Wednesday, November 19, 2014

NGƯỜI THẦY ĐẶC BIỆT ( ÁNH RYAN )



Chân Dung Người Thầy
                                                          Tiến Sĩ Martin Robins


Người Thầy Đặc Biệt


Tác Giả: Ánh Ryan

Trên con đường học vấn, tôi có rất nhiều kỷ niệm vui buồn “khó quên” với những vị ân sư. Họ đã tích cực uốn nắn phong cách và rèn luyện trí tuệ để cho tôi vững mạnh bước vào đời. Sau đây là câu chuyện về một “Người Thầy Đặc Biệt” đã ngự trị trong tim tôi suốt 24 năm qua. - Giáo Sư Martin Robins.
Mùa thu năm 1990, lần đầu tiên tôi bước vào lớp “Viết Văn Bình Luận” của thầy Martin Robins, và đã đến lớp trễ một phút. Vì là lớp học đêm nên tôi đi lộn hết chỗ nầy đến chỗ kia. Tôi phải chạy lòng vòng trong sân trường suốt cả nửa giờ đồng hồ mới tìm đúng phòng học của mình. Cảm thấy rất xấu hổ, nên tôi lí nhí xin lỗi giáo sư và các bạn học cùng lớp. Có người nhìn tôi như một tên tội phạm. Nhưng vị giáo sư của tôi thì không nói gì mà chỉ mĩm và gật đầu chào tôi. Sau khi nghe lời giải thích của tôi, ông chỉ vào một cái ghế trống bên trái của ông và ra hiệu cho tôi ngồi xuống.
- “Đây là ghế của cô, Anh Ryan.” Thầy tôi nói.
- “Xin cám ơn thầỵ.” Tôi đáp lời và vội vã ngồi xuống.

Đây là một lớp học “có giới hạn” bởi vì giáo sư chỉ chấp nhận tối đa 20 sinh viên trong học kỳ. Những lớp học loại nầy lúc nào cũng đầy người ghi tên, nên giáo sư có thể “từ chối” bất kỳ sinh viên nào không thích hợp hoặc không có đủ tiêu chuẩn.. Nhận thức rõ điều nầy và biết là mình có tội nghiêm trọng vì đã đến lớp muộn trong ngày đầu tiên, tôi im lặng, hồi hộp chờ đợi, và sẵn sàng chấp nhận sự phán quyết của thầy.
Vị giáo sư của chúng tôi, Tiến Sĩ Martin Robins, dáng người trung bình, nhưng hơi gầy, với chiếc áo sờn vai, gương mặt hiền từ, và đôi mắt điềm tĩnh. Ông nhìn đảo một vòng để nhận xét 20 khuôn mặt ngồi quanh chiếc bàn hình bầu dục, đang hãnh diện lẫn lo âu, nhìn về phía ông để chờ lệnh.
Với bàn tay nhỏ nhắn nhưng mềm mại, ông sửa lại chiếc cà vạt cho ngay ngắn, vuốt mái tóc ngắn lưa thưa màu muối tiêu, rồi chậm rãi tự giới thiệu tên họ, thành tích, và kinh nghiệm của ông trong 29 năm phục vụ tại viện Đại học Harvard.
Tiếp theo, ông phát cho mỗi học viên một kẹp giấy gồm có ba trang. Trong đó có ghi rõ chương trình của khóa học, hạn kỳ nộp bài, danh sách những quyển sách mà chúng tôi bắt buộc phải đọc (required reading materials), và danh sách những tài liệu, ông khuyến khích, chúng tôi nên đọc để tìm hiều thêm. Các thông tin nầy có thể trợ giúp hữu hiệu cho những bài viết của chúng tôi trong tương lai (suggested reading materials).

