Tuesday, June 10, 2014

NUÔI TRÂU LÀM DU LỊCH ( Chuyển Bởi Tu Lan )



NUÔI TRÂU LÀM DU LỊCH

Nhiều nông dân xã Cẩm Thanh và phường Cẩm Châu, phố cổ Hội An (Quảng Nam) có thêm khoản thu nhập
 gần trăm triệu đồng một năm nhờ phát triển đàn trâu đáp ứng nhu cầu du lịch cho khách quốc tế.

                                                      
Xuất phát từ nhu cầu du lịch "một ngày làm nông dân" ở phố cổ Hội An, năm 2010, ông Lê Viết Nhiên ở phường Cẩm Châu đầu tư phát triển đàn trâu lên đến 12 con vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa đáp ứng nhu cầu trải nghiệm đồng quê cho du khách nước ngoài. "Nhờ nuôi trâu làm du lịch, gia đình tôi có thêm khoản thu nhập khoảng 80 triệu đồng mỗi năm. Khách du lịch đến Hội An muốn trải nghiệm tour này ngày càng đông nên hiện có 5 hộ dân ở phường của tôi nuôi trâu (mỗi hộ nuôi trung bình 5 con) để làm du lịch", ông Nhiên nói. 
                                                    
Ông Phạm Hò ở thôn 3, xã Cẩm Thanh, TP Hội An nuôi 3 con trâu làm du lịch. "Đây là năm thứ 3 gia đình tôi nuôi trâu làm du lịch. Nghề này cho thu nhập cao gấp 20 lần so với trồng lúa tại địa phương, lại khá nhàn hạ. Vào mùa hè, khách du lịch đông, có ngày đưa 5 đoàn khách đi tham quan đồng lúa, về làng rau Trà Quế vùng ven phố cổ Hội An, hướng dẫn họ cày, bừa, gieo sạ, gặt lúa..., cưỡi trâu chụp ảnh lưu niệm. Trung bình mỗi tháng gia đình tôi có thu nhập ít nhất 7 triệu đồng nhờ nuôi trâu làm du lịch", ông Hò kể.  
                                                  
Nắm bắt được nhu cầu của du khách thích trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa lúa nước Việt Nam, năm 2010, anh Trần Văn Khoa, Giám đốc Công ty Lữ hành Khoa Trần Hội An ECOTOUR đã đầu tư 340 triệu đồng đầu tư xe trâu bằng tre, cùng một số trạm nghỉ chân dân dã ở xã Cẩm Thanh; hỗ trợ, khuyến khích bà con nông dân nuôi trâu làm du lịch phát triển kinh tế gia đình. 
                                                      
Sau 4 năm mở tour du lịch trải nghiệm đồng quê, anh Khoa không chỉ góp phần quảng bá bức tranh nông thôn Việt Nam thanh bình đến với bạn bè quốc tế, mà còn tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nông dân ở phố cổ Hội An. 
                                                      
Hiện tại mỗi ngày đơn vị lữ hành này tổ chức tour trải nghiệm đồng quê cho du khách khoảng 3 giờ vào hai buổi, sáng xuất phát từ lúc 7h30, chiều lúc 15h. Theo anh Khoa, một khi đồng quê không còn đồng ruộng, trâu, bò thì miền quê ấy chỉ tồn tại phần xác mà không còn hồn nữa.  
                                                      
Những đứa trẻ đến từ Australia thích thú ngồi trên lưng trâu tham quan cánh đồng lúa ở xã Cẩm Thanh, TP Hội An. Ông Mick Ryan, du khách Australia nhận xét: " Tour trải nghiệm đồng quê ở đây thật tuyệt vời. Còn gì thú vị hơn khi được ngồi trên xe trâu thư thả trên đường làng ngắm nhìn đồng lúa đang chín vàng dưới tiết trời nắng đẹp. Đồng quê và người dân của đất nước các bạn thật gần gũi, thân thiện tạo cảm giác thanh bình cho du khách". 
Du khách say sưa chụp ảnh lưu niệm cho người thân ngồi trên lưng trâu tham quan đồng quê vùng ven phố cổ Hội An. 
           
Không chỉ ngồi trên xe trâu ngắm đồng lúa yên bình, nhiều du khách còn thích thú "vào vai" nông dân bì bõm trong bùn lầy cày ruộng. 
                                                     
Một em bé người Australia thích thú cầm đuôi trâu bừa ruộng trên cánh đồng ở xã Cẩm Thanh. " Tôi thật sự ấn tượng với tour du lịch trải nghiệm đồng quê với loài trâu ở phố cổ Hội An. Đến với tour du lịch này, chúng tôi phần nào hiểu được văn hóa lúa nước mộc mạc mà độc đáo của Việt Nam. Trở về nước, tôi sẽ giới thiệu câu chuyện thú vị này với người thân, bạn bè",  bà Jess Stanaway (du khách Australia) chia sẻ.