Monday, October 19, 2015

CÂY Ô MÔI

CÂY Ô MÔI



1. Đặc tính nổi bật của địa hình miền Tây Nam Bộ là kênh rạch chằng chịt. Ven sông ngoài dừa nước mọc ken dày, còn có bần, vẹt, mắm, đước, … Trên bờ, với những mảnh vườn hoang nhiều cây tạp như quao, trâm bầu, bình bát, … còn một loại cây khác thân gỗ, lớn cỡ vòng tay người lớn, đó là ô môi.
Dân gian giải thích rằng ô là đen, môi là một bộ phận trên miệng người. Khi ăn loài trái này môi người từ đỏ hồng chuyển sang đen thẫm. Vì thế mà có tên gọi ô môi. Người khác lại cho rằng, do trái ô môi dài mấy tấc, bên trong chứa nhiều ô, gắn liền với mỗi ô là những miếng môi cơm (thịt của trái), vậy mới gọi là ô môi.
Không biết những cách cắt nghĩa ấy khoa học không, chính xác đến đâu, nhưng dẫu sao nó cũng được người bình dân chấp nhận và lưu truyền.




 Trái ô môi 3
Trái và hột ô môi

2. Ô môi cao lớn, cành lá xum xuê, những cành non có lông màu rỉ sắt, cành già màu nâu đen. Lá kép lông chim với nhiều đôi lá phụ dạng thuôn dài tròn cả hai đầu, có phủ lông mịn, màu xanh bóng, gân rõ. Do mọc hoang lâu năm nên xung quanh thân ô môi có nhiều lỗ rỗng do sâu bọ đục khoét để ẩn núp, sinh sống. Lợi dụng điều này, nhiều loài rắn độc cũng thừa cơ chung vào. Vì thế, theo kinh nghiệm rất ít người dám leo trèo lên cây ô môi.
Khi gió bấc về lành lạnh cũng là lúc cây ô môi rụng hết lá và bắt đầu trổ bông, bông trổ trên cành dài mấy sải tay. Trái ô môi còn non có màu xanh lục, cho đến những cơn mưa mùa đổ hột, khoảng sau tiết thanh minh là trái chín. Vỏ trái ô môi cứng, màu nâu đen, có gân nổi ôm tròn từng khía chạy dài từ đầu đến cuối, cong như mảnh trăng lưỡi liềm. Ô môi già chín, người ta dùng tre buộc móc sắt để hái trái (chứ không leo bẻ, như vừa nói trên).
3. Trái vừa hái xong có mùi khăn khẳn, chan chát, ăn liền sẽ có vị gắt. Theo kinh nghiệm, người ta để mấy bữa cho ô môi ‘nhả” hết nắng ăn mới ngon.


bông ô môi 1

Trái ô môi có hai đường gân chạy dài từ đầu trái cho đến cuống trái. Khi ăn, người ta dùng dao bén róc hai bên mép vỏ mềm. Sau đó, ép hai đường gân đôi bên cho xệu xạo, rồi mới lấy múi ô môi đen nhánh, tròn tròn như đồng tiền, hột dính liền phái trên những miếng thịt ấy. Ô môi có vị ngòn ngọt, cay nồng của nó. Nó phải kết tinh trong suốt một năm trời, nên hương vị thơm quyện đặc trưng khó lẫn vào đâu được
4. Để có được một nồi chè hột ô môi người ta phải chuẩn bị khác công phu. Khi ăn ô môi, hột lấy đi rửa sạch, để ráo nước. Lúc cần nấu chè thì đem hột đó ngâm trong nước nóng. Để cả đêm cho hột mềm. Dùng mũi dao nhọn tạch bỏ vỏ hột và cả nhụy ở bên trong. Cơm hột có màu trắng đục rửa qua nước lã cho sạch, để ráo.
Đậu xanh nguyên hột cho vào cối, xay bể đôi, rồi ngâm hồi lâu với nước lạnh cho tróc vỏ.
Bắc nồi lên bếp, bỏ ít lá dứa vào nấu cho ra nước vừa lấy màu xanh, vừa tạo mùi thơm, Sau đó, vớt lá dứa ra, cho nấu đậu xanh vào nấu, chờ đậu xanh nhừ, trút cơm hột ô môi đã chuẩn bị sẵn vào, dùng vá đảo đều. Cuối cùng, là mấy thẻ đường thốt nốt, nước cốt dừa xiêm vừa đủ độ ngọt béo, thế là xong!
Đêm rằm trăng sáng, sau khi múc chén chè cúng bàn ông thiên, rồi dọn chè ra trên chiếc chiếu trải giữa sân trẻ con, người lớn vừa ăn vừa ngâm nga lời bài ca vọng cổ của soạn giả Viễn Châu mà thấm thía bao nỗi niềm cảm xúc: “… Ô môi rụng cánh ngoài sân. Mấy mùa hoa nở mấy năm đợi chờ….Ô môi rụng cánh tơi bời. Chuông tắt lâu rồi, tôi còn đứng mong ai!” hay đoạn nói lối của danh ca Út Trà Ôn trong tuồng “Tuyệt Tình Ca (soạn giả: Hà Triều – Hoa Phượng): “… mỗi lần thấy bông ô môi nở hồng trong gió chướng, mỗi lần nghe tiếng quết bánh phồng rộn rã đón xuân sang …”  đã ăn sâu vào tiềm thức.

Bông ô môi
Bến sông quê với cây ô môi “làm tiêu cho những con đò cập bến và cho những đứa con về thăm quê mẹ”

5. Cây ô môi có thể trong làm cảnh vì hoa đẹp. Hột ô môi được trẻ con dùng búng chơi.
Cây ô môi chủ yếu lấy thịt quả làm thuốc. Cơm trái màu nâu đen, vị ngọt, ngâm rượu. Rượu ô môi được nhân dân ta dùng làm thuốc bổ, giúp sự tiêu hóa, làm ăn ngon miệng, ngoài ra còn có tác dụng chữa đau lưng, đau xương.
Thịt cơm quả ô môi là thuốc kích thích tiêu hóa, nhuận tràng.
Lá ô môi dùng tươi đem giã nát, xát vào những vết lang ben, lác, lở ngứa, có thể chữa khỏi.
Bấy nhiêu đó cũng đã cảm nhận được hương vị ngọt ngào của loài trái mọc hoang mang cái tên đặc biệt: ô môi!