn sách lại với nỗi bàng hoàng nào đó, có lẽ người đọc sẽ khó thâu tóm 'câu truyện' mà tác giả đã dùng trên 300 trang sách để kể. Có thể câu truyện thật sự của Áo Mơ Phai không thể tách rời khỏi từng trang Áo Mơ Phai, nghĩa là không thể giản lược tóm thâu mà không làm mất . nghĩa của nó. Có thể vì câu truyện thực sự của Áo Mơ Phai là cái gì chưa hoàn tất, nói một cách nào đó, hãy còn vắng mặt, hãy còn hứa hẹn." [Văn Học 10/02/1974]
Cũng trên tạp chí Văn Học 1974, Nguyễn Đình Toàn đã nói về kỹ thuật xây dựng Áo Mơ Phai như một tác phẩm tâm đắc của mình: "Mỗi tác phẩm đã viết ra như que diêm đã được đốt cháy, nhà văn có bổn phận phải sáng tạo, dù rằng toàn bộ tác phẩm chỉ là sự nối dài từ cuốn đầu tiên. Nhiều người đã nói tôi dùng lối viết quá dài, cả trang không chấm trong Áo Mơ Phai này mới mang đủ sắc thái không khí của Hà Nội. Nhân vật chính trong tác phẩm không phải là những nhân vật được nhắc tới trong sách mà chính là thành phố Hà Nội. Ai sống ở nơi này thường có cái cảm tưởng đang sống trong một giấc mơ, có lẽ là giấc mơ không bao giờ phai nhạt với sương mù cơn mưa sướt mướt hơi lạnh của mùa thu… Áo Mơ Phai thoát ra từ cơn mơ đó từ khi tôi xa Hà Nội mới 17 tuổi.”
Ba mươi hai năm sau [9/10/2006] trong buổi mạn đàm với Hoàng Khởi Phong trên RFA, khi được hỏi về Áo Mơ Phai Nguyễn Đình Toàn bày tỏ:
"Có những người thức thời, nhìn xa trông rộng, có thể tiên đoán dự liệu được những biến chuyển của thời cuộc, dĩ nhiên có những điều họ tiên đoán cũng có điều sai. Mà đúng hay sai thì chỉ khi nào sự việc xảy ra thì họ mới biết được. Tôi viết cuốn sách đó chỉ dựa trên những dự cảm đối với hoàn cảnh lịch sử cho một người chịu đựng hoàn cảnh lịch sử như chịu đựng sự đổi thay của thời tiết". [HKP mạn đàm với NĐT, RFA 9/10/2006]
Phát biểu của Nguyễn Đình Toàn khiến người ta liên hệ tới bài diễn văn của Albert Camus khi dự lễ nhận giải Nobel văn chương 1957 tại Stockholm, Camus đưa ra nhận định rằng ngày nay nhân loại gồm số nhỏ
người làm lịch sử và đông đảo những người phải gánh chịu những hậu quả do biến cố lịch sử. Và tác giả La Peste / Dịch Hạch cho rằng vị trí của những người làm văn học nghệ thuật là đứng về phía những người khổ vì lịch sử.
[Le rôle de l'écrivain, du même coup, ne se sépare pas de devoirs difficiles. Par définition, il ne peut se mettre aujourd'hui au service de ceux qui font l'histoire: il est au service de ceux qui la subissent. [Albert Camus, Discours de Suède 1957]
Áo Mơ Phai là dự cảm về một thành phố Hà Nội sắp mất, Đồng Cỏ là một tác phẩm khác dự báo một Sài Gòn sắp mất. Nguyễn Đình Toàn mẫn cảm với thay đổi thời tiết cũng như với những biến chuyển của lịch sử. Dự cảm hay trực giác của nhà văn đi trước tấn thảm kịch, đi trước những đổ vỡ chia ly đã mang tính tiên tri. Đọc văn Nguyễn Đình Toàn, để sống với Hà Nội những ngày sắp mất nhưng cũng không bao giờ mất qua hơn 300 trang sách Áo Mơ Phai:
"Tháng bẩy rồi tháng tám [1954, ghi chú của người viết] qua mau lẹ như những trận mưa đổ xuống không giờ giấc trong những đêm khuya, những buổi chiều. Người Hà Nội bỏ đi và chỉ trong một thời gian ngắn, Hà Nội như một cơ thể mắc chứng hoại huyết. Từ những vùng quê xa, từng đoàn người lam lũ, lầm lũi, ngày ngày gồng gánh, lếch thếch đắt díu nhau về Hà Nội, nằm la liệt tại các công viên, xó xỉnh, vỉa hè, đầy ắp trong Toà Thị Chính, chờ để được đưa đi tới các phi trường, bến tầu, di cư vào Nam.
