Wednesday, April 2, 2014

NHỮNG CÂU CHUYỆN ..VỀ HÒN VỌNG PHU ( Kim Chi Sưu Tầm )








HON VONG PHU 1 - KARAOKE / 4:30



HON VONG PHU 2 - KARAOKE / 5:07



HON PHU PHU 3 - KARAOKE / 5:43

Huyền thoại về những Hòn Vọng Phu

Từ xưa, người Việt Nam vẫn giữ một nét ý thức đáng quí : sự thủy chung, tình yêu trước sau không đổi. Ý thức này xuất phát từ luân lí truyền thống của mấy ngàn năm trước và truyền thống tư tưởng ấy đã thổi hồn vào những khối đá vô tri trên núi cao để chúng thành huyền thoại : Huyền thoại hòn Vọng Phu.

Dọc cung đường từ Bắc vào Nam, chúng ta vẫn bắt gặp đâu đó những hòn đá mang hình người đàn bà bồng con chờ chồng đã gắn với những truyền thuyết huyền thoại. Mỗi vùng mỗi khác, lưu truyền qua nhiều thế hệ nhưng vẫn chung một màu sắc dân dã, bi đát, đầy kịch tính, tôn vinh người thiếu phụ bồng con chờ chồng mòn mỏi đến hóa đá. Những chuyện tình đầy nước mắt đã biến những ngọn núi trầm tư nằm rải rác từ Lạng Sơn, Thanh Hóa đến Nghệ vào đến Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa…

Hòn Vọng Phu ở Lạng Sơn


Hòn Vọng Phu nằm trong quẩn thể di tích động Tam Thanh, Lạng Sơn có núi Vọng Phu. Trên sườn núi cao có khối đá hình người đàn bà ôm con mãi nhìn về phương xa… Từ xưa, khối đá này đã gắn với truyền thuyết về một người thiếu phụ chung thủy bồng con lên núi chờ chồng. Chờ mãi không thấy chồng về, cả hai mẹ con cùng hóa đá…
Theo Truyền thuyết kể rằng, từ thuở xa xưa có một gia đình kia sinh được hai người con, một trai, một gái. Lúc còn nhỏ tuổi, người anh lỡ tay làm người em bị vỡ đầu, máu ra lênh láng. Sợ quá, người con trai bỏ nhà trốn đi biệt xứ. Thế rồi năm tháng qua đi, sự đời trớ trêu lại se kết họ nên duyên vợ chồng. Hạnh phúc giản dị và êm đềm đã đến với họ, nhất là sau khi hai người sinh hạ được một đứa con. Nào ngờ đến một ngày nọ, người chồng tình cờ phát hiện ra rằng người vợ chính là em gái ruột của mình. Đau đớn và ân hận đến khôn cùng, người chồng đành lặng lẽ bỏ đi không một lời giã biệt. Không mảy may hay biết về duyên cớ ra đi của chồng, người phụ nữ ấy thương nhớ chồng khôn nguôi mới dắt con lên ngọn núi ngóng trông cho đến khi hóa thành đá. Và cô ấy vẫn đứng đó và cõng con trên lưng, mắt nhìn ra phía bầu trời. Nơi đó sau này được gọi là Vọng Phu. Có lẽ chẳng mấy ai tin vào tính xác thực của sự tích huyền thoại này, nhưng nó cứ được truyền từ đời này qua đời khác như một lời nhắc nhở và gửi gắm vào đó sự cảm phục đức thủy chung, một phẩm hạnh có thực của người phụ nữ Việt Nam.
Điều không may, tượng nàng Tô Thị bằng đá tự nhiên từ thập niên 90 dần dần đã bị phá hủy. Sau này, người dân địa phương cũng đã xây dựng 1 bản sao cũng ngay tại vị trí đó.

