Tuesday, July 7, 2015

KHẮC PHỤC CON BỆNH NGHIỆN GAME TRÊN NET





KHẮC PHỤC CON BỆNH NGHIỆN GAME TRÊN NET


Để trả lời câu hỏi này quả thực không phải dễ nhưng nó cũng không quá khó đối với những người trưởng thành có quyết tâm và kiên trì. Tuy nhiên với các trẻ nhỏ hay thiếu niên thì khó hơn nhiều.
Đối với các trẻ nhỏ và thiếu niên, sự giúp đỡ các em cai nghiện phải ở các phụ huynh. Thời đại này máy điện toán đã trở thành một phần trong đời sống con người. Sự tiện dụng của nó khiến không ai là không phải xử dụng nó. Trong học đường, ngoài công sở, tại nhà riêng, computer và internet đã chiếm hữu một vị trí rất quan trọng. Các công sở đã dùng máy điện toán trong cả lãnh vực giảng dạy và huấn luyện kỹ thuật chuyên môn cho nhân viên của mình. Trong ngành giáo dục ở Mỹ, học đường đã dùng internet để các phụ huynh và học trò có thể xem điểm hay kết quả các kỳ thi trong lớp. Nhà trường còn dùng mạng làm phương tiện truyền thông giữa thầy giáo và các học sinh bằng cách cho bài tập hoặc bài làm, hay nộp bài qua mạng.
Vì vậy việc cai nghiện game giống như "sống với lũ" vậy. Nó tựa bệnh nghiện ăn, tức là "sống với thực phẩm". Vì các game thủ sống với máy điện toán, các em khó tránh hay không thể xa máy điện toán nên các em cần phải ý thức được mình đang làm gì và dùng máy một cách khôn ngoan. Nghĩa là đừng để chơi game hay có chơi game thì chơi ít thôi, biết tự kềm chế ước vọng "muốn chơi nữa" của mình. Các phụ huynh cần phải nhắc nhở và kiểm soát các em. Cái khó nhất trong việc cai nghiện là người nghiện không thấy cái hại của việc mình nghiện và xem thường việc mình đang lún sâu vào vì họ nghĩ rằng "có hề gì đâu, nghiện game có bị bỏ tù đâu mà sợ".Tựa như người nghiện rượu khi vừa uống một chai bia "Chỉ một chai bia, có gì đâu" Nhưng nhiều chai bia trong một ngày thành một cơn nghiện.
Ngừa bệnh còn hơn chữa bệnh. Với các em nhỏ, các vị nên tránh cho các em chơi game quá sớm. Kiểm soát và giới hạn giờ chơi game nếu cho các em chơi. Không cho các em ngồi trước máy quá 2 tiếng mỗi ngày. Giữ máy điện toán nơi mọi người qua lại, để dễ trông chừng, tránh đừng cho các em dùng trong phòng riêng rất dễ gây nghiện và khó kiểm soát. Giữ các em bận rộn với các môn chơi lành mạnh như thể thao, âm nhạc, võ thuật, hướng đạo. vv...Khi các em dùng máy phải quan sát xem các em đang làm bài tập hay đang chơi game. Nếu các em nói rằng làm bài tập ở trường giao, phải xem thời lượng là bao nhiêu tiếng. Ở Mỹ, nhà trường khi giao bài tập cho các em có thông báo về thời lượng được ước đoán trên mạng. Các phụ huynh có thể liên lạc với các thầy cô qua email hay mạng để biết rõ bài tập nào họ đã cho các em làm. Cha mẹ cần phải tự mua và kiểm tra loại game nào thích hợp cho các em chơi. Khi các vị nghi ngờ hay có dấu hiệu chứng tỏ các em bị nghiện phải sửa sai ngay, tìm kiếm sự trợ giúp của những người chuyên môn lập tức, đừng để quá trễ.
Nếu các em chưa bị nghiện lắm, các vị nên giảm giờ chơi của các em từ từ hơn là cắt cái rụp, sẽ gặp phản ứng mạnh của các em. Tìm các trò chơi lành mạnh khác thay thế giúp các em bận rộn. Các vị bỏ nhiều thì giờ cho các em hơn, đừng để máy điện toán giữ vai trò "trông em" khi mình quá bận rộn. Có nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng con mình ngồi bên máy vẫn an toàn hơn chúng lêu lỏng ngoài đường.
Nếu tất cả nỗ lực của các vị giúp các em cai nghiện không thành công, nên tìm các bác sĩ chuyên môn hoặc các trung tâm cai nghiện ngay.
Đối với các game thủ trưởng thành, việc cai nghiện vấp phải những vấn đề tâm lý.