Chiều chiều Lan thường ngồi trên bao lơn nhìn xuống khu phố đôi lúc vắng vẻ, đôi lúc chen chúc những đám dân quê níu áo nhau đi như chạy, nhìn những tàn cây trước nhà, cây gần nhất có những cành xoè tới sát bao lơn như những cánh tay, những hàng cây xa dọc theo các khu phố, một ngày, một buổi chiều, bao nhiêu lá đều vàng hết, rồi cũng trong một ngày nữa, tất cả lá như tấm áo khoác của thành phố ấy phai thêm một lần nữa, trút khỏi cành như những giấc mơ rời khỏi vầng trán khô cằn, những sợi tóc rụng khỏi chiếc đầu đau ốm.
Trong nhiều ngày, Lan có cảm tưởng cơn bệnh của thành phố, của những hàng cây lây sang nàng, Lan thấy chân tay nặng nề không muốn cử động, hơi thở khó khăn.
Nàng mong đợi ngày đi để đi cho xong, cầu nguyện cho ngày khởi hành đừng đến vội, để còn được ở lại đây thêm nữa, ở lại Hà Nội, chia xẻ nỗi đau đớn của Hà Nội, sống với Hà Nội, chết với Hà Nội, rũ rượi với Hà Nội, rõ ràng là Hà Nội đang kiệt sức, những giọt mưa đọng trên các cành cây, những ngọn lá, chẳng khác Hà Nội khóc." [Áo Mơ Phai, Ch.9, Nxb Nguyễn Đình Vượng 1972]
GIẢI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT LẦN HAI
Sau 1975, những gì đốt được thì không còn, Nguyễn Đình Toàn cho biết: "không còn một tấm hình nào về cái ngày phát giải VHNT ấy cả. Nhưng cái huy chương thì lạ lắm. Có một người bạn trẻ, đã mua được tấm huy chương đó trên một vỉa hè ở Hà Nội, mang về đây tặng lại cho mình. Hắn nói 'cháu trao tặng bác giải thưởng lần thứ hai'. Bữa hắn mang tới cho mình có mặt Cao Xuân Huy và bạn Huy là Trần Như Hùng, đài phát thanh Úc Châu. Sự việc, Cao Xuân Huy cho là quá hi hữu, có y viết thành một truyện
ngắn". Toàn nói: đó là "cuộc phiêu lưu của con dế mèn" [tên một truyện nhi đồng của Tô Hoài]. Cầm trên tay tấm huy chương bằng đồng mạ vàng đã hoen rỉ theo màu thời gian của 42 năm lưu lạc, tôi nói đùa với vợ chồng Nguyễn Đình Toàn: cũng may là không phải vàng ròng, nếu không thì cũng đã bị đốt chảy trong một tiệm kim hoàn nào đó ngoài Hà Nội.
Sách Nguyễn Đình Toàn được xếp vào loại văn hoá đồi truỵ sau 1975; nên tất cả bị tịch thu và trở thành "Tro Than", như tên một tác phẩm định mệnh Nguyễn Đình Toàn trong chiến dịch đốt sách lan rộng khắp Miền Nam thời bấy giờ.
Giải Văn Học Nghệ Thuật 72-73 không phải chỉ có tấm huy chương, mà còn kèm theo số hiện kim 600,000 đồng tương đương với 40 lượng vàng theo thời giá bấy giờ. Tưởng cũng nên nói thêm về giải Văn Học Nghệ Thuật 1961, với số hiện kim 40,000 đồng lúc đó đủ cho nhà văn Nhật Tiến mua một xe hơi Renault 4CV còn chạy tốt cho tới những năm về sau này.
Cho dù Nguyễn Vỹ có than thở "nhà văn An Nam khổ như chó" nhưng thực ra trong xã hội Việt Nam, họ vẫn là thành phần được quý trọng.
