Thursday, June 5, 2014

YẾU TỐ TÂM LÝ TRONG NHIẾP ẢNH NGHỆ THUẬT ( Chuyển Bởi Quyen Tat )




YẾU TỐ TÂM LÝ TRONG
NHIẾP ẢNH NGHỆ THUẬT
BÁC SĨ THÁI MINH TRUNG
Quí độc giả từng đọc nhiều bài viết của Bác sĩ Thái Minh Trung, chuyên khoa Tâm Thần. Ngoài lãnh vực chuyên môn, Bác sĩ Trung còn là một nhiếp ảnh gia. Bài viết dưới đây của Bác sĩ Trung tuy bàn về nhiếp ảnh, song hàm chứa một ý nghĩa sâu xa: mọi ứng xử và hạnh phúc ở đời, không riêng nhiếp ảnh, cần sự kết hợp hài hòa giữa lý trí và tình cảm.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức
Đa số người chụp ảnh cho rằng, muốn có ảnh đẹp ta cần phải có những máy ảnh và những ống kính đắt tiền. Ít có ai nghĩ rằng não bộ đóng một vai trò rất quan trọng trong nhiếp ảnh nghệ thuật. Đồng ý rằng máy ảnh đắt tiền và những ống kính có khẩu độ lớn sẽ cho ta những hình đẹp về kỹ thuật. Những máy ảnh SLR thuộc loại chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp thường giúp ta chụp được những tấm ảnh trong những điều kiện ánh sáng khó khăn mà hình không bị những đốm chấm (noise) nhiều. Ngoài ra nhu liệu trong máy sẽ cho ra những tấm hình mà vùng sáng và vùng tối không bị chênh lệch nhiều (good dynamic range). Ống kính có khẩu độ lớn sẽ làm cho chủ thể rõ, nổi bật lên trên một hậu cảnh (background) mờ. Khẩu độ lớn làm cho những vùng mờ (bokeh) nhìn rất đẹp mắt so với những ống kính rẻ với khẩu độ nhỏ hơn.
Tuy nhiên nắm vững về kỹ thuật chỉ giúp cho ta có một tấm hình rõ và màu sắc đẹp nhưng rất tiếc là nó không giúp cho ta có được những tấm hình nghệ thuật. Kỹ thuật chụp ảnh, cách chỉnh máy ảnh và chọn ống kính cho thích hợp với điều kiện chụp hình chỉ là những viên gạch nhỏ để xây dựng nền tảng của lâu đài nghệ thuật. Trước khi xây cất lâu đài, ta rất cần nền tảng đó. Thí dụ nếu ta không thấu hiểu được cách đóng mở khẩu độ để điều chỉnh độ mờ trước và sau chủ thể (depth of field, DOF) thì cái ống kính $5,000 sẽ cho ra những hình không khác gì cái ống kính rẻ tiền (kit lens). Ta tốn công sức vác cái ống kính nặng cồng kềnh để trèo non lội suối, về nhà đau lưng mấy ngày chưa hết mà hình thì không khác gì cái máy nhỏ của người đi kế bên. Nếu ta không biết chọn ống kính để chụp chân dung thì ta sẽ có nhiều tấm hình đầu to mà người thì... teo (khi dùng ống kính wide angle)! Khi hoàn tất kiến thức về kỹ thuật xong rồi thì ta mới bắt đầu xây dựng công trình nghệ thuật được.
Nghệ thuật và não bộ liên quan với nhau như thế nào? Não bộ đóng một vài trò hết sức quan trọng trong nhiếp ảnh nghệ thuật. Nếu không có não bộ thì sẽ không có nghệ thuật. Não bộ là bộ phận quan trọng giúp con người sáng tác nghệ thuật và thưởng thức nghệ thuật. Não bộ là nơi tích trữ những kinh nghiệm trong cuộc sống. Những kinh nghiệm tình cảm đầu đời của con người ở dạng hình ảnh. Những ước mơ của ta cũng ở dạng hình ảnh. Trước khi biết nói, đứa bé quan sát nét mặt của mẹ nó. Nó vui buồn theo nét mặt của người mẹ. Thật vậy, nghiên cứu cho thấy hầu hết trẻ sơ sinh bị cận thị, tầm nhìn của chúng chỉ vừa đủ để quan sát mặt người mẹ. Khi lớn lên thì mắt dần dần trở lại bình thường.
Hình ảnh là ngôn ngữ sơ cấp và đầu tiên của loài người dùng để cảm nhận và truyền đạt tình cảm. Hình ảnh có tác động sâu sắc và trực tiếp lên tình cảm con người. Ngôn ngữ có thể dùng để nói dối hay nói bóng nói gió được, nhưng hình ảnh thì không. Hình ảnh rất trung thực và có khả năng trực tiếp đi sâu vào lòng người. Hình nghệ thuật phản ảnh một cách thâu gọn cái nhìn cuộc sống của nhiếp ảnh gia. Khi người chiêm ngưỡng hình cảm nhận giá trị tình cảm của hình, thì người đó và nhiếp ảnh gia nói chuyện với nhau cùng một ngôn ngữ vô lời. Bạn có biết không, phong cách chụp hình (style) của bạn và sở thích nhìn hình của bạn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố được lưu trữ trong não bộ của bạn ngay từ lúc bạn còn bé. Những yếu tố đó là giáo dục, văn hóa và môi trường sống.
