Sunday, August 3, 2014

CHINH PHỤ NGÂM - ĐẶNG TRẦN CÔN ( Kim Chi Sưu Tầm )





Chinh Phụ Ngâm 1 - Hồng Vân / 9:05




Chinh Phụ Ngâm 2 - Hồng Vân / 9:51




                  CHINH PHỤ NGÂM


TÁC GIẢ : ĐẶNG TRẦN CÔN

DỊCH GIẢ : ĐOÀN THỊ ĐIỂM


Tiểu sử Đặng Trần Côn


Đặng Trần Côn tiên sinh (1715? -1750), người làng Nhân Mục (tục gọi làng Mọc) huyện Thanh Trà, tỉnh Hà Đông.
Tiên sinh sinh đời Lê Dụ Tông, trong buổi Trịnh Cương xưng chúa, cầm quyền, phong tước An Đô Vương. Lúc bấy giờ trong thành Thăng Long thường có hỏa hoạn có lệnh cấm lửa. Nhưng tiên sinh hiếu học là người hiếu học nên phải đào hầm chong đèn mà học suốt canh khuya.
Tiên sinh ưa ngâm vịnh, nghe bà Đoàn Thị Điểm hay chữ, hay thơ, bèn làm một bài thơ đến yết kiến bà. Bà xem thơ, cười mà bảo rằng: nên học thêm sẽ làm thơ. Tiên sinh lấy làm thẹn, về ra sức nghiên tinh đàn tứ. Về sau tiên sinh thi đỗ chức Hương Cống (cử nhân) và vẫn chăm học, tay không hề rời quyển sách.
Đời niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) đời Hậu Lê gặp buổi binh cách, lính thú đi chinh thú nhiều nơi, đã diễn nên lắm nỗi biệt ly đau đớn, tiên sinh xúc cảm làm bài "Chinh Phụ Ngâm", theo thể thơ xưa (Cổ nhạc phủ) từ điệu thanh tao và phiêu dật lâm ly. Tiên sinh đem đưa ông Ngô Thì Sĩ. Ông Sĩ đọc xong rất thán phục mà nói rằng: "Như bài này thì đã áp đảo được lão Ngô này rồi".
Sau tiên sinh lại đưa cho bà Đoàn Thị Điểm xem. Bà khen hay và đem diễn Nôm, điệu song thất lục bát. Làm xong, bà đưa cho tiên sinh xem. Tiên sinh tỏ ra kính phục tài miệng gấm lạng thêu của bà, chịu tôn bà làm bậc sư bá.
Bài "Chinh Phụ Ngâm" truyền tụng khắp trong nước, lan đến bên Tàu, cũng phải khen tài thanh-nghệ-luật của tiên sinh. Quả thật như vậy, thơ tiên sinh cổ thể, cận thể đã học đúng đủ các phép, cho nên thi phái đời Hậu Lê nhờ tiên sinh dìu dắt mà chấn hưng nhiều.

Về sau tiên sinh làm chức Huấn Đạo rồi lần hồi thăng đến chức Ngự Sử Đài. Tính tiên sinh rất khoáng dật, thích ngao du với trăng gió rượu trà. Ngoài bài "Chinh Phụ Ngâm", còn lắm bài thơ phú khác, như "Tiêu Tương Bát Cảnh", "Trương Hàn Tư Thuần Lư", "Trương Lương Bố Y", "Khấu Môn Thanh" ...




TIỂU SỬ HỒNG HÀ NỮ SĨ ĐOÀN THỊ ĐIỂM (1705 - 1748)


Bà Đoàn Thị Điểm sinh năm 1705, biệt hiệu là Hồng Hà Nữ sĩ, con gái Đoàn Doãn Nghi, quê ở làng Giai Phạm, sau đổi thành Hiến Phạm, huyện Văn Giang nay thuộc tỉnh Hưng Yên. Nữ sĩ vốn gốc họ Lê, đến đời thân phụ mới đổi sang họ Đoàn.
Đoàn Doãn Nghi hiệu là Dương Kinh có thể xem là người khai khoa cho dòng họ. Ông đỗ Hương Cống, nhưng chỉ dạy học và bốc thuốc. Ông dạy học nhiều nơi, sau chuyển về thôn Lạc Viên, huyện An Dương (nay thuộc nội thành Hải Phòng).
Năm 16 tuổi Đoàn Thị Điểm được quan Thượng Thư Lê Anh Tuấn nhận làm con nuôi, đưa về Kinh thành Thăng Long. Đây là thời gian Bà đọc được rất nhiều sách quý trong kho sách của quan Thượng Thư nên vốn kiến thức được mở rộng, thấy con gái nuôi thông minh lỗi lạc vị Thượng Thư có ý định dạy dỗ những điều cần thiết để tiến cử vào Cung, nhưng Bà kiên quyết từ chối.
Năm 1724, nghe tin cha ốm nặng, tình hình chính trị ở Thăng Long lúc đó lại rối ren, Bà đã xin phép Thượng Thư về Lạc Viên phụng dưỡng cha. Năm 1729 cha mất, anh trai bà là Đoãn Doãn Luân đưa gia đình về làng Vô Ngại, huyện Đường Hào (nay là Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) mở trường dạy học.
Cuộc sống mới tạm ổn định được một thời gian ngắn thì khoảng năm 1733, Đoàn Doãn Luân lại qua đời, để lại mẹ già, vợ đau yếu và hai con còn nhỏ dại. Gánh nặng gia đình dồn lên vai một mình nữ sĩ, lúc này bà đã gần 30 tuổi. Đoàn Thị Điểm vừa lo phụng dưỡng mẹ già, nuôi dạy hai cháu nhỏ và lo cuộc sống cho cả gia đình.  Bà vừa dạy học vừa bốc thuốc chữa bệnh. Tiếng tăm của Bà ngày càng nổi, người ngưỡng mộ càng đông.
Nhưng rồi làng Vô Ngại cũng không thể ở được. Khoảng giữa thế kỷ 18, những cuộc nổi dậy của nông dân xảy ra nhiều khiến làng xóm bị binh lửa tàn phá, Bà Đoàn Thị Điểm lại phải đưa cả gia đình tới nhà một người học trò tại xã Chương Dương, huyện Thượng Phúc (nay thuộc Thường Tín, Hà Tây) để lánh nạn và sinh sống. Theo Hoàng Xuân Hãn, lúc này Bà mới chính thức mở trường dạy học, trong đám học trò có Đào Duy Doãn quê xã Chương Dương, lúc học với nữ sĩ khoảng 10 tuổi sau đỗ Tiến sĩ (năm 1768).
Đoàn Thị Điểm nổi tiếng về tài văn thơ đối đáp. Xung quanh Bà có nhiều giai thoại khẳng định tài năng của Bà áp đảo các bậc anh tài trong giới nho sinh kẻ sĩ. Đoàn Thị Điểm là một người con gái có bản lĩnh, một nữ sĩ tài hoa, hội tụ đủ công, dung, ngôn, hạnh.
Nhưng có thể chính vì sự quá hoàn hảo và xuất chúng đó mà đường tình duyên của nữ sĩ lại muộn màng. Năm 1743, Bà kết hôn với Tiến sĩ Nguyễn Kiều, một người góa vợ nhưng học rộng tài cao (18 tuổi đỗ Giải Nguyên, 21 tuổi đỗ Tiến sĩ). Cuộc hôn nhân với Nguyễn Kiều đem lại cho nữ sĩ những ngày hạnh phúc, vợ chồng ý hợp tâm đầu, thương yêu đằm thắm, Bà thường cùng ông xướng họa. Nhưng hạnh phúc lứa đôi thật ngắn ngủi, cưới xong chưa đầy một tháng Nguyễn Kiều phải đi sứ Trung Quốc, nữ sĩ lại một mình “nuôi già, dạy trẻ” suốt 3 năm ròng.
Trong khoảng thời gian này, bà nhận được bản Chinh Phụ Ngâm Khúc viết bằng Hán văn của Đặng Trần Côn. Đồng cảm với tâm trạng của người chinh phụ, Bà dịch ra thơ Nôm bản Chinh Phụ Ngâm này cùng với Truyện Kiều của Nguyễn Du, Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều. Bản dịch Chinh Phụ Ngâm của Hồng Hà nữ sĩ được xem là tác phẩm ưu tú nhất của nền thi văn trung đại Việt Nam.  Chính tác phẩm này đã đưa tên tuổi của Bà lên đỉnh cao trong nền văn học nước nhà.
Năm 1745, Nguyễn Kiều mới về nước, nhưng chỉ chưa đầy ba năm sau 1748, ông lại được cử làm Tham thị ở Nghệ An. Trên đường cùng chồng đến nhiệm Sở, Bà bị cảm nặng, chạy chữa không khỏi, Bà mất ngày 11/9 âm lịch năm 1748 tại Nghệ An. Phần mộ của Bà hiện nay an táng tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Đoàn Thị Điểm là một tác gia lớn của nền văn học thời trung đại, bút pháp đa dạng, vừa giỏi văn Hán, lại cũng vừa giỏi thơ Nôm. Bà sáng tác nhiều nhưng tản mát phần lớn. Ngoài bản dịch Chinh Phụ Ngâm Bà còn là tác giả tập truyện Ký, Truyền Kỳ Tân Phả và một ít thơ văn câu đối chữ Hán, chữ Nôm được lưu giữ trong Hồng Hà phu nhân di văn. Đương nhiên, thể loại và số lượng tác phẩm cũng chưa phải là tất cả, đóng góp của Bà Đoàn Thị Điểm chính là ở những giá trị nhân văn cao cả, những tư tưởng lớn lao vì dân vì nước và những đặc sắc về nghệ thuật mà Bà đã gửi gắm và đạt được trong trước tác của mình. Bà là ngôi sao sáng trong hàng ngũ những nữ sĩ Việt Nam, một nhà giáo, một lương y tài đức vẹn toàn.





Tác Phẩm

Chinh Phụ Ngâm là một thể cách giáo huấn, lấy chinh phụ làm phần khách quan, lấy giáo huấn làm phần chủ quan để dạy kẻ mày râu khăn yếm, lấy nghĩa tu nhân xử thế cho xứng với phận sự làm người.

Trước hết dạy người ỡ đời có sinh phải có tử. Cái chết ai cũng phải có, nhưng chết hoặc nặng tày non cũng có khi nhẹ tựa lông hồng, mà đã là đấng nam nhi thì thường giữ chí "tang bồng hồ thỉ". Lại dạy kẻ nữ nhi khi đã thành gia thất phải lo nội trợ tề gia, khi chồng đi chinh chiến, ở nhà phải lo nuôi già dạy trẻ, hiếu nghĩa trọn phần. Lời giáo huấn phận sự làm trai làm gái đều có ý nghĩa chính đáng, lời lẽ ôn hòa.

Tác giả mượn người chinh phụ để viết bài Chinh Phụ Ngâm, trong đó có hai ý tưởng: Một là cảm xúc nỗi chinh chiến và biệt ly đã diễn nên nhiều đau khổ và mong được hòa bình. Hai là phấn chí anh hùng, giục lòng quyết thắng, giữ dạ trung kiên, đem lòng hứa quốc.


Chinh Phụ Ngâm sử dụng thể thơ dân tộc song thất lục bát. Thể thơ này giàu nhạc tính hơn thể thơ lục bát bởi hai vần trắc ở hai câu thất , đọc lên nghe réo rắt hơn, rất thích hợp với những tác phẩm trữ tình dùng để ngâm hơn là để đọc. Chính vì đặc tính ưu việt đó mà nhiều nhà thơ đời sau đã tiếp tục sử dụng thể thơ này để sáng tác những “khúc ngâm” hoặc những bài thơ như Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), Ai tư vãn (Lê Ngọc Hân), Tự tình khúc (Cao Bá Nhạ), Khóc Dương Khuê (Nguyễn Khuyến), Nói chuyện với ảnh, Thư trách người tình nhân không quen biết (Tản Đà), Thức giấc, Hồ xuân và thiếu nữ (Thế Lữ), Tiếng đàn mưa (Bích Khê)… Tiếc rằng thể thơ dân tộc tuyệt diệu này hiện nay hầu như không còn mấy ai sáng tác nữa trong khi thể thơ lục bát (nghèo âm điệu hơn) vẫn được đặc biệt phát huy. Phải chăng đó là sơ suất và khiếm khuyết lớn của những người làm thơ đương đại, và điều đó cần phải được khắc phục?   




     

                                Chinh Phụ Ngâm



Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.
Xanh kia thăm thẳm tầng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này ?

Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt,
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây.
Chín tầng gươm báu trao tay,
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.

Nước thanh bình ba trăm năm cũ.
Áo nhung trao quan vũ từ đâỵ
Sứ trời sớm giục đường mây,
Phép công là trọng, niềm tây sá nào.

Đường giong ruổi lưng đeo cung tiễn,
Buổi tiễn đưa lòng bận thê noa.
Bóng cờ tiếng trống xa xa,
Sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng.

Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo việc đao cung.
Thành liền mong tiến bệ rồng,
Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời.

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.
Giã nhà đeo bức chiến bào,
Thét roi cầu Vị, ào ào gió thu.

Ngòi đầu cầu nước trong như lọc,
Đường bên cầu cỏ mọc còn non.
Đưa chàng lòng dằng dặc buồn,
Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền.

Nước có chảy mà phiền chẳng rửa,
Cỏ có thơm mà dạ chẳng khuây.
Nhủ rồi nhủ lại cầm tay,
Bước đi một bước dây dây lại dừng.

Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi,
Dạ chàng xa tìm cõi Thiên San.
Múa gươm rượu tiễn chưa tàn,
Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo.

Săn Lâu Lan, rằng theo Giới Tử,
Tới Man Khê, bàn sự Phục Ba.
Áo chàng đỏ tựa ráng pha,
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.

Tiếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống,
Giáp mặt rồi phút bỗng chia tay.
Hà Lương chia rẽ đường này,
Bên đường, trông bóng cờ bay ngùi ngùi.

Quân trước đã gần ngoài doanh Liễu,
Kỵ sau còn khuất nẻo Tràng Dương.
Quân đưa chàng ruổi lên đường,
Liễu dương biết thiếp đoạn trường này chăng ?

Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng,
Hàng cờ bay trong bóng phất phơ.
Dấu chàng theo lớp mây đưa,
Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà.

Chàng thì đi cõi xa mưa gió,
Thiếp thì về buồng cũ gối chăn.
Đoái trông theo đã cách ngăn,
Tuôn màu mây biếc, trải ngần núi xanh.

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương,
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ?

Chàng từ đi vào nơi gió cát,
Đêm trăng này nghỉ mát phương nao ?
Xưa nay chiến địa dường bao,
Nội không muôn dặm xiết bao dãi dầu.

Hơi gió lạnh, người rầu mặt dạn,
Dòng nước sâu, ngựa nản chân bon.
Ôm yên gối trống đã chồn,
Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh.

Nay Hán xuống Bạch Thành đóng lại,
Mai Hồ vào Thanh Hải dòm qua.
Hình khe, thế núi gần xa,
Dứt thôi lại nối, thấp đà lại cao.

Sương đầu núi buổi chiều như giội,
Nước lòng khe nẻo suối còn sâu.
Thương người áo giáp bấy lâu,
Lòng quê qua đó mặt sầu chẳng khuây.

Trên trướng gấm thấu hay chăng nhẽ,
Mặt chinh phu ai vẽ cho nên ?
Tưởng chàng giong ruổi mấy niên,
Chẳng nơi Hãn Hải thì miền Tiêu Quan.

Đã trắc trở đòi ngàn xà hổ,
Lại lạnh lùng những chỗ sương phong.
Lên cao trông thức mây lồng,
Lòng nào là chẳng động lòng bi thương !

Chàng từ sang Đông Nam khơi nẻo,
Biết nay chàng tiến thảo nơi đâu ?
Những người chinh chiến bấy lâu,
Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây.

Nức hơi mạnh, ơn dày từ trước,
Trải chốn nghèo, tuổi được bao nhiêu ?
Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo,
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò.

Hồn tử sĩ gió ù ù thổi,
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.
Chinh phu tử sĩ mấy người,
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn.

Dấu binh lửa, nước non như cũ,
Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương.
Phận trai già ruổi chiến trường,
Chàng Siêu tóc đã điểm sương mới về.

Tưởng chàng trải nhiều bề nắng nỏ,
Ba thước gươm, một cỗ nhung yên.
Xông pha gió bãi trăng ngàn,
Tên reo đầu ngựa, giáo dan mặt thành.

Áng công danh trăm đường rộn rã,
Những nhọc nhằn nào đã nghỉ ngơi.
Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai,
Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây.

Trong cửa này đã đành phận thiếp,
Ngoài mây kia há kiếp chàng vay ?
Những mong cá nước sum vầy,
Nào ngờ đôi ngả nước mây cách vời.

Thiếp chẳng tưởng ra người chinh phụ,
Chàng há từng học lũ vương tôn.
Cớ sao cách trở nước non,
Khiến người thôi sớm thôi hôm những sầu.

Khách phong lưu đương chừng niên thiếu,
Sánh nhau cùng dan díu chữ duyên.
Nỡ nào đôi lứa thiếu niên,
Quan sơn để cách, hàn huyên bao đành.

Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu,
Hỏi ngày về, ước nẻo quyên ca.
Nay quyên đã giục, oanh già,
Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo.

Thuở đăng đồ, mai chưa dạn gió,
Hỏi ngày về, chỉ độ đào bông.
Nay đào đã quyến gió Đông,
Phù dung lại đã bên sông bơ sờ.

Hẹn cùng ta: Lũng Tây nham ấy,
Sớm đã trông, nào thấy hơi tăm ?
Ngập ngừng, lá rụng cành trâm,
Thôn trưa nghe dậy tiếng cầm lao xao.

Hẹn nơi nao, Hán Dương cầu nọ,
Chiều lại tìm, nào thấy tiêu hao ?
Ngập ngừng gió thổi chéo bào,
Bãi hôm tuôn dẫy nước trào mênh mông.

Tin thường lại, người không thấy lại,
Gốc hoa tàn đã trải rêu xanh.
Rêu xanh mấy lớp chung quanh,
Sân đi một bước, trăm tình ngẩn ngơ.

Thư thường tới, người không thấy tới,
Bức rèm thưa lần dãi bóng dương.
Bóng dương mấy buổi xuyên ngang,
Lời sao mười hẹn, chín thường đơn sai.

Thử tính lại diễn khơi ngày ấy,
Tiền sen này đã nẩy là ba.
Xót người lần lữa ải xa,
Xót người nương chốn Hoàng Hoa dặm dài.

Tình gia thất nào ai chẳng có,
Kìa lão thân, khuê phụ nhớ thương.
Mẹ già phơ phất mái sương,
Con thơ măng sữa, vả đương phù trì.

Lòng lão thân buồn khi tựa cửa,
Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm.
Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam,
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân.

Nay một thân nuôi già dạy trẻ,
Nỗi quan hoài mang mể biết bao !
Nhớ chàng trải mấy sương sao,
Xuân từng đổi mới, Đông nào còn dư.

Kể năm đã ba tư cách diễn,
Mối sầu thêm nghìn vạn ngổn ngang.
Ước gì gần gũi tấc gang,
Giải niềm cay đắng để chàng tỏ hay.

Thoa cung Hán thuở ngày xuất giá,
Gương lầu Tần dấu đã soi chung.
Cậy ai mà gửi tới cùng,
Để chàng thấu hết tấm lòng tương tư.

Nhẫn đeo tay mọi khi ngắm nghía,
Ngọc cài đầu thuở bé vui chơi.
Cậy ai mà gửi tới nơi,
Để chàng trân trọng dấu người tương thân.

Trải mấy xuân, tin đi tin lại,
Tới xuân này tin hãy vắng không.
Thấy nhàn, luống tưởng thư phong,
Nghe hơi sương, sắm áo bông sẵn sàng.

Gió tây nổi không đường hồng tiện,
Xót cõi ngoài tuyết quyến mưa sa.
Màn mưa trướng tuyết xông pha,
Nghĩ thêm lạnh lẽo kẻ ra cõi ngoài.

Đề chữ gấm, phong thôi lại mở,
Gieo bói tiền tin dở còn ngờ.
Trời hôm tựa bóng ngẩn ngơ,
Trăng khuya nương gối bơ phờ tóc mai.

Há như ai, hồn say bóng lẫn,
Bỗng thơ thơ thẩn thẩn như không.
Trâm cài, xiêm giắt thẹn thùng,
Lệch làn tóc rối, lỏng vòng lưng eo.

Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.
Ngoài rèm thước chẳng mách tin,
Trong rèm dường đã có đèn biết chăng ?

Đèn có biết, dường bằng chẳng biết,
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương !

Gà eo óc gáy sương năm trống,
Hoè phất phơ rủ bóng bốn bên.
Khắc giờ đằng đẵng như niên,
Mối sầu dằng dặc tựa miền bể xa.

Hương gượng đốt, hồn đà mê mải,
Gương gượng soi, lệ lại chứa chan.
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,
Dây uyên kinh đứt, phi'm loan ngại chùng.

Lòng này gửi gió đông có tiện,
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.
Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.

Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.
Cảnh buồn người thiết tha lòng,
Cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun.

Sương như búa bổ mòn gốc liễu,
Mưa dường cưa xẻ héo cành ngộ
Giọt sương phủ bụi chim gù,
Sâu tường kêu vẳng, chuông chùa nện khơi.

Vài tiếng dế nguyệt soi trước ốc,
Một hàng tiêu gió thốc ngoài hiên.
Lá màn lay ngọn gió xuyên,
Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm.

Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm,
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông.
Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng,
Trước hoa, dưới nguyệt, trong lòng xiết đau.

Đâu xiết kể, muôn sầu nghìn não,
Từ nữ công, phụ xảo đều nguôi.
Biếng cầm kim, biếng đưa thoi,
Oanh đôi thẹn dệt, bướm đôi ngại thùa.

Mặt biếng tô, miệng càng biếng nói,
Sớm lại chiều, dòi dõi nương song.
Nương song luống ngẩn ngơ lòng,
Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai ?

Biếng trang điểm, lòng người sầu tủi,
Xót nỗi chàng, ngoài cõi Giang Lăng.
Khác gì ả Chức, chị Hằng,
Bến Ngân sùi sụt, cung trăng chốc mòng.

Sầu ôm nặng, hãy chồng làm gối,
Buồn chứa đầy, hãy thổi làm cơm.
Mượn hoa, mượn rượu giải buồn,
Sầu làm rượu nhạt, muộn làm hoa ôi.

Gõ sanh ngọc mấy hồi không tiếng,
Ôm đàn tranh mấy phi'm rời tay.
Xót người hành dịch bấy nay,
Dặm xa mong mỏi hết đầy lại vơi.

Ca quyên ghẹo, làm rơi nước mắt,
Trống tiều khua, như rứt buồng gan.
Võ vàng đổi khác dung nhan,
Khuê ly mới biết tân toan dường này.

Nếm chua cay tấm lòng mới tỏ,
Chua cay này, há có vì ai ?
Vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi,
Vì chàng thân thiếp lẻ loi một bề.

Thân thiếp chẳng gần kề dưới trướng,
Lệ thiếp nào chút vướng bên khăn.
Duy còn hồn mộng được gần,
Đêm đêm thường đến Giang Tân tìm người.

Tìm chàng thuở Dương Đài lối cũ,
Gặp chàng nơi Tương Phố bến xưa.
Sum vầy mấy lúc tình cờ,
Chẳng qua trên gối một giờ mộng Xuân.

Giận thiếp thân lại không bằng mộng,
Được gần chàng bến Lũng, thành Quan.
Khi mơ những tiếc khi tàn,
Tình trong giấc mộng, muôn vàn cũng không !

Duy có một tấm lòng chẳng dứt,
Vốn theo chàng giờ khắc nào nguôi.
Lòng theo nhưng chửa thấy người,
Lên cao mấy lúc trông vời bánh xe.

Trông bến Nam, bãi che mặt nước,
Cỏ biếc um, dâu mướt ngàn xanh.
Nhà thôn mấy xóm chông chênh,
Một đàn cò đậu trước ghềnh chiều hôm.

Trông đường Bắc, đôi chòm quán khách,
Mây rà cây xanh ngất núi non.
Lúa thành thoi thóp bên cồn,
Nghe thôi ngọc địch véo von bên lầu.

Non Đông thấy lá hầu chất đống,
Trĩ xập xoè, mai cũng bẻ bai.
Khói mù nghi ngút ngàn khơi,
Con chim bạt gió lạc loài kêu thương.

Lũng Tây thấy nước dường uốn khúc,
Nhạn liệng không, sóng giục thuyền câu.
Ngàn thông chen chúc chòm lau,
Cách duềnh thấp thoáng người đâu đi về.

Trông bốn bề chân trời mặt đất,
Lên xuống lầu thấm thoát đòi phen.
Lớp mây ngừng mắt ngại nhìn,
Biết đâu chinh chiến là miền Ngọc Quan ?

Gậy rút đất dễ khôn học chước,
Khăn gieo cầu nào được thấy tiên.
Lòng này hóa đá cũng nên,
E không lệ ngọc mà lên trông lầu.

Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu,
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong.
Chẳng hay muôn dặm ruổi giong,
Lòng chàng có cũng như lòng thiếp chăng ?

Lòng chàng ví cũng bằng như thế,
Lòng thiếp đâu dám nghĩ gần xa.
Hướng dương lòng thiếp như hoa,
Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương.

Bóng dương để hoa vàng chẳng đoái,
Hoa để vàng bởi tại bóng dương.
Hoa vàng hoa rụng quanh tường,
Trải xem hoa rụng đêm sương mấy lần.

Chồi lan nọ trước sân đã hái,
Ngọn tần kia bên bãi đưa hương.
Sửa xiêm dạo bước tiền đường,
Ngửa trông xem vẻ thiên chương thẩn thờ.

Bóng Ngân Hà khi mờ khi tỏ,
Độ Khuê Triền buổi có buổi không.
Thức mây đòi lúc nhạt nồng,
Chuôi sao Bắc Đẩu thôi Đông lại Đoài.

Mặt trăng tỏ thường soi bên gối,
Bừng mắt trông sương gội cành ngô.
Lạnh lùng thay bấy chiều thu,
Gió may hiu hắt trên đầu tường vôị .

Một năm một nhạt mùi son phấn,
Trượng phu còn thơ thẩn miền khơi.
Xưa sao hình ảnh chẳng rời,
Bây giờ nỡ để cách vời Sâm Thương.

Chàng ruổi ngựa dặm trường mây phủ,
Thiếp dạo hài lầu cũ rêu in.
Gió Xuân ngày một vắng tin,
Khá thương lỡ hết mấy phen lương thì.

Xảy nhớ khi cành Diêu đóa Ngụy,
Trước gió xuân vàng tía sánh nhau.
Nọ thì ả Chức chàng Ngâu,
Tới trăng thu lại bắc cầu sang sông.

Thương một kẻ phòng không luống giữ,
Thời tiết lành lầm lỡ đòi nau.
Thoi đưa ngày tháng ruổi mau,
Người đời thấm thoắt qua màu xuân xanh.