NHÓM ĐÊM TRẮNG
Từ 1954, trong vòng 20 năm của Miền Nam, các phong trào văn học được tự do nở rộ. Tự Lực Văn Đoàn được tiếp nối với Văn Hoá Ngày Nay của Nhất Linh, nhóm Sáng Tạo của Mai Thảo Thanh Tâm Tuyền phủ nhận nền văn học tiền chiến với nỗ lực làm mới văn chương, nhóm Quan Điểm của Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ; rồi tới nhóm Đêm Trắng [cũng có thể gọi là nhóm La Pagode nơi họ tụ tập sinh hoạt] được xem như nhóm Tiểu Thuyết Mới của Sài Gòn. Nhóm 6 người ấy đa số xuất thân nhà
giáo: Huỳnh Phan Anh, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Nhật Duật, Nguyễn Xuân Hoàng, trừ Nguyễn Đình Toàn và Nguyễn Quốc Trụ. Ý kiến khởi đầu lập Nxb Đêm Trắng là từ Huỳnh Phan Anh, để chỉ xuất bản các sáng tác của nhóm. Tuy mang tên nhóm nhưng họ là những cây bút độc lập, có chung ý hướng là tự làm mới cách viết của mỗi người.
Nổi bật trong nhóm này là Nguyễn Đình Toàn với kỹ thuật viết mới, viết truyện mà không có truyện, những trang chữ là một chuỗi những hình ảnh tạo cảm xúc và là một trải dài độc thoại nội tâm. Nguyễn Đình Toàn thành công trong nỗ lực tự làm mới văn chương nhưng không vì thế mà bảo ông chịu ảnh hưởng và chạy theo phong trào tiểu thuyết mới của Pháp. Thanh Tâm Tuyền và Dương Nghiễm Mậu là hai tên tuổi khác cũng được nhắc tới khi nói về khuynh hướng tiểu thuyết mới ở Sài Gòn lúc bấy giờ.
Tưởng cũng nên nhắc tới ở đây, Hoàng Ngọc Biên không ở trong nhóm Đêm Trắng nhưng chính anh là người đầu tiên thực sự nghiên cứu về phong trào Nouveau Roman của Pháp, vào giữa thập niên 1950’s với các tên tuổi như Alain Roble-Grillet, Nathalie Sarraute, Michel Butor, Claude Simon.
Hoàng Ngọc Biên đã dịch một số tác phẩm của Alain Roble-Grillet và cũng thể hiện quan niệm tiểu thuyết mới ấy qua tập truyện Đêm Ngủ ở Tỉnh do Cảo Thơm xuất bản Sài Gòn, 1970. Cũng theo Hoàng Ngọc Biên, thì ngoài danh xưng, trong 20 năm Văn Học Miền Nam thực sự đã không có một phong trào Tiểu Thuyết Mới tại Sài Gòn "theo cái nghĩa thời thượng" của phong trào Tiểu Thuyết Mới xuất phát từ Tây Phương.
NHẠC THOẠI CỦA NHẠC CHỦ ĐỀ
Vào thập niên 1960, có ba chương trình nhạc được thính giả yêu thích là chương trình Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng, Tiếng Nhạc Tâm Tình do ca sĩ Anh Ngọc và Mai Thảo phụ trách, và chương trình Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn. Mỗi chương trình có một sắc thái hay riêng, nhưng có lẽ “Nhạc chủ đề” trên đài phát thanh Sài Gòn ngày ấy vào mỗi tối thứ Năm được chờ đợi đón nghe nhiều nhất. Những lời dẫn quen thuộc với giọng đọc trầm ấm của Nguyễn Đình Toàn như nhập tâm vào mỗi thính giả:
Tình ca – những tiếng nói thiết tha nhất của một đời người – bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau… Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta…
Nguyễn Đình Toàn 1 - Nhạc Chủ Đề 1970
Tình Ca Việt Nam [Thu Âm Trước 1975]
https://www.youtube.com/watch?v=H3rrItsK5Z8
Không phải chỉ có nữ giới, mà cả phái nam cũng rất mê chương trình Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn. Ở Sài Gòn là giới thanh niên sinh viên, nơi chiến trường xa là những người lính.
