Wednesday, November 26, 2014

NGHĨA CỬ CUỘC ĐỜI ( Chuyển Bởi Tu Lan )



Truyện ngắn
Nghĩa cử cuộc đời
Ngọc Thiên Hoa
Thằng nhỏ vừa xuống xe school bus. Nó nhìn thấy bảng “home for sale by owner” mà giật mình. Nó hỏi người cha đang ôm cái phôn như ôm một báu vật:
- Nhà mình bán hả ba? Sao lại bán?
Đang nói líu lo, ông ta bực mình:
- Bán… ăn!
Thằng nhỏ quặp mặt xuống. Nó thấy lòng đau. Vào phòng, nó đóng cửa lại giam mình trong bốn bức tường, không ăn uống như thường lệ. Nó nhìn lên vách. Bức hình Stepphen F. Austin – cha đẻ Texas hiền lành như dỗ dành. Bên kia, tấm ảnh người mẹ nhìn nó như đầy thương yêu. Đôi mắt người mẹ như có giọt nước long lanh làm nó chạnh lòng. Nó chẳng hiểu vì sao ba nổi nóng khi thấy nó. Lên trường, đầu óc nó nặng trĩu những nỗi buồn vắng mẹ lại không được ba chăm chút. Sao kỳ vậy? Rồi nó thấy đôi mắt nặng trĩu. Nó ngủ trong sự đói lòng, đói tình thương. Trong khi ấy, người cha vẫn thao thao với người trong cái phôn ở nhà dưới. Ông ta như quẳng gánh nặng thằng con khi cầm tới cái phôn. Trên bàn, tờ nhật báo lớn nhất thủ phủ Austin “Austin American Staterman” nằm lặng lẽ một góc thay cho những ly tách chẳng còn được thu dọn sạch sẽ.
Cách đây ba tháng…
Người đàn bà nằm dài trên gường bệnh. Bà không đủ sức để chống lại chứng ung thư tử cung mà người đàn bà hiếm con thường mắc phải vào cái tuổi hàng bốn. Bà thì đã năm lăm. Bệnh viện ung thu Austin không còn khả năng cứu sống bà. Thằng con trai không để mẹ vào viện dưỡng lão chờ chết. Nó bật khóc khi bà chẳng còn đủ sức uống nước súp từ tay thằng con. Chồng bà cũng tỏ ra quan tâm tới bà. Hình như khi nhìn bà ngày một tiều tụy thì ánh mắt ông như loé sáng một điều gì mà chỉ có khi ông bắt cái phôn gọi cho ai đó thì người ấy mới hiểu ẩn ý trong ánh mắt ông mà thôi!
- Mẹ à! Mẹ à!
Người mẹ thu tàn hơi mỉm cười. Bà như nhìn thấy lại tất cả những con đường mà bà từng đưa con đi vòng quanh thủ phủ Texas : Austin . Bà mường tượng ra được những cái hồ đầy nước như hồ thành phố, hồ Austin , hồ Travis đang đổ nước vào dòng sông Colorado cuồn cuộn với đập thủy điện Lower Colorado River Authority, còn máu trong bà thì như sắp cạn kiệt. Đầu bà choáng váng như khi bà chạy xe trên những con đường cao tốc Mopac nhìn thấy hết những ngọn đồi xanh um của Texas Hill Country nằm thổn thức cùng dãy núi đá vôi Bonnell. Mắt bà mờ đi. Bà nhìn thằng con trai chập chờn. Mảnh vườn quê mẹ có con sông Cái chảy từ KomTom cho đến Khánh Hoà chan hòa nước mắt ngày ly biệt. Bà mong làm sao có ngày tha thiết được trở về chết trên quê hương. Muộn màng quá! Cái ngày con bà ra trường nhận bằng Thạc sĩ Math-Computer Science từ trường Đại học Texas tại Austin năm tới coi như không chờ được nữa. Ngoài trời hình như mưa lất phất bay. Bà thấy lạnh. Bà với tay nắm chặt tay thằng con ú ớ vài câu. Thằng con hoảng hốt gọi mẹ nghẹn ngào. Cánh tay mẹ lỏng ra. Bà đã chết! Chồng bà đang ôm phôn báo cái tin đó cho người mà ông thường gọi. Ánh mắt ông sáng lên kỳ lạ, còn gương mặt ông như cố ghìm nỗi vui mừng bà giải thoát hay mừng vì ông được tự do. Chỉ có trời mới biết!
oOo
Ba tháng sau.
