Sunday, July 20, 2014

HÒN PHỤ TỬ - CHÙA HANG Ở HÀ TIÊN ( Kim Chi Sưu Tầm )




 Hòn Phụ Tử - Hà Tiên

Điểm du lịch Hòn Phụ Tử thuộc khu Di tích danh thắng quốc gia Hòn Chông, được Bộ Văn hoá Thông tin - nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận ngày 21 tháng 1 năm 1989.
Khu du lịch Hòn Phụ Tử có diện tích gần 173ha, từ Tp. Rạch Giá đi thẳng theo Quốc lộ 80 hướng về thị xã Hà Tiên, đến ngã ba Ba Hòn thì rẽ tay trái đi hơn 15km đến mũi Hòn Chông. Đường giao thông thuận tiện và thông suốt, dân địa phương hiền hoà, mến khách, giá cả dịch vụ vừa phải. Hàng năm khu du lịch Hòn Phụ Tử đón hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan du lịch, điểm tham quan nổi bật của khu di tích là Chùa Hang và Hòn Phụ Tử.
Hòn Phụ Tử: Từ Chùa Hang phóng tầm mắt hướng ra biển vài trăm mét ta bắt gặp Hòn Phụ Tử. Người Khmer gọi Phnum-đong-tong: Phnum là núi, đong-tong là cột cờ, nghĩa là ngọn núi có hình dạng như cây cột cờ. Tương truyền, thời thực dân Pháp mới đến Việt Nam, mỗi lần chúng muốn ghé vào cửa Chùa Hang đều bị cụm Hòn Phụ Tử “trôi” ra chặn lại, sau đó chúng dùng đại bác bắn đỉnh núi phía tay phải. Hiện nay đỉnh núi ấy còn dấu bể bên chóp, Hòn Phụ Tử được tạo thành bởi một khối đá cao và một khối đá thấp, khối cao khoảng 30m gọi là Hòn Phụ, khối thấp cao khoảng 25m hơi nghiêng về hướng đông gọi là Hòn Tử.


