"GHEN" DƯỚI QUAN-ĐIỂM CỦA TRIẾT-HỌC
*Nguyễn-Tư
"Triết-học" được định-nghĩa là một mộn học nhằm giải-thích lý-do sau cùng của cuộc đời, nó có tính cách "truy-nguyên", khác với Khoa-học chỉ dừng lại ở hiện-tượng (Phénomènes), và Tôn-giáo thì ở Niềm tin (Foi). Đó là lý-do làm cho Triết và Khoa-học không bao giờ ngừng nghỉ bế tắc, vì nếu không nó sẽ chết và kiến-thức con người bị triệt-tiêu. Bởi vậy Triết-học và Khoa-học luôn-luôn mới mẻ để tiến-bộ từ những nguyên-lý làm nền tảng cho suy-tư, cho nghiên-cứu. Nó có thể đúng và sai cho từng thời-đại, nhưng hỗ-tương, bổ-túc, đôi khi mâu-thuẫn nhau theo kiểu biện-chứng (Dialectique) để trở thành cái mới hơn, hiện-đại hơn... Cho nên, những người coi thường, giễu cợt Triết-học (trong đó có môn"Luận-lý" (Logique) là môn nền tảng của mọi "Khoa-học") thì họ không nên bàn gì về Triết học...là cái mà họ không rành gì, giống như người ta chưa biết bắn, thì không nên cầm cái súng rọ-rạy nó...nói như ông bà mình:"Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe" là thỏa đáng nhất…
Tâm-lý học nghiên-cứu về những sinh-hoạt tình-cảm của con người, hẳn có nhiều liên-hệ mật-thiết với Sinh-lý học của nó. Cho nên "ghen", là một tình cảm bình thường mà ai cũng có thể có, chỉ mỗi người biểu-lộ bằng một cách và mức độ khác mà thôi, kể cả việc "không-biểu-lộ" cũng là một cách biểu-lộ, giống như người ta nói: "lặng thinh cũng là một cách trả lời" là một trong những đối
tượng thuộc thành phần nghiên-cứu của "Tâm-lý học ngôi 3", nhằm giải-thích những "thái độ" (Attitudes)...
Có nhiều người nghĩ rằng "ghen" là vì người ta "yêu", và lý-luận ngược lại: nếu không ghen là không yêu!??Không sai, nhưng chưa hẳn đúng như vậy đâu! Bởi vì,cái khó của con người là ta thường nhầm lẫn chữ "yêu" và những tình cảm tương tự như thế, mà họ "TƯỞNG" là Tình yêu (viết hoa), chứ không "THỰC" là Tình yêu...Đó là chỗ "chết" của loài người. Nói tóm: người ta sống trong "ảo tưởng"mà tưởng là "thực tướng"...Nói theo kiểu Phật-giáo là"Thấy cái dây, TƯỞNG là con rắn, và ngược lại" mà người quê mình gọi là"Nhìn gà hóa cuốc"!
...
Tình yêu, dưới quan điểm Triết-học, nó là một sự hiến dâng đồng-đẳng của hai Hữu-thể một cách Tự do tuyệt đối. "Đồng đẳng" vì "Chủ-thể yêu" và "Khách-thể được yêu" nhìn nhau trong vai vế không thiên-lệch, và "Tự do" vì Tình yêu là một hành-vi hiến-dâng tự-nguyện (hồn lẫn xác) chứ không bị bất cứ một áp-lực nào về tinh-thần lẫn vật chất từ bên trong hay bên ngoài, do bất cứ từ đâu (gia-đình, xã-hội, tập quán...) hoặc do chính 2 Hữu-thể (hấp-lực, dụ-dỗ...). Mỗi một "Hữu thể" là một Nhân-cách riêng tư không trùng lặp, bao gồm 2 yếu-tố chính:"Bản-hể"(Substance) và"Tù
Nếu Tình yêu xây dựng trên Tùy-thể thì không phải là Tình yêu đúng nghĩa. Thí dụ trường hợp hai Hữu-thể nhìn nhau không đồng đẳng (về mọi phương diện),thì đó là lòng"Thương hại" (Pitié - pity) được xây trên lòng trắc-ẩn của một trong hai người ( hoàn cảnh, tàn tật, đơn côi, hay đã chịu khó theo đuổi dài ngày...gọi là"mưa lâu thấm đất" chẳng hạn, hoặc tệ hơn là van xin, năn-nỉ như câu hát TCS “Yêu em quì gối vong nô” rất mất tư cách, bởi Tình yêu nó rất thiêng-liêng