Monday, November 19, 2012

Công việc và đời sống ở hải ngoại



Đừng che dấu tình yêu và sự dịu dàng của mình cho đến khi nào bạn lìa đời. Hãy làm cuộc đời bạn tràn đầy sự ngọt ngào. Hãy nói những lời thân thương khi bạn còn nghe được và tim bạn còn rung động. Theo Henry Ward Beecher
Nhân đọc bài viết của một anh bạn tên Ngô Khôn Trí đăng trên Tuần Tin Montreal, số 63 ra ngày thứ bảy 26-10 năm 2012 về sự quân bình giữa công việc và gia đình, tôi muốn góp nhặt vài kinh nghiệm nhỏ của cá nhân mình hầu chia sẻ cùng quí vị đồng hương trong lúc trí nhớ còn tốt.
Anh Trí đề nghị mỗi cá nhân phải có một đời sống đầy đủ, cuộc sống êm đẹp đầm ấm trong gia đình thì mới thành công trong công ăn việc làm…Anh cho rằng “Sống trong một xã hội phát triển việc điều chỉnh thời gian cần thiết cho công việc với thời gian quí báu dành cho cuộc sống riêng tư gia đình quả thật là một thử thách lớn đối với mọi người dân. Sự mất quân bình này có thể là nguồn gốc chính sinh ra bệnh stress, gây ra nhiều bất mãn, không những làm giảm hiệu suất lao động mà còn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Khi việc nhà được giải quyết êm đẹp thì người ta ít lơ đãng trong công việc, năng suất lao động ở hãng xưởng cũng nâng cao. Ngược lại khi mà công việc ở hãng xưởng được tổ chức tốt đẹp thì người ta cảm thấy vui vẻ về nhà, quan tâm nhiều đến hạnh phúc. Có thể nói quân bình giữa công việc và đời sống cá nhân là chỉ số sức khỏe của người dân trong xã hội phát triển…
Tôi nghĩ lý luận của anh Trí hoàn toàn đúng cho mọi người dân trong giới công chức, trong những tập thể với công đoàn bảo vệ công nhân và trong xí nghiệp tư ít bị cạnh tranh trên thương trường.
Khi còn trẻ chúng tôi rất say mê công việc trong những hãng tư. Đến nỗi chúng tôi mang sự đam mê đó về nhà. Cuối tuần hay mỗi khi rảnh rỗi chúng tôi làm thiết kế, họa đồ để trang trí và tu sửa nhà cửa. Chúng tôi yêu công việc nhiều đến nỗi nó gần như hòa quyện vào cuộc sống cá nhân tôi. Như nhiều người khác trong sự nghiệp chúng tôi đã trải qua nhiều việc khác nhau cố tranh đấu để được lên chức bằng niềm đam mê công việc mặc dù rất mệt mỏi. Chính niềm đam mê này làm chúng tôi hứng thú trong việc duy trì hạnh phúc gia đình. Lúc đó sức khỏe còn tốt chúng tôi xem việc căng thẳng trong công việc như là một điều tất yếu cho cuộc sống và nó ảnh hưởng rất ít đến sức khỏe hơn lúc về già. Nhưng dần dà rồi tuổi già kéo đến và tình huống xã hội và kinh tế bây giờ hoàn toàn khác hẳn…
Xã hội ngày nay với đời sống đắt đỏ người tiêu thụ ai cũng muốn giảm chi phí tiêu xài lại. Chẳng hạn chi phí về telephone và long-distance giảm rất nhiều so với 20 năm trước, một phần nhờ kỹ thuật IP tối tân. Một cái máy Tivi 52 in LCD mua 3,000 đô  năm 2008 trước đây bây giờ trị giá 1,000 đô. Giá cả xe hơi cũng đứng lại hay giảm nữa là khác. Năm 1990 mua một vé máy bay về VN là 1,800 đô US. Ngày nay chúng ta chỉ trã khoảng 1,500 đô sau 22 năm. Chỉ có giá nhà địa ốc là tăng nhiều vì lạm phát về tiền lương nhân công. Tóm lại nhờ vào sự cạnh tranh giữa các xí nghiệp và giữa các quốc gia tân tiến đã làm món hàng/dịch vụ càng ngày càng rẻ hơn. Có nghĩa là nhân công bắt buộc phải làm nhiều hơn, một cách hiệu quả và nhanh chóng hơn (productive) ngày xưa…