Hòn Vọng Phu ở Thanh Hóa


Đến Thanh Hóa, bạn sẽ thấy trên đỉnh núi Nhồi có một cột đá đứng sững cao khoảng 20m giống hình người phụ nữ ôm con, dân địa phương gọi là hòn Vọng Phu. Thuộc xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 3km về phía Tây Nam, hình tượng này gắn với truyền thuyết người đàn bà chung thủy chờ chồng đến hóa đá.
Trước kia núi này gọi là núi Khế - Nhuệ Sơn (thôn Nhuệ), là một ngọn núi đá vôi được thiên nhiên tạo nên hình một người phụ nữ đang quay mặt về phía biển Đông.
Truyền thuyết của Hòn Vọng Phu trên núi Nhồi ít nhiều khác với các truyền thuyết khác. Chuyện xưa kể rằng: Có một chàng trai trẻ vốn dòng hào kiệt, yêu một cô gái nết na, xinh đẹp nhất vùng. Họ kết duyên với nhau và sống quấn quít bên nhau rất hạnh phúc, nàng dệt cửi quay tơ, chàng dùi mài kinh sử chờ ngày ra kinh đô ứng thí.
Khi nàng sinh được một cô con gái xinh xắn thì quân giặc tràn đến xâm lấn cõi bờ. Chàng trai đành xếp bút nghiên, từ tạ người vợ trẻ lên đường ra biên ải rồi hy sinh ngoài chiến địa. Ở quê nhà nàng chinh phụ ôm con đợi chờ rồi hóa đá thành núi Vọng Phu, những giọt lệ của nàng rơi xuống hóa thành sông, có tên là sông Cái chảy vào sông Dinh để ra biển. Hình ảnh núi Vọng Phu cũng vì thế mà trở thành biểu tượng đẹp, thành đề tài trong các câu hát dân gian xưa cũng như trong những sáng tác văn chương, nhạc họa của các nghệ sĩ sau này.
Chóp núi Vọng Phu là một khối đá hoa cương khổng lồ, đứng thẳng lên trời, bên cạnh lại có một khối đá khác nhỏ hơn. Hai khối đá này tương tự hình người, từ xa khoảng 50km vẫn còn trông rõ hình tượng người mẹ hóa đá đang bồng đứa con, phóng tầm mắt ra biển khơi mong chờ người chồng trong vô vọng.

Hòn Vọng Phu ở Nghệ An

Cạnh dòng Nậm Giải, Quế Phong, Nghệ An có một khối đá trắng lớn có dáng mẹ bồng con hướng mặt nhìn ra dòng nước. Người Thái ở đây vẫn gọi là hòn Vọng Phu.
Chuyện tình vùng dân tộc này mang màu sắc thần kì: nhân vật là một chàng trai chốn thủy cung đã yêu một thiếu nữ trần thế. Chàng vốn là con của Long Vương, trốn vua cha lên trần gian chơi hội Xuân. Ở đây, chàng đã gặp một người con gái Thái hết sức xinh đẹp; chàng mê mẩn quên cả lối về…Họ yêu nhau say đắm rồi kết làm vợ chồng ...chung sống với nhau hạnh phúc bên đứa con thơ . Ngày ngày chàng lên rừng săn muông thú, xuống suối bắt cá tôm… vợ ở nhà chăm con, dệt vải quay tơ. Rồi một ngày kia, Long Vương cho quân lên tìm bắt con trai về trị tội. Không dám chống lệnh cha, chàng từ biệt vợ con về thủy cung... rồi từ đó đi biền biệt, không trở lại... Nhớ chồng tha thiết, hàng ngày nàng lại bồng con ra bến nước nơi người chồng ra đi để trầm tư ngồi trông ngóng bóng chồng. Mỏi mắt trông chờ trong tuyệt vọng. Một ngày kia, trời đổ mưa tầm tã, sấm chớp lòe sáng rực trời. Lúc trời quang mây tạnh, bên bến nước, mẹ con người thiếu phụ chờ chồng đã hóa đá, dưới chân đá là những dây leo chằng chịt. Truyện tình của đôi vợ chồng chờ nhau trọn kiếp đã thành truyền thuyết.
Nay người Thái ở Nậm Giải hàng năm vẫn dâng lễ vật tưởng nhớ một cuộc tình bi đát. Họ cùng nhau mang những tấm vải nhiều màu sặc sỡ cùng những cuộn tơ vàng phơi lên các tảng đá chung quanh và kể cho nhau nghe chuyện đá Vọng Phu của nghìn năm trước...
Ngày nay, tại nơi trước đây là nơi đứng của đá Vọng Phu chỉ còn dấu vết một bãi đá dăm cỏ cây chen nhau mọc. Hàng năm cứ đến ngày 8/3, người dân nơi đây lại đội hoa quả ra làm lễ như một cách để tưởng nhớ đến truyền thuyết đẹp của dân gian.