thánh thiện, đâu phải món đồ vật mà hạ mình xin xỏ ??? ). Đây cũng là thứ "giả tình yêu". Và, trường-hợp sau cùng là:"Chiếm đoạt" (Possession) là tình trạng tệ hại nhất trong các loại giả tình yêu, tức Chủ-thể này tìm đủ mọi cách để "chiếm hữu" cho kỳ được đối-tượng mà họ nhằm tới bằng đam-mê, thèm khát (nặng về dục-tính), bạo-lực (dùng sức mạnh vũ-khí, tù đày, cường-hào, hù dọa....) và đôi khi dụ-dỗ, lừa phỉnh (tiền bạc, hứa hẹn hão, địa vị, lời mật ngọt...) hoặc có thể do áp lực bên ngoài vì quyền lợi gì đó như "ép duyên trừ nợ" ( trường hợp Loan lấy Thân để trừ món nợ cho mẹ mình trong"Đoạn tuyệt" của Nhất-Linh). Đây hoàn toàn không phải "Tình yêu" mà là sự "chiếm đoạt" - một hành-vi đi ngược lại với Tình yêu, vốn cần sự "tự ý hiến dâng"(Luật pháp Tây phương phủ nhận loại hôn phối này, vì tôn trọng Tự do tuyệt đối con người trong viêc tự quyết định hôn nhân mình nhưng ở các nước chậm tiến coi là bình thường và hợp Pháp) nó đã ngang nhiên "giáng cấp" Tình yêu từ một tình cảm thiêng-liêng đầy Nhân-tính ( Trời ban cho loài người, loài vật chỉ có dục tính để duy trì nòi giống trong những "mùa động tình" như "chó tháng 7" chứ không có Tình yêu) xuống thành một "món đồ" (one thing - une chose), tức đã "vật vị hoá" Tình yêu... Nó thường là do"Đam mê"(Passion), được định-nghĩa là một khuynh-hướng (Tendance) đã trở thành "độc tôn", tức một trong 2 người đã bị “vong-thân” (aliéné) hoàn-toàn, đã đánh mất "bản ngã" mình. Do đó, họ có thể làm bất cứ điều gì khi người kia yêu cầu, để chỉ được đối-tượng "chịu" mình mà thôi, kể cả chuyện mất tư-cách như quỳ lụy, van xin, hay tội ác như giết người...Nếu thất bại trong mong ước này, họ sẽ điên cuồng và tiêu diệt ngay cả đối tượng, hay những người liên-hệ với đối-tượng đó như gia-đình, hoặc người yêu của đối tượng mà không phải là chính họ... Đây là tình cảm tệ-hại hơn lòng thương hại ở bậc nhì, vì Chủ-thể không còn sáng suốt nữa, mà họ chỉ mù quáng muốn một điều duy-nhất bất kể điều-kiện gì, đó là "đoạt" cho kỳ được đối tượng họ nhằm tới. Tình cảm này hoàn toàn không được chấp nhận là "Tình yêu" trong Tâm-lý học mà là nỗi Đam-mê (si), rất nguy-hiểm bởi vì loại tình này sẽ dẫn dắt tới sự ghen tuông khủng-khiếp chỉ vì muốn biến Đối-tượng của mình thành một món "của riêng" mà họ luôn-luôn canh giữ như "khủng long giữ trứng" vậy, vì lúc nào họ cũng sợ nó mất, giống như những nhà độc-tài sợ mất cái "ngôi báu" là nỗi đam-mê quyền lực vô bến bờ của mình, nên họ thanh-toán hết các đối thủ. Những người này không bao giờ Hạnh-phúc vì lúc nào họ cũng sợ mất cái mà mình đang có, và biến "người yêu" thành một nỗi khổ tâm khác là một Hữu-thể hoàn toàn mất Tự-do...như người tù và anh Cai ngục, nạn nhân lúc nào cũng bị dòm ngó và luôn-luôn bị nghi ngờ, nhất tĩnh, nhất động...đều có dấu hỏi kèm theo. Dĩ nhiên sự gắn bó này rất bực-bội, mất nhân-cách, và không bền lâu về phương-diện tinh thần, chắc-chắn sẽ có rạn nứt...rồi sụp đổ nếu đối tượng không chịu đựng nổi sự hành hạ mà người kia, thường giải-thích một cách rất sai lầm là "vì yêu"(thực ra là "chiếm đoạt" làm của riêng, chứ không phải "yêu") nên mới "ghen" như thế...
