XUÂN ẤT MÙI - NÓI CHUYÊN VỀ CON DÊ
Dê báo điềm lành
Theo góc độ văn tự, do chữ “dương” (Dê)
được sử dụng đi kèm với chữ “tường” (may mắn), lắm khi “cát tường” cũng
được viết thành “cát dương”, như người xưa thường viết chữ “đại cát
dương” trên những vật dụng đồ đồng, có nghĩa là “đại cát tường”. Chính
vì thế, con Dê được hiểu là một biểu tượng của vận may.
Câu nói “tam dương khai thái” xuất phát
từ quẻ “Thái” trong Kinh Dịch: quẻ Thái, kẻ tiểu nhân lánh xa, người
quân tử đến gần, đem lại sự may mắn (Thái, tiểu vãng đại lai, cát hanh).
Chữ Tam Dương Khai Thái thể hiện trên các vật phẩm phong thủy mang hình
tượng ba con Dê đứng cùng một chỗ hoặc ba con Dê ở ba tư thế khác nhau
cùng nhìn về phía mặt trời.
Theo quan niệm dân gian, đặt biểu tượng
con Dê phong thủy ở hai bên đầu giường của người bệnh có tác dụng giúp
người đó mau phục hồi sức khỏe. Đồng thời, khi công việc không được
thuận lợi hoặc gặp chuyện thị phi, thì biểu tượng Dê sẽ giúp hóa giải
tai ương.
Đức Phật và sữa dê
Chuyện kể rằng, sau sáu năm tu hành khổ
hạnh trên núi không thành, khi thái tử Tất Đạt Đa (con vua Tịnh Phạn của
Ấn Độ xưa, sinh năm 624 trước Công nguyên) ra khỏi rừng sâu, đến bên bờ
sông Ni Liên Thiền tắm rửa thì đã bị kiệt sức hoàn toàn. Ngài ngã xuống
hôn mê. May sao có một phụ nữ chăn dê tên Tu Xà Đa thấy vậy liền đem
sữa dê đến cho Ngài uống. Nhờ đó, thái tử dần dần hồi sức. Sau đó, Ngài
đã ngồi thiền 49 ngày dưới gốc cây Bồ Đề rồi đắc đạo thành Phật, hiệu là
Thích Ca Mâu Ni. Sự kiện này trùng hợp với nhiều tài liệu khoa học
chứng tỏ khu vực thuần hóa loài Dê đầu tiên trên thế giới chính là vùng
núi Tây Á.
Sữa dê – Bí quyết làm đẹp của Dương Quý Phi
Dương Quý Phi là một trong tứ đại mĩ
nhân của Trung Hoa, nổi tiếng với câu nói: Dương Quý Phi “tu hoa”, theo
nghĩa mỗi khi nàng ngắm hoa thì hoa đều hổ thẹn. Một trong những bí
quyết giữ gìn nhan sắc, làn da mịn màng của nàng đó là tắm sữa dê.
Sữa dê tính hàn, khi tắm sẽ làm cho làn
da mát mẻ, mềm mại và toát ra mùi thơm êm dịu. Sữa dê còn có khả năng
lột da nhẹ, giúp loại bỏ những tế bào da chết. Ngoài Dương Quý Phi, còn
có nữ hoàng Cleopatra của Ai Cập cổ đại cũng áp dụng cách tắm sữa dê để
giữ gìn sắc đẹp.
Nửa dê nửa người
Đúng hơn đây chỉ là một nhân vật huyền
thoại Hy Lạp và La Mã cổ đại, và chỉ có trong truyện thần thoại và điện
ảnh. Trong sêri phim “Biên Niên Sử Narnia”, có nhân vật thần đồng áng
nổi tiếng Tumnus (do diễn viên James McAvoy đóng). Nhân vật này hệt như
những nhân mã, nhưng thay vì nửa người nửa ngựa thì thần Tumnus mang
ngoại hình nửa người nửa dê.