Theo tôi được biết thì Tiến Sĩ Martin Robins chẳng những là một giáo sư chuyên dạy môn viết “văn bình luận” nhưng ông lại còn là một thi sĩ. Có một lần, ông tâm sự với chúng tôi là ông có làm một bài thơ ngắn, mà trong đó có một câu ông muốn diễn tả một cái bóng in trên mặt đất khi ánh nắng mặt trời chiếu vào một pho tượng. Vì không vừa ý với cách dùng chữ trong một câu thơ, nên ông đã viết đi viết lại bài thơ đó suốt 14 năm. Rồi một hôm tình cờ, ông đi ngang qua sân trường Harvard, nhìn thấy cái bóng của John Harvard in dài trên nền cỏ xanh (Pho tượng nầy được dựng lên để ghi nhớ công ơn ông John Harvard - người đầu tiên đã hiến tặng 400 quyễn sách có giá trị cho viện đại học danh tiếng nầy vào năm 1636).
- “Cast shadow! Cast shadow!” Ông lẩm bẩm
Đúng rồi! Ông đã tìm ra cái từ ngữ “thích ứng” cho bài thơ. Ông vội vã ba chân bốn cẳng chạy bay về phòng làm việc, như bị ma đuổi, để chép vào bài thơ, mà không cần để ý đến bao nhiêu người chung quanh đang ngơ ngác nhìn theo. Thế là ông đã hoàn tất đứa con tinh thần của mình.
Tiến Sĩ Robins là một giáo sư rất tích cực, nhưng cũng rất “kỹ lưỡng” trong nghề nghiệp. Sau vài buổi học, tôi đã nhận ra cách thức rèn luyện độc đáo của thầy tôi. Ông không thích những kẻ viết văn có tánh cách khoe khoang, dùng những từ ngữ kiểu cách để “đánh trống” cho kêu nhưng rỗng tuếch về nội dung. Ông sẵn sàng dìu dắt và chỉ dẫn tận tình cho những ai hiếu học, nhưng đừng có hòng “múa rìu qua mắt thợ” với ông.
Chờ cho nhóm học viên im lặng, giáo sư bắt đầu phần thứ nhất của chương trình. Ông ra lệnh cho mỗi người tự giới thiệu và phát biểu ý kiến với những đặc điểm theo thứ tự sau đây:
1) Tên họ, nghề nghiệp, trình độ học vấn
2) Lý do ghi danh vào lớp Essay Writing Expo - 40
3) Những mục tiêu muốn phát triển trong lớp học nầy
Mọi người tuần tự đứng lên hăng hái phát biểu rất mạch lạc như một bản tường trình. Riêng tôi thì muốn xỉu liền tại trận, vì hầu hết các học viên trong lớp đều có kinh nghiệm trong lãnh vực báo chí, hoặc là đang nắm giữ các chức vụ cao trong thương nghiệp. Còn tôi chỉ là một sinh viên “quèn” mà tiếng Anh thì không phải là ngôn ngữ chánh.
Tôi là người cuối cùng phải đứng lên để “kê khai” cái tiểu sử “trống rỗng” của một sinh viên mới và Anh văn là ngôn ngữ thứ nhì (English as the Second Language = ESL). Tôi sợ hãi và luống cuống như một tội nhân sắp bị mang lên máy chém. Nhưng tôi phải cố gắng đứng lên, vì mọi người đang chờ đợi - trong khi đôi chân thì như muốn sụm xuống. Tôi run lập cập, lí nhí vài câu xin lỗi giáo sư và các bạn trong lớp:
- “Tôi chỉ là một học sinh và chưa từng viết luận văn bằng Anh ngữ . Tôi đã ghi tên để xin học lớp thấp nhất trong số 175 lớp của trường. Nhưng tôi không biết tại sao văn phòng hành chánh cho tôi vào lớp Expo - 40. Vì thế cho nên tôi không biết phải làm thế nào cho hợp lý. Tôi thành thật xin lỗi vì đã làm mất thì giờ quý báu của mọi người.”
Nói xong tôi vẫn đứng trân ra đó như bi trời trồng dưới cái nhìn “thương hại” của các học viên. Còn giáo sư của tôi thì không có phản ứng gì đặt biệt, có lẽ do kinh nghiệm nhiều năm trong nghề nên ông rất bình tĩnh khi chạm với những “ngạc nhiên” như hôm đó. Ông ra dấu cho tôi ngồi xuống và tiếp tục phần thứ nhì của buổi học.
Trong phần nầy, giáo sư yêu cầu mỗi học sinh lấy ra một tờ giấy và viết xuống, theo thứ tự, những gì mà họ đã trình bày bằng miệng - trong phần thứ nhầt. Thời gian viết bài là 10 phút, và đặc biệt là không được viết quá một trang giấy. Phần thực tập nầy ông muốn biết trình độ viết văn, cách dùng từ ngữ, thuật ngữ, để loại bỏ các danh từ sáo rỗng, và những từ ngữ không cần thiết. Hầu như tất cả những sinh viên đều viết xuống rất nhanh và thoải mái. Phần đông họ viết xong và nộp bài cho giáo sư trong vòng 5-7 phút.
