Mang thân tỵ nạn nổi trôi tới xứ người, lúc bắt đầu hội nhập, có lẽ ai ai cũng gặp ít nhiều trở ngại khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ. Việc mưu sinh do đó cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, muốn tìm một việc làm theo ý mình không phải là chuyện dễ, nghề chọn người chớ người không thể chọn nghề nhứt là những ai không có nghề nghiệp chuyên môn, họặc cho dù có tay nghề gì đi nữa mà không thông thạo tiếng nói cũng không dễ gì được nhận.
Vì vậy đa số đều lâm vào hòan cảnh như nhau, hễ có việc thì cứ nhào vô làm, đụng đâu làm đó
chẳng câu nệ ngại ngùng gì miễn sao có chút tiền dằn túi trước rồi muốn gì thì mới
tính sau. Bởi vì sau những năm dài bị đọa đày bầm dập dưới chế độ cộng sản,
người dân đã thấm đẩm tới tận cùng xương tủy cái “chân lý” bần cùng của chủ
nghĩa xã hội “lao động là vinh quang” mà dân gian miền nam đã không ngần ngại chua
chát thêm vào câu “lang thang là chết
đói” cho đủ ý hợp tình.
Thế nên khi tới được bến bờ tự do, tất cả mọi người từ sĩ nông công
thương, thầy hay thợ, chủ hay tớ, trí
thức hay cùng đinh, những tâm hồn lớn
nhỏ gì cũng có thể ngồi chung một chiếc thuyền, cùng chung một mục đích như
nhau là kiếm tiền. Ai càng có sức thì kiếm tiền càng dễ. Cứ nhào vô hảng xưởng
cắm đầu cắm cổ làm hai shift là nhanh chóng có tiền trong tay. Có làm hàm mới có nhai và một khi có no ấm bản thân
thì mới có tinh thần nghĩ đến nguyện vọng lý tưởng đã từng vẽ vời xây mộng từ lúc vừa thóat khỏi
gông xiềng cộng sản vô nhân.
Gia đình thầy giáo Phương gồm bốn người sau khi tới Úc được giáo hội bảo
trợ về một vùng quê khỉ ho cò gáy chỉ có cây rừng và nông trại. Nơi đó, họ
không tìm được việc làm nên đã dắt dìu nhau trở lại Sydney . Lúc ban đầu họ tạm trú trong một căn nhà xưa
cũ của giáo hội tin lành cho mướn ngay tại trung tâm city gần Hyde Park . Hai đứa trẻ, thằng em vợ và con thầy Phương thì
được sắp xếp cho vào trường học ngay cho kịp tuổi. Thầy Phương cũng ghi tên xin
vào một khóa intensive English for migrants and refugees ở NSW Uni để ôn lại vốn
liếng tiếng Anh chuẩn bị đi làm. Còn cô Phương thì tạm thời ở nhà đưa rước con
đi học.
Thời đầu thập niên 80, tiền thất nghiệp cho một couple mỗi fortnight chỉ
có 200 dollars. Tiền thuê nhà hai tuần là hết 80, chỉ còn lại 120dollars cho
bốn người tiêu xài ăn uống trả bills, chật vật gói ghém lắm mới đủ. Vì vậy khi
gặp một bà Úc có đứa con học chung lớp với con gái của cô giới thiệu cho cái
job làm bồi phòng trong một motel bảy tầng ở gần nhà, cô mừng húm xin đi làm
ngay mà chẳng cần biết công việc nặng nhẹ ra sao. Tới chừng vô làm mới biết ngày
tám tiếng phải dọn mười cái phòng giường đôi, mỗi phòng đều phải lau chùi, dọn
dẹp, hút bụi, làm giường với số lương là 150dollars một tuần. Vốn ốm yếu mình
hạc xác ve nặng chưa tới 40kg, ngày đầu đi làm về, cô nghe ê ẩm cả người, hôm
sau ngồi dậy không muốn nổi nhưng vẫn phải cố gắng, tự nhủ rằng dần dần chắc sẽ
quen thôi. Cô tính rồi đây khi ông xã cô cũng có việc làm thì tiền lương hai
người cộng lại sẽ có thể dư được chút đỉnh phòng thân khi bệnh họan túng cùng.
Nhưng chỉ được hai tuần thì cô thấy cái lưng mình như bị gãy, đau nhức rã rời, nhắm không thể chịu đựng lâu hơn nữa được, cô
đành xin nghỉ việc chờ cơ hội khác .
Trẻ nhỏ đi học đã yên phần
Người lớn tìm việc mới trần thân
Việc làm không thể chọn theo ý
Một năm đổi job bốn năm lần
Đời ai tị nạn chẳng long đong
Cũng vì sinh kế phải cam lòng
Gặp gì làm nấy đâu quản ngại
Ai
người đồng cảnh mới cảm thông
Nhân một ngày chúa nhựt đi lễ nhà thờ ở Bondi, vợ chồng thầy Phương gặp
hai gia đình người đồng hương qua trước mình hai năm hiện đang sinh sống làm
việc ở vùng biển du lịch này. Thầy Phương nói thầy cũng đang tìm chỗ dọn vì
giáo hội sắp lấy lại căn nhà đang cho thuê. Nghe vậy họ cho biết trong cái
building họ ở còn một căn flat trống chưa ai mướn, họ rủ gia đình thầy về đó ở với
họ cho có bạn với nhau. Lúc đó tứ cố vô thân, không có người mách nước chỉ bảo
cho nên ai rủ ở đâu thì mướn ở đó chớ có biết vùng nào mắc rẻ, vùng nào thuận
tiện dễ đi đứng và có nhiều hảng xưởng để kiếm việc làm. Dân tị nạn ở hostel ra
đa số đều chọn vùng phía tây để lập nghiệp còn gia đình thầy Phương thì từ quê
lên thành lớ ngớ lù khù nhè phía đông tòan là bãi biển du lịch mà “cắm dùi” thì
chỉ có nước đi làm tạp dịch mà thôi.
Nhưng thời may, khi dọn về Bondi beach, một bữa trưa khi cô Phương đi
rước con tan học, một bà Úc làm việc xã hội trong nhà thờ Saint Patrick Bondi
kêu cô lại trao cho mảnh giấy có ghi số điện thọai của một nhân viên Welfare ở Endeavour
hostel, bảo cô về nói với thầy Phương liên lạc với người này vì họ đang cần
thông dịch viên. Lúc ấy là lúc thầy đang quơ quào làm tạm cái job cleaning trong
một câu lạc bộ ở city chờ thời vì sau khi mãn khóa học thầy chưa tìm được việc
gì đúng với sở trường của mình.
Cũng xin nói thêm, trước khi vượt biên, thầy Phương có đi coi tử vi thì
được ông thầy tử vi dặn bảo là phải đi về hướng nam lập nghiệp thì mới mong
thành công, mới mong có cơ hội cầm lại cây viết, bằng không sẽ cầm cây chổi suốt đời. Do đó, thầy
đã chọn nước Úc, một lãnh thổ ở cực nam bán cầu (không còn nơi nào là nam cực hơn
nữa trên trái đất này) để định cư. Chắc có lẽ nhờ vậy mà giờ đây chính là thời
điểm cây viết trở lại trong tay thầy. Sau khi phỏng vấn, thầy được nhận và đi
làm ngay tuần sau. Thế rồi thầy bye bye cây chổi, bắt đầu làm việc văn phòng nine
to five, có bàn viết điện thọai riêng, mỗi tuần lãnh lương chính phủ chắc cú. Rồi
khỏang vài tháng sau, khi Bộ Di Trú ra thông báo tuyển người, thầy đã nộp đơn
thi và may mắn trúng tuyển, từ đó chính thức trở thành công chức chính phủ liên
bang vĩnh viễn. Đúng là có phần thì chẳng cần gì bôn ba.
Vào thập niên 80, dưới trào thủ tướng Malcom Fraser, chính sách di trú
rất rộng rãi nhân đạo, nhận dân tỵ nạn rất nhiều cho nên tuần nào cũng có một hai
nhóm người tới định cư, thầy Phương do đó có cơ hội hướng dẫn phục vụ đồng bào
mình nhiệt tình tối đa và đồng thời mặc
nhiên cũng góp phần trả ơn chính phủ
nước Úc đúng theo ý nguyện của thầy. Thời gian đó, chủ nhân hảng xưởng nào muốn
tìm công nhân viên thì chỉ cần vào hostel là có đủ mọi tầng lớp thầy thợ cho họ
chọn, khỏi đi lòng vòng cho mất công.
Có một kỷ niệm rất vui cho đám
dân ở hostel lúc đó mà tới nay đã ba
chục năm, thầy Phương vẫn còn nhớ rõ. Đó là chuyện...đóng phim. Một cuốn phim mang
tựa đề là “The Year Of Living
Dangerously” nói về cuộc đảo chánh ở Indonesia thời tổng thống Sukarno, trong
đó tài tử Mel Gibson đóng vai một ký giả
người Úc phải mạo hiểm tìm cách rời khỏi Indonesia vào giờ phút cuối vô cùng cấp
bách lâm nguy. Ông đạo diễn phim này cần một số đông người làm bối cảnh chạy
lọan (ba chục năm về trước con người chưa phát minh ra computer technology để đưa
vào phim ảnh tạo người ảo thay cho người thật), nghĩ không tìm đâu cho bằng
nhóm người tỵ nạn mới tới da còn rám nắng đen sạm giống hệt Indonesians cho nên
ông ta vào hostel “tóm hết trọn ổ” gọn bân.
Có dịp kiếm tiền dễ dàng, thầy Phương kéo theo gia đình một người bạn
bác sĩ và vợ con thầy đi đóng phim luôn. Thầy Phương và ông bạn bác sĩ, một
luật sư và một anh lực sĩ kiến càng đóng
vai nhân vật cao cấp gì đó ngồi trong phòng họp với cà phê khói thuốc mịt mù.
Cô Phương thì được hóa trang làm nữ tiếp viên hàng không mà không…làm gì hết,
chỉ đứng làm cảnh lúc Mel Gibson chạy băng qua cổng sóat vé dzọt ra phi trường “chẩu”(nhưng
Mel Gibson dzọt lẹ quá như sao xẹt, nên khi chiếu lại không thấy cô tiếp viên
đâu cả). Còn lại bao nhiêu người khác thì chỉ cần giả bộ xô xát nhau chạy lọan,
vợ chồng con cái gánh gồng bồng bế chạy qua chạy lại tạo cảnh hỗn lọan để người ta quay phim là ăn tiền.
Đóng phim hai ngày weekend như thế, mỗi người có thể kiếm được một số
tiền bằng đi làm một tuần. Vì vậy ai cũng hăng hái nhận… vai. Sáng sớm xe bus vô hostel chở mọi người tới phim
trường để nhóm make-up hóa trang, sơn đen đen một chút, rồi đứng lóng ngóng chơi
chờ khi nào người ta bảo action thì bắt đầu act. Buổi trưa tòan thể diễn viên được
bao ăn no nốc, lại còn có giờ tea, coffee nữa, khỏe thì thôi. Khỏe nhứt là khi
vai chánh diễn không vừa ý đạo diễn, ông ta bảo “cut” là sẽ có màn quay lại,
phải mất thêm thời giờ, là mọi người được dịp lãnh thêm tiền ngon ơ. Còn Mel Gibson cứ mỗi lần bắt đầu lại là mỗi lần bị xịt nước
lên áo, lên đầu cổ mặt mày gỉả đò như đổ
mồ hôi nhễ nhại ròng ròng vì Indonesia là xứ nóng. Thế mới biết nghề nào cũng
phải đổ mồ hôi xót con mắt mới kiếm được đồng tiền, cái gì cũng có cái giá phải
trả, càng cao danh vọng càng nhiều gian nan là vậy, mà đây mới chỉ là một tiểu xảo đó thôi.
Thầy Phương có được cái job làm công chức như vậy là coi như ăn chắc suốt
đời cho tới ngày về hưu không cần nhọc công kiếm tìm gì hơn nữa. Chỉ có cô Phương
là hơi vất vả vì chẳng có nghề ngỗng gì chuyên môn. Sau khi học một khóa tiếng
Anh, cô theo người bạn ở cùng building đi làm kitchen hand trong một nhà dòng
nữ tu, một retreat house dành cho du khách thập phương tới trọ. Mỗi ngày chỉ
làm part time sáu tiếng với công việc
rửa rau xắt thịt lau chìu bếp núc tương đối thích hợp với cô. Duy chỉ có
một điều khiến cô không mấy vui là nếu xong việc nhà bếp trước giờ, bà sister
người Philippine hay bảo cô đi clean up các phòng ngủ trên lầu hoặc nhà nguyện kế
bên. Job của cô là kitchen hand chớ đâu phải cleaner, người bạn làm chief cook sau khi nấu xong có thể ngồi ung dung đọc báo
chờ tới giờ về còn cô sao lại phải làm thêm việc khác.
Tuy nhận thấy sự bất công đó nhưng cô tự an ủi rằng sông có khúc người
có lúc, sống ở đời phải biết lấy chữ “nhẫn” làm đầu, chấp nhận hòan cảnh hiện
tại chờ thời cơ. Những lúc ấy thì cô lôi cái máy hút bụi vào nhà nguyện nhấn
nút để đó cho máy nổ kêu rền trời còn cô thì nép vào một góc nhà thờ cầu nguyện,
tìm ở đấng thiêng liêng một sự xoa dịu ủi an. Dẫu sao cô cũng cảm tạ ơn trên vô
cùng đã che chở dìu dắt gia đình cô tới được đất nước thanh bình tự do để làm lại cuộc đời sau những tháng năm dài tối
tăm vô vọng dưới tai ách cộng sản. Gia đình cô đã may mắn hơn rất nhiều người.
Chồng cô vừa đặt chân lên xứ người chưa quen hơi bén đất đã bất ngờ nhận được
một việc làm tốt đẹp hợp ý như một hồng ân của Chúa thì chút nhọc nhằn này của cô có đáng gì đâu phải thở than phàn nàn. Cô phải
biết nhận lãnh cho mình để Chúa còn có cơ hội chứng tỏ sự công bằng của Chúa
đối với mọi người. Nếu cả hai vợ chồng đều được ưu đãi hết thì hóa ra Chúa bất
công hay sao.
“Con dâng Chúa đôi tay này từng
vất vả làm cho tê tái
Con dâng Chúa đôi bờ vai, gánh
gồng nặng trĩu bao ngày
Con dâng Chúa đôi chân này vì tìm
hạnh phúc miệt mài.
Vì ngày mai, con lo hôm nay
Vì tương lai, con lo hiện tại
Bởi trời đất mãi luôn vần xoay và
cuộc sống bon chen từng ngày…”*
Mỗi xế trưa, cứ ba giờ là cô xong việc ra về. Trên đường tới trạm xe bus,
cô phải đi ngang qua một dãy nhà nguy nga và những căn chung cư sang trọng đắt
tiền (địa thế vùng Point Piper ở trên cao nên nhà nào cũng có cái view nhìn ra
biển thấy vịnh Double bay, Rose bay với
thuyền bè, yatch, canoe tư nhân đậu tấp
nập và xa hơn nữa là Opera house cùng Harbour Bridge tráng lệ huy hòang, hai kỳ
quan đặc thù của nước Úc). Một bữa cũng đi về như mọi bữa, hôm nay cô bỗng thấy
một ông Úc khỏang trên năm mươi đang đứng sẵn trước cửa, chờ cô vừa đi tới thì
lên tiếng chào và hỏi cô phải là người Việt Nam không. Cô cũng chào đáp lễ và
nói yes, I am. Ông ta nói ông ta thích đồ ăn Việt Nam lắm, hổm rày đón cô để
hỏi cô có chịu ghé vào nhà ông ta làm chút housework và nấu ăn cho ông ta
không. Ông ta mời vô coi nhà chỉ bếp núc, nhà giặt, phòng ngủ. Ông ta tự giới
thiệu tên là Bill là chủ một real estate ở Double bay. Con gái ông đã lớn có
chồng ở riêng, nhà chỉ có ông và cô girl friend trẻ. Ông nói muốn nhờ cô hằng
ngày ghé lại hai tiếng đồng hồ coi có chỗ nào cần dọn thì dọn rồi nấu giùm một
hai món ăn cho hai người, mỗi giờ trả cô 5dollars (thời đó, lương căn bản công
nhân một giờ là 5 đồng).
Cô thấy công việc như vậy là “trúng tủ” nghề nội trợ của nàng, lại sẵn
tiện đường, tiện giờ giấc mà kiếm thêm được chút tiền nên rất mừng nhận ngay. Thế là ông Bill đưa chìa khóa cho cô,
(làm như trên mặt cô có viết chữ ngay lành hay sao không biết, và hồi thời đó con người ta còn lương thiện dễ
tin tưởng nhau quá, không như về sau này khi di dân và người tị nạn tứ xứ ồ ạt
tràn ngập vào nước Úc, đem cái xảo quyệt gian manh giang hồ tứ chiếng truyền
lại cho người Úc thì lần hồi dân tình nhiểm thói mánh mung xỏ lá, không còn
biết được lòng người ai giả ai chân) rồi nói rằng ngày mai tôi sẽ mua sẵn vài
món, cô muốn nấu sao cũng được, luôn tiện nấu cho tôi 2 cups brown rice. Cô ra
về mà nghe thích thú trong bụng. Điều kiện của ông Bill sao mà quá dễ, muốn nấu
sao thì nấu, chưa từng nghe chủ nào mà mướn người dễ như vậy. Nhà cô có mấy
người mà mỗi người còn một ý, phải chìu như chìu vong, đàng này ông chủ lại để
cô tự quyết định theo ý cô. Ở đợ kiểu này là “cha” người ta rồi còn muốn gì hơn
nữa.
Trưa hôm sau cô ghé lại mở cửa vào dọn dẹp, thấy trên bếp có để sẵn hai
dĩa thịt trừu và hai bó English spinach,
Sau khi thay drap giường, quăng đồ vào máy giặt, cô bắt đầu nấu ăn. Cô ớn nhứt
là mùi thịt trừu nhưng mà không nấu thì không được. Thấy có miếng gừng trong
cái rổ hành tỏi, cô nảy ý làm món thịt lamb xào gừng để khử bớt cái mùi mỡ trừu
hăng hắc nghe muốn nhợn. Cô gọt miếng gừng xắt chỉ và xắt nhỏ mấy lát thịt trừu
rồi xào như xào mặn, cho muối cho đường vào mặn mặn ngọt ngọt, thử cái nước
thấy cũng ngon ngon. Còn hai bó cải, cô rửa sạch cắt khúc, phi tỏi cho thơm, bỏ
cải vào đảo sơ qua nêm nếm, xúc ra dĩa còn xanh um xanh ngắt trông rất ngon
mắt. Khỏang 5 giờ chiều thì ông Bill về
tới, cô nói ông ta ăn thử miếng thịt xào gừng coi sao. Thử xong ông ta kêu lên
“delicious, so yummy!”. Thuận tay, ông ta bóc luôn miếng cải bỏ vô miệng vừa
nhai vừa khen lấy khen để khiến cô vui mừng nhẹ nhõm vì thấy người ta hài lòng
về mình. Ông ta còn nói chiều mai sẽ bảo Jeannie (tên bồ nhí của ông ta) tới
thưởng thức Vietnamese food mới được.
Gặp người chủ dễ tính, cô làm việc rất thỏai mái vui vẻ. Có ngày ông
Bill mua một bọc minced beef để đó, cô không biết làm gì thành ra đem quết
nhuyển chế món bò viên. Tuy không đúng tiêu chuẩn bò viên hảo hạng vì không đủ
gia vị nhưng đối với họ thì exellent, nói chung món nào cô chế ra, Bill và
Jeannie cũng ưng ý. Đôi khi ông ta không biết mua thứ gì, chờ cô tới tính coi muốn làm món gì mới chở đi mua. Ông
Bill khóai khẩu đồ Việt Nam tới nỗi muốn khoe với bạn bè nên có lần ông mở
party mời ba chục người tới dự vào một
tối weekend. Dĩ nhiên ông phải order thêm những thức ăn khác ngòai món lamb xào
gừng, spinach stir fry, cá chiên sauce
cà, gà sả ớt do cô nấu. Hôm đó nấu nướng dọn dẹp xong đã hơn 10 giờ đêm, khi cô
xách giỏ ra cửa định về thì mọi người đều cám ơn cô và cô bồ nhí Jeannie đã
xung phong chở cô ra trạm xe bus bằng chiếc xe sport hiệu Alfa Romeo màu đỏ thắm
mới cáo chỉ của ông bồ “trâu già” mua tặng.
Cách đối xử tử tế tốt bụng của người chủ này làm cô cảm thấy rất an ủi và bớt
đi mặc cảm mình là kẻ tôi đòi. Có lẽ do
nguồn gốc của người Úc là tội phạm và di dân tứ xứ, trải qua bao đời gian truân
khó nhọc tạo dựng mới làm nên cơ ngơi tài sản, do đó họ dễ thông cảm, không đặt
nặng vấn đề giai cấp hoặc kỳ thị những kẻ
chân ướt chân ráo trắng tay mới bắt đầu khởi sự như cô.
Nhưng may thay, cái số làm osin của cô chỉ kéo dài ba tháng thì cô nhận
được một việc làm full time khác nhàn hạ hơn trong một family business do hai
ông bà người Hungary làm chủ. Đó là một thương nghiệp chuyên cung cấp lenses (không biết
tiếng việt nói sao) cho các phòng thí nghiệm. Ngày tám tiếng công việc của cô
là cắt những mảnh lenses theo order. Cùng làm với cô là một chị người Việt Nam vào trước cô một năm. Lúc đầu người chị em này
có vẻ kỳ thị ra mặt, không nhìn cô đến nửa mắt, mặt mày khó đăm đăm như bà cô
bên chồng chẳng có lấy một nụ cười Welcome người mới khiến cô cảm thấy rất bẽ
bàng. Lạ chưa! Úc không kỳ thị mình mà người mình với người mình lại kỳ thị
nhau, Việt Nam gặp Việt Nam mà “dội ngược” không muốn nhìn, có lẽ vì người Việt
đã lừng danh là xấu xa xấu xí.
Theo lời bà chủ, chị miển cưởng chỉ dẫn cô những việc phải làm bằng một
giọng khô khan cộc lốc rồi trở về chỗ ngồi cắm cúi tiếp tục công việc của chị. Suốt buổi, chị chẳng hề đếm xỉa gì tới cô mãi
cho đến giờ lunch chị mới cho biết một điều lệ là chị không nghỉ nửa giờ ăn trưa để chiều về sớm
nghĩa là chị tan việc lúc ba giờ. Còn cô
nếu ăn trưa thì ở lại làm tới ba giờ rưởi. Cô vừa làm vừa ấm ức buồn trong bụng
không hiểu chị ta muốn thị oai gì mà cứ giữ thái độ lãnh đạm xa cách như vậy. Có
lẽ chị đang âm thầm quan sát, đánh giá cô coi có xứng đáng làm bạn với chị hay không. Thôi kệ, ai biểu mình là ma mới,
chị ta muốn kênh kiệu thì mình cứ giả điên coi chị ta kênh được tới chừng nào. Mà
thôi tị hiềm chấp nhứt làm gì, chị ta không nói thì mình nói trước vậy. “phải biết
mở cửa lòng mình trước thì mới mong mở đặng lòng kẻ khác” (Pasquier Quesnel), thử
xem cái tảng băng này rồi đây có chảy ra được chút thiện cảm nào cho mình
không. Cô bèn nói “vậy thì ngày mai tui
cũng không ăn trưa, làm luôn một lèo rồi về sớm như chị. Chị tính vậy hay quá,
công việc này đâu có nặng nhọc gì mà cần phải nghỉ ngơi, vả lại giờ morning tea
mình ăn vài cái bánh thì cũng dư sức làm luôn tới về. Chị nói với bà boss giùm
tui đi nghe, chị nói mới “linh” .
Sau hai ngày 16 tiếng làm việc chung, người chị em bắt đầu mở miệng “phỏng
vấn” cô vài câu dọ dẫm đại khái như quê quán
ở đâu, tới hồi nào, sao biết chỗ này mà xin
việc vv… Cô nói “tui đâu biết chỗ này
mà xin, bà boss vô hostel tìm người làm, ông xã tui làm việc ở đó nên giới
thiệu tui với bả và bả nhận”. Vậy rồi qua tuần sau hai đứa bỗng dưng trở
thành bạn ngon lành ngọt sớt như mía lùi, chừng đó mới biết té ra là hai đứa bằng
tuổi nhau, cùng là hai con rồng như nhau, cùng có tên chữ lót là “Tố” giống
nhau. Chị là cô giáo ở Việt Nam . Còn cô tuy không đi dạy học ngày nào nhưng tất cả những đứa học trò của ông xã cô đều
gọi cô là “sư mẫu”. Bên nửa cân, người tám lượng, hèn chi mà đứa nào cũng có chút
bẩm sinh… cao ngạo, tưởng là mình ở chót vót trên chín từng mây nên kỳ thị
người dưới thế. Nhưng mỗi đứa thể hiện “khí phách” của mình một cách khác nhau.
Người thì hịnh hỡm khinh thường đối phương ra mặt, kẻ thì giả bộ nín thở qua
sông, lấy nhu chế cương để chinh phục cho được “con ma đầu” ó đâm này. Rốt cuộc thì hai
đưa hỉ hả cười xòa với nhau.
Bây giờ cô không hỏi thì chị cũng kể tuốt luốt hết mọi chuyện, chuyện bản
thân, chuyện gia đình, anh chị em, bạn bè như đã từng thân thiết với cô đâu từ hồi
đời kiếp nào rồi vậy. Hôm nào ông bà chủ có việc phải ra ngòai là chị tha hồ “gossip”
về chuyện của hai ông bà từ thuở mới di dân tới Úc, nói cho hả hê bỏ lúc phải
giả bộ làm màu làm chảnh câm như hến đến nỗi bà chủ thấy lạ phải lên tiếng hỏi
“Are you both from the same country, the
same language?”. Và bây giờ thì chị đã
mau mắn gật đầu vui vẻ nói “Yes, we are” để
rồi sau đó chính chị đã đề nghị cho hai ông xã quen biết kết bạn với nhau để chia sẻ nâng đỡ nhau trong cuộc
sống tha hương nơi xứ người. Thế mới biết tâm lý chung của con người là rất sợ
bị bỏ rơi cô lập, ai cũng sợ phải làm một
Robinson lẻ loi một mình trên hoang đảo, mãi mãi sống cách biệt xã hội, quần
thể bạn bè nhứt là cùng trong một hòan cảnh lưu vong tỵ nạn như nhau.
Đời tỵ nạn là như thế đó, có biết bao điều ly kỳ hào hứng lẫn chua chát đắng cay nhứt là đối
với những ai đã từng một thời vàng son oanh liệt trong quá khứ thì quả thật bẽ
bàng. Trước khi có được một mái nhà để an cư thì có lẽ ai ai cũng phải ba chìm
bảy nổi chín cái long đong vì nhu cầu sinh kế. Người xưa có câu “an cư lạc
nghiệp” nhưng đối với người tị nạn thì có lẽ phải lạc nghiệp trước rồi mới có khả
năng mua nhà sắm cửa để an cư suốt đời. Nhưng dẫu sao ở một xứ sở tự do chan
chứa tình người như nước Úc này thì người dân dù có khổ cực nhọc nhằn đến đâu
đi nữa cũng chẳng thấm thía gì so với mấy chục triệu đồng bào còn kẹt lại nơi
quê nhà đang ngày ngày vất vưởng lầm
than trong ngục tù cộng sản không biết đến ngày nào mới được tháo củi xổ lồng
tung bay…
Người
Phương Nam
* Thánh ca “Con dâng Chúa” LM Nguyễn Mộng Hùynh