Sự tích kể rằng, thuở nước biển chưa thoái, tại Chùa Hang mực nước còn cao hơn bây giờ, trong hang có một con thủy quái thường ra quấy phá dân cư. Không thể để dân làng khổ sở chết chóc hàng năm như vậy, từ núi Tà lơn có hai cha con người đạo sĩ đến, xin diệt thủy quái, dân chúng mừng rỡ và ủng hộ. Cha con người đạo sĩ thoa một lớp thuốc làm cho da cứng như đá, rồi mang câu móc lặn vào hang thủy quái. Người con vào hang
ném câu móc vào hàm thủy quái rồi xả dây kéo ra cho ngưới cha cùng dân làng kéo thủy quái lên. Nhưng con thủy quái rỡ được lưỡi câu, móc vào kẹt đá, người cha và dân làng trục mãi không lên, người con thấy vậy lặng vào hang để xem xét. Con thủy quái núp gần đó xông ra táp một nhát làm người con bể mất một bên đầu, anh vọt lên mặt nước, gọi lớn: “Bớ cha, câu quát”. Người cha thấy con bị thương, lao vội xuống nước dựng con dậy, đứng trơ ra bàng hoàng…đã đến lúc thuốc hoá đá hết giờ hồi sinh, hai cha con người đạo sĩ toàn thân bị hoá đá đứng mãi trước cửa hang con thủy quái. Con thủy quái cũng bị thương trong lúc hỗn chiến, nó nhảy vọt lên ngọn đảo Đá Lửa ngồi để chữa thương, nhưng rồi nó cũng bị hoá đá. Bởi hình dáng của nó giống một con nghê, nên bây giờ người đời gọi đảo “Đá Lửa Con Nghê”. Dù đã hoá đá nhưng nó vẫn di chuyển được trong khoảng 100m, khi nước lớn nó ở vị trí khác, nước ròng nó lại trở về vị trí ban đầu nên những ngư dân ở dây hết sức kinh ngạc và gặp khó khăn do khó xác định được phương hướng khi hòn cứ di chuyển như vậy. Họ lặn xuống quan sát thì thấy phần chân khối đá không dính liền với phần đất nên đã dùng dây thừng cột níu lại nhưng nó vẫn cứ di chuyển. Chuyện kể rằng khi tàu tuần tra của Pháp đi ngang qua đây thấy khối đá lớn cứ di chuyển nên rất bàng hoàng liền lấy súng đại bác bắn dữ dội vào, lửa văng tung toé, khối đá nứt làm đôi cách nhau vài mét, đầu con ngê bị gãy gục xuống nên từ đó hòn không còn di chuyển nữa. Từ đó người dân địa phương gọi là hòn “Đá lửa Con nghê”. Bây giờ vùng mé biển này đêm khuya ta nghe một loài chim ăn đêm cứ kêu “Cắc ca câu quát! Cắc ca câu quát!”. Dân gian bảo rằng loài chim đó là hiện thân của người con, và tiếng kêu ấy là: “Bớ cha câu quát!”. Đứng từ cửa hang Chùa Hang ta nhìn ra: hòn Con (phía tay phải) đã bị bể vẹt một bên đầu, hòn cha vẫn còn cao nhọn, Phụ - Tử cứ đứng bên nhau thi gan cùng tuế nguyệt, để cho người đời truyền tụng một giai thoại anh hùng.
Ngoài ra còn có truyền thuyết kể rằng: xưa vùng này có hai con thuồng luồng sống đã ngàn năm rất to lớn, hung dữ, thường nhận chìm các thuyền đánh cá qua lại của ngư dân. Đêm đến trườn lên bờ bắt người và súc vật, dân làng kinh hãi bỏ đi gần hết. Ngày nọ có hai cha con vị pháp sư đi ngang qua đây thấy cảnh nhà trống hoang sơ, không một bóng người động lòng thương muốn ra tay trừ thuỷ quá, hai cha con lập bàn tế thần linh rồi chèo thuyền ra khơi tìm thuỷ quái. Biển bổng nổi sóng, từ xa hai con thuỷ quái chờn vờn bơi tới. Hai cha con miệng ngậm đạo bùa, tay cầm gươm thiêng lội tới nghinh chiến. Trận chiến thật ác liệt, hai con thuỷ quái bị thương máu loang hồng mặt biển. Trừ xong thuỷ quái, chèo thuyền vào bờ thì bỗng nhiên thuyền hai cha con hoá đá thành Hòn Phụ Tử. Nhìn từ xa thấy cụm Hòn Phụ Tử có dáng như chiếc thuyền và hai cha con tựa vào nhau thành một thế đứng vững chắc, sừng sững như đêm ngày canh giữ cho dân làng nơi đây được yên ổn làm ăn sinh sống.
Có truyền thuyết lại kể đây là phần nối tiếp câu chuyện của Hòn Vọng Phu ở phương bắc. Chuyện kể rằng khi người chồng phát hiện người vợ chính là cô em gái thất lạc của mình, đau khổ dẫn đứa con trai đi về phương nam, hai cha con đi mãi đến vùng biển Hòn Chông. Người vợ ở quê nhà quá thương chồng con, bèn bồng đứa con nhỏ lên núi đứng ngóng về phương nam và hoá đá thành đá Vọng Phu. Người chồng ở phương nam cũng quá nhớ thương vợ con, nên thường dẫn đứa con trai ra bờ biển ngóng về phương bắc, một đêm mưa gió bảo tố hai cha con đã hoá thành hòn Phụ Tử. Với mỗi truyền thuyết, Hòn Phụ Tử càng được tô đậm tính nhân văn, hấp dẫn người nghe đến với mình ngày một nhiều hơn, sau khi vãn cảnh Chùa Hang.
Hòn Phụ Tử còn gợi vóc dáng hai mũi tên đặt trên bệ phóng. Nơi đây từng chứng kiến những thương thuyền Bồ Đào Nha, những cánh buồm của bọn cướp biển, những chiếc thuyền của Nguyễn Ánh, Tây Sơn, Nguyễn Trung Trực, rồi đến thuyền áp tải lương thực và vũ khí của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Từ nơi này nhìn về phía Tây nam là Quần đảo Bà Lụa với 46 hòn đảo lớn nhỏ, xinh đẹp được ví như một Vịnh Hạ Long thu nhỏ và mệnh danh là Vịnh Hạ Long của phương nam. Một số hòn mang trên mình những sự tích ly kỳ mang tính huyền thoại.
 Ở Kiên Giang có hàng trăm hòn lớn nhỏ, đa dạng, kể luôn đảo Phú Quốc. Riêng Hòn Phụ Tử được đa số du khách cho là trội nhất, gợi cảm, miên man mà ít nơi nào có được. Với hình dáng đặt biệt của mình Hòn Phụ Tử một thời đã từng là biểu tượng của du lịch Kiên Giang. Bể dâu biến đổi là lẽ thường tình của tự nhiên, vào một ngày tháng 7 âm lịch năm 2006 (9/8/2006), Hòn Phụ đã gãy ngang và đổ xuống biển để lại trong lòng rất nhiều người sự nuối tiết một kỳ quan, âu cũng là quy luật sinh tồn hết sức tự nhiên của tạo hóa.