Khi đề cập đến hình nghệ thuật thì ta phải nói đến ánh sáng. Ánh sáng ở não bộ là sự nhận thức. Ta không có một tấm hình đẹp khi ta không nhận thức được vẻ đẹp chung quanh ta. Nhận thức vẻ đẹp, nói về tâm lý, không phải là một chuyện dễ làm. Khi ta lo âu, khi ta để những phiền toái của cuộc sống chiếm lấy tâm hồn ta thì ánh sáng ý thức bị tối dần. Ta có thể lái xe đi dọc bờ biển, trước mặt ta là cảnh hoàng hôn thật đẹp, nhưng vì tâm ta quá bận rộn lo nghĩ về những công việc căng thẳng trong sở nên ta chỉ thấy có con đường trước mắt mà không để ý đến cảnh đẹp. Vì thế việc làm trước tiên khi ta muốn bước vào ngưỡng cửa nghệ thuật của nhiếp ảnh là ta phải thực tập buông bỏ lo âu và thắp sáng ngọn đèn ý thức trong tâm ta. Ta ý thức những diễn biến chung quanh ta càng nhiều thì sự nhậy cảm trước vẻ đẹp càng tăng theo.
Ánh sáng là nụ cười của nữ thần nghệ thuật. Khi không có nụ cười của nàng chiếu cố thì ta sẽ không có hình để chụp. Ánh sáng còn là tâm hồn của bức ảnh nghệ thuật. Mỗi loại ánh sáng diễn tả một tâm trạng khác nhau. Ánh sáng từ sau tới (back light) diễn tả một tâm trạng huyền bí, với những vùng trong bóng tối gợi lên tưởng tượng của người xem hình. Ánh sáng nghiêng chiếu xéo là loại ánh sáng đẹp nhất trong nhiếp ảnh vì nó làm nổi lên những đường nét của chủ thể. Nếu biết dùng đúng cách thì ta có thể nhấn mạnh những đường nét đẹp (điểm mạnh) trong vùng sáng và giấu những nét ta không thích (điểm yếu) trong vùng ít sáng. Ánh sáng nghiêng về màu xanh của buổi trưa nói lên sự nhẹ nhàng trong sáng. Ánh sáng nghiêng về màu vàng của hoàng hôn diễn tả những tình cảm nồng nàn, đắm đuối và tiếc rẻ.
Trình bày chủ thể trong bức hình là một nghệ thuật cá nhân đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa lý trí và tình cảm. Người nghiêng về lý trí nhiều quá sẽ cấu tạo bức hình qua những đường nét thẳng hàng, bối cảnh cực kỳ đơn giản và hay chọn màu sắc tương phản. Ngược lại người nghiêng về tình cảm thì sẽ cấu tạo bức hình qua những đường cong và nhiều màu sắc, bối cảnh bức hình thì cầu kỳ và phức tạp. Những bức hình chụp ở 2 thái cực tâm lý này có thể gây ấn tượng nhưng khó tạo được một cảm giác hài hòa trong tâm hồn người xem. Hình nghệ thuật đòi hỏi sự cân đối của 2 yếu tố kể trên. Bức hình nghệ thuật thường diễn tả tâm trạng và sở thích người chụp. Nếu tâm hồn phức tạp và mâu thuẫn thì bức ảnh, sản phẩm của tâm hồn, khó mà được hài hòa. Vì thế muốn có hình nghệ thuật thì ta phải tập cho tâm ta tĩnh lặng. Chính sự tĩnh lặng đó sẽ giúp ta có cặp mắt nghệ thuật.
Hôn nhân giữa lý trí và tình cảm sẽ cho ra đời những đứa con có tên là sáng tạo. Ảnh không thể gọi là nghệ thuật nếu không có sự sáng tạo trong đó. Sáng tạo là sự thay đổi không ngừng, nhưng mà thay đổi trong sự hài hòa. Sáng tạo đi nghịch với lo âu. Người lo âu không thích có sự thay đổi. Khi ta chụp hình với tâm trạng lo âu người khác phê bình xấu thì hình ta sẽ bị đóng khung trong khuôn khổ của ước định. Ta khó mà tạo được sự ngạc nhiên thích thú ở người xem. Khi nói đến nghệ thuật thì phải nói đến sự phóng khoáng tự do. Người đam mê nghệ thuật không e ngại cởi bỏ những gì đã được chấp nhận và tự tìm cho mình một hướng đi mới lạ. Sự kết hợp của ánh sáng với vật thể sẽ cho ta vô số bức hình có tiềm năng nghệ thuật. Cái hạn chế của ta là ta có hiện diện ở đó đúng lúc không và có khả năng nhận ra những khoảng không gian và thời gian có khả năng tạo ra hình nghệ thuật hay không.
Nói tóm lại máy ảnh và ống kính đắt tiền chỉ tạo cho ta những phương tiện thuận lợi chụp những tấm hình nghệ thuật. Chủ yếu là cặp mắt và tâm hồn của người đứng sau máy ảnh mới có thể tạo được hình nghệ thuật. Nói một cách khác, khả năng nhìn cái mới lạ trong sự tầm thường của đời sống hàng ngày mới giúp ta có được một tấm hình nghệ thuật. Người đam mê nghệ thuật biết phối hợp ánh sáng nhận thức với ánh sáng bên ngoài. Sự phối hợp của 2 loại ánh sáng này có tiềm năng cho ta những tấm hình nghệ thuật vô giá. Giá trị nghệ thuật của ảnh là không ghi nhận lại vật thể mà dùng vật thể và ánh sáng để diễn tả tâm hồn say mê của người chứng kiến cái đẹp trong một giây phút ngắn ngủi. Với tác phẩm nghệ thuật, nhiếp ảnh gia nghệ sĩ có ước mơ sống lại trong cái vĩnh cửu của chân, thiện và mỹ.