Bác sĩ tâm thần Jerald Block, ở Portland, Oregon, đặc trị nghiện game tin rằng ngành tâm thần cần phải để ý nhiều hơn trong việc tìm hiểu tại sao người ta vướng vào những trò chơi như Warcraft. Nhiều game thủ vì mắc cở và mặc cảm muốn cai nghiện mà không dám tìm tới những bác sĩ tâm thần mà tự đi hỏi những người không chuyên môn hoặc các game thủ khác vòng vòng trên mạng.
Ông kể những bệnh nhân khi tìm tới ông như mang một mặc cảm phạm tội còn nặng nề hơn cái mặc cảm coi hình ảnh khiêu dâm nữa. Coi phim ảnh khiêu dâm xã hội còn chấp nhận vì mọi người đều làm như thế và khi đi tìm một bác sĩ tâm thần chữa trị, bệnh còn có thể chữa được. Tuy nhiên, nghiện game nó khó diễn tả hơn bất cứ việc gì khác, vì những người này không biết cắt nghĩa tình trạng của họ ra sao bởi thế giới của trò chơi ảo cực kỳ phức tạp.
Tỷ như một người dính vào trò chơi Eve Online, anh ta thủ một trong những vai trò có quyền lực nhất trong thế giới trò chơi này. Anh chơi trong nhiều năm và tích tụ được một tài sản to lớn trị giá 17 ngàn đô la nếu anh bán vai trò của anh ta và tất cả tài sản ảo của anh trên Ebay. Nhưng trong một đêm ngắn ngủi, nếu có game thủ nào kết thúc mạng sống của anh ta trên game, và bị phản bội bởi một tay chơi trên đó, anh sẽ mất hàng chục ngàn đô, mất luôn bản thân của anh. Làm sao anh ta có thể diễn tả kinh nghiệm đó cho bạn bè biết và ai hiểu được anh nếu họ không chơi trò chơi đó? Nó quá kỳ quái và khó tả đến nỗi nhiều bác sĩ tâm thần không muốn bước vào.
Tuổi trung bình của các game thủ là 34 nhưng hầu hết các nghiên cứu đều dành cho trẻ em và thiếu niên vì quần chúng quan niệm game dành cho trẻ em hay thiếu niên. Do đó, người ta có thể chấp nhận được trẻ em nghiện game vì có thể chúng chưa đủ trưởng thành để suy nghĩ điều phải quấy, hay kiểm soát được hành vi của chúng. Bác sĩ Block thêm, "Nhưng một người trưởng thành mà nghiện game họ sẽ cảm thấy xấu hổ. Vì thế nhiều người lớn nghiện game đã giữ kín điều này. Bảo họ nói về nghiện tình dục còn dễ hơn nói về nghiện game dành cho trẻ em"
Nếu bạn là người từng chơi video game và game online, bạn nhận biết mình đã chơi quá nhiều giờ, đang và sẽ rơi vào vòng tay mê đắm của trò chơi ảo. Bạn cần phải làm gì?
Nhận biết và thức tỉnh là bước hành động đầu tiên của sự tỉnh thức trong ý định làm lại cuộc đời với những chọn lựa tích cực cho cuộc sống của bạn.
Nếu bạn là một người có ý chí, tự ái cao, không dám hỏi ý kiến bạn bè hoặc tìm đến các bác sĩ tâm thần hay trung tâm cai nghiện thì đây là một vài lối tự điều trị bệnh nghiện, bạn hãy thử áp dụng xem:
  1. Đầu tiên bạn phải ngừng chơi game. Ít nhất là lần đầu. Sau đó cố gắng giảm giờ chơi, hoặc chỉnh đốn lại thời khoá biểu chơi làm sao để giờ chơi giảm từ từ. Nhưng nếu bạn nghiện nặng, việc giảm giờ chơi hay ngừng chơi rất khó thực hiện. Phương pháp tốt nhất là ngừng chơi hoàn toàn, và dẹp bỏ hết tất cả các loại trò chơi ảo. Sau khi hoàn toàn hết nghiện, bạn có thể thử chơi lại để trắc nghiệm.
  2. Bạn phải tìm người giúp đỡ nếu bạn ngấm quá sâu vào chất độc game ảo này. Đừng e ngại nếu bạn không thể tự trói mình để bỏ game, bạn phải cầu cứu tới sự giúp đỡ của người khác. Không có gì là mắc cở, hèn yếu trong việc tìm kiếm người khác giúp đỡ, ngược lại đó là sức mạnh của sự tự quán chiếu, tự nhìn thấy yếu điểm của mình để tìm tha nhân giúp đỡ.
  3. Tìm một thú vui tiêu khiển lành mạnh khác hay trở về với những thú vui cũ mà bạn vì mê game đã bỏ quên chúng. Nếu bạn bỏ game bạn cần phải có hoạt động gì đó để lấp chỗ trống của game để lại.