Chùa Hang - Hà Tiên



Chùa Hang có từ đầu thế kỷ 18, nằm trong lòng hang núi, Chùa Hang cao 181m thuộc sơn hệ Hòn Chông. Chùa có tên chữ là Hải Sơn Tự nằm trọn vẹn trong một hang rất lớn có hai cửa rộng: cửa hướng Tây thông ra biển, cửa hướng Bắc nối tiếp với con đường dẫn vào Chùa từ đất liền. Đây chính là đỉnh cuối cùng của dãy núi Hòn Chông nhưng do trong hang có ngôi chùa nên dân gian quen gọi là núi Chùa Hang và Chùa Hang.
Bước qua cổng tam quan trước khuôn viên Chùa là khoảng sân rộng chạy dài tới chân núi An Hải, trước mặt là hang núi khá rộng, dài khoảng 40m, chổ hẹp nhất cũng vừa khoảng 3-4 người đi qua được. Đây là hang động thiên nhiên nằm trong ngọn núi đá vôi bị xâm thực cách nay hàng ngàn năm, lần theo vách hang có rất nhiều vỏ hến, vỏ sò bám đầy trên vách. Chùa Hang nằm phía trong đó, chùa có nhiều tượng Phật từ ngoài bước vào chánh điện là tượng phật Thích Ca, tượng Bồ đề Đạt Ma, tượng Phật nghìn mắt nghìn tay, tượng Đường Tam Tạng… Rẽ phải chánh điện là đường dẫn vào hang, lần theo con đường tối hai bên là đất đá nhám, dựng đứng ta sẽ bắt gặp hai pho tượng phật Thích Ca mang phong cách tượng phật Thái Lan. Vào thời Mạc Thiên Tích Ông đã cho hai hoàng tử Xiêm La là Chiêu Tuý và Chiêu Xi Xang lánh nạn nơi đây, hai vị hoàng tử này đã lập chùa trong hang, tạc tượng Phật để thờ, tính đến nay hai pho tượng phật Thích Ca đã an vị hơn 300 năm ở Chùa Hang.


