Bài
viết nầy con xin kính dâng lên hương linh của má, người
mẹ quý yêu cũng là người phụ nữ bất hạnh đã cắn
răng chịu đựng nổi đau khổ
một mình suốt cuộc đời chỉ vì: nuốn giử cho
các con có 1 người cha kính
yêu.
Năm nay chuyến đi về thăm quê hương
của tôi có nhiều đặc biệt và có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được trong suốt cuộc
đời, vì tôi đã tìm ra câu trả lời cho sự thắc mắc của mình trong bao năm qua từ
khi tôi bắt đầu có ý thức cuộc sống xung quanh.
Quê hương nơi tôi được sinh ra là
một thị trấn hiền hòa có con sông chảy dài với những ngôi nhà lá trong sóc Miên,
buổi trưa hè với tiếng gà cục tác bên lủy tre cùng gió lượn vờn qua những cánh đồng
lúa. Tuy nhiên với nhịp độ phát triển và thay đổi ở Việt Nam
ngày nay, lần lượt những ngôi nhà lá dần dần thay đổi. Những cánh đồng lúa đã trở
thành những ao hồ nuôi tôm xú. Nhưng bản chất hiền hòa của người dân xứ Lịch Hội
Thượng vẫn còn đó.
Buổi sáng tiếng máy ghe vẫn còn nổ
dòn chạy trên con sông ở Đầu Giồng và dòng sông bây giờ được mở rộng hơn xưa
nhiều nuốt chửng luôn 2/3 diện tích trại cây một thời vang bóng của gia đình tôi.
Khi tôi viết những dòng chử nầy cũng là
mùa Vu Lan, mọi người dù còn mẹ hay không
thì thời gian nầy cũng làm cho mình có một chút xao xuyến trong lòng với tình mẹ
bao la như trong bài hát Lòng Mẹ mà tôi
rất thích nghe.
Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào,
Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào,
Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu.
Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu.
Tình Mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ.
Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ.
Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ.
Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào,
Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu.
Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu.
Tình Mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ.
Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ.
Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ.
Hình ảnh mẹ trong lòng tôi không
bao giờ phai nhòa dù mẹ đã ra đi hơn 20 năm qua. Cũng như tôi không quên được những
đau khổ mẹ tôi đã chiụ đựng mà tôi đã từng chứng kiến. Những lần mẹ tôi cải vả
với cha cũng vì “người đàn bà ấy” và sau đó mẹ phải dẩn tôi chạy trốn những trận
đánh đập của cha tôi. Cũng vì vậy những hình ảnh đó đã gắn chặt trong tim tôi và
đã làm cho khoảng cách giửa 2 cha con tôi càng ngày càng xa, dù trước đó tôi từng
là đứa con được cha cưng nhứt nhà.
Nhớ lại mẹ tôi hay thường xuyên
than nhức đầu và có lần lúc tôi khỏang 6 tuổi nghe lóm mẹ tâm sự với người bạn:
“tôi chưa bao giờ nói xấu ba tụi nó cho tụi nó nghe vì tôi muốn tụi nó thương
ba tụi nó, tôi hy sinh vì con”
Với cái tuổi thơ ngây đó tôi không
thắc mắc hay tìm hiểu về câu nói nầy của mẹ. Sự hy sinh của mẹ tôi thể hiện qua
việc hy sinh hạnh phúc của mình, khi các con đến tuổi phải lên trên tỉnh học mẹ
đã bỏ tất cả để đi theo lên Sóc Trăng ở để lo cho các con dù biết rằng việc làm
nầy đã làm cho mẹ mất đi tất cả.
Vâng! mẹ tôi đã bị mất tất cả và cho đến hôm nay tôi mới nhận biết rỏ sự mất mát
nầy cùng nguyên nhân căn bệnh nhức đầu của mẹ.
Từ lâu tôi đã thắc mắc trong lòng
nhưng không biết tìm sự thật nơi đâu, mãi đến gần đây cũng nhờ diển đàn CHS trường
cho tôi cơ hội liên lạc với đồng hương và nghe được lời bị đặt của người đàn bà ấy “đã tự hào do mẹ tôi cưới cho
cha tôi” . Chuyện nầy tôi chưa bao giờ nghe ai trong gia đình hay dòng họ nhắc đến
từ trước đến nay, vì thế đã làm tăng sự thắc mắc trong tôi nhiều hơn và quyết định
đi tìm sự thật.
May mắn cho tôi, người cô họ dù đã
97 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn và nhớ rất rỏ chuyện đau lòng của mẹ. Vì chuyện nầy
có thể duy nhứt chỉ xảy ra trên thế gian nầy cho nên gây ấn tượng làm cho cô Hai
không thể quên được.
Trước đây tôi cứ tưởng cha tôi có
quan hệ với người đàn bà ấy sau khi mẹ tôi sinh người chị thứ sáu, vì con trai đầu
của bà ta có với cha tôi sinh sau chị sáu của tôi 1 năm. Tuy nhiên tôi lại không
hiểu sao cha tôi lại có thể dự đóan được để đặt ghép tên cho anh trai thứ tư của
tôi (anh hai đã mất khi còn nhỏ) và con trai bà ta cho có ý nghĩa với nhau.
Lần về Việt Nam
năm nay tôi sắp xếp có nhiều thời gian lưu lại nhà cô Hai mong tìm hiểu về thắc
mắc của mình và tôi đã được toại nguyện. Con gái tôi đã oà khóc khi nghe cô Hai
kể lại sự đau khổ mà mẹ tôi đã chịu đựng do người đàn bà ấy gây ra. Chuyện mà
con tôi nghĩ chỉ có thể xảy ra trong tiểu thuyết mà thôi. Vì đưọc sinh ra trong
một đất nước tự do và nhân quyền cùng việc phụ nữ bị bạo hành trong gia đình được
luật pháp bảo vệ triệt để, cho nên con tôi quá bàng hoàng khi nghe chuyện đó đã
xảy ra cho bà ngọai của mình.
Với tôi thì hình ảnh người cha cả
đời hy sinh vì các con, người trọng chử tín và được mọi người kính nể đã ăn sâu
trong tâm khảm của tôi, vì thế tôi rất đau
đớn khi nghe chuyện đau lòng của mẹ.
Mẹ tôi là con gái út của 1 ông
Bang Triều Châu giàu có mà cha tôi đã gặp mặt trong 1 lần đi mua hàng và đã hỏi
xin cưới mẹ tôi. Ngày đó phương tiện chuyển còn quá nghèo nàn từ quê cha đi dến
quê mẹ dù chỉ có gần 50 cây số, nhưng rất gian nan vì phương tiện giao thông ít
ỏi phải đi bộ hay bằng thuyền. Ngày cưới ông ngọai đã cho mẹ 1 chiếc ghe lường
và cặp trâu làm của hồi môn.
Mẹ về làm dâu lúc ấy bà nội đã mất
sớm, nhà ông nội cũng không khá giả cho lắm cho nên mẹ đã chịu cực khổ tảo tần
cùng cha mưu sinh. Có lần tôi nghe mẹ than với bạn “lúc đó nghèo nên không có áo
quần lành lặn để bận, đứng giả gạo mà áo rách hết và em chồng chỉ chỏ khúc khít cười,
khi có tiền thì chồng có vợ bé còn đem anh em chồng vô cầm quyền”. Ngày nay chính
cô Hai kể lại cho tôi nghe chuyện nầy, vì chính cô đã chứng kiến cảnh mẹ đứng
giả gạo mà trên mình áo rách nát, cô Hai cầm lòng không được nên hỏi mẹ sao
không bận áo lành lặn. Trong nét mặt mẹ buồn thiu mẹ trả lời chỉ có chiếc áo nầy
thôi và sau khi giả gạo xong muốn đi vô chợ phải mượn quần áo của người ta để bận.
Cô Hai nói với tôi: Má con là con gái ông bang giàu có, chính cô có đến nhà ông
ngọai con nhưng khi về làm dâu phải chịu cực như vậy!
Sau khi cha mẹ tôi trở nên giàu có
thì cũng là lúc đám mây đen kéo đến che lên hạnh phúc của mẹ, lúc đó chồng của người
đàn bà ấy bị chết và bà ấy trước khi lấy chồng thì từng ở cùng làng với cha nên đã đến
phụ giúp trong đám cưới của cha mẹ tôi. Có lẻ lúc đó gia đình cha tôi nghèo nên bà ta
đâu có để tâm dòm ngó đến cha.
Bà mẹ chồng bà ấy sau khi con
trai duy nhứt qua đời đã đem nàng dâu gạ cho cha tôi lấy làm vợ lẻ, vì sợ cháu nội
bà ta không ai cưu mang.
Lúc đầu cha từ chối và kể lại cho
mẹ nghe, nhưng sau khi người đàn bà ấy mướn nhà mở tiệm may ngay trên con đường
nhỏ gần nhà con đường mà hằng ngày cha tôi đi về từ trại cây của gia đình cho nên
sáng chiều đều thấy mặt bà ta, và giông tố đã ập vào mẹ tôi.
Một hôm cha ghé vào tiệm đặt may
quần áo rồi sau đó cha đã vướng vào lưới tình với bà ta, là một người đàn ông
trọng chử tín và có lương tâm cha tôi không thể nào rủ áo ra đi và càng ngày càng
lún sâu vào si mê không thể bỏ bà ta được.
Cô Hai
kể: ”Một thời gian dài sau đó, ba con cứ đánh má con hoài và ép phải đưa ra 2 chỉ vàng tặng cho bà ấy, má
con không chịu thì bị đánh cứ chạy đến khóc với cô. Thấy má con bị đánh hoài cô
nói thôi cứ kiếm vàng đưa cho ổng cho rồi, chứ để bị đánh hoài chịu sao nổi. Nhưng
khi đưa vàng cho ba con xong thì ổng không chịu nửa mà đánh má con tiếp, và bắt
má con phải đích thân tặng cho vợ bé của ba con trong ngày bà ấy cúng cơm cho
chồng trước”.
Bây giờ thì tôi đã hiểu từ đâu người
đàn bà đó dám đặt điều rêu rao mẹ tôi đứng ra cưới bà ấy cho cha tôi, vì đó là
mưu đồ chiếm đoạt chồng người khác mà bà đã dùng và ép cha tôi thực hiện.
Nghe đến đây nước mắt tôi rơi rất
nhiều khi nghĩ đến lúc ấy chắc mẹ tôi đau lòng lắm vì bị chồng phản
bội đã rất đau, huống chi còn bị đánh đập và ép làm chuyện quá tàn nhẫn như thế.
Trong khi quê nhà thì xa xôi, cha mẹ không còn, anh chị đều lập gia đình riêng
chung quanh chỉ có họ hàng nhà chồng cho nên chỉ biết chạy đến cầu cưú với cô
Hai. Vì các con còn nhỏ mà mẹ đã phải chịu đựng và trong suốt cuộc đời chưa hề
nói ra sự việc nầy cho các con nghe vì muốn chúng tôi có 1 hình ảnh người cha yêu
quý trong lòng.
Sau khi mẹ lên tỉnh sống với các
con, cha xin mẹ cho bà ấy dọn về ở chung để săn sóc cho cha vì ngôi nhà rộng thênh
thang chỉ có mình cha và bà tổng khậu, tôi còn nhớ rỏ buổi nói chuyện của cha với
mẹ về việc nầy mà tôi đã chứng kiến. Trước đó dù đã có con với cha nhưng bà ấy
vẫn phải ở tại nhà bà mẹ của chồng trước với đứa con riêng. Vì thương cha ở 1 mình
lở khi đau ốm nửa đêm không ai biết và cũng vì lúc ấy bà ta tỏ vẽ kính trên nhường
dưới với mẹ, cho nên mẹ tôi đã lầm. Và với bàn chất hiền lành tốt bụng mẹ tôi đã
đồng ý cho bà dọn về săn sóc cho cha, sự tốt bụng của mẹ đã làm cho mẹ mất tất
cả.
Sau khi chính thức dọn về ở với
cha tôi tại quê nhà, từ từ bà ta đã chiếm hưũ cha tôi và mẹ chỉ còn là một chiếc
bóng trong quá khứ của cha. Bà ấy đã ngang nhiên thêu dệt câu chuyện mẹ tôi đứng
ra cưới vợ bé cho chồng còn nhường hẳn căn nhà do mẹ tảo tần gầy dựng cho bà
ta. Để đến bây giờ có nhiều người thắc mắc hỏi tôi việc nầy và giúp tôi đi tìm sự
thật nổi đau của mẹ, cũng như sự uất ức mẹ đã chịu đựng một mình trong bao năm dài
của cuộc đời.
Sau 30/4/1975 cha tôi bị mất của cải rất nhiều và bị liệt vào
thành phần tư bản mại sản, các cơ sở kinh doanh của gia đình đều bị đóng cửa. Cũng
vì vậy, bộ mặt thật của bà ta mới hiện ra vì nghĩ rằng cha tôi đã hết thời, bà ấy
không còn săn sóc cho cha tôi như trước nữa. Có lần tôi về thăm cha, thấy cha 1
mình ở nhà lục cơm nguội để ăn vì bà ấy bỏ đi đâu đó. Dạo ấy cha tôi rất khủng
hoảng và buồn lắm, cha đã than với người bạn thân là cha đã lầm bà ta bởi vì trước
đây cha tưởng bà ấy rất hiền “cắn hột cơm còn không bể”.
Nhớ lại vào năm 1972, mùa hè năm ấy
tôi về ở với cha trong ngôi nhà mà tôi đã được sinh ra. Nơi mà trong kỳ ức tôi
vẫn còn hình ảnh mổi buổi tối cha mẹ ngồi nói chuyện với nhau về các con, còn tôi thì nằm sấp trên chiếc ghế
trường kỹ và cha đã ghẹo tôi ” coi con ếch nằm kìa”.
Một hôm cha dẩn tôi đi chợ rồi nói
khẻ với tôi: “con đừng buồn, tại tụi nó có mẹ còn con thì không có mẹ ở đây!”
Sau khi cha nói vậy thì tôi đã hiểu
cha đã biết hết việc bà ta và các con của bà ấy ăn hiếp và hành hạ tôi không khác
gì trong chuyện Phạm Công Cúc Hoa, và có lẻ cha đã thấy tôi lặng lẽ khóc một mình
vì nhớ mẹ nhưng cha bất lực không dám bênh tôi trước mặt bà ta.
Lúc đó với cái tuổi mộng mơ như lời
nhạc của Phạm Duy “em ước mơ gì tuổi mười hai tuổi mười ba” thì niềm mơ ước của
tôi lúc ấy chỉ muốn bà ta và đám con của bà ấy biến mất trong gia đình tôi. Cho nên khi sau 1975 nghe đồn chính quyền mới
sẽ bắt các bà vợ bé đem đi vì vậy tôi rất hy vọng trong lòng, và đó cũng là động
lực làm cho tôi học hành rất tiến triển. Tuy nhiên tôi chờ hoài mà chẵng thấy
ai tới mang bà ấy đi.
Sau đó không lâu, một đêm vào năm
1977 cha bị tai biến mạch máu nảo. Trong nhà chỉ có bà ta và các con bà. Cô Hai
nói: khi hay tin cô đến liền thì thấy tất cả các cửa tủ trong nhà mà cha tôi cất
giử chìa khoá đều bị mở tung ra hết, còn cha thì đang nằm hôn mê trên giường. Khi
chị tôi đến coi lại thì mới biết tất cả tiền và vàng của cha tôi đã không còn nữa
các tủ đều trống không.
Cha tôi chết! một người được mang
danh ông vua xứ Lịch mà khi nhắm mắt trong nhà không có 1 đồng. Trong những ngày
đám tang của cha, mẹ tôi một tay quán xuyến hết còn người đàn bà đó thì lẩn tránh
trong phòng với các con của bà ta. Sau nầy nghe đồn rằng trong lúc cha tôi hấp
hối, đêm ấy người con dâu của bà ta mang 1 giỏ vàng đi gửi cho bà con của bà ấy và
sau đó vào một đêm tối rắn đã vào nhà cắn người bà con đó. Khi biết rằng mình không
kịp gặp mặt bà ta trước khi chết, nên người bà con nầy đã trối lại cho con dâu
của mình nơi chôn vàng của bà ấy gửi và con dâu người nầy đào vàng lên lấy hết
trước khi bà ấy đến và đem gửi cho bà ngoại cô ta. Số vàng đó sau nầy bị tiêu
tan hết trong tay người dì của cô con dâu đó. Đến bây giờ việc nầy con lưu truyền ở quê cha.
Sau khi đám tang cha tôi đến nay,
tôi không hề gặp lại bà ta dù gần 30 năm qua tôi và bà ấy cùng hít thở chung bầu
không khí của một đất nước tự do. Tôi tự hỏi khi hay tin con gái của mình bị chồng
đánh đập trong lương tâm của bà ta có một chút gì hối hận về tội lỗi của mình đã
gây ra cho mẹ tôi không? Và hơn hai mươi năm qua cha mẹ tôi đã nằm kề bên nhau
trong khi bà ấy sinh sống ở một đất nước xa xôi với các con, bà ấy có nghĩ rằng
việc nầy đã minh chứng cho thấy lời trong kinh thánh thường dạy “những gì thiên
chúa đã sắp đặt thì loài người không thể phân chia” là đúng, dù ngày xưa bà ấy
cố tình chia rẻ cha mẹ tôi nhưng đến cuối cuộc đời, cha mẹ tôi vẫn mãi bên nhau
trong khi bà ấy cô đơn nơi xứ người.
Trước khi rời khỏi quê hương tôi đã
đứng thật lâu trước mộ cha mẹ, tôi nói với mẹ trong những giọt nước mắt: “má ơi,
con xin lỗi đã không có cơ hội chia sẽ nổi đau của má, mãi đến nay con mới hiểu
được thì má không còn nữa. Có nằm trong hoàn cảnh như má mới hiểu được nổi đau
như thế nào, không biết các chị con có thấu hiểu được cái đau của má không?”
Hôm nay là ngày đầu tiên của mùa
xuân trên xứ người, ở đây chỉ có hoa Mai đỏ nhưng sáng nay ra vườn tôi thấy cây Mai của tôi nở
ra một bông mai vàng, phải chăng đó là nụ cười của người mẹ quá cố của tôi vì nổi
uất ức của mình đã được chia sẽ.
Con g ái của mẹ