Monday, April 6, 2015

10 KHÁC BIỆT GIỮA TẦNG LỚP TRUNG LƯU ... ( Chuyển Bởi Quyen Tat )




10 khác biệt giữa tầng lớp trung lưu và những người giàu có
Những người thuộc tầng lớp trung lưu và người giàu có những lối suy nghĩ hoàn toàn đối lập nhau. Chính điều đó tạo nên khác biệt trong khối tài sản giữa họ. Vì vậy nếu bạn muốn cùng "phe" với người giàu, bạn sẽ phải bắt đầu suy nghĩ và hành động như người giàu.
Theo tạp chí Forbes, 400 người giàu nhất nước Mỹ có tổng tài sản nhiều hơn tài sản của hơn 150 triệu người Mỹ thuộc nhóm dưới cộng lại. Nhưng với nhóm người thuộc tầng lớp trung lưu thì sao? Bạn có thể được coi là người thuộc tầng lớp trung lưu, bạn không nghèo nhưng chưa giàu.
Theo số liệu thống kê trong khoảng 2 thập kỷ đổ lại đây, tầng lớp trung lưu lại có vẻ đang ít dần đi. Điều đó có nghĩa là trong tương lai bạn sẽ ít có khả năng thuộc tầng lớp trung lưu hơn. Thay vào đó, bạn có nhiều khả năng thuộc tầng lớp nghèo hoặc giàu. Bạn muốn gia nhập tầng lớp nào?
Nếu bạn muốn cùng "phe" với người giàu, bạn sẽ phải bắt đầu suy nghĩ như người giàu. Dưới đây là 10 khác biệt giữa người trung lưu và người giàu:
1.    Người trung lưu sống thoải mái, người giàu chọn lối sống kém thoải mái

“Hãy sẵn sàng sống không thoải mái. Hãy thoải mái với việc sống không thoải mái. Điều đó có vẻ khó khăn nhưng đó là mức giá khá thấp mà bạn phải trả để hoàn thành giấc mơ”, Peter McWilliams.
“Trong đầu tư, những thứ thoải mái hiếm khi có lợi nhuận", Robert Arnott.
Sự thoải mái khi làm một công việc ‘an toàn’ là sự thoải mái khi làm việc cho người khác. Người trung lưu nghĩ rằng thoải mái nghĩa là hạnh phúc, nhưng người giàu nhận ra rằng những thứ đặc biệt chỉ xảy ra khi chúng ta đặt bản thân vào những hoàn cảnh không thoải mái.
Mở một công ty của riêng mình là một việc mạo hiểm và những thứ mạo hiểm có thể không thoải mái nhưng một chút mạo hiểm là điều kiện cần để tạo ra của cải và đạt được những kết quả vượt trội.
Vì vậy, hãy bước ra ngoài vùng thoải mái của bạn và xem xét tất cả các lựa chọn mà bạn có. Ít nhất bạn sẽ phải chấp nhận một chút không thoải mái nếu bạn muốn trở nên giàu có. Bạn thậm chí có thể thất bại và đó là điều tuyệt vời vì nếu bạn không thất bại có nghĩa là bạn đang không làm nhiều.
2. Người trung lưu sống vượt mức thu nhập, người giàu sống dưới mức thu nhập

“Không có giá trị chân thật nào ấn tượng, và không có sự độc lập nào quan trọng như việc sống trong phạm vi thu nhập của bạn”, Calvin Coolidge.
Bạn sẽ không thấy một triệu phú trong một chiếc xe hơi trị giá 100.000 USD hoặc một ngôi nhà nhiều triệu đô. Người giàu không chi tiền cho những thứ có thể làm họ trở thành con nợ, họ chi tiền cho những khối tài sản có giá trị lớn và họ sống dưới mức thu nhập của họ.
Theo các nghiên cứu được trình bày trong cuốn sách “The Millionaire Next Door”, nhìn chung, người giàu thường lái những chiếc xe hơi đã vài năm tuổi và không mua xe mới. Ngay cả khi có khả năng mua một chiếc xe Escalade mới, họ cũng thường không mua nó.
Hãy nhớ rằng, nếu bạn kiếm được 1 triệu USD/năm và bạn tiêu hết 1 triệu USD/năm thì bạn vẫn dậm chân tại chỗ mà thôi.
3. Người trung lưu leo lên từng nấc thang danh vọng trong công ty, người giàu sở hữu chiếc thang của riêng họ