  4. Tim hiểu căn nguyên của vấn đề-đó là lý do tại sao bạn để căn bệnh nghiện game phát triển và chiếm ưu thế hơn tất cả các thứ khác. Thông thường nó xảy ra nhanh chóng và những lần khác thì nó rón rén đi vào khiến bạn khó nhận thức được nó đã xảy ra như thế nào. Đắm chìm trong thế giới trò chơi ảo giúp bạn tránh phải trực diện với thực tế của điều bạn không giải quyết được hoặc không biết cách giải quyết. Hãy tìm cội rễ của vấn đề.
  5. Giải quyết căn nguyên của vấn đề. Một khi bạn tìm ra bộ mặt của vấn đề, bạn cần phải đi những bước thích hợp để tìm ra giải pháp. Rồi bạn có thể trở lại với game sau đó khi bạn không còn cảm thấy nghiện nó nữa. Nếu bạn không giải quyết vấn đề mà nhảy sang một thú vui khác dù bạn bỏ được game bạn sẽ nghiện trò chơi mới ấy lập tức bởi game không phải là nguyên nhân chính của vấn đề.
  6. Có người nói khi họ ngừng chơi game, họ cảm giác rằng họ đã bị game vật như thuốc phiện vật. Đừng nghĩ là bị game vật, bạn hãy nghĩ là bạn đang bị game ép buộc bạn chơi. Bạn bị sự lôi kéo, ám ảnh của game khiến bạn cứ nghĩ rằng bạn phải tiếp tục chơi hoài. Tất cả chỉ là do bạn biến thành nô lệ phụ thuộc vào game mà thôi.
Với những phương pháp trên bạn có thể học thêm về game và cách tự điều trị lấy bệnh của mình. Vấn đề quan trọng là sự nhận thức được mình có nghiện hay không. Cái khó của hầu hết mọi người là không nhìn thấy chính họ và cơn nghiện làm mờ mắt mất rồi.
Nếu bạn có người thân hay chính bạn đã thử cai nghiện và không kết quả hãy tìm đến các chuyên viên tâm lý, hay bác sĩ tâm thần chuyên lo về vấn đề này. Để tích cực và nhiều hiệu quả hơn nữa hãy đến với các trung tâm cai nghiện chuyên môn, các game thủ sẽ được chữa trị đúng cách với khung cảnh cùng môi trường thích hợp.
Chúng ta thử viếng thăm vài nơi cai nghiện xem họ chữa trị thế nào?
Đầu tiên chúng ta vào một dưỡng đường cai nghiện Broadway Lodge ở Anh quốc. Nơi này được thành lập từ năm 1974 cho những bệnh nhân nghiện rượu, sau đó vì nhu cầu nó thành nơi cai nghiện ma túy và nghiện Video game&game online. Đời sống ở đây được tổ chức rất chặt chẽ theo mô hình đoàn thể và sự kiêng khem được áp dụng triệt để. Toàn dưỡng đường chỉ có một máy truyền hình, giờ ăn theo thời khoá biểu, điện tắt lúc 11:45 mỗi đêm và mọi người đều phải thức dậy vào 6:45 mỗi sáng theo tiếng chuông rung của người y tá. Những game thủ đều được giao những công việc để làm như một phương pháp chữa bệnh, tỷ như, quét nhà, dọn rác, lau chùi bàn ghế v..v.. Các nhiệm vụ được giao phó có khi theo cá nhân hoặc từng đội. Bác sĩ tâm thần, y tá hoặc các cố vấn đều có mặt túc trực 24 tiếng một ngày.
Người bệnh nhân đầu chúng ta thấy là một thiếu niên vào tuổi hai mươi. Em đã nghiện game và ngồi bên máy tính 15 giờ mỗi ngày. Em rất gầy, dáng vẻ hốt hoảng, bồn chồn, dễ xúc động, thiếu tự tin và có dấu hiệu bị trầm cảm.
Có nhiều người đã được chữa lành ở đây như thiếu niên này và con số bệnh nhân chắc chắn sẽ gia tăng. Bởi vì cả một thế hệ lớn lên bị bao vây bởi những kỹ thuật ảo tinh vi. Bây giờ chúng ta bắt đầu thấy nhiều người bước vào những trung tâm y tế với triệu chứng nghiện game như sụt cân, mất sự giao tiếp với người chung quanh, và kể cả vấn đề tài chánh cũng bị rắc rối.
Ngoài ra bệnh viện tư Capio Nightingale Hospital do bác sĩ tâm thần Richard Graham ở LonDon có chương trình trị bệnh riêng cho các game thủ vị thành niên. Khoảng 5 hay 6 em một lần được điều trị chung với nhau trong vòng 1 tháng. Phương pháp điều trị tập trung trên 3 điểm chính: Vệ sinh, giao tiếp xã hội, kỹ năng đời sống và sức khoẻ. Một nhóm chuyên viên và những y tá chữa bệnh bao gồm các lãnh vực, nhận thức, thể dục, sinh lý học. Các bộ phận chuyên trị này được kết hợp với nhau giúp các game thủ nhận ra được vấn đề của họ và có nhiều hy vọng hướng tới một đời sống vui vẻ hạnh phúc tràn đầy.