Xuân thu để giận quanh ở dạ,
Hợp ly đành buồn quá khi vui.
Oán sầu nhiều nỗi tơi bời,
Vóc bồ liễu dễ ép nài chiều xuân.

Kìa Văn Quân mỹ miều thuở trước,
E đến khi đầu bạc mà thương.
Mặt hoa nọ gã Phan Lang,
Sợ khi mái tóc pha sương cũng ngừng.

Nghĩ nhan sắc đương chừng hoa nở,
Tiếc quang âm lần lữa gieo qua.
Nghĩ mệnh bạc, tiếc niên hoa,
Gái tơ mấy chốc xảy ra nạ giòng.

Gác nguyệt nọ mơ màng vẻ mặt,
Lầu hoa kia phảng phất hơi hương.
Trách trời sao để lỡ làng,
Thiếp rầu thiếp lại rầu chàng chẳng quên.

Chàng chẳng thấy chim uyên ở nội,
Cũng dập dìu, chẳng vội phân trương.
Chẳng xem chim yến trên rường,
Bạc đầu không nỡ đôi đường rẽ nhau.

Kìa loài sâu đôi đầu cùng sánh,
Nọ loài chim chắp cánh cùng bay.
Liễu, sen là thức cỏ cây,
Đôi hoa cùng sánh, đôi dây cùng liền.

Ấy loài vật tình duyên còn thế,
Sao kiếp người nỡ để đấy đây ?
Thiếp xin muôn kiếp sau này,
Như chim liền cánh, như cây liền cành.

Đành muôn kiếp chữ tình đã vậy,
Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau.
Thiếp xin chàng chớ bạc đầu,
Thiếp thì giữ mãi lấy màu trẻ trung.

Xin làm bóng theo cùng chàng vậy,
Chàng đi đâu cũng thấy thiếp bên.
Chàng nương vầng nhật, thiếp nguyền,
Mọi bề trung hiều thiếp xin vẹn tròn.

Lòng hứa quốc tựa son ngăn ngắt,
Sức tý dân dường sắt tri tri.
Máu Thuyền Vu, quắc Nhục Chi,
Ấy thì bữa uống, ấy thì bữa ăn.

Mũi đòng vác đòi lần hăm hở,
Đã lòng trời gìn giữ người trung.
Hộ chàng trăm trận nên công,
Buông tên ải Bắc, treo cung non Đoài.

Bóng kỳ xí giã ngoài quan ải,
Tiếng khải ca trở lại Thần Kinh.
Đỉnh non khắc đá đề danh,
Triều thiên vào trước cung đình dâng công.

Nước duềnh Hán việc đòng rửa sạch,
Khúc nhạc từ réo rắt lừng khen.
Tài so Tần, Hoắc vẹn tuyền,
Tên ghi gác Khói, tượng truyền đài Lân.

Nền huân tướng đai cân rạng vẻ,
Chữ đồng hưu bia để nghìn đông.
Ơn trên tử ấm thê phong,
Hiển vinh thiếp cũng đượm chung hương trời.

Thiếp chẳng dại như người Tô Phụ,
Chàng hẳn không kém lũ Lạc Dương.
Khi về chẳng quả ấn vàng,
Trên khung cửi dám dẫy duồng làm cao.

Xin vì chàng xếp bào cởi giáp,
Xin vì chàng giũ lớp phong sương.
Vì chàng tay chuốc chén vàng,
Vì chàng điểm phấn đeo hương não nùng.

Giở khăn lệ, chàng trông từng tấm,
Đọc thơ sầu, chàng thẩm từng câu.
Câu vui đổi với câu sầu,
Rượu khà cùng kể trước sau mọi lời.

Sẽ rót vơi lần lần từng chén,
Sẽ ca dần ren rén đòi liên.
Liên ngâm đối ẩm đòi phen,
Cùng chàng lại kết mối duyên đến già.

Cho bõ lúc xa sầu, cách nhớ,
Giữ gìn nhau vui thuở thanh bình.
Ngâm nga mong gửi chữ tình,
Dường này âu hẳn tài lành trượng phu !