Trước cửa hang phía Nam có miếu thờ bà Chúa Xứ tượng thờ cao 1,2m. Đến cuối hang, ra ngoài bãi cát mịn, nước trong xanh nhìn ra xa là Hòn Phụ Tử sừng sững mọc lên giữa biển. Bên tay trái là Hang Kim Cương được hình thành do nước biển xâm thực tạo thành hang động ăn sâu vào chân núi đá vôi, trải qua các thời kỳ nước mưa rỉ xuống tạo thành nhiều thạch nhũ có hình thù rất đẹp và lạ mắt. Vì là hang tối nên muốn vào hang phải dùng đèn pin, các thạch nhũ trong hang khi chiếu ánh sáng vào thì phản chiếu sáng lấp lánh như những viên kim cương kết thành chùm đã được gắn kết vào vách hang. Cũng vì điểm đặc biệt này mà hang có tên gọi là hang Kim Cương. Bên cạnh đó chúng còn tạo thành nhiều hình thù lạ mắt như: tượng Phật bà Quan âm, trái khổ qua, đại bàng, bạch tuột, rắn hổ mang, bông bí rợ…khi đứng cạnh phiến đá đặc biệt trong hang mà vỗ vào ngực sẽ phát ra âm thanh như tiếng trống dân địa phương gọi là Trống ngực. Tương truyền nơi đây chính là nơi vua Gia Long từng ẩn náu. Rời khỏi hang có một vách núi nhô ra biển gọi là mũi công chúa Ngọc Du. Chuyện kể rằng khi đoàn thuyền của Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi chạy đến đây, tướng Tây Sơn đuổi kịp nhảy lên thuyền của công chúa Ngọc Du thì đồng thời công chúa cũng gieo mình xuống biển. Sau đó Nguyễn Ánh trở lại và lập đàn tế đặt tên là Mũi công chúa Ngọc Du. Phía bắc Chùa có một mạch nước lộ thiên hình tròn cỡ giếng nhỏ sát vách đá lúc nào cũng đầy nước chảy xuống từ khe đá trên núi, được người dân sử dụng tưới cây, sinh hoạt. Phía đông Chùa Hang là Giếng Tiên. Đây là hang động trong núi ăn ra biển, bị mưa và sóng biển xâm thực tạo thành, cửa hang nằm hướng ngoài biển, muốn đến phải đi tàu khoảng 10 phút.Hang được cấu tạo bằng đá vôi có nhiều mạch nước rỉ xuống tạo thành thạch nhũ với rất nhiều hình thù, tuỳ theo trí tưởng tượng của mỗi người mà có thể hình dung ra thành các hình tượng khác nhau như: Cội bồ đề, ghế vua Gia Long, con bạch tuột, đùi gà, trái khổ qua,… Điều đặc biệt nhất là trong hang này lại có một giếng nước ngọt nằm trên vách đá, nước có quanh năm không bao giời cạn và cũng không bao giờ tràn ra ngoài. Nguồn nước mát lạnh và tinh khiết nên được người dân địa phương tin đó là giếng nước thiêng do trời đất ban tặng. Hang tối đen như mực vì thế mà Nguyễn Ánh lẩn trốn quân Tây Sơn tại đây trong một thời gian dài mà không bị nghĩa quân Tây Sơn phát hiện. Tương truyền khi ông cùng đoàn tỳ tùng trốn chạy đến đây thì mọi người không còn sức để đi tiếp, ông cùng các tướng sĩ trốn trong hang đã lấy nước này cho quân sĩ uống thì họ trở nên khoẻ mạnh và tinh thần phấn chấn hẳn lên nên Nguyễn Ánh đã đặt tên là Giếng Tiên. Ngày nay hang còn có tên gọi khác là hang Gia Long.



Hàng năm Chùa Hang tổ chức lễ hội long trọng từ ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch kéo dài đến ngày 15 tháng 4 âm lịch. Đây là những ngày hội mừng Phật Đản được tổ chức với nét văn hoá đặc sắc…Chùa Hang bé nhỏ huyền bí nhưng không khép kín mà mở ra với trời biển mênh mông đưa khách thập phương từ thiền môn bước ra hòa mình với trời biển mênh mông. Theo lòng hang ngoằn ngoèo trong lòng núi cuối cùng bạn sẽ nghe những ngọn gió mang hơi biển thổi vào mằn mặn, ngẩng nhìn, trước mắt bạn là một vùng biển trời bao la rộng lớn, cái tên “Hải Sơn Tự” của chùa cũng đủ thấy mối liên hệ kỳ diệu của biển và núi nơi đây.