Các giới lãnh đạo của những xí nghiệp lớn luôn dùng những từ ngữ “đao to búa lớn” như một liều thuốc phiện để khuyến khích nhân viên hiến dâng làm việc đêm ngày hầu đạt được hoặc vượt năng suất chỉ định.  Một phó chủ tịch hãng điện thoại lớn nhất Canada ông Tony Steffiery hàng năm hợp hàng trăm (450) nhân viên để tường trình thành tích tài chính trong năm của hãng. Ông nói : “Với thành tích tài chính xuất chúng (outstanding) của hãng, tôi rất thán phục và khen ngợi sự hy sinh của các bạn đã bỏ công bỏ sức để hoàn thành nhiệm vụ giao phó. Không những vậy các bạn đã vượt hẳn năng suất hoạt động đề ra của ban Giám đốc năm ngoái.  Đại diện cho hãng tôi xin gửi lời cảm ơn đến tất cả các bạn và đừng quên chúng ta cần phải lo quân bình cuộc sống cá nhân và tập thể”. Tôi là một cá nhân của tập thể ấy. Trong thâm tâm chúng tôi nghĩ các sếp lớn cần tìm mọi biện pháp đem nhiều lợi tức vào cho hãng thì sẽ được nhiều tiền thưởng (sale bonus).  Trong khi chúng tôi chỉ là bần dân đứng đàn sau hậu trường tính toán tài chính sao cho dự án lời nhiều. Ruốt cuộc rồi các sếp hưởng trọn phần mồi béo bổ. Chúng tôi chỉ được xem như “unsung heroe”.
Mỗi sáng chúng tôi đã có mặt tại sở lúc 7:00 và ít khi tôi ra khỏi hãng trước 16:00, tức là tôi đã làm công không lương cho hãng hơn nửa tiếng mỗi ngày. Đầu năm nay chúng tôi phải làm việc với nhiều cố gắng phi thường hầu mong thắng một cái dự án thầu có lẽ là to nhất nhì của hãng. Cái dự án thầu (deal) với nhà băng sẽ mang vào gần 1 tỉ đô lợi nhuận trong 8 năm. Tầm vóc dự án không nhỏ vì nó sẽ bảo đảm công ăn việc làm cho hơn 300 nhân viên trong vòng 8 năm. Vì dự án thầu quá to và quá quan trọng cho nên chúng tôi không ngần ngại bỏ công sức để thắng dự thầu này. Trong thời gian từ 4 đến 6 tháng ròng rã chúng tôi làm việc trung bình từ 40 đến 80 tiếng mỗi tuần. Chúng tôi dồn hết sức lực vào những dự án này cũng vì lương tâm nghề nghiệp, trách nhiệm và hãnh diện cá nhân. Vào tuần thứ tư tức tuần cuối để gửi cái “price package” (bảng báo giá) cho khách hàng chúng tôi phải thức đến 3, 4 giờ sáng để sao 8 giờ sáng mai chúng tôi có đủ dữ kiện chuẩn bị trình lên chủ tịch hãng. Thậm chí nhiều cuối tuần chúng tôi gát lại chuyện gia đình qua một bên để vào sở hoàn tất công việc cho kịp thời gian. Vì dự án thầu quá phức tạp và khách hàng cho quá ít thời gian để trã lời cho nên mất hơn 6 tháng để lên kế hoạch, điều đình, điều chỉnh giá cả theo đòi hỏi của khách hàng và trả lời thắc mắc của họ, tôi nhìn lại sổ thời gian (time keeping) thì mình đã làm 6 tuần overtime (phụ trội). Ba mươi lăm nhân viên gồm kỹ sư, kế toán chuyên nghiệp, sếp dự án, marketing, phân tích tài chính viên và giám đốc trung cấp hầu như kiệt sức (burn out). Sau khi trình dự án cho khách hàng, tôi lấy 3 tuần về Việt nam ăn tết Nhâm Thìn để xả stress.
Trong mấy tháng dài làm việc trên dự án thì cuộc sống cá nhân gia đình tôi hầu như bị đảo ngược (up-side down). Mỗi tối khi về đến nhà, có khi 7 giờ tối, có khi 12 giờ khuya hay thỉnh thoảng 5 giờ sáng, hể lúc nào phòng Gymn còn mở cửa là tôi đến ngay để luyện tập thể xác.  Chuyện bạn bè và gia đình hình như tôi bỏ qua một bên để lo cho công việc sở.
Nhớ lại ngày xưa năm 1982 lần đầu tiên tôi sang Santa Ana có dịp vào trong underground parking của một shopping, thấy vài nhân viên ngồi ăn trưa trong xe,tôi tự nhủ “wow, dân Mỹ làm việc như trâu bò nhỉ…cho đến việc ăn uống họ cũng không có thì giờ để ăn uống đàng hoàng nữa”. Nếu so với trường hợp chúng tôi trong bốn tháng nay thì việc ấy không hề hấn gì cả. Chúng tôi phải gọi đồ ăn trưa và chiều vào sở hầu như mỗi ngày. Hãng tọa lạc trên một đảo nhỏ nên chỉ có ba cái nhà hàng – Tàu, Liban và Canadian để gọi delivery. Thông thường người ta chỉ cần ăn đồ nhà hàng trong 3 ngày đã ớn huống chi chúng tôi ăn uống như vậy ròng rã bốn tháng tính luôn những ngày cuối tuần. Với một dự án có tầm vóc to lớn như vậy bình thường đòi hỏi 6 tháng để hoàn tất. Kỳ này chúng tôi chỉ có bốn tuần. Lý do kéo dài 4 tháng vì sau 4 tuần đầu chúng tôi đệ trình bảng giá dự án cho khách hàng, họ gửi ngược lại vì không đúng những đòi hỏi của họ. Thế là ba mươi lăm nhân viên tiếp tục họp ngày họp đêm để trã lời hàng trăm câu hỏi của khách hàng. Và mỗi khi vấn đề tài chính bị xê lệch chúng tôi phải bỏ gấp đôi thì giờ để kiểm soát toàn bộ công trình (due diligence) để đủ điều kiện thuyết phục ban tổng giám đốc. Chúng tôi yêu cầu 35 nhân viên chuyên môn trên dự án lúc nào cũng sẳn sàng 7/24 để trã lời những câu hỏi. Trong 6 sáu trời có lần 2 đồng nghiệp đưa gia đình đi Florida nghỉ mát một tuần để dinh dưỡng. Chúng tôi yêu cầu họ mang cái laptop theo và điện thoại di động lúc nào cũng mở vì khách hàng có thể hỏi chúng tôi bất cứ điều gì. Người đời thường nói “khách hàng là vua” thật là đúng. Ruốt cuộc hai nhân viên đồng nghiệp bắt buộc phải làm việc với chúng tôi hết ba ngày.
Tôi nhớ một tối thứ sáu trước Noel 16 tháng 12, 2011 chúng tôi có nhiệm vụ phải gửi cái file với bảng giá cả chi tiết lúc 12 giờ khuya cho khách hàng. Đến 1 giờ sáng thứ bảy mà chúng tôi không sao cân bằng ngân sách vì phần Video-conference của cô Sophia. Tôi nhờ sếp dự án gọi điện thoại cho kỹ sư Sophia:
-         Sophia ơi chúng tôi cần cô cho biết tại sao số lượng về video-conference không cân bằng với giá từng unit nhân cho số circuits vậy?
-         Xin lỗi mấy anh nhé, tôi đang lái xe trên đường về nhà sau cái party. Khi về đến nhà tôi sẽ gắn computer lên mạng rồi sẽ trả lời cho các anh nhé. Cô Sophia trã lời bằng điện thoại cầm tay.
-         OK. Nữa tiếng sau Sophia gọi lại và cắt nghĩa những thiếu sót trong bảng giá phần video của cô. Thế tạm ổn. Tôi tiếp tục kiểm soát lại toàn bộ giá tiền trước khi bấm nút để gửi cái Excel file đi vì cũng đã 3 giờ sáng. Thế nhưng tôi vẫn chưa cân bằng giá tổng quát về phần device management (quản lý thiết bị). Tôi lại nhờ xếp dự án lần nữa gọi cho anh Denis để có thêm dự kiện.
-         A lô anh Denis xin lỗi phải gọi anh vào lúc này nhưng chúng tôi bị chậm trễ  trong bảng giá gửi cho khách hàng. Phần của anh bị thiếu hụt hơn một triệu đô. Anh có thể kiểm chứng rồi cho chúng tôi biết tại sao không?
-         Tôi đang ngon giấc với gia đình, có thể nào gọi lại tụi anh sáng mai được không?
-         Không thể anh Denis à. Vì ban tổng giám đốc đã hứa giao cho khách hàng bảng giá tổng vào 12 giờ đêm thứ sáu 16 tháng 12 mà bây giờ đã 3 giờ sáng thứ bảy. Đã quá trễ chúng tôi không còn biện pháp nào đành phải làm phiền anh vậy.
Denis tỏ vẻ không hài lòng trong điện thoại và anh hậm hực thức dậy lấy cái computer gắn vào mạng của sở và hai mươi phút sau anh điện vào sở để cắt nghĩa sự thâm hụt của phần anh chịu trách nhiệm.
Hú vía thế là tôi phải tiếp tục kiểm soát bảng giá lần cuối cùng để cân bằng ngân sách và bấm nút cái laptop lúc 4 giờ rưởi sáng để gửi bảng giá cho khách hàng…Đây là một trong những mẫu đối thoại thông thường khi chúng tôi làm việc trên những dự án thầu có tầm vóc. Những mẫu đối thoại căng thẳng gây ra rất nhiều cãi cọ lớn tiếng giữa đồng nghiệp và ngay trong gia đình vì ai cũng mệt mỏi sau nhiều ngày dài căng thẳng. Có nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy mức độ căng thẳng có ảnh hưởng đến mặt sinh lý dựa trên hàm lượng cortisol hiện ra trong nước bọt. Cortisol là một nội tiết tố làm tăng huyết áp và mức lượng đường huyết, đồng thời làm suy giảm hệ thống miễn dịch. Cortisol quan trọng trong hoạt động bình thường của cơ thể và sự gia tăng hàm lượng cortisol là cần thiết để kích thích hoạt động phản ứng phòng vệ khi chúng ta gặp nguy hiểm. Ví dụ sếp chỉ trích công việc bạn làm hay bạn bị chậm trễ trong công việc, bạn bị kẹt xe sẽ chậm trễ cho một cuộc họp quan trọng, hay làm một công việc chán nản thì lượng cortisol sẽ tăng nhanh. Trong khi đó máu bắt đầu chảy nhanh hơn trong mao mạch. Nhịp tim buộc bạn phải thở gấp hơn. Vì thế ta gọi là “đau tim” khi sự căng thẳng lên tột độ.
Nếu chúng ta so sánh công ăn việc làm vào những năm 80 thì cách làm việc bên Mỹ và Canada hoàn toàn khác biệt. Tôi nghĩ Âu châu vẫn còn nhàn hạ hơn. Ngày nay trong các xí nghiệp tư ở Canada nhân viên làm việc cực nhọc không kém gì bên Mỹ. Có điều khác biệt là bên Canada chúng tôi vẫn còn hưởng chế độ nghỉ hè nhiều hơn. Chẳng hạn khi bắt đầu vào làm hãng lớn công nhân được hưởng tối thiểu 2 tuần nghỉ hè. Lên ba tuần khi vào năm thứ ba. Bốn tuần năm thứ 10. Năm tuần năm thứ 15 và tối đa 6 tuần vào năm thứ 21.
Một anh đồng nghiệp tên Yvan Frechette, chức vụ sếp trung cấp (Regional Sale Manager ) khoảng 31 tuổi có gia đình và một con nhỏ. Tôi làm việc chung với anh trên vài dự án thầu 15 năm về trước. Dưới anh có khoảng 20 nhân viên về sale managers. Anh là một thanh niên trẻ đầy nghị lực và đầy tham vọng. Anh làm việc ăn uống bất thường và bất kể giờ giấc. Nhiều khi anh điện thoại về nhà chúng tôi ban đêm để hỏi vài chi tiết về việc làm. Anh có nhiều nhân viên dưới quyền nên cũng có nhiều vấn đề nhân dụng phải giải quyết. Năm sáu năm sau tôi thuyên chuyển nhiều khâu khác nhau nên không để ý về anh nữa. Bất ngờ một hôm hãng cho biết là anh đã ra người thiên cổ ở cái tuổi 36 vì ung thư bao tử.
Một người chị họ tôi, một viên chức có trách nhiệm về tài chính cho một hãng nhỏ ở Montreal. Vì hãng quá nhỏ (120 nhân viên) nên chị ấy luôn choáng ngợp bởi công việc như điều đình với nhà băng và khách hàng mỗi tuần để tiền bạc vô ra đều đặn, đối phó với các phó giám đốc những khâu khác như marketing, sales, luật sư, suppliers và ông boss cũng là chủ tịch chủ hãng. Chị có hơn 15 nhân viên dưới quyền.  Mỗi tháng chị đều phải đi công tác xa như Toronto, London- England, New-York, Halifax, vvv…Ít khi nào chị về đến nhà trước 7 giờ tối. Chiều về đến nhà là chị mệt nhừ. Cũng như tôi đêm hôm nhiều khi chị thức dậy 3 giờ sáng trong lúc mọi người đang yên giấc để mở cuốn sổ tay ghi vào tất cả khúc mắc cần phải giải quyết ngày hôm sau. Cái khổ của công việc dùng trí óc là stress trong sở theo chúng tôi về nhà và ngay trong giấc ngủ. Vì mức độ stress quá cao và thường xuyên nên trong năm năm chị họ tôi bị hai lần mổ cột xương sống. Mỗi ca phẩu thuật như thế chị cần ở nhà tịnh dưỡng 2 tháng và cần 1 năm để bình phục hẳn…
Một anh hàng xóm tên Dany Laurenzen, là viên chức trung cấp về IT (Head of IT department), làm cùng hãng. Anh Dany hơn tôi 5 tuổi. Cách đây 10 năm hãng điện thoại chúng tôi bán IT department cho một công ty cố vấn về IT (CGI). Anh có 16 nhân viên chuyên môn IT (IT specialists) khi còn ở hãng cũ, anh qua hãng mới phải lãnh thêm 6 nhân viên nữa. Vị chi là 25. Mỗi sáng lúc 7 giờ anh và tôi cùng bắt xe bus đi làm. Thông thường tôi về đến nhà lúc 5 giờ chiều. Anh Dany chưa bao giờ về đến nhà trước 7 giờ tối. Nay làm hãng mới anh cho biết trách nhiệm quản trị nhiều hơn và nhân viên cũng đông hơn. Vì thế anh ăn uống bất thường vì có quá nhiều buổi họp và nhiều vấn đề về nhân lực phải giải quyết hơn xưa. Mức độ stress vượt lên tột điểm và hầu như liên tục hằng ngày. Ba năm sau anh bị đưa vào nhà thương để phẩu thuật về lở loái bao tử (stomach ulcer). Từ đó anh đệ đơn từ chức để dưỡng bệnh. Sau đó anh tìm một việc tay chân hoàn toàn không có trách nhiệm, nhất định không dùng đầu óc và chỉ hưởng 1 phần ba số lương lúc trước. Có lần tôi trò chuyện với anh trước cổng nhà, anh cho biết bệnh tình và đồng thời có nói thêm “khi lúc hiện chức chúng ta hy sinh cả cuộc sống riêng tư gia đình để cống hiến cho công việc. Khi mình bị chuyện chi hay chết đi không ai màn xỉa đến ta “You dedicated so much for the company. When you get sick or die nobody cares about you. You have to take care yourself…”. Câu nói này thật quí giá vô cùng vì nó nhắc nhở chúng ta hãy luôn nghĩ đến sức khỏe mình trước khi nghĩ đến công việc…
Nhiều người thân thắc mắc hỏi chúng tôi như vậy xu hướng ngày nay các nhân viên làm hãng tư nhiều giờ như thế chắc lãnh nhiều lương lắm. Trên thực tế không hẳn như thế vì giới nhân viên làm việc bằng đầu óc và lãnh lương theo năm, không công đoàn che chở. Nếu cần thì giờ phụ trội để hoàn tất công việc là điều tất yếu hãng không có chế độ trả thêm lương cho nhân viên làm việc trí óc, ngoại trừ một ít phần thưởng cuối năm (bonus).
Có người khác cho rằng nếu luôn làm nhiều giờ như vậy thì hãng có vấn đề nhân sự. Thực sự đúng như vậy. Nhưng các xí nghiệp lớn luôn có rất nhiều lý do chính đáng để biện bạch về vấn đề nhân lực, họ lúc nào cũng hãnh diện hô hào là có một “đội ngũ làm việc rất hữu hiệu với nhân lực càng ngày càng ít hơn”, điều này khiến cho nhân viên không còn thời gian dành riêng cho cá nhân mình. Mỗi khi có một nhân viên đệ đơn từ chức hoặc về hưu thì lớp người ở lại lãnh tiếp công việc người ấy, hãng không mướn người thêm. Đó là sự thật rất phủ phàng mà nhân viên hãng tư cắn răng chấp nhận để giữ việc làm còn hơn ăn thất nghiệp…
Hơn nữa sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia trên đường tiến bộ như Trung Quốc, Ấn Độ, Đại Hàn, Singapour, Philippine, Malaysia, Thái và Việt Nam gây áp lực mạnh đến các quốc gia tân tiến để giảm giá thành của hàng hóa cũng như dịch vụ. Như vậy những hãng lớn chỉ còn vài biện pháp đối phó để tồn tại như:
-         Giảm giờ làm việc nhân viên. Đã có vài hãng bên Canada và Mỹ áp dụng biện pháp này.
-         Giảm lương nhân viên. Điều này rất khó thực hiện.
-         Giảm nhân lực. Như vậy nhân viên còn lại sẽ phải làm việc nhiều giờ và hiệu quả hơn.
-         Đóng cửa vài khâu chốt và chuyển hoạt động về những nước Á châu (outsourcing help desk operation).
-         Tuyên bố phá sản!
Đối với nhân viên làm việc bằng trí óc và nhất là nhân viên có chút trách nhiệm và có nhân viên dưới quyền, sự quân bình giữa công việc và gia đình là cả một thử thách không nhỏ.  Để đối phó với những tình huống căng thẳng ấy chúng tôi chỉ còn cách thuyết phục gia đình hiểu rõ hoàn cảnh và tận tình giúp chúng tôi một tay trong những lúc khó khăn tột đỉnh. Chúng tôi không quên cố gắng ăn uống đều độ và siêng năng tập thể dục mỗi khi có dịp. Những điều mà chúng tôi có thể làm được với khả năng hiện có.
Anh Trí còn nhấn mạnh rằng xã hội tân tiến ngày nay tạo cho con người rất nhiều tiện nghi vật chất  như xe hơi, máy điện tử, TV, máy lạnh, máy giặt máy xấy, tủ lạnh, GoogleTV, iPad và nhiều tiện nghi khác trong nhà. Những phương tiện vật chất ấy đòi hỏi người lao động phải cố gắng làm việc nhiều hơn để đạt được những nhu cầu ấy. Nhất là các thanh niên trẻ vừa ra trường hay có chút ít kinh nghiệm sẽ gặp những thử thách lớn lao trong công việc để tranh thủ theo kịp nhịp sống văn minh trong một xã hội hiện đại. Chúng ta thấy càng ngày các thanh niên có khuynh hướng thay đổi cách sống cho phù hợp với trào lưu mới. Thí dụ mua nhà thì giới trẻ sẽ mua condo nhiều hơn vì nhà cửa quá đắt đỏ. Mang nợ xe, nhà và các tiện nghi vật chất nhiều hơn. Đi nghỉ hè thường xuyên để làm giảm căng thẳng. Tất cả bằng nợ. Càng nợ nhiều thì cá nhân phải làm việc nhiều hơn để bồi đắp. Các phòng tập thể dục (gymnasium) càng ngày càng đông nghẹt người và chỉ số ly dị cũng gia tăng theo tỉ số thuận…
Cũng như chúng tôi, nhiều người quan niệm rằng sự thành công về sự nghiệp, danh vọng sẽ đồng nghĩa với hạnh phúc. Ít ai chịu tin rằng cuộc sống này không phải có đồng tiền là có tất cả. Người xưa đã chẳng từng nói “Có tiền mua tiên cũng được” đó sao? Vì vậy, không ít người đã bằng mọi cách làm sao cho có nhiều tiền. Họ chỉ chú tâm vào việc làm ra tiền mà không hề quan tâm đến những thứ khác. Có nhiều người khi con còn nhỏ, họ đặt kế hoạch làm việc cật lực, không nghỉ ngơi, với mục đích lo cho con ăn học tới nơi, tới chốn. Năm mười năm sau, con cái đã thành tài, ra trường có công ăn việc làm đầy đủ, nhưng họ vẫn không dừng lại mà vẫn say mê kiếm tiền với một lý luận khác là kiếm tiền lúc này là để hưởng thụ khi về già. Họ keo kiệt tính toán từng đồng khi tiêu xài. Họ đâu biết rằng tuổi già đang lởn vởn trước mặt, bệnh tật, tai nạn đang rình rập trên từng bước đi. Còn chưa tính những rủi ro kinh tế và sức khỏe như những trường hợp kể trên. Và rồi trong thoáng chốc bỗng trở thành trắng tay mà tình cảm với gia đình, người thân, bạn bè cũng chẳng có. Vào đầu thập niên 1990, hầu hết người dân đều mơ ước được làm việc trong lãnh vực công nghệ cao, lương bổng hậu, mua nhiều cổ phiếu để làm giàu mau chóng. Ngày nay, nhiều người ở bắc Mỹ đang có khuynh hướng tìm một việc làm tuy lương ít nhưng có nhiều thời gian để chăm lo gia đình con cái. Công việc và gia đình được họ xem nặng như nhau. Một cuộc thăm dò dư luận của tạp chí American Demographic được tiến hành sau ngày 11/9/2011 cũng như gần đây năm 2012 của Ranstad cho thấy 70% người được hỏi, đều cho rằng gia đình là ưu tiên một, so với con số 54% của cuộc điều tra năm 2000.
Tất cả chúng ta đều đã trải qua những lúc khó khăn trong cuộc đời để mong có chút danh nghiệp và phải trả một cái giá cho cuộc sống vật chất, tạm gọi thoải mái. Khi đến tuổi về hưu chúng ta còn mang vài thương tích vì danh nghiệp ấy, một phần cũng do có tuổi một phần do bệnh stress tích tụ từ lâu (đau lưng, bất mãn trầm cảm, lở loái bao tử, vv…). Chúng tôi chỉ muốn nhắc nhở các bạn trẻ hay thế hệ con cháu chúng ta nên nhìn lại quãng đường chúng tôi đã đi qua như một lời cảnh giác để ngẫm nghĩ. Các bạn trẻ hay con em chúng ta nên dành nhiều thì giờ đầu tư vào những của cải luôn mang giá trị cho cuộc sống hằng ngày, đó là gia đình và sức khỏe. Đây là những thứ của cải vẫn nguyên vẹn dù ta có mất việc làm, dù ta đang bệnh tật hay đang hấp hối trên giường bệnh, ta vẫn cảm thấy hạnh phúc vì có nó. Chúng ta cố gắng dành nhiều thời giờ hơn để ý vào tình yêu thương trong gia đình, vợ chồng, con cái và bằng hữu...
Nguyễn Hồng Phúc