Thursday, June 12, 2014

8 KIỆT TÁC CỦA VUA HỀ CHARLIE CHAPLIN ( Kim Chi Sưu Tầm )





  Ngày 7/2/1914, anh hề Sác lô lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng qua bộ phim Kid Auto Races at Venice của Charlie Chaplin. Kể từ đó tới nay, hình tượng kinh điển này gắn chặt với tên tuổi của Charlie Chaplin và ông được người hâm mộ dành tặng cái tên trìu mến là "Vua hề Sác lô".


Charlie Chaplin là một trong những nghệ sĩ kịch câm và diễn viên hài xuất sắc nhất mọi thời đại của thể loại phim này và là một trong những diễn viên được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Ông tự đóng, đạo diễn, viết kịch bản, sản xuất và soạn nhạc cho nhiều bộ phim của mình. Vai diễn chính và được biết đến nhiều nhất của ông là nhân vật kẻ lang thang (The Tramp) hay còn có tên Charlot - Anh hề ở Pháp, Ý và nhiều nước khác trong đó có Việt Nam (Sác lô là phiên âm tiếng Pháp của từ Charlot). Hình ảnh anh hề Sác lô “đóng đinh” với chiếc áo khoác chật, chiếc quần và đôi giày quá khổ, một chiếc mũ quả dưa, cây gậy chống bằng tre và bộ ria mép chải chuốt. 



Smile- Charlie Chaplin /4:41

Những bộ phim của Charlie Chaplin ( Vua hề Sác lô ) luôn mang lại nhiều cảm xúc xen lẫn trong lòng khán giả: có xúc động, có châm biếm mỉa mai, có hài hước và luôn cuốn hút lạ kỳ. Đó hầu hết là những kiệt tác điện ảnh vượt lên trên cả sự mong đợi của người xem.
Charlie Chaplin còn là một trong những nhân vật sáng tạo và có ảnh hưởng nhất của kỷ nguyên phim câm khi ông tự đóng, đạo diễn, viết kịch bản, sản xuất và soạn nhạc cho phim của mình. Trong suốt sự nghiệp của mình, Charlie Chaplin đã viết kịch bản ít nhất 87, đạo diễn ít nhất 73 và diễn xuất trong ít nhất 86 bộ phim theo số liệu từ trang web dữ liệu điện ảnh uy tín IMDB.

Dưới đây là danh sách 8 bộ phim kinh điển được đánh giá là tuyệt vời nhất của “Vua hề Sác lô”

8 bộ phim nổi tiếng của Vua hề Sác lô:

1. The Kid ( Đứa trẻ )

 
The Kid là bộ phim hài cảm động đầu tiên của Charlie Chaplin, kể về một người đàn bà (Edna) bỏ rơi con mình vì muốn tự tử. Một kẻ lang thang (Charlie Chaplin) đã tìm thấy và chăm sóc đứa bé. 5 năm sau, khi Edna trở thành nghệ sĩ hát opera nổi tiếng, bà dành rất nhiều thời gian làm từ thiện cho trẻ em với hy vọng tìm lại được con mình. Khi đứa bé bị bệnh, các bác sĩ đã phát hiện ra Chaplin không phải là cha đẻ. Những nhà chức trách giành đứa bé từ tay ông và đưa nó tới trại trẻ mồ côi. Sau đó, ông lén lút dẫn nó đi, tuy nhiên họ nhanh chóng phát hiện và lại chia rẽ hai người một lần nữa. Nhiều biến cố xảy ra nhưng cuối cùng đứa trẻ đã được đoàn tụ với Chaplin và cả mẹ đẻ trong một phân cảnh được đánh giá là xúc động nhất trong sự nghiệp diễn xuất của Vua hề Sác lô.

Bộ phim giúp Chaplin bộc lộ rõ năng khiếu diễn xuất của mình và là một thành công lớn sau khi phát hành. The Kid trở thành một trong những bộ phim câm nổi tiếng nhất và cũng được coi là tác phẩm đáng xem lại nhất của Charlie Chaplin.


The Kid - Trailer/2:17

2. Modern Times ( Thời đại tân kỳ ) 

 
Modern Times là một bộ phim hài của Charlie Chaplin vào năm 1936. Chuyện phim xoay quanh nhân vật kẻ lang thang trong nỗ lực để tồn tại ở một thế giới công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Modern Times phản ánh sự bóc lột sức lao động và cuộc sống bấp bênh của hàng triệu người trong thời kỳ khủng hoảng mà theo Chaplin là do hậu quả của thời đại tân kỳ. Đây là bộ phim được đánh giá là pha trộn một cách hài hòa nhất giữa hài kịch và bi kịch khi châm biếm mặt trái của công nghiệp hóa khiến mọi người đánh mất nhân cách, quyền lợi cá nhân bởi áp lực thời gian, công việc vận hành đơn điệu, lệ thuộc vào máy móc. 


Modern Times được Thư viện Quốc hội Mỹ chọn bảo tồn trong Viện lưu trữ phim quốc gia Mỹ vì "ý nghĩa văn hoá". 



Modern Times - Trailer/1:50

3. Monsieur Verdoux (Quý ngài Verdoux)

 
Bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật, kể về ngài Verdoux - một anh chàng biết chiều vợ. Để có thể có thêm tiền nuôi gia đình nhỏ bé của mình, anh ta đã cưới rất nhiều phụ nữ giàu có và nhanh chóng tìm cách giết họ sau đám cưới để chiếm đoạt tài sản. Nhưng sau khi gặp hai người đàn bà nọ, nhiều tình tiết dở khóc dở cười đã xảy ra mà anh ta không thể nào ngờ trước được. 

Monsieur Verdoux đánh dấu lần đầu tiên Charlie Chaplin rũ bỏ hình tượng Sác lô. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những lý do khiến bộ phim không thành công về mặt thương mại như các tác phẩm trước đó của ông. Dù vậy, diễn xuất của Charlie Chaplin trong Monsieur Verdoux vẫn được đánh giá cao và đây vẫn là một bộ phim đáng chú ý trong sự nghiệp diễn xuất của ông.


Monsieur Verdoux Trailer/1:40

4. The Gold Rush ( Cuộc săn vàng )

 
Chaplin thường nói rằng The Gold Rush là bộ phim mà ông muốn được người khác nhớ đến nhất. Nó không chỉ là bộ phim hài được cho là hay nhất của Chaplin mà còn là một trong những phim hài hay nhất mọi thời đại.
Trong The Gold Rush, anh hề Sác lô bị cơn sốt vàng cuốn tới vùng Yukon cùng mơ ước đổi đời. Số phận đưa đẩy, anh làm quen với một người đào vàng khác cùng một tên tội phạm sống ngoài vòng pháp luật và lọt lưới tình của cô gái phục vụ quán bar. Vô số các tình huống bi hài lẫn lộn đã xảy ra quanh vòng xoáy của cơn sốt vàng.

Bộ phim là một thành công lớn về mặt thương mại khi thu về gần 2,5 triệu USD (một số tiền khổng lồ vào thời đó) và được giới phê bình đánh giá rất cao. 


The Goid Rush - Trailer/0:50

5. City Lights ( Ánh sáng thành thị )

 
City Lights là một phim câm hài lãng mạn vào năm 1931 của Charlie Chaplin. Mặc dù phim tiếng lúc bấy giờ đã có ưu thế hơn hẳn so với phim câm nhưng City Lights vẫn thu được thành công vang dội và được xem là một trong những bộ phim kinh điển nhất của thời đại phim câm.

Trong City Lights, Chaplin có mối quan hệ với hai người: một gã triệu phú nghiện rượu mà anh đã cứu sống bằng cách ngăn hắn tự tử và một cô gái mù, người mà anh cố gắng kiếm tiền để giúp chữa mắt. Bộ phim là một chuỗi bi hài đan xen với những tình huống dở khóc dở người và cả những phút sâu lắng. 


City Lights - Theatrical Trailer/1:52

6. The Great Dictator ( Nhà độc tài vĩ đại ) 

 

The Great Dictator là bộ phim có thoại đầu tiên của Chaplin, phát hành vào năm 1940. Phim thể hiện rõ tài năng của Chaplin trong việc thực hiện những phim hài lấy đề tài châm biếm, đả kích xã hội mà cụ thể ở đây là Adolf Hitler cùng chế độ độc tài Phát xít.

Trong The Great Dictator, Chaplin giữ tới 5 vai trò chính bao gồm đạo diễn, biên kịch, diễn viên chính, nhà sản xuất và nhà soạn nhạc, đồng thời đây cũng là một trong những bộ phim được sản xuất tại chính studio của Chaplin.


The Great Dictator - Trailer/2:33

7. Limelight ( Ánh đèn sân khấu )

 

Limelight là một bộ phim thoại bán tự truyện, không phải thể loại hài hước nhưng rất ấn tượng, chân thực và vô cùng xúc động của Charlie Chaplin. Đây có thể coi là kiệt tác cuối cùng của Chaplin khi mà lúc này danh tiếng của ông đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi khuynh hướng chính trị và những tranh cãi quanh đời tư. Về cơ bản, ông đã bị trục xuất khỏi Mỹ trước khi Limelight được phát hành và bộ phim cũng không được phép xuất hiện trong các rạp chiếu ở Mỹ cho đến năm 1972 ( 20 năm sau khi ra đời ).
Trong Limelight, ông vào vai nghệ sĩ hài danh tiếng Calvero đang tuột dốc trong sự nghiệp. Những màn trình diễn của Calvero không còn khiến khán giả thích thú. Cuộc sống của ông trở nên nhàm chán với rượu, những show rẻ tiền và một căn hộ thuê tạm bợ với bà chủ nhà khó tính. Nhưng tất cả đã thay đổi khi Calvero gặp Thereza - một vũ công ba lê xinh đẹp. Hoàn cảnh mà ông gặp cô cũng rất đặc biệt. Đó là khi Thereza đang tuyệt vọng vì bị tai nạn và không thể múa được nữa. Cô đã tìm tới cái chết và may mắn được Calvero cứu giúp. Ông đã truyền cảm hứng cho cô bằng sự chân thành, những câu chuyện vui và hơn cả chính là khát khao biểu diễn của chính mình.
Cuối cùng Thereza trở thành một ngôi sao hàng đầu và hai người yêu nhau dù có nhiều sự khác biệt về tuổi tác hay danh tiếng lúc bấy giờ. Chính Thereza đã giúp Calvero có một buổi biểu diễn trong mơ khi khán giả tán thưởng nồng nhiệt, nhưng cô không biết rằng đấy cũng là buổi biểu diễn cuối cùng của ông...


Luci Della Ribalta - Trailer/2:03

8. The Circus ( Rạp xiếc )

 
Trong The Circus, Charlie Chaplin được làm việc dưới đúng “chuyên môn” của mình, đó là anh hề trong rạp xiếc. Cơ hội việc làm đến với Chaplin rất tình cờ và anh chàng này đôi lúc cũng biết “mặc cả” giá trị của mình với ông chủ khi anh là “hit man” của các buổi diễn. Anh đã làm thay đổi bộ mặt của gánh xiếc, đem về cho họ những khoản thu khổng lồ nhưng chuyện tình cảm của anh với cô gái cùng đoàn lại không được như ý muốn.

The Circus thu về hơn 3,8 triệu USD ( số tiền khổng lồ thời đó ) khi ra mắt vào năm 1928, giúp nó trở thành bộ phim câm đứng thứ 7 trong lịch sử điện ảnh về doanh thu chiếu rạp. Viện Hàn lâm khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ đã trao cho ông một giải Oscar danh dự cho việc diễn xuất, biên kịch và đạo diễn cho bộ phim này.


The Circus - Trailer/2:13




Cuộc đời của Chalie Chaplin

Charlie Chaplin sinh ngày 16 tháng 4 năm 1889 tại East Street (Phố Đông), Walworth, London nước Anh. Cha mẹ ông đều là diễn viên và họ li dị khi Charlie mới được 3 tuổi. Cuộc điều tra dân số năm 1891 cho thấy mẹ ông, nữ diễn viên Lily Harvey (Hannah Harriet Hill) sống cùng Charlie và anh của cậu là Sydney ở phố Barlow, Walworth. Sydney Chaplin (16/3/1885-16/4/1965) là con riêng của bà (khi đó tên là Hannah Hill) với Sydney Hawkes (hiện không có tài liệu nào về cuộc hôn nhân này). Sau khi li dị bố Charlie, bà Hannah Harriet Pedlingham Hill còn có một con trai út tên là George Wheeler Dryden (31/8/1892-30/9/1957) với George Dryden Wheeler, một nghệ sĩ ca múa nhạc. Cha của Charlie, ông Charles Chaplin Senior là người có nguồn gốc Tsygan nghiện rượu và ít quan tâm tới con cái. Hai anh em Charlie phải đến sống cùng ông và tình nhân, bà Louise sau khi bà Hannah phải vào nhà thương điên để chữa bệnh thần kinh. Khi Chaplin lên 12 thì bố cậu qua đời (năm 1901).
Sau khi bà Hannah Chaplin phải vào nhà thương điên Cane Hill Asylum, Chaplin được gửi vào trại tế bần ở Lambeth, Luân Đôn. Những năm tháng nghèo khổ này ảnh hưởng rất lớn tới những nhân vật của Chaplin sau này. Mẹ của ông mất năm 1928 tại Hollywood, vài năm sau khi được con trai mời sang Mỹ.
Chaplin đến Mỹ lần đầu tiên năm 1910 cùng với gánh hát của Fred Karno, 5 tháng sau gánh hát quay trở lại Anh. Trong lần thứ hai đến Mỹ biểu diễn năm 1912, Chaplin đã ở cùng phòng với diễn viên hài Arthur Stanley Jefferson người sau này nổi tiếng với nghệ danh Stan Laurel. Sau lần lưu diễn này, Chaplin ở lại Mỹ, diễn xuất của ông đã lọt vào mắt nhà sản xuất phim Mack Sennett của hãng Keystone Film Company và Chaplin có vai diễn đầu tiên trong bộ phim hài Making a Living ra rạp ngày 2 tháng 2 năm 1914.

Nghệ sĩ tiên phong


Charles Chaplin năm 1920
Tại hãng Keystone, Chaplin bắt đầu hoàn thiện nhân vật Sác lô của ông và cũng học rất nhanh nghệ thuật và những kỹ xảo trong việc làm phim. Anh hề Sác lô lần đầu được giới thiệu với công chúng trong bộ phim thứ hai của Chaplin, Kid Auto Races at Venice (phát hành ngày 7 tháng 2 năm 1914). Chaplin đã viết lại cảm nghĩ về những thời khắc đó trong cuốn tự truyện của ông:

"Tôi không hề có ý tưởng sẽ phải hóa trang cho nhân vật này thế nào. Tôi không thích tạo hình nhà báo như trong Making a Living. Trên đường đến phòng hóa trang, tôi chợt nghĩ mình có thể mặc một chiếc quần rộng thùng thình, mang một cây gậy và một chiếc mũ quả dưa. Tôi muốn mọi thứ phải thật mâu thuẫn, chiếc quần thùng thình đi với chiếc áo khoác chật, chiếc mũ nhỏ đi với đôi giày quá khổ. Nhớ rằng Sennet muốn tôi trông già dặn hơn, tôi đã thêm một bộ ria nhỏ. Tôi cũng không có ý tưởng gì về tính cách nhân vật của mình, nhưng vào thời điểm tôi hóa trang, trang phục và hóa trang đã làm tôi cảm thấy anh ta phải là người thế nào. Tôi bắt đầu biết mình sẽ phải diễn thế nào, và khi tôi bước ra trường quay, anh ta đã thực sự ra đời."
Charles Chaplin
Vào cuối hợp đồng với hãng Keystone, Chaplin bắt đầu đạo diễn và biên tập cho những bộ phim ngắn của mình. Những tác phẩm này ngay lập tức đã thành công và ăn khách, cho đến tận ngày nay, ta vẫn có thể xem diễn xuất của Chaplin trong những bộ phim đó. Năm 1915, Chaplin chuyển sang hãng phim Essanay Studios và phát triển hơn kỹ năng diễn xuất của ông. Năm 1916, Chaplin ký một hợp đồng khá hời với hãng Mutual Film Corporation để sản xuất khoảng một tá phim hài, trong đó ông được quyền kiểm soát gần như hoàn toàn mặt nghệ thuật của phim. 12 bộ phim đã ra đời chỉ trong 18 tháng đã trở thành những bộ phim hài có ảnh hưởng nhất ở Hollywood. Sau này Chaplin nói rằng giai đoạn ở hãng Mutual là giai đoạn hạnh phúc nhất trong sự nghiệp của ông. 12 bộ phim này sau đó được lồng tiếng vào năm 1933 bởi nhà sản xuất Amadee J. Van Beuren.

Độc lập sáng tạo


Kid Auto Races in Venice (1914): Bộ phim khai sinh cho nhân vật hề Sác lô
Sau khi kết thúc hợp đồng với hãng Mutual năm 1917, Chaplin gia nhập hãng First National để sản xuất 8 bộ phim từ năm 1918 đến năm 1923. Hãng First National chỉ đầu tư và quản lý việc phát hành còn Chaplin được kiểm soát hoàn toàn công đoạn sản xuất phim. Chaplin cho xây dựng trường quay của riêng mình ở Hollywood và sử dụng vị thế độc lập của ông để tạo nên những tác phẩm quan trọng và vẫn còn giá trị giải trí và ảnh hưởng cho đến ngày nay. Mặc dù First National mong muốn Chaplin sẽ cung cấp cho họ những bộ phim hài ngắn như ông đã làm với hãng Mutual, Chaplin lại có tham vọng sản xuất những phim truyện dài và hoàn chỉnh hơn, trong đó phải kể tới Shoulder Arms (1918), The Pilgrim (1923) và phim truyện kinh điển The Kid.
Năm 1919, Chaplin tham gia sáng lập hãng phân phối phim United Artists (UA) cùng Mary Pickford, Douglas FairbanksD. W. Griffith, tất cả họ đều đang tìm cách thoát khỏi mối liên kết ngày càng chặt chẽ giữa những nhà đầu tư và phát hành phim trong việc phát triển hệ thống trường quay ở Hollywood. Bước đi này, cùng với việc được quản lý hoàn toàn việc sản xuất những bộ phim của mình, đã đảm bảo sự độc lập của Chaplin trong việc làm phim. Ông tham gia việc quản lý UA mãi đến đầu thập niên 1950. Tất cả những bộ phim của Chaplin do UA phân phối đều là những phim truyện dài, tác phẩm đầu tiên là A Woman of Paris (1923), tiếp đó là The Gold Rush (Đổ xô đi tìm vàng) (1925) và The Circus (1928).
Vào đầu kỷ nguyên của những bộ phim có tiếng, Chaplin đã làm hai bộ phim câm nổi tiếng City Lights (1931) và Modern Times (Thời đại tân kỳ) (1936). City Lights được coi là tác phẩm của Chaplin đạt được sự cân băng hoàn hảo giữa hài kịch và phim tình cảm.
Sau đó Chaplin mới bắt đầu làm các bộ phim có thoại như The Great Dictator (Tên đại độc tài) (1940), Monsieur Verdoux (1947) và Limelight (1952).
Mặc dù Modern Times (1936) là một bộ phim không có thoại, khi chiếu rạp nó vẫn được lồng tiếng qua đài phát thanh hoặc thiết bị vô tuyến. Việc này là để giúp những khán giả của thập niên 1930, những người mới vừa từ bỏ thói quen xem phim câm, được chọn lựa việc nghe thoại hoặc không. Modern Times là bộ phim đầu tiên người ta có thể nghe thấy giọng của Chaplin. Tuy nhiên với phần lớn công chúng thì đây vẫn là một bộ phim câm vào cuối kỷ nguyên của thể loại này.
Tuy rằng những bộ phim có thoại bắt đầu thống trị điện ảnh ngay sau khi nó được giới thiệu năm 1927, Chaplin vẫn chống lại việc làm phim này trong suốt thập niên 1930 vì ông coi điện ảnh là một môn nghệ thuật "câm".

Tên độc tài


Charlie Chaplin và Paulette Goddard
Bộ phim có thoại đầu tiên của Chaplin, The Great Dictator (Tên độc tài) (1940) là sự phản đối công khai của Chaplin với Adolf HitlerChủ nghĩa phát xít, nó được quay và phát hành tại Mỹ chỉ một năm trước khi Mỹ tham gia trực tiếp vào Chiến tranh thế giới thứ II. Trong phim Chaplin đóng cùng lúc hai vai, tên độc tài Adenoid Hynkel [5], nhân vật rõ ràng lấy hình mẫu từ Hitler (kể cả bộ ria mép), và người thợ cạo Do Thái bị bọn Đức Quốc xã hành hạ. Điều thú vị là Chaplin (16.04.1889) đã sinh cùng tháng cùng năm (04.1889) Hitler (20.04.1889).

Những tác phẩm cuối

Năm 1952 Chaplin về thăm nước Anh và không bao giờ quay về sống ở Mỹ một lần nữa. Cố vấn luật của chính phủ Mỹ, Thomas McGranery, ra lệnh cho Cục di trúc Liên bang thẩm vấn Chaplin nếu ông quay về Mỹ vì ông là đảng viên Đảng cộng sản và dù đã sống tại Mỹ 40 năm ông vẫn là công dân Anh.[6] Ông sống ở Vevey, Thụy Sỹ và chỉ trở về Mỹ một thời gian ngắn vào tháng 4 năm 1972 để nhận giải Oscar Thành tựu trọn đời.
Hai tác phẩm cuối cùng của Chaplin được làm tại Luân đôn, bộ phim A King in New York (1957) trong đó ông tham gia diễn xuất, biên kịch và đạo diễn, bộ phim A Countess from Hong Kong (1967), có sự tham gia của Sophia LorenMarlon Brando, trong đó Chaplin xuất hiện lần cuối cùng trên màn ảnh với một vai nhỏ.
Trong cuốn tự truyện My Life in Pictures xuất bản năm 1974, Chaplin nói rằng ông đã viết kịch bản phim The Freak để dành riêng cho con gái út của ông, Victoria, trong đó cô sẽ đóng vai một thiên thần. Tuy nhiên bộ phim phải ngừng lại vì Victoria lấy chồng và sau đó tuy vẫn muốn tiếp tục làm phim nhưng sức khỏe suy sút quá nhanh đã khiến Chaplin không bao giờ thực hiện được bộ phim này.
Vào thập niên 1970, Chaplin viết nhạc và âm thanh cho những bộ phim câm của ông và tái phát hành chúng, trong số này có The KidThe Circus.
Tác phẩm hoàn chỉnh cuối cùng của ông, phần âm thanh cho bộ phim A Woman of Paris (1923) được hoàn thành năm 1976, chỉ 1 năm trước khi Chaplin chết .

Cái chết


Chaplin thường xuyên bơi, chơi tennis, hút thuốc rất ít và thỉnh thoảng mới uống rượu. Tuy nhiên sức khỏe của ông vẫn ngày càng sa sút kể từ cuối thập niên 1960 sau khi ông hoàn thành bộ phim cuối cùng A Countess from Hong Kong. Trong những năm cuối đời ông ngày càng yếu và qua đời trong khi đang ngủ vào đúng ngày Giáng Sinh năm 1977 tại Vevey, hưởng thọ 88 tuổi. Ông được chôn tại nghĩa trang Corsier-Sur-Vevey ở Vaud, Thụy Sỹ. Ngày 1 tháng 3 năm 1978, di hài của ông đã bị một toán công nhân cơ khí người Ba Lan và Bulgary lấy trộm để tống tiền gia đình Chaplin. Kế hoạch của chúng bị bại lộ, những kẻ ăn trộm bị bắt, còn di hài Chaplin được tìm thấy 11 tuần sau đó ở gần hồ Genève. Để ngăn chặn những âm mưu tương tự, di hài Chaplin được cải táng dưới một tầng bê tông dày gần 2 mét...