"Ghen" là một tình cảm khi một trong 2 Hữu-thể bị tổn thương khi họ nghĩ rằng đối tượng yêu của mình không chung-thủy, nghĩa là đã "chia tình" cho người khác, tức cái mà họ có lâu nay đã trở thành không-trọn-vẹn, mất đi một phần nào đó hay hoàn toàn. Cái phần "sở hữu" đó, có thể có từ Tình yêu "tưởng là thực" hoặc có thể có từ 2 loại "tình giả" (thương hại, chiếm đoạt). Nếu trong
trường hợp đầu, người bị tổn thương sẽ buồn, bởi vì sự mất mát nào trong lòng cũng gây những niềm luyến tiếc, mà họ không tìm cách để giữ lại, vì họ thấy nó vô nghĩa, hay đúng hơn là phi-lý(absurdité) vì họ nghĩ Tình yêu không phải là một "món đồ" để xin xỏ (nếu hát:"Ai cho tôi tình yêu..."(nhạc Trúc-Phương) theo Triết-học là sai, nên nếu có giữ lại được đối-tượng bằng lòng thương cảm, năn-nỉ, bạo hành...thì cũng chỉ giữ lại cái "xác phàm" mà thôi,khi Tình yêu đích thực dựa trên tình cảm thiêng-liêng, phần xác thịt chỉ là phần hợp thức hoá bằng Hôn nhân để truyền giống, thường gọi là"nối dõi Tông đường"hay biểu lộ tình cảm kia thôi. Cho nên người ta THỰC yêu nhau không cần phải lấy nhau, hay bước tới cái giường như Nguyên-Sa viết:"Chúng ta yêu nhau đâu cần sêu cưới"hoặc như TTKh:"Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời" vì đã lỡ"Giấu trong tim một bóng người"...Đó chính là Tình yêu vậy, nghĩa rằng người ta thường yêu người mình không lấy, và lấy người mình không yêu!Cũng có thể trong trường hợp này, tự-ái người kia bị xúc-phạm vì tự khám phá ra mình đã đặt sai tình cảm mà thôi, tất nhiên lúc bấy giờ Tình yêu họ tin tưởng lâu nay giờ trở thành "huyền thoại", hay niềm hối-hận nên tự trách mình mà thôi. Với 2 loại tình yêu giả kia như tình do thương hại thì người có ưu thế sẽ cảm thấy buồn vì mình đã "hy sinh" vô ích chứ không"ghen", còn người bị thương hại, họ sẽ "ghen" mạnh bởi họ tự biết rằng thực chất mình đã "yếu đô" từ khởi đầu, nên việc chia tình của người kia là điều gần như tất-yếu, nếu như lỡ nó xảy ra...Với loại sau cùng, thì rất hung bạo, vì họ đã mất một miếng "mồi ngon" sau khi họ đã tìm mọi cách khổ nhọc để chiếm đoạt, nên không một ai có quyền từ chối công khó đó, kể cả người họ đang đam mê..
Nói tóm: người "ghen" là người vô-hình trung tự nhận mình thua cuộc về một phương diện nào đó, đối với đối-tượng khi mình thấy nó có vẻ bấp-bênh (nói theo kiểu Vật-lý là:"không cân bằng bền" - tức trọng tâm đã rơi ra ngoài chân đế) hay sắp mất về tay người khác có ưu-hế hơn mình. Cho nên người có nhiều lòng tin (Confidence) về mình, về đối-tượng (sự chung-thủy) thì ít khi ghen, hay không biết ghen, vì họ nghĩ mình có đủ thế-lực (power) để giữ được "Tình yêu", hay đối tượng yêu không thể làm được chuyện đó vì tin tuyệt-đối vào Tình yêu của chính 2 người. Hoặc là họ "coi trọng" Tình yêu đích thực (tức lòng tự nguyện hiến dâng cho nhau) nên họ không muốn níu kéo cái gì đã mất như một "món đồ" mà có thể "chuộc" lại được, vì Tình yêu tự nó thiêng-liêng, không có cái gì có thể thay thế hay đổi trao được..."Tình yêu" có trở về đi nữa, thì nó chỉ là một thứ giả Tình yêu, vì Tình yêu đích thực không bao giờ mất ( nhờ được xây trên Bản thể) đến độ nếu không thực hiện được ở kiếp này thì người ta còn hẹn lại ở "Kiếp sau" trong hoàn cảnh lỡ-làng như Roméo và Juliette chẳng hạn. Nói như Nguyễn-Du:"Mối tình mang xuống tuyền đài chưa tan", mà trong cuộc đời đầy hệ lụy này không phải là không có, có nhiều là đằng khác ...bởi biết bao nhiêu cặp họ "tự-tử vì tình" chết bên nhau để lại thư tuyệt mệnh...Bà Hoàng-Cúc "ở vậy" đến chết, không chịu lập gia đình, chỉ lo kinh kệ, mà vẫn giữ kín những tâm tư qua những bức thư tình của Hàn-Mặc-Tử ký tên Nguyễn Trọng Trí (tên thực HMT), và không muốn tiết lộ cho bất cứ người nào,kể cả những nhà nghiên cứu Văn học như một thứ riêng tư cần bảo vệ, thì đó chính là loại “Tình yêu lý tưởng” (Amour platonique) này, mà ai cũng mơ ước...