Hòn Vọng Phu ở Quảng Nam

Ở Quảng Nam-Đà Nẵng có “Đá Bà Rầu" cũng là hòn Vọng Phu. Câu chuyện lưu truyền về pho tượng đá có hình người đàn bà này có khác với những truyền thuyết Vọng Phu trên cả nước: Người vợ có chồng đi buôn xa, ngày ngày nàng ra bờ sông mòn mỏi trông chồng. Ngày lại ngày qua, nàng vẫn hi vọng… và cuối cùng chàng trở về nhưng hạnh phúc đã không đến mà lại vỡ tan cùng với bao nhiêu nghi ngờ, ghen tuông...; chồng nàng lại bỏ nhà ra đi. Nàng buồn rầu ra cửa biển, đau thương rồi biến thành khối đá sầu muộn. Bên cạnh tượng đá nay còn có một ngọn tháp, gọi là Tháp Bà Rầu.

Hòn Vọng Phu ở Bình Định



Phía Nam đầm Đạm Thủy, thuộc địa phận huyện Phù Cát, có núi Bà. Núi choán cả một vùng rộng lớn trên bốn mươi cây số vuông, uy nghi với bao điều kỳ bí.
Trên đỉnh núi, có hai khối đá, một cao, một thấp trông tựa hình người. Từ phía biển nhìn vào giống hệt một người đàn bà tay dắt đứa con đang đứng ngóng nhìn ra khơi xa. Dân địa phương gọi đó là Hòn Vọng Phu.
Tác phẩm như có hồn của tạo hóa đã khiến con người phải động lòng. Khối đá xanh đứng hoài dưới nắng mưa, thi gan cùng năm tháng đã biểu tượng cho lòng chung thủy của nghĩa vợ chồng trong tâm thức dân gian. Nó cũng giống như hòn Tô Thị gần Tam Thanh xứ Lạng.
Hòn Vọng Phu ở Tuy Hòa: Tuy Hòa có núi Đá Chồng (Đá Bia; Thạch Bi Sơn), thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa. Cư dân trong vùng gọi đây là núi Vọng Phu. Núi cao 706 m nằm cạnh quốc lộ 1A thuộc dãy Đèo Cả, là một nhánh của dãy Trường Sơn chạy ra sát biển, chân núi phía nam giáp Vũng Rô. Trên đỉnh có tảng đá lớn mọc dựng đứng, trông tựa hình người đàn bà. Dân địa phương cũng truyền tụng sự tích Vọng Phu

Hòn Vọng Phu ở Khánh Hòa



Núi Mẫu Tử, cao 2051 mét, trước kia thuộc tỉnh Darlac; về sau, khi quận Khánh Dương sát nhập vào tỉnh Khánh Hòa, núi thuộc xã Ninh Tòng, huyện Ninh Hòa (giáp ranh xã Krong Hin, huyện Mơ Đrắc, giữa quốc lộ 21 và sông Hinh, cách bờ biển Đông khoảng 30 cây số) núi còn có tên là Vọng Phu .
Đây là ngọn núi cao nhất của Khánh Hòa. Chóp núi là một khối đá hoa cương khổng lồ, bên cạnh có một khối nhỏ hơn, trông xa vẫn rõ hình người mẹ bồng con đứng ngóng ra biển Đông. Truyền thuyết Vọng Phu ở đây giống với truyện ở Thanh Hóa và Tuy Hòa: Người chồng tòng quân ra biên ải; người vợ trẻ chờ chồng mòn mỏi, ngày ngày bế con lên núi trông về biên cương xa. Thời gian trôi và đoàn quân không thấy trở về, người vợ cùng đứa con chờ mãi hóa thành đá.
Trong lòng người dân Việt Nam, hòn Vọng Phu dường như đã trở thành một trong những biều tượng của quê hương, của niềm tin và lòng tự hào. Hòn Vọng Phu còn là hình ảnh gợi cảm của người mẹ bồng con bên bến sông, giữa cảnh tĩnh mịch mênh mang của đất trời vô tận, mắt đau đáu nhìn về một phương trời xa thẳm, ngóng đợi chờ mong người chồng ra đi đã lâu mà chưa về lại.
Những câu chuyện kể lại mặc dầu chỉ là huyền thoại, nhưng hình ảnh "mẹ bồng con" đó đã biểu tượng cho đức tính thủy chung cao đẹp muôn đời của người phụ nữ Việt Nam, nhất là trong thời chiến, vẫn hy sinh chịu đựng, một đời tận tụy, lo âu khổ cực trăm chiều vì chồng con. Hình ảnh gợi cảm, trìu mến , thấm tận đáy lòng đó, là tặng phẩm tuyệt tác của tạo hóa ban cho con người, là biểu tượng của truyền thống yêu thương của dân tộc, đã là đề tài cho nhiều áng thơ tha thiết nồng nàn, dòng nhạc chan chứa trữ tình trong thi ca .