Chuyến máy bay ViệtNam Airlines đưa ông trở về Mỹ sau một tháng du hí tại thành phố Sài Gòn. Tiễn ông ra sân bay, người ta thấy có một cô gái chừng mười bảy, mười tám tuổi mà ai cũng nghĩ là con cháu gì gì đó của ông. Hai người ôm hôn nhau thắm thiết. Sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chộn rộn người đi, kẻ về như mọi ngày. Thân nhân tiễn đưa vẫn đông hơn người được tiễn. Tháng ngày lụi tàn theo từng ánh đèn vàng thành phố. Người tiễn người, lòng cũng tiễn đưa lòng. Tình chia tay có mấy tình chân thật? Nước mắt đưa người có mấy nẻo yêu thương?
Bill điện thoại viễn liên càng tăng tiền thì khoảng cách giữa hai cha con ngày càng xa cách. Hai cha con sống cùng chung một nhà thiếu bóng dáng người mẹ, người vợ ngày đêm ảm đạm đến thê lương. Cho đến ngày nay, ông cắm bảng bán nhà trước cửa thì không khí trong nhà lạnh tanh.
- Con chuẩn bị dọn đồ ra riêng được rồi. Ba bán nhà ba về Việt Nam ba ở.
Thằng con trai đã chuẩn bị tâm lý. Nó chẳng nói gì ngoài tiếng: “dạ”. Nó không nghĩ đơn giản là ba nó buồn mẹ nên về. Số điện thoại di động Việt Nam đầy trong bill của ba và có một ngày nó nghe ông xưng anh em với ai đó trong phôn và cười to lắm. Ngôi mộ mẹ nó, cỏ chưa xanh.
Hằng tuần, nó ra mộ mẹ để ngồi nhìn từng bó hoa tươi héo dần theo nắng gió, để nghe tiếng khóc của chính mình còn có bàn tay vô hình của mẹ vuốt ve mái tóc. Nó nhớ lắm những lần mẹ ngồi vá từng cái áo cho ba, cho nó khi còn ở Việt Nam vào những năm tám mươi, chín mươi lúc ba từ trại cải tạo ra. Mẹ chạy vạy nuôi con heo, nuôi con gà nuôi cả nhà bốn người. Bà nội mất. Gia đình theo diện HO sang Mỹ năm 1997. Cuộc sống mới chật vật lại bắt đầu với mẹ. Nó thơ ngây trả lời “con làm con gà” khi mẹ hỏi con làm gì nuôi mẹ? Bà cười khanh khách, ôm nó vào lòng. Ba nó thì im lìm đọc báo tìm việc mới. Việc nào ông cũng than khổ, ít tiền. Mẹ làm hai ba việc mới mua được cái nhà. Ông càu nhàu cứ ở nhà thuê thì khỏi tốn tiền trả thuế. Thuế ở đây ác nhơn. Mỗi năm mỗi tăng nghe chừng như bị bóp cổ. Mẹ nói rằng có cái nhà cho thằng con chạy chơi cho thoải mái. Cuộc sống chui rúc hoài cũng bỏ hoài kiếp làm người. Ông chịu thua. Ông theo bè bạn mỗi ngày chủ nhật. Vì vậy mà ông biết hết tin tức từ quê nhà. Ở đấy có bao nhiêu cô gái tìm chồng ngoại chẳng đòi hỏi tuổi tác gì. Khi thằng con ra khỏi nhà thì ông lại vớ cái phôn.
Nắng chiều như ấm lại cuối ngày xuân lạnh. Mùa hạ cũng đã về đây. Cây non lá rợp bóng in hai bên đường vào mộ. Nó ngồi lặng yên nghe lòng nhẹ nhàng. Thằng con trai trong người nó trở lại như thầm nhắc nhở nó về một cuộc đời rất ngắn! Nó chưa làm “con gà” nuôi mẹ thì mẹ đã bỏ nó đi rồi!
oOo
Một năm sau.
Căn nhà tại quận Travis đã có chủ nhân mới. Người cha bỏ con mình để về Việt Nam sáu tháng sau. Thằng con đã ra trường. Ngày nó tốt nghiệp không có một ai là thân nhân đến chia sớt vui buồn nhưng nó vẫn có những bạn bè chúc tụng. Vậy cũng thấy hạnh phúc lắm rồi. Hạnh phúc cũng như cuộc đời đi mây về gió, khi có, khi không. Nó về làm cho công ty Apple Inc – đối thủ là công ty IBM của Bill Gates. Nó vẫn ở căn nhà trọ bên nhà bưu điện thủ phủ. Một ngày nọ có người tìm thấy người cha xơ xác, vất vưởng bên chợ Tân Bình. Nghe nói ông ta bị cô con gái mười tám tuổi lường gạt hết tiền bạc và bị đuổi ra đường. Thằng con tức tốc lấy vé máy bay xin visa khẩn cấp về Việt Nam . Nó tìm thấy người cha sáu mươi thờ thẩn khi căn nhà ba trăm ngàn đô la không cánh mà bay đang ngồi bên cột đèn đường. Chuyện của ông khắp chợ ai cũng biết. Người cười:
- Già đầu còn dại.
Người chê:
- Trâu già đòi gặm cỏ non.
Người chửi:
- Thằng cha già không nên nết. Chết không nên thân.
Thằng con không nói một lời. Nó nắm tay người cha, dìu ông vào chiếc xe chực sẵn mang hai cha con chạy về khách sạn Thanh Bình 1 gần sân bay Tân Sơn Nhất. Người cha ngoan ngoãn theo thằng con. Ông được ngủ một giấc yên lành để ngẫm nghĩ lại thành quả “lao động” của mình.
oOo
Một tuần sau, chuyến bay đưa hai cha con về lại Austin – Texas trong căn nhà thuê của thằng con trai mà ông từng vứt bỏ chỉ vì nó là đứa con nuôi. Con nuôi hay con ruột đã không còn là điều quan trọng, cái quan trọng chính là làm người nên sống cho ra con người. Làm cha thì hãy có trách nhiệm với bổn phận làm cha thiêng liêng mà cuộc đời tặng thưởng cho con người. Ông đã vứt cả hai tặng thưởng của cuộc đời nhưng cuộc đời lại không hất hủi ông. Ông nhận ra, làm người còn có cả một tấm lòng, còn đứa con dù ruột thịt hay nuôi dưỡng thì cũng nên có một thái độ hiếu nghĩa và làm tròn bổn phận con cái. Thằng con trai bị đuổi khỏi nhà vì người cha ham vợ trẻ kia đã làm ông thẹn lòng. Ông mở miệng xin lỗi không được mà để bụng thì chẳng yên.
Thằng con mở cho ông một giải thoát. Nó nhắc ông:
- Ba đi ngủ đi. Ngày mai, con chở ba thăm mộ mẹ.
Ông tự nhủ thầm ông sẽ đến bên mộ bà và sẽ nói lời xin bà tha thứ. Lời nói thầm sẽ gỡ ông ra khỏi cơn mắc cỡ lòng. Ông đâu biết rằng thằng con ông, nó đã thông cảm cho ông và còn thương ông trong tình cảm cha con như ngày nào. Cuộc đời vẫn cần sự thứ tha và lỗi lầm vẫn cần được thông cảm. Tình già hay tình trẻ, trâu già hay trâu non, lấy vợ tuổi đáng con, đáng cháu vẫn là cái mốt thịnh hành trong thời đại “đô la đi trước, mực thước theo sau” là cái cầu treo té lộn đầu mà không ít người đáng tuổi cha con từ chối qua thử!
Thằng con thở phào. Nó như làm được một cái việc còn ý nghĩa hơn là trúng số độc đắc. Nó ngước nhìn tấm hình của mẹ. Lần đầu thứ hai sau ngày nó ra trường, nó thấy mắt mẹ long lanh cười. Lòng đứa con này nghe ấm quá. Mẹ ơi!

Ngọc Thiên Hoa