Ngày nào chúng ta biết nói, như một nhân vật trong phim"Tôi yêu em, bởi bì tôi yêu em.. ."(Je t'aime parce que je t'aime) thì đó là Tình yêu thực, ít ra về phía Chủ-thể yêu (còn Khách-thể yêu có nói như vậy không là chuyện khác)bởi Tình yêu chỉ trở thành "nỗi khổ" khi Chủ-thể yêu ĐÒI người khác phải yêu lại mình, mà mình không toại nguyện, được định nghĩa như một khuynh-hướng bị cản trở...Cho nên, "yêu" và "ghen" thực sự, chả ăn nhậu gì nhau, mà nó còn tùy thuộc vào loại Tình yêu gì, khi Chủ-thể yêu nhìn đối tượng yêu bằng một "nhân cách" hay một "món đồ", nghĩa là càng ghen dữ thì càng "vật-vị hoá" Tình yêu, bởi một người Đam mê muốn chiếm đoạt, hay một người đã bắt đầu thấy mình có "mặc cảm khiếm khuyết" hay thiếu tự tin là những thứ đánh ngã và "xuống cấp" Tình yêu một cách thảm hại, theo quan điểm Triết học...
Ngày nay các Tâm-lý gia còn nghiên-cứu về tính "ghen" của người đàn ông và đàn bà có gì khác nhau? Thực sự, người đàn bà (nhất là ở Đông phương) được xem là ghen hơn người đàn ông, như thể đó là cách bày tỏ "nữ tính" như một tình cảm tự nhiên hơn người đàn ông - thứ chỉ "ban phát" Tình yêu, bắt nguồn từ đời sống nguyên-thủy trong thời-đại con người còn ở từng bầy như súc vật, mà con đực đầu đàn bao giờ cũng to lớn, mạnh khỏe hơn các con khác, phần lớn là con cái như: gà rừng, dê núi, sư tử, trâu bò rừng...Đó là lý do tại sao người ta thấy con đực có khả năng làm tình vô biên với số tinh trùng hàng tỉ, cho nhiều con cái khác nhau trong bầy mà không hạn chế tuổi già (thí dụ người đàn ông có thể có khả năng làm cha đến mãn đời, trong lúc người đàn bà chỉ có với một số trứng hạn chế có thể thụ thai chừng vài chục, và chỉ kéo dài trong khoảng 40 năm là tắt kinh). Từ chỗ đó nảy ra đời sống "Đa-thê", suốt trong nhiều thiên niên kỷ, người phụ nữ được xem như món "đồ chơi" hay cái "máy đẻ" của giống đực (Vua có 3000 mỹ nữ, Quan lớn là cả tá người hầu non) mãi cho đến khi loài người văn minh, đời sống "một vợ một chồng" được Luật pháp bắt buộc ...thì
danh-dự người phụ-nữ mới được phục-hồi. Cho nên, cách đây không lâu một Linh-mục đã cho rằng tính "đa thê" vốn nó "natural", dĩ-nhiên bị Giáo hội và các nhà Xã-hội học phản đối, mặc dù xét theo thực tế chả có gì sai, mà súc vật ngày nay chúng vẫn duy trì...Vì người đàn bà bị ban phát"Tình yêu" cùng với nhiều người khác nên họ đâm ra "ghen" là lẽ tự-nhiên, khi tiến lên đời sống
gia-đình cũng vậy, người vợ thường là nội-trợ ở nhà lo cho con, người đàn ông ra ngoài có nhiều cơ hội để gặp những người đàn bà khác mà tằng-tịu, thì người đàn bà ghen vì tình cảm bị chia xẻ đã đành, nhưng điều họ sợ hãi hơn là người chồng mình sẽ bỏ bê mình và đàn con bơ-vơ không nuôi nữa, khi hắn theo "bóng hồng" khác. Đó là lý do tại sao trong Văn-chương người ta chỉ thấy nói người đàn bà ghen (mà không thấy đàn ông) như: Hoạn Thư, như Sư-tử Hà-đông (thơ Tô Đông Pha) và chính người đàn bà làm Thơ như Hồ Xuân Hương cũng chả có bài thơ nào nói đàn ông ghen cả, mà chính là bà ghen khi cảm cảnh lẻ mọn:"Một tháng đôi lần, có cũng không!". Chữ "đố"của Hán tự ghép bộ "nữ" và chữ "hộ" (tá âm) chính là chữ "ghen". Cho nên khi Hoạn-Thư bị Kiều xử án bèn khôn lanh lên tiếng, nên được sống sót:
"Rằng: tôi chút phận đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình"
Hoặc Ca-dao:
"Ớt nào là ớt chẳng cay,
Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng"
Cả 4 câu Thơ trên, đều cho phép người đàn bà ghen như một "nữ tính" thường tình, có nghĩa ngầm rằng người đàn ông không được ghen như đàn bà, nói như ông bạn tôi trong lúc "trà dư tửu hậu" đã vui miệng phán không sai gì:"Thằng đàn ông nào mà ghen là loại đàn ông bỏ"vì người đàn ông độ lượng, vai u thịt bắp, sức chịu đựng giỏi (Tâm-lý học xác nhận đàn ông đúng nghĩa có 3 đức
tính căn bản: hiếu thắng, dũng cảm và độ lượng) chỉ nên lấy "tài" mà "cảm" đàn bà, chứ đừng ghen như những người vóc liễu mình mai, được trời sinh ra mềm mại chỉ để ngã vào vòng tay rắn chắc của những bậc đàn ông tài ba, anh hùng nào đó, nên người ta bảo:"Trai tài, gái sắc”hay:"Trai anh hùng, gái thuyền quyên", hoặc như người hùng Nguyễn Công Trứ từng ỡm ờ với bồ nhí giữa ruộng:"Giang san một gánh giữa đồng/Thuyền quyên ứ hự, anh hùng nhớ chưa?" đều bắt nguồn từ quan điểm này là thế. Bởi vậy, người xưa có khuyên người đàn bà nên tìm chồng giữa đám ba quân:
"Trai khôn tìm vợ chợ đông,
Gái khôn tìm chồng giữa đám ba quân".
Chỉ ở đám "ba quân" này, người đàn ông dĩ-nhiên là biểu-tượng của "nam tính", của anh hùng, của lòng độ lượng, của vai u thịt bắp, của văn võ song toàn... là để dâng hiến Tình yêu cho người đàn bà, chứ không phải để quỳ lụy, dọa nạt hoặc xin xỏ họ chút tình mà mình tự thấy nó đang có vẻ thuộc về người khác (ghen). Cho nên khi người đàn ông đi biểu-lộ cái tình cảm rất dở ẹt này (ghen)
- một thứ tình cảm mà Hoạn-Thư gọi là do"chút phận đàn bà" mà ra, lại là việc rất "thường tình" nữa, thì "chàng" cần xét lại bản-chất của tình yêu và tư cách mình...theo nghĩa Xã-hội học, dựa trên thuyết "Tiến hoá"(Evolution) qua tiến trình Văn minh nhân loại, còn theo nghĩa Triết học thì đó là hình thức "thóa mạ"(Salir) "giáng cấp" Tình yêu, vốn nó cao quý mà người ta đến với nhau bằng sự tự-nguyện hiến dâng, đồng-đẳng chứ không phải chiếm đoạt...hay một thái độ đùa cợt, hưởng thụ qua đường như Nữ sĩ thời danh F.Sagan đã viết:"Trong một tháng, một năm, rồi em sẽ không còn yêu tôi nữa”(Dans un mois, dans un an, tu ne m'aimeras plus), thì rõ ràng đó không phải là"Tình yêu" - thứ tình cảm thiêng liêng và Thánh-thiện, đúng hơn là ân-sủng (Faveur) của Thượng đế chỉ dành riêng cho loài người mà ai cũng mơ ước ...