Con dê giá 4 tỷ đồng
Một con dê đã được rao bán ở Ấn Độ với
giá lên tới 128.000 bảng Anh (bằng 4 tỷ đồng VN). Anh Islam Bhati, 37
tuổi, ở Rajasthan, Ấn Độ, đã rao bán con dê độc đáo của anh với giá 11
triệu rupees cho một gia đình Hồi giáo vì trên bộ lông của nó có chữ
“Allah”, tiếng Ả Rập có nghĩa là “Thượng Đế”. Tuy vậy, dường như vẫn
chưa thấy khách hàng nào ưng chịu giá này.
Sính lễ cưới vợ: 20 con dê…
Theo phong tục của bộ lạc Pokot ở Kenya,
Đông Phi, một người đàn ông có thể cưới được cô vợ mình mong muốn nếu
anh ta biện đủ sính lễ gồm: 20 con dê, 3 lạc đà và 10 con bò, sau đó cha
mẹ đàng gái sẽ bán ngay con của họ cho người đàn ông nọ.
Tại bộ lạc này, những thiếu nữ 14 tuổi
được xem là trưởng thành. Cũng kể từ thời điểm này, cha mẹ của cô gái có
quyền quyết định chuyện gả chồng cho con mình, và người đàn ông nào đáp
ứng đủ những yêu cầu sính lễ kể trên đều có thể cưới được vợ. Do vậy,
tục tảo hôn này đã không được những thiếu nữ bằng lòng, nên vẫn xảy ra
chuyện cưỡng bức, bắt cóc các cô dâu nhí về nhà chồng.
Dê có 7 chân
Chủ nhân của con dê kỳ lạ này là bà
Song, ở thành phố nhỏ Jiaoliuhe, Taonan, tỉnh Jilin, Trung Quốc. Bà nói
rằng con dê mẹ ở nhà bà đã sinh đôi và kể lại: “Con dê mẹ đã sinh nở rất
khó khăn, vì vậy tôi đã phải dùng hai bàn tay để kéo con dê con ra. Và
nó đã làm tôi hoảng hồn!”
Những câu nói ẩn dụ về dê:
* Mười dê chín người chăn: Hình dung lãnh tụ hay quan đông hơn là dân.
* Như ruột dê: Cái gì khó khăn chật hẹp, cong queo.
* Nuôi dê được cắt lông: Chịu khó làm việc thì được thu lợi (lông dê dùng làm bút rất tốt).
* Đuôi dê ngắn không đủ che… đằng sau: Việc làm quá sức mình.
* Dê khoác áo cọp: Mượn oai kẻ khác để dọa nạt, đánh lừa người.
* Ném chó bằng bánh bao nhân thịt dê: Cái gì đưa ra không bao giờ lấy lại được.
* Nộp dê cho sói: Đưa vào cõi chết hay tìm đến sự nguy hiểm.
* Sói nuôi dê: Không phải có mục đích tốt.
* Mất dê được bò: Rủi mà may.
Lai lịch của câu “con dê chín mùi”
Ở miền quê Việt Nam thường có câu hát ru em:
“Ru em buồn ngủ buồn nghê
Con tằm chín đỏ, con dê chín mùi (muồi)
Con tằm chín đỏ để lại mà nuôi,
Con dê chín mùi làm thịt em ăn”…
Con tằm chín đỏ, con dê chín mùi (muồi)
Con tằm chín đỏ để lại mà nuôi,
Con dê chín mùi làm thịt em ăn”…
Theo Giáo sư Bửu Cầm, thuộc Đại học Văn Khoa Sài Gòn (1962), câu hát ru em trên xuất xứ từ câu hát nghe vọng trên thuyền đò:
“Ru con buồn ngủ buồn nghê
Con này mới théc (ngủ) con tê dậy rồi”…
Con này mới théc (ngủ) con tê dậy rồi”…
Lời ru được nghe loáng thoáng, chập chờn trên sông nước lâu ngày tạo thành những âm thanh hao hao và chuyển thành câu: con dê chín mùi cho đến tận ngày nay.