Mở
đầu cho những thiên truyện về cha là mối tình bất tử, căn nguyên hình
thành tuyệt phẩm "Dạ cổ hoài lang" của người nhạc sĩ nổi tiếng và những
năm tháng sống trong lòng địch bằng tiếng đờn bất hủ.
NHẠC SĨ CAO VĂN LẦU
Những mối tình dang dở của anh nghệ sĩ nghèo
Trong
buổi tiếp xúc với chúng tôi, ông Cao Văn Hoai (phường 2, TP. Bạc Liêu) ở
tuổi 89, quay về những tháng ngày sống cùng người cha đầy tự hào của
mình qua những ký ức không thể nào quên. Kể về những tháng năm đầu đời
của cha, ông Hoai cho biết ông Cao Văn Lầu sinh tại Long An, trong một
gia đình nông dân nghèo đông con và sớm chịu tháng ngày ăn nhờ ở đậu
trong chùa khi chưa đầy 8 tuổi và chỉ được cha gọi về khi đủ điều kiện
để cho đi học. Chính trong thời điểm này, năng khiếu trời ban về nghề
đàn được ông bộc lộ, trang đời khởi đầu của một huyền thoại bắt đầu từ
đây.
Kể
về năng khiếu trong nghề đàn của cha, ông Hoai kể: "Thời điểm này,
trong xóm Rạch Ông Bổn có thầy đàn nổi tiếng tên Lê Tài Khí, thường gọi
là Nhạc Khị là một thầy đàn có tài năng thiên phú. Cha tôi kể lại, đây
là một bậc kỳ nhân. Hai mắt bị mù từ trong bụng mẹ, không có răng, không
có râu, chân có tật nhưng đổi lại ông có một trí nhớ phi thường. Chỉ
cần nghe qua một lần là Nhạc Khị đã thuộc từng nốt nhạc và chơi lại rành
rọt".
Sau
những lần được nghe vị kỳ nhân này chơi đàn, Cao Văn Lầu đã nhận thấy
rằng cả cuộc đời mình sẽ gắn với tiếng đàn. Ông quyết tâm theo học thầy
Nhạc Khị khi vừa tròn 14 tuổi. Cuối cùng, tuổi nghề đã chín, năm 1912,
Cao Văn Lầu được cất nhắc đi hát cùng Sáu Thìn, cô ba Phấn. Từ đây,
những trang tình ái đẫm nước mắt của ông bắt đầu. Trước tiên là những
lời đồn về việc ông có tình cảm với cô ba Phấn, một đào hát tài danh lúc
bấy giờ.
Với
nghệ thuật cải lương, cô ba Phấn được biết đến như một ngôi sao chợt
vụt sáng rồi tắt lịm không rõ sống chết thế nào. Chia sẻ với chúng tôi
về câu chuyện tình kỳ bí này, ông Cao Văn Hoai khẳng định: "Mối quan hệ
giữa cha tôi và cô dừng ở tình đồng nghiệp hay là tình nhân thì tôi
không rõ, vì sinh thời cha tôi không nhắc đến".
Tuy
nhiên khi nhắc đến những mối tình của cha ông mà ông từng được nghe,
ông vui vẻ chia sẻ: "Khi còn sống, cha hay nhắc đến mối tình đầu của
ông với cô Hai Sang, con gái thầy Nhạc Khị. Đây là một trong những mối
tình mở ra những trang tình ái đẫm nước mắt của cha tôi". Được biết,
suốt bốn năm học đàn ở nhà thầy Nhạc Khị, ông Cao Văn Lầu được dịp gặp
gỡ với cô Hai Sang, con gái của thầy. Hai bên mến tay mến chân" lúc nào
không hay. Tình cảm hai người e ấp, ngượng ngùng giây phút ban đầu nhưng
ngày càng mãnh liệt".
Chuyện
đến tai thầy Nhạc Khị, ông vui vì cô con gái rượu nhằm được thằng học
trò chính trực, chung thủy, lại chịu khó và cầu tiến. Thế nên, ông nhiều
lần đánh tiếng với ông Cao Văn Giỏi, trông chờ trầu rượu đưa sang ngỏ
ý. Thế nhưng, ông Giỏi lòng mang nặng tư tưởng phong kiến, xem trọng môn
đăng hộ đối và hợp tuổi tác. Ông kiên quyết chối từ mối tình con trẻ
chỉ vì "Cha tôi hơn cô Hai Sang ba tuổi, theo sách vở tử vi hai người
không hợp tuổi. Phần nữa, ông nội tôi rất coi trọng môn đăng hộ đối, nội
thiết nghĩ nhà thiếu trước hụt sau, không đủ tiền dạm hỏi, không đủ lễ
vật đưa sang nhà gái chỉ làm mất mặt gia đình", ông Hoai cho biết.
Về
mối tình trên, các bậc lão niên sống xung quanh khu di tích tưởng nhớ
ông cho biết: Hai người chờ đợi gần hai năm. Thầy Nhạc Khị nóng lòng sợ
con gái lỡ mất tuổi xuân mà nhà trai vẫn không đổi ý nên gọi anh trò
giỏi qua nói chuyện cả một ngày. Trong buổi nói chuyện này, thầy Nhạc
Khị khuyên học trò quên đi mối tình ngang trái để tìm duyên mới và cũng
để cô Hai Sang nhẹ lòng mà đi lấy chồng. Nghe lời thầy, Cao Văn Lầu cắn
răng lãng quên và rồi chỉ vài tháng sau, anh được tin người tình đi lấy
chồng.
Ngày
cô Hai Sang đi lấy chồng, Cao Văn Lầu lầm lũi đi đờn khắp xóm trên làng
dưới, mang tiếng đờn buồn da diết đến mọi nơi. Tình đầu tan vỡ, Lầu
không mảy may đến chuyện vợ con. Ông Giỏi thấy vậy lo lắng nhờ người mai
mối khắp nơi. Cuối cùng, danh cô Tấn ở điền Tư Ô nết na, ngoan hiền,
giỏi giang cũng làm đẹp lòng ông bà Chín Giỏi (tên tục của cha mẹ Cao
Văn Lầu). Những tưởng ưng thuận lấy vợ theo lời cha mẹ thì sẽ không còn
gặp cảnh chia lìa, nhưng không ngờ ông lại phải chịu thêm một lần nỗi
đau chia cắt vì "ở chung với nhau ba năm mà không có con". Gia đình Cao
Văn Lầu ép con bỏ vợ. Đó cũng chính là nguồn cơn của thiên tuyệt tác “Dạ
cổ hoài lang”.
Ông Cao Văn Hoai (bên trái) kể lại những mối tình của cha (Ảnh: Ngọc Lài)
Ngày trả dâu đẫm nước mắt và "Dạ cổ hoài lang" bất hủ
Các
cụ bà sống gần khu di tích kể lại rằng ngày gia đình ông Giỏi "trả"
dâu, đôi vợ chồng trẻ lặng lẽ đi bên nhau qua cánh đồng trơ gốc rạ không
nói được lời nào. "Khi đến ngõ vào nhà mẹ vợ, không nén được lòng, ông
ngập ngừng nói: "Tôi và mình coi như có duyên mà không phận, đã nên
nghĩa vợ chồng, ở với nhau ba năm mà chưa có được mặt con. Tôi vì chữ
hiếu mà không trọn tình trọn nghĩa với mình, mình cứ hờn trách nhưng
đừng đau buồn héo gầy thân xác, kẻo tôi mang tội về sau", rồi hai người
giã biệt.
Về
việc này, ông Hoai cũng như người dân sống tại phường 2 (TP. Bạc Liêu)
khẳng định về nhà ông Cao Văn Lầu, lòng cứ bồn chồn lo lắng, mỗi khi ông
chợp mắt, hình dáng mỏng manh của vợ lại lấp đầy khoảng vắng thinh
không gian phòng nhỏ. Nước mắt của người đàn ông sầu muộn lại tuôn trào.
Một tuần sau đó, khuya nào người nhà cũng thấy ông lấy một quyển vở và
ôm đàn ra ruộng ngồi một mình. "Trăng cuối tháng, nằm chênh vênh chân
trời phía tây, bóng cha tôi ngả dài, đơn độc giữa đêm vắng. Mấy đêm, cha
ngồi như thế, hết đờn rồi lại ghi ghi chép chép chỉ có tiếng trống canh
từng hồi chờ sáng bầu bạn với cha. Đó là ngày “Dạ cổ hoài lang” được
khai sinh từ nỗi đau của con người sống mà như đã chết", ông Hoai chia
sẻ.
Nhưng
cái ngày “Dạ cổ hoài lang” vượt ra từ nỗi đau riêng để trở thành thiên
tác là ngày tết Trung thu năm 1918. Theo nhiều tài liệu còn ghi lại, hôm
ấy, ông cùng các bạn đồng môn đến thăm thầy Nhạc Khị, luôn tiện đưa
bài nhạc và lời ca mới sáng tác trong mấy đêm trăn trở nhớ thương vợ
hiền cho thầy xem. Không ngờ, Nhạc Khị đã nhận định nỗi đau ấy như một
kiệt tác. Đêm hôm đó, có nhà sư Nguyệt Chiếu (một người tinh thâm Hán
học và nhạc cổ truyền) tham dự, biết bài hát chưa đặt được tên, ông ngỏ ý
muốn đặt thay: "Bản nhạc và lời ca của cháu Lầu tuy còn vài điểm bất
nhất nhưng cái chung vẫn diễn tả được tâm tư của nàng Tô Huệ. Vậy cứ
theo tích này mà đặt tên chung cho bản nhạc và lời ca là "Dạ cổ hoài
lang" (Nghe tiếng trống đêm nhớ chồng)".
Lập
tức, bài ca được truyền đi nhanh chóng bởi giai điệu lời ca không chỉ
là tâm trạng nhớ nhung tình cảm vợ chồng riêng tư mà là tâm trạng chung
của người dân Nam Bộ lúc bấy giờ, cảnh chồng vợ chia lìa khi phong trào
Cần Vương thất bại. Bài ca được giới mộ điệu Cải lương gần xa tôn thành
bài ca Vua. Từ đó, mỗi bản vọng cổ hay tuồng cải lương đều lấy giai điệu
bản “Dạ cổ hoài lang” làm gốc mà phát triển.
Gia sản lớn nhất của cha chỉ một bản “Dạ cổ hoài lang” và hai cây đàn
Chia
sẻ về những tài sản còn lại của gia đình sau những năm giặc dã, ông Cao
Văn Hoai nhận định: "Đối với tôi cũng như cha, gia sản lớn nhất của ông
và gia đình chỉ đơn giản là một bản “Dạ cổ hoài lang” và hai cây đàn
của ông. Trong những năm chạy giặc, cha giao cho tôi bảo vệ hai cây đàn
bao gồm một cây đàn kìm và một cây đàn tranh. Ông kỹ lưỡng quấn chúng
lại trong một túi vải đưa tôi và căn dặn như một sự ủy thác cho công
việc nặng nề: "Có chết cũng phải cố giữ nó tới cùng nha con". Tôi hiểu
tâm sự của ông nên quý hai món bảo vật ấy như tính mạng của mình. Trên
đường chạy giặc, không khi nào hai cây đàn rời khỏi vai tôi. Đi trời
nắng, tôi cởi áo bọc thêm cho nó, qua sông, lội kênh, lội rạch tôi giơ
hai tay để nó trên đầu mà đi"
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TƯỞNG NIỆM NHẠC SĨ CAO VĂN LẦU
|