“Những người giàu nhất thế giới tìm kiếm và tạo dựng các mạng lưới trong khi phần lớn những người khác thì tìm kiếm việc làm”, Robert Kiyosaki.
Những người trung lưu thường làm việc cho người khác. Họ có một công việc, một nghề nghiệp. Những người giàu tự mình làm chủ và tạo ra các công việc. Họ thường sở hữu công ty riêng. Họ sở hữu chiếc thang danh vọng mà người trung lưu đang cật lực làm việc để leo lên. Người giàu hiểu rằng họ cần nhiều người làm việc cho họ để kiếm được nhiều tiền hơn và họ cũng hiểu rõ sức mạnh của nguồn thu nhập thụ động.
4. Người trung lưu làm bạn với tất cả mọi người, người giàu chọn bạn một cách khôn ngoan

“Tốt hơn là nên giao du với những người giỏi hơn bạn. Hãy chọn những người phụ tá có hành vi tốt hơn bạn và bạn sẽ ảnh hưởng tích cực từ họ”, Warren Buffett.
Người giàu hiểu rằng khi ở cạnh những người thành công, thành công của họ sẽ đến theo. Tương tự như vậy, ở cạnh những người không thành công sẽ có hiệu ứng dễ đoán trước.
Thu nhập của bạn thường là trung bình cộng của tổng thu nhập của ba người bạn thân nhất. Do đó, nếu bạn muốn kiếm được nhiều tiền hơn, hãy giao du với những người kiếm được nhiều tiền hơn. Điều đó có nghĩa là có cùng tư duy với những người thành công. Nếu bạn muốn giàu có, bạn phải nghĩ giàu. 
5. Người trung lưu làm việc để kiếm tiền, người giàu làm việc để học hỏi

“Khi bạn còn trẻ, hãy làm việc để học hỏi, đừng làm việc để kiếm tiền”, Robert Kiyosaki.
Người trung lưu dễ dàng bị thuyết phục thay đổi công việc khi có người đưa ra mức lương cao hơn. Người giàu hiểu rằng làm việc không chỉ vì tiền, nhất là trong những năm đầu. Đó là thời gian bạn xây dựng các kỹ năng và phẩm chất cần thiết để trở nên giàu có. Chẳng hạn, bạn làm công việc bán hàng để hiểu rõ hơn về giới bán hàng. Hoặc bạn làm việc cho một ngân hàng để hiểu hơn về ngành kế toán.
Nếu bạn muốn giàu, bạn phải làm việc để học những kỹ năng bạn cần để trở nên giàu có. Thực tế, hầu hết những người giàu không giàu có nhờ hưởng lương cao.
 6. Người trung lưu có các vật dụng, người giàu có tiền

“Quá nhiều người tiêu số tiền mà họ chưa kiếm được để mua những thứ họ không muốn, để tạo ấn tượng cho những người họ không thích”, Will Rogers.
Những người trung lưu thường tiêu tiền vào những chiếc xe hơi xa xỉ và những ngôi nhà lớn. Nếu lái xe qua khu vực những người trung lưu sống, bạn sẽ thấy những nhãn hiệu xe hơi mới, những tiêu cảnh đắt đỏ và những ngôi nhà đắt tiền.
Người giàu hiểu rằng để trở nên giàu có, bạn phải muốn tiền nhiều hơn các vật dụng. Nếu bạn cứ mua các vật dụng thì tiền của bạn cũng đội nón đi theo. Ngay cả tỷ phú giàu thứ 2 thế giới Warren Buffett cũng chỉ sống trong ngôi nhà trị giá 31.500USD mà ông đã mua từ năm 1958.
Hãy ngừng mua các vật dụng và bắt đầu tập trung tiết kiệm cũng như đầu tư số tiền mà bạn kiếm được. Nếu bạn là người nghiện mua sắm, hãy bắt đầu mua những thứ có giá trị gia tăng. Hãy yêu thích việc đầu tư và tìm kiếm những cổ phiếu và doanh  nghiệp giá rẻ thay vì những đôi giày và đồ điện tử. Điều đó chứng minh tiết kiệm tiền không phải là tất cả.
7. Người trung lưu tập trung tiết kiệm, người giàu tập trung kiếm tiền

“Tài sản lớn nhất của bạn là khả năng kiếm tiền. Nguồn lực lớn nhất của bạn là thời gian”, Brian Tracy.
“Nếu bạn muốn giàu có, hãy nghĩ đến việc tiết kiệm và cả việc kiếm tiền”, Benjamin Franklin.
Tiết kiệm là điều quan trọng nhưng đầu tư có thể còn quan trọng hơn. Tuy nhiên, cả hai việc trên đều phải dựa trên nền tảng của việc kiếm tiền. Bạn hiểu rằng mình cần tiết kiệm và đầu tư, nhưng để thực sự đạt được các mục tiêu cao với hai việc này, bạn phải kiếm được nhiều tiền hơn.
Người giàu hiểu điều này và nỗ lực tạo ra nhiều cách kiếm tiền và kiếm được nhiều tiền hơn với các cách mà họ tạo ra. Nếu bạn thực sự muốn trở nên giàu có, hