Friday, September 4, 2015

11 "CHIÊU" ĐẬP TAN CƠN NÓNG GIẬN




     11 "CHIÊU" ĐẬP TAN CƠN NÓNG GIẬN                  

Biết nín nhịn không phải là nhu nhược, đó là cách bạn thể hiện bản lĩnh và sự mạnh mẽ của mình trước mọi người.


Kiểm soát nóng giận cũng là một thử thách trong cuộc sống. Đôi khi chỉ một vài hành động nhỏ cũng sẽ dẫn bạn đến những mâu thuẫn, xô xát không đáng có. Thậm chí tất cả các biểu hiện hành động của bạn có thể khiến bạn mất đi cả danh dự trong cuộc sống. 
Ngày nay với áp lực công việc, gia đình, cuộc sống, việc không tiết chế được cảm xúc là một lỗi cơ bản mà bất cứ chúng ta ai cũng mắc phải, đặc biệt hơn là ở công sở - một nơi chiếm nhiều thời gian của bạn. Vậy khi bạn cáu giận với đồng nghiệp, sếp hay bực tức vì công việc không như ý, bạn phải làm sao?
Ở công sở, chúng ta nên kiềm chế cảm xúc, đừng để nó tự do thể hiện, nó sẽ làm xấu hình ảnh và ảnh hưởng không tốt đến sự nghiệp của bạn. Dưới đây là 11 cách để "trị" những cơn nóng giận không mong muốn của bạn: 

1. Thư giãn để lấy lại bình tĩnh 
Trong cuộc họp nội bộ, khi có ai đó đánh giá thấp phong cách quản lý của bạn hay chỉ trích cách làm việc của bạn, đừng vội phản ứng một cách giận dữ. Hãy lấy lại sự bình tĩnh bằng vài phút thư giãn ngoài ban công và một tách trà nóng giúp đầu óc tỉnh táo. Khi đã bình tĩnh, con người ta ăn nói khôn ngoan hơn.

2. Áp dụng nguyên tắc "10 giây" 
Bạn đang "bí bách", bức bối trong lòng và chỉ muốn "xả" hết ra cho hả, hãy hạ nhiệt bằng cách hít thở sâu và nhẩm đếm từ 1 đến 10. Việc nhẩm đếm này tưởng chừng chỉ dành cho những đứa trẻ nhưng khi đếm xong số 10 thì sự minh mẫn, bình tĩnh của bạn cũng quay trở lại.

3. Thể hiện cơn giận của bạn, tuy nhiên hãy suy nghĩ kỹ trước khi nói 
Khi tức giận, bạn vẫn có ý định cho "nổ tung" cơn giận vì nếu cứ im lặng mãi, bạn sẽ quay cuồng trong suy nghĩ đó. Nhưng trước khi mở lời, thử nghĩ xem nếu mình nói câu này ra, người nghe sẽ cảm thấy thế nào. Nếu mình phải nghe những câu đó, mình sẽ phản ứng ra sao. Cân nhắc thật kỹ trước khi nói, bởi cái gì đã nói ra không rút lại được. 

4. Hỏi rõ trước khi phản ứng 
Khi gặp điều không ưng ý, đừng vội "đốp" lại ngay. Hãy hỏi lại người nói xem ý họ định nói gì, nhỡ đâu bạn hiểu nhầm ý họ thì sao. Khi bạn đã bình tĩnh hỏi lại, người kia có thể cũng thấy mình hơi quá lời, và nói lại với ý nhẹ nhàng hơn, vậy là mâu thuẫn đã được hóa giải một cách đơn giản.

5. Chia sẻ
Bí mật của các cơn giận là phải được trút ra mới hả. Vậy, thay vì trút ra những lời nóng giận với "đối thủ", bạn hãy tâm sự, kể lể với người đồng nghiệp thân. Như vậy, bạn vừa tránh được một cuộc cãi vã không đáng có, vừa nhận được những lời khuyên tốt từ đồng nghiệp.


gian-5347-1383299915.jpg
Người đồng nghiệp cùng phòng chỉ trích cách làm việc thiếu chuyên nghiệp và dềnh dang của bạn, trước khi định cáu giận với anh ta, hãy xem lại mình, có phải bạn như thế thật không?

6. Tìm niềm vui trong công việc 
Đừng làm xấu hình ảnh của mình bằng cách đấm bàn, đá ghế, hò hét loạn xạ hoặc hầm hập như một quả bom. Nên nhớ bạn đang ở trong một môi trường tập thể với những mối quan hệ phức tạp. Hãy quay trở lại với công việc, biết đâu, những cuốn hút mang tính chuyên môn sẽ giúp bạn quên đi cơn nóng.
Đừng làm xấu hình ảnh của mình bằng cách đấm bàn, đá ghế, hò hét loạn xạ hoặc hầm hập như một quả bom. Nên nhớ bạn đang ở trong một môi trường tập thể với những mối quan hệ phức tạp. Hãy quay trở lại với công việc, biết đâu, những cuốn hút mang tính chuyên môn sẽ giúp bạn quên đi cơn nóng.

7. Nhận dạng vấn đề 
Hãy cảnh giác, có thể người ta biết rằng bạn nóng tính, nên tìm cách chọc tức để làm hỏng hình ảnh của bạn. Đừng mắc bẫy nhé. Nếu họ thích vặn vẹo bạn trong cuộc họp, hãy lường trước mọi câu trả lời và cho họ thấy rằng bạn chẳng "ngán" ai cả. Xác định được vấn đề và tìm hướng giải quyết chính là chìa khóa để hóa giải cơn giận.

8. Đừng tự gây họa
Bạn biết cô đồng nghiệp ngồi cạnh không thích bị làm phiền, sao còn cứ mượn đồ của cô ấy, khiến cô ấy nổi cáu và nói những câu không hay, làm bạn bực mình? Bạn biết anh chàng kia không biết đùa, ai động trêu tí là la ó, vậy sao bạn còn thích chọc ngoáy anh ta? Bạn đã biết cô nàng kế toán của công ty hay soi mói, chỉ trích, vậy thì hãy tránh xa cô ta ra. Đừng tự gây cho mình những mâu thuẫn.

9. Xem lại bản thân mình
Người đồng nghiệp cùng phòng chỉ trích cách làm việc thiếu chuyên nghiệp và dềnh dang của bạn, trước khi định cáu giận với anh ta, hãy xem lại mình, có phải bạn như thế thật không? Nếu anh ta nói đúng thì bạn nên cảm ơn anh ấy đã chỉ cho bạn những điểm yếu của mình.

10. Xin lỗi
Sau khi đã nguôi giận, nếu thấy mình đã làm gì thất thố, bạn nên xin lỗi mọi người xung quanh, những nạn nhân vô tình cũng phải chịu cơn giận của bạn, thậm chí xin lỗi cả người đã làm bạn tức nữa. Phương pháp "dĩ hòa vi quý" này rất có lợi: thứ nhất, nó khiến "đối thủ" của bạn thấy ngượng ngùng; thứ hai: mọi người sẽ thông cảm với bạn hơn, vì lúc đó bạn đang nóng mà; thứ ba: bạn sẽ suy nghĩ lại và thấy, hành động giận dữ là sai lầm.

11. Học các "kỹ năng" thư giãn
Khi giận dữ, hãy tập hít thở sâu, tưởng tượng ra những cảnh nghỉ ngơi, hay đọc đi đọc lại một khẩu hiệu như: "Rồi tôi sẽ ổn thôi" hay "Bình tĩnh nào"... Bạn cũng có thể nghe nhạc, viết mọi suy nghĩ lên giấy, hay tập vài động tác thể dục... Hãy làm tất cả mọi thứ mà bạn cảm thấy mình thoải mái nhất mà không ảnh hưởng tới bất kỳ ai. 
Bạn thấy đó, ở công sở, chữ "Nhẫn" vô cùng quan trọng. Biết nín nhịn không phải là nhu nhược, đó chính là cách để bạn thể hiện bản lĩnh và sự mạnh mẽ của mình trước mọi người. Bạn nên nhớ, người ta từng đúc kết: "Phải mất nhiều năm để tạo dựng được danh tiếng, nhưng chỉ cần vài giây để hủy hoại tất cả".