Sunday, August 9, 2015

BÍ ẨN LOẠI GỖ ĐÓNG LINH CỮU - GỖ NGỌC AM




BÍ ẨN LOẠI GỖ ĐÓNG LINH CỮU - GỖ NGỌC AM

Gỗ ngọc am từ lâu đã trở thành một huyền thoại với khả năng bảo quản các xác ướp nguyên vẹn sau nhiều thế kỷ.

Trong các thập niên qua, rất nhiều xác ướp ở Việt Nam đã được tìm thấy với tình trạng còn nguyên vẹn trong các quan tài làm bằng gỗ ngọc am, được ngâm trong loại tinh dầu được ép bằng chính thứ gỗ này.

Gỗ quý để an táng bậc đế vương

Theo một nhà sưu tầm đồ gỗ có tiếng ở Việt Nam, từ xa xưa ngọc am đã được coi là một loại gỗ quý chỉ bậc đế vương mới được dùng.
Người Trung Quốc đã biết đến loại gỗ này từ hàng ngàn năm trước và coi nó quý ngang với ngọc ngà. Trong các hoàng cung, nếu gỗ sưa đỏ cứng như thép và có hoa văn đẹp, thường được dùng để đóng các vật dụng như giường tủ, bàn ghế thì ngọc am lại có mùi thơm quyến rũ, được dùng nhiều trong các gian phòng của cung tần mỹ nữ.
Tại đó, có rất nhiều vật dụng bằng gỗ ngọc am, từ gỗ ốp quanh nhà đến các vật trang trí, giường, ghế, chậu tắm, chậu rửa mặt, chậu xách nước… Thậm chí, mỗi khi cung tần mỹ nữ tắm đều được nhỏ vài giọt tinh dầu ngọc am vào bồn nước. Người đẹp sống giữa không gian đặc quánh của mùi hương ngọc am, nên thân thể lúc nào cũng thơm. Mùi ngọc am ám vào cơ thể, rồi toát ra từ da thịt người đẹp, khiến các bậc đế vương ngây ngất.

Một xác ướp ngâm tinh dầu trong quan tài làm bằng gỗ ngọc am được khai quật trên cánh đồng ở Nhật Tân, Hà Nội.


Vua chúa ở Việt Nam cũng rất chuộng ngọc am. Khi vua chết, loại gỗ duy nhất được dùng làm quan tài là ngọc am. Triều đình lúc nào cũng có sẵn gỗ ngọc am để phục vụ vua chúa. Khi chôn bằng quan tài ngọc am, thì chỉ chôn một lần, không cải táng.
Trong các triều đại phong kiến, có quy định rất rõ ràng đến phẩm bậc nào mới được sử dụng tinh dầu Ngọc Am để ướp xác. Các bậc quan lại thường chỉ được dùng gỗ vàng tâm. Khi cải táng lấy xương cốt, thì mới được cho vào tiểu nhỏ bằng ngọc am mà thôi.

Tính năng huyền thoại của gỗ ngọc am?