Riêng tôi thì ngồi thừ người ra và không có một chữ trên trang giấy. Sự thật thì tôi không biết phải bắt đầu giải thích như thế nào về trường hợp của mình. Thầy Robins nhìn tôi và dùng ngón tay trỏ gõ nhẹ vào cái đồng hồ trên bàn. Ông cố ý báo hiệu cho tôi biết là thời gian viết bài sắp hết. Tôi hiếu ý, nên bắt đầu ghi vào ngày, tháng, năm, và tên họ trên đầu trang giấy, rồi viết xuống hai câu vỏn vẹn như sau:
- “Tôi nghĩ là tôi đã vào nhầm lớp, cho nên tôi không biết phải viết thế nào cho hợp lý. Ngày mai, tôi sẽ vào văn phòng xin rút tên ra khỏi lớp, để khỏi làm mất thời gian quý báu của thầy và các bạn trong lớp nầy.”
Sau đó tôi ký tên vào tờ giấy và nộp bài cho thầy. Giáo sư Robins nhận tờ giấy, liếc nhanh qua rồi xếp chung vào với những bài viết khác như không hề có chuyện gì xảy ra.
Khi tan giờ học, các sinh viên đến đứng sắp hàng, bắt tay thầy và cảm ơn rối rít vì họ rất hãnh diện được nhận vào lớp nầy và hy vọng sẽ học hỏi cách thức viết văn của thầy để tiến xa hơn trong ngành viết lách. Còn tôi thì cẫn thận xếp lại các quyển sách để vào cái túi mang sau lưng (backpack). Tôi thầm nghĩ “ít ra mình cũng có cơ hội gặp mặt vị giáo sư nổi tiếng nầy, dù chỉ một lần thôi cũng mãn nguyện lắm rồi.” Suốt trong buổi học đó tôi chỉ ghi chép vào quyển sổ tay riêng (notebook) vì không dám đánh dấu vào những cuốn sách mới toanh mà tôi đã mua tuần trước. Tôi định hôm sau sẽ mang trả cho tiệm sách để xin hoàn tiền lại. Sách ở đây mắc lắm. Là một sinh viên nghèo như tôi thì phải tránh sự tốn kém tối đa.
Tuy đang nói chuyện với các sinh viên sắp hàng trước mặt ông, nhưng giáo sư vẫn để ý đến tôi. Khi tôi vừa dợm bước ra khỏi phòng học thì ông gọi vói theo:
- Anh Ryan, xin chờ tôi một chút nhé, vì tôi muốn nói chuyện với cô.
Không thể làm gì khác hơn, tôi đáp “xin vâng” rồi ngồi xuống ghế chờ tới phiên mình.
Khi tất cả học viên ra khỏi lớp, thầy Robins đến nắm tay và dẫn tôi ra ngoài hành lang khi hàng trăm sinh viên và giáo sư đang ào ạt chạy lên chạy xuống ba tầng lầu để tìm lớp của họ. Không ai để ý đến chúng tôi. Thầy Robin chọn một chiếc băng dài ở cuối hành lang. Chúng tôi ngồi xuống và chờ cho mọi người vào lớp. Không lâu, khi chỉ còn lại hai chúng tôi, thầy nhìn tôi, với giọng nói ôn tồn:
- “Bây giờ chỉ có hai chúng ta. Cô đừng lo sợ hay chú ý đến từ ngữ và văn phạm nhé. Cô cứ nói với tôi như nói chuyện với một người bạn thân, theo sự hiểu biết của cô, và giải thích cho tôi biết tại sao cô ghi tên vào lớp học của tôi?”
Tôi hơi luống cuống, nhưng quyết định sẽ trình bày tận tường cho thầy biết, vì ông ấy có quyền biết, và tôi bắt đầu kể:
- “Thưa thầy, trong học kỳ (semester) nầy, tôi đã ghi tên vào hai lớp về Chính Trị và Xã Hội học. Nhân viên trong văn phòng tài chánh cho biết là nếu tôi chỉ chọn có hai lớp thì trường chỉ có thể cho học bổng 50% để đóng học phí. Nếu tôi ghi tên 3 hoặc 4 lớp thì trường sẽ cung cấp 100% tiền học phí. Tôi hỏi cố vấn của tôi là nên chọn thêm lớp nào mà không cần phải đọc sách nhiều, vì trong hai lớp kia tôi phải đọc ít nhất là 45 quyển sách rồi – đó là chưa kể đến những hồ sơ tôi phải truy cứu thêm để viết bài. Cố vấn khuyên tôi nên chọn một lớp viết văn, vì lớp nầy không phải đọc nhiều sách. Vã lại, là người sanh ra ở nước ngoài, thì tôi lúc nào củng cần đến Anh ngữ. Tôi đồng ý và đã ghi tên vào một lớp viết văn thấp nhất. Nhưng không biết tại sao tôi lại nhận được giấy cho phép vào lớp của thầy. Tôi công nhận là trình độ lớp nầy thì quá cao so với trình độ của mình. Tôi xin lỗi là đã làm phiền đến thầy. Ngày mai, tôi sẽ vào văn phòng để trình bày việc nầy và xin rút tên ra khỏi lớp của thầy. Tôi thành thật xin lỗi.”
Thầy Robins nghe xong, gật đầu vài cái:
- “Tại sao cô biết là lớp của tôi quá cao với trình độ của cô?” Thầy nhẹ nhàng hỏi tôi.
- “Thầy xem đó, những học viên trong lớp nầy chẵng những có trình độ Anh ngữ rất cao, họ còn là những tay viết lách chuyên nghiệp thì làm sao tôi tranh đua với họ được?” Tôi trả lời.

Thầy nghe xong, cười hiền lành và vỗ nhẹ vào tay tôi:
- “Cô lầm rồi. Đi học ở đây cô không cần phải tranh đua với ai hết. Cô chỉ cần cố gắng tranh đua với chính bản thân mình mà thôi. Cô tin tưởng tôi đi. Trong lớp học nầy sẽ có khoảng 4 -5 học viên bỏ cuộc nửa chừng vì họ thiếu kiên nhẫn. Còn những người có chí như cô, phần đông sẽ hoàn tất vẻ vang. Tôi đã hành nghề dạy viết văn gần 29 năm rồi. Cô chỉ cần hứa với tôi là cô sẽ cố gắng tối đa, thì tôi hứa với cô là tôi sẽ dìu dắt cô đến nơi đến chốn. Nên nhớ, cô vào lớp để trao dồi kiến thức, chớ không phải để so tài với ai cả.”
Lúc đó tôi chỉ biết khóc để thay lời cám ơn cho sự rộng lượng và lời khích lệ chân thành của người thầy đáng kính nầy. Tôi gật đầu, hứa ở lại lớp của thầy và sẽ cố gắng hết sức mình để không phụ lòng thầy dạy dỗ. Kể từ lần nói chuyện đó, tôi mới hiểu rõ trọng tâm giáo dục của Harvard University và những vị giáo sư tuyệt tác của trường nầy. Tôi tiếp tục học hỏi và luôn luôn theo sát sự hướng dẫn của thầy.
Bài viết kế tiếp, chúng tôi được “tự do” chọn đề tài nhưng chỉ viết trong giới hạn 2-3 trang giấy mà thôi. Cách viết nầy rất khó. Nguời viết phải giải thích câu chuyện từ đầu tới cuối, mạch lạc, và dùng chữ đơn giản. Khi thầy chỉ định mỗi học sinh đọc lên bất kỳ một đoạn văn nào trong bài, thì ai cũng phải hiểu tác giả đang viết về chuyện gì. Các bạn của tôi bỏ ra từ 20-40 giờ để viết. Còn tôi thì phải bỏ ra tất cả là 120 giờ, vì phải viết đi viết lại cả chục lần. Tôi kiên trì như thế suốt 4 tháng. Kết quả là tôi đã hoàn tất vẻ vang, khi nhận được điểm “A-” trong bài viết cuối cùng vào đầu tháng January 1991. Vài tháng sau, một bạn học cùng lớp cho tôi biết là không có ai trong lớp của thầy Robins nhận được điểm cao hơn tôi. Hú hồn!
Sau khóa học đó, tôi chỉ gặp lại thầy có một lần trước cổng thư viện Widener. Thầy trông gầy hơn trước, nhưng muốn hỏi thăm về việc học hành của tôi. Thầy rất vui mừng khi biết là tôi đã vượt qua tất cả các môn học, đã nhận bằng cấp Cử Nhân danh dự, và đã được chấp nhận vào chương trình Thạc Sĩ.
Tháng 9, năm 1991, tình cờ đọc tờ Đặc San của trường, tôi bàng hoàng khi biết được là thầy đã qua đời trong mùa hè. Từ đó về sau, mỗi khi đi ngang qua lớp học ngày xưa, tim tôi se thắc lại, và như còn nghe văng vẳng bên tay lời khuyên quý báu của thầy tôi - Tiến Sĩ Martin Robins .



Chị  Đoàn Thị Ngyuyệt Ánh HD 60-67

                                                  June 4th, 1992 - Harvard University

      Harvard University - June 2nd, 1991 - at Cambridge, Massachusetts .