Những chuyên gia về vệ sinh sẽ theo tuần tự dạy các phương pháp vệ sinh, thở, thiền định, kể cả kỹ thuật hít vào phổi các hương thơm cây cỏ tự nhiên để kích thích óc tiết ra các hoá chất khiến con người thư thái và dễ chịu. Điều này giúp bệnh nhân rời bỏ tình trạng gắn liền với máy điện tử thường trực. Chuyên gia về giao tiếp xã hội thúc đẩy các game thủ nhận rõ các lý do tại sao các em tránh những giao tiếp mặt đối mặt mà tìm vào sự giao tiếp trong thế giới ảo. Bệnh nhân được cho bài thực tập giao tiếp với người khác trong đời sống thật. Việc này giúp các em nhận thức được những quan hệ online mà các em thích không hay và tốt bằng những quan hệ mặt đối mặt hay các hoạt động ngoài đời như gặp nhau uống cà phê, trò chuyện, nấu ăn, bơi thuyền, đi trại.
Có nhiều trung tâm cai nghiện quảng cáo khoác lác về những phương pháp trị bệnh dứt hẳn hoặc hay vào bậc nhất. Sự thực thì trị cai nghiện game còn khó hơn trị nghiện ma túy. Có những bệnh nhân vừa nghiện ma túy vừa nghiện game. Có em dự những lớp cai nghiện ma túy và game và sau đó bỏ được ma túy nhưng với game thì bị nghiện lại.
Có em tâm sự "Em không chơi game nữa, khoảng vài tháng nhưng em cảm thấy không có nó, khó chịu kinh khủng. Khi chơi game, em không phải nghĩ hay lo lắng chuyện gì giờ ngưng không chơi nữa, em không biết làm gì. Em có một lap top và làm việc với máy tính cả ngày, em luôn luôn thèm được chơi lại"
Trong một trung tâm cai nghiện ở Amsterdam, Netherlands, những game thủ khi được đưa vào thường đã kiệt sức qua thời gian chơi game. Họ được giải đôc(detox) giống như phương pháp 12 bước trong tiến trình cai nghiện rượu hay ma túy tức là dùng những thứ khác thay thế cho game và giảm giờ chơi để chống lại thói quen tùy thuộc vào game.
Nếu bạn biết tiếng Anh bạn có thể vào trang web "Online Gamers Anonymous" còn gọi tắt là OLGA. (http://www.olganon.org/). Đây là một tổ chức mạng bất vụ lợi do những chuyên gia, những người từng nghiện game hay những người đang nghiện lập ra với mục đích chia sẻ và giúp đỡ nhau trị bệnh nghiện. Trong thời khoá biểu của họ có những buổi thảo luận về cách dùng "Phương pháp 12 bước trị game" này. Ngoài ra họ còn liệt kê danh sách những bác sĩ chuyên môn hay các trung tâm cai nghiện ở từng địa phương hay từng tiểu bang ở Mỹ hay vài nơi trên thế giới như Anh, Gia Nã Đại, Trung Quốc hay Hoà lan...v..v... Đây là một website rất hữu ích.
Đường vào những trò chơi ảo thật đẹp, đầy màu sắc, nhiều thử thách, lắm đam mê. Thế mà đường ra lại hiểm trở, đầy hầm chông, mìn bẫy khiến các game thủ lạc hoài không tìm nổi lối ra. Chơi game như người nếm viên kẹo ngọt. Ai biết được vị ngọt rất ngon miệng nhưng đằng sau nó là bao nhiêu thứ bệnh, nếu ăn quá nhiều chất đường. Chơi những trò chơi ảo giúp con người tiêu được thì giờ, mang lại thư giãn và phản ứng nhanh nhạy cũng như giàu óc tưởng tượng. Nhưng chơi nhiều quá không biết dừng lại, game sẽ là thứ thuốc độc hủy diệt con người. Ngày xưa đọc Kim Dung, ai cũng tấm tắc khen ngợi Lục Mạnh Thần Kiếm của Đoàn Dự. Làn kiếm khí ảo đó một khi xuất ra là có người gục ngã. Ngày nay các game thủ không khéo léo, đã thực sự tự gây thương tích cho chính mình bằng những thanh kiếm bén của trò chơi ảo. Đừng coi thường cõi ảo nhé bạn, nó thẳng tay tàn phá cõi thật con người không nương tay đấy. 

Trịnh Thanh Thủy