Từ thời xưa, dân gian đã lưu truyền huyền thoại rằng quan tài được làm bằng gỗ ngọc am có khả năng bảo quản thi hài tới cả trăm năm. Thực tế, điều này đã được chứng mình bằng nhiều quan tài làm bằng gỗ ngọc am có chứa các xác ướp được bảo quản rất tốt ở Việt Nam.
Nhưng chỉ có quan tài bằng gỗ ngọc am không thôi thì chưa đủ. Linh hồn của gỗ ngọc am chính là thứ tinh dầu đặc biệt thấm đẫm từng thớ gỗ. Theo kinh nghiệm dân gian, cứ khoảng 150kg gỗ ngọc am sẽ chiết xuất được 7-8 lít dầu. Ở rễ hàm lượng tinh dầu còn cao hơn.
Thứ tinh dầu này không chỉ có hương thơm quyến rũ không thua kém trầm hương, mà còn có khả năng kháng khuẩn cực mạnh. Khi được chiết xuất từ gỗ ngọc am, thứ tinh dầu này trở thành “chìa khóa vàng” trong kỹ thuật ướp xác của người Việt xưa.
Kỹ thuật ướp xác của người Việt đơn giản mà hiệu quả lại rất cao. Với tinh dầu ngọc am, toàn bộ xác có thể giữ được cả nghìn năm nếu không có sự tác động, phá hoại của ngoại lực. Kỹ thuật ướp xác này khác với các nền văn minh khác, phải moi bỏ nội tạng và dùng nhiều phương pháp tấm ướp phức tạp.
Không chỉ được sử dụng để ướp xác, gỗ ngọc am còn được cho là có công dụng đuổi tà khí, đón rước thịnh vượng. Vì vậy loại gỗ này cũng được dùng để làm ra các vật dụng tâm linh như tượng thờ, tràng hạt…
Trong y học, tinh dầu của gỗ ngọc am được dùng làm thuốc xoa bóp và chữa bệnh ngoài da. Các vật dụng như gối đầu, giường nằm, bồn tắm làm bằng gỗ ngọc am được cho là có khả năng thải độc tố trong cơ thể. Ngoài ra, vỏ cây ngọc am còn được dùng để nấu cao chữa đau bụng, quả trị phong hàn, cảm mạo, đau dạ dày và thổ huyết, lá cây dùng để trị bỏng.
Về mỹ nghệ, gõ ngọc am được coi là một loại gỗ quý và đẹp. Không chỉ có hương thơm quyến rũ, nếu gỗ còn nhiều nhựa khi làm xong tác phẩm sẽ có lớp tuyết trắng muốt để ra ánh nắng sẽ phản chiếu màu sắc rực rỡ như cầu vồng .
Vì những tính chất kể trên mà trong những năm qua gỗ ngọc am đã bị săn lùng ráo riết ở Việt Nam, đẩy giá gỗ ngọc am lên cao chót vót, đồng thời khiến những cây gỗ này chỉ gần như biến mất ở các khu rừng trên núi cao ở Hà Giang – địa phương duy nhất ở Việt Nam còn loại cây gỗ này.


 Bộ bàn ghế làm bằng gỗ ngọc am giá 4 tỉ đồng của một đại gia ở Tuyên Quang.

Rất độc, chỉ dùng cho người đã chết!

Mặc dù được truyền tụng trong dân gian như một loại gỗ có nhiều tính năng huyền diệu, nhưng khoa học hiện đại đã chứng minh rằng gỗ ngọc am có độc tính cao, gây hại cho sức khỏe nếu sử dụng không đúng cách.
Cụ thể, các nhà khoa học của Nhật Bản sau khi nghiên cứu về tinh dầu ngọc am đã kết luận rằng, loại tinh dầu này có độc tính với tế bào, gây đông vón protein tế bào ở người và động thực vật. Vì vậy, tinh dầu ngọc am chỉ thích hợp cho việc bảo tồn tế bào, bảo tồn xác ướp theo kinh nghiệm của người xưa.
Thử nghiệm khoa học trong việc quan sát tác dụng gây độc của tinh dầu ngọc am đối với tế bào trên kính hiển vi điện tử cho thấy những đột biến rối loạn của việc sắp xếp các phân tử ADN trong nhân tế bào gây đứt gãy các chuỗi sắp xếp A T G X, kìm hãm sự vận chuyển trao đổi chất giữa nhân và màng tế bào sống. Đây có thể là nguyên nhân của việc kìm hãm sự phân hủy tế bào qua việc gây đông cứng tế bào, giống như tác dụng của formon - một chất bảo quản xác chết người và động vật nhưng tác dụng của nó mạnh và bền vững lâu dài hơn nhiều.
Trong phòng thí nghiệm, các thử nghiệm được tiến hành cho thấy, việc tiếp xúc nhiều với tinh dầu ngọc am trong môi trường khép kín gây nên những cơn động kinh co giật ở chuột nhắt trắng. Ở một hàm lượng cao, điều này hoàn toàn có thể xảy ra với con người.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết: "Những bộ quần áo của xác ướp vườn đào Nhật Tân (Hà Nội) khi để vào trong phòng kín, chỉ sau một đêm, tất cả muỗi và côn trùng trong phòng chết hết. Điều đó chứng tỏ dầu ngọc am có tính kháng khuẩn và độc tính cao...".
Trong những ngôi mộ cổ, tinh dầu ngọc am lâu ngày hóa khí có thể đột ngột bay hơi mạnh khi được giải phóng ra ngoài không khí, làm choáng váng bất tỉnh những người trực tiếp mở nắp quan tài hoặc có thể để lại di chứng thần kinh về sau cho người tiếp xúc với nó.
Vì vậy, cần hết sức thận trọng khi sử dụng những vật dụng bằng gỗ ngọc am trong nhà, đặc biệt là các vật dụng lớn, tiếp xúc trực tiếp với cơ thể con người như bàn ghế, giường ngủ… để tránh nguy cơ gây ngộ độc với trẻ em, người già.