Người lính, sau này trở thành thương phế binh, nhà thơ Phan Xuân Sinh hiện sống ở Houston Texas đã bồi hồi kể lại: "Cho đến bây giờ lớp tuổi trên dưới 60... tôi còn nhớ lúc đó ngoài chiến trường với chiếc radio transistor nhỏ bằng bao thuốc, một cái ecouteur gắn vào tai. Chúng tôi có những giây phút chìm vào chương trình Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn. Ông đã mang lại cho chúng tôi những giờ nghỉ ngơi thật tuyệt vời khi đối đầu với chiến trường".
Gs Nguyễn Văn Tuấn từ Viện nghiên cứu Y khoa Garvan Úc Châu trước và sau 1975 là một "fan" của chương trình Nhạc Chủ Đề. Anh Nguyễn Văn Tuấn viết: "Tôi tưởng tượng rằng như có một phép màu nào, xoay ngược lại thời gian. Kìa tôi, trong một hình hài nào đó, giữa đêm lập loè ánh điện, đang ngồi áp tai vào radio, ngồi nuốt từng lời dẫn của Nguyễn Đình Toàn, thả hồn vào những giai điệu tuyệt đẹp tuyệt vời của những bản tình ca không bao giờ tàn lụi..." Rồi mới đây sau khi nghe lại CD Tình Ca Việt Nam
Nguyễn Đình Toàn 1970, anh đã phải thốt lên: "mỗi lời dẫn cho một bản nhạc ở đây là một "nhạc thoại" một tác phẩm khác. Nó thể hiện tính thẩm văn và thẩm nhạc của người tuyển chọn là Nguyễn Đình Toàn". Rồi cuối cùng, hai người bạn họ Nguyễn ấy như Bá Nha Tử Kỳ cùng một kiếp tha hương, họ cũng đã gặp nhau không phải trên "một quê hương Việt Nam sợ hãi - chữ của Nguyễn Đình Toàn trong Đồng Cỏ" mà trên lục địa Mỹ Châu thênh thang tự do nhưng vẫn là lưu đầy.
Truyện Nguyễn Đình Toàn rất giàu hình ảnh và nhiều chất thơ có thể đọc như một bài thơ xuôi/ prose poem. Khi đặt lời cho một bản nhạc thì tự thân phần lời ấy đã là một bài thơ. Nguyễn Đình Toàn viết nhạc, nổi tiếng với một số nhạc khúc, nhưng có lẽ những nốt nhạc được cất cánh từ những ý thơ ban đầu của Nguyễn Đình Toàn. Lời bản Tình Khúc Thứ Nhất đã là một thi phẩm trước khi kết hợp với phần nhạc của Vũ Thành An.
Tình Khúc Thứ Nhất, tiếng hát Lệ Thu
Tình Khúc Thứ Nhất (Vũ Thành An) Internet.mp3
https://www.youtube.com/watch?v=T133AZzRTTY
TÌNH KHÚC THỨ NHẤT
Tình vui theo gió mây trôi
Y sầu mưa xuống đời
Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi
Mấy tuổi xa người
Ngày thần tiên em bước lên ngôi
Đã nghe son vàng tả tơi
Trầm mình trong hương đốt hơi bay
Mong tìm ra phút sum vầy
Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai
Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài
Lời nào em không nói em ơi
Tình nào không gian dối
Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say
Lá thốt lên lời cây
Gió lú đưa đường mây
Có yêu nhau xin ngày thơ ngây
Lúc mắt chưa nhạt phai
Lúc tóc chưa đổi thay
Lúc môi chưa biết dối cho lời
Tình vui trong phút giây thôi
Y sầu nuôi suốt đời
Thì xin giữ lấy niềm tin dẫu mộng không đền
Dù trời đem cay đắng gieo thêm
Cũng xin đón chờ bình yên
Vì còn đây câu nói yêu em
Âm thầm soi lối vui tìm đến
Thần tiên gẫy cánh đêm xuân
Bước lạc sa xuống trần
Thành tình nhân đứng giữa trời không
Khóc mộng thiên đường
Ngày về quê xa lắc lê thê
Trót nghe theo lời u mê
Làm tình yêu nuôi cánh bay đi
Nhưng còn dăm phút vui trần thế
NƯỚC SÔNG MEKONG MÁU CỦA ĐẤT
Các tác phẩm văn học lớn thường mang những dự cảm hay cả viễn kiến có thể liên hệ với cuộc sống. Truyện Kiều là một ví dụ: hoàn cảnh nào cũng có thể liên hệ với một câu thơ của Nguyễn Du.
Tôi không nói rằng Nguyễn Đình Toàn đã sáng tác những tác phẩm lớn, nhưng từ các trang sách của anh, tôi đã tâm đắc tìm thấy ở đấy những dự cảm để dễ dàng đưa vào trích dẫn. Nguyễn Đình Toàn đã ví nước sông Mekong như "máu của đất" trước viễn tượng một Cửu Long Cạn Dòng.
Và khi có tin cặp vợ chồng ngư dân Nguyễn Văn Chơn cư ngụ tại huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp mười ngày trước Giáng Sinh đã rất đỗi vui mừng khi lưới được một con cá đuối khổng lồ trên sông Tiền, đoạn giữa hai xã Tân Mỹ và Tân Khánh Trung. Con cá đuối có chiều dài hơn 4 mét ngang 2 mét và nặng tới 270 k.. Cá đuối hay Selachian, tên khoa học là chondrichthyes, thuộc loài cá sụn là giống cá nước mặn. Trong niềm vui lưới được con cá đuối nước mặn to khủng trên khúc sông Tiền cũng chính là tín hiệu của thảm hoạ:“Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai” như lời thơ Nguyễn Đình Toàn, bởi vì nạn ngập mặn / salt intrusion đã càng ngày càng lấn vào rất sâu vào vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, nơi vốn là vùng đất của “phù sa, lúa gạo, cây trái và tôm cá đầy đồng...” [CLCD BĐDS, Ch. XIV, Nxb Văn Nghệ
2000]
BÀ TÚ XƯƠNG THU HỒNG
Tôi quen Nguyễn Đình Toàn có lẽ khởi đầu từ những trang sách Chị Em Hải, rất sớm khi còn là sinh viên Khoa học. Quán cà phê La Pagode thường là nơi có thể dễ dàng gặp Toàn và các bạn văn nghệ của anh, cũng là nơi hình thành nhóm Đêm Trắng sau này. Nguyễn Đình Toàn ngoài giờ làm ở đài phát thanh, hầu như thường ngày ra ngồi viết nơi quán Cái Chùa này.
Chỉ được gặp chị Toàn khi tới thăm căn nhà rất nhỏ của anh chị, trước nhà có hàng cây trứng cá, trong một con hẻm cũng rất nhỏ phía sau đài phát thanh Sài Gòn. Chị Thu Hồng, tên người bạn đời tấm cám hơn 60 năm của Nguyễn Đình Toàn, chị nhỏ hơn Nguyễn Đình Toàn sáu tuổi, chị có vẻ đẹp với cá tính mà các hoạ sĩ rất muốn vẽ, một thứ người mẫu cho những bức tranh của Modigliani cộng thêm với cái trán cao bướng bỉnh khi chọn lựa và chấp nhận sự thách đố của số phận. Chị cũng là xướng ngôn viên cho một chương trình của đài phát thanh Sài Gòn. Thời kỳ ấy, Toàn thì bị lao phổi khá nặng, lại mới có một đứa con đầu lòng. Thuốc chữa bệnh lao lúc đó rất hiếm hầu như chỉ có hai thứ: thuốc viên Rimifon, và thuốc chích Streptomycin có thể gây điếc. Toàn thường ho ra máu, sức khoẻ suy kiệt và thường xuyên bị ám ảnh bởi cái chết giữa tuổi mới ngoài 20 ấy. Tập thơ Mật Đắng được sáng tác trong giai đoạn đen tối và gần như tuyệt vọng này. Võ Phiến khi viết về thi phẩm Mật Đắng của Nguyễn Đình Toàn, thay vì bốn
cái khổ: sinh, bệnh, lão, tử "trong Mật Đắng không có cái lão, nhưng thay bằng cái ái, càng tệ hơn... Sinh, bệnh, ái, tử, nghe có hơi lạ tai một chút, dù sao cũng là chuyện của mọi nơi chốn, mọi thời đại". [Văn Học Miền Nam, Thơ, Nxb Văn Nghệ 1999].
Trong bài thơ Úp Mặt, Nguyễn Đình Toàn viết:
Bàn tay vuốt mặt xương lồi
Hai mươi tư tuổi một đời cũng xong
Có lẽ sức sống toả sáng nơi căn nhà nhỏ chật của vợ chồng Nguyễn Đình Toàn lúc ấy là nụ cười luôn luôn rạng rỡ và cả ẩn nhẫn của chị Thu Hồng, vợ Toàn. Với tôi, chị là hình ảnh nguyên mẫu của một bà Tú Xương lúc ấy và cho tới suốt cả những năm về sau này, chị bền bỉ đảm đương một gia đình bốn con và cả thăm nuôi Nguyễn Đình Toàn trong suốt thời gian gian tù đầy.
"Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều", bà Tú Xương của thời hiện tại đã đảo nghịch lời tiên tri Mật Đắng, và Nguyễn Đình Toàn thì nay cũng đã vượt xa cái ngưỡng tuổi "cổ lai hy", tới tháng Chín 2015 này, Nguyễn Đình Toàn tròn 80 tuổi.
Rồi vợ chồng Nguyễn Đình Toàn cũng sang được Mỹ tuy khá trễ 1998. Và kể từ sau những năm 2000, sau bao tháng năm thăng trầm, chị Thu Hồng vẫn là hình ảnh một bà Tú Xương ngày nào, nhưng chị đã bắt đầu quên nhiều điều, quên những chuyện nhân sinh hiện tại. Nhưng mỗi khi khi phone tới nhà không gặp Toàn, xin nói chuyện với "bà Tú Xương" thì bên kia đầu dây là một giọng cười ròn rã, chị nhận ra ngay ai đang nói chuyện với chị và nhớ lại đủ mọi điều. Một hôm tới thăm anh chị cách đây không lâu, nửa buổi sáng câu chuyện rộn rã, khi ra về anh chị xuống thang đưa tiễn tôi ra xe, chị Toàn nói hồn nhiên: "hôm nào anh Vinh tới nhà tụi này chơi" Toàn nhắc chị, anh ấy vừa mới từ nhà mình xuống đây mà. Chị Toàn thì vẫn cười hồn nhiên. Tôi vẫn nghĩ nếu không có bà Tú Xương, có lẽ Toàn đã chẳng thể sống sót cho tới cái tuổi gần 80 như hôm nay. Toàn không phủ nhận điều ấy và dí dỏm nói, "cũng vì vậy mà bây giờ tôi đang trả nợ cho bà ấy", Toàn nói tới vai trò không thể thiếu hàng ngày phải chăm sóc người bạn đời của mình.
Hai vợ chồng sống như đôi chim liền cánh, từ bấy lâu nay, Toàn đã không thể để chị ở nhà một mình.
Quanh năm buôn bán ở ven sông, Nuôi đủ năm con với một chồng.
Nói tới thành tựu của một nền văn học, người ta chỉ nhắc tới những nhà văn, nhà thơ nhưng có lẽ không thể không nhắc tới những bà Tú Xương của mọi thời đại với bao nhiêu công khó hy sinh của họ.
MỘT CHÚT RIÊNG TƯ
Ca sĩ Quỳnh Giao, trong bài viết về "Nguyễn Đình Toàn, Dẫn Em Vào Nhạc" đã cho rằng "Nguyễn Đình Toàn là nghệ sĩ không cần được giới thiệu" điều đó có lẽ đúng với các thế hệ sống ở Miền Nam trong giai đoạn 1954-1975. Nhưng với các thế hệ sinh ra và lớn lên sau 1975 ở trong nước cũng như ở hải ngoại, những bài viết giới thiệu một Nguyễn Đình Toàn tài năng trong nhiều lãnh vực văn, thơ, nhạc, kịch vẫn là điều cần thiết. Và đáng mừng là đã có rất nhiều bài viết về mọi khía cạnh của Nguyễn Đình Toàn, nghĩ tới một bài viết mới về Nguyễn Đình Toàn, câu hỏi được đặt ra là liệu còn gì để viết nữa nếu không phải là những chia xẻ chút riêng tư với một bạn văn và cũng là cố tri.
Bài viết này gửi tới bà Tú Xương Thu Hồng và Nguyễn Đình Toàn tác giả Mật Đắng khi anh sắp bước vào tuổi 80 gần như một phép lạ.
NGÔ THẾ VINH
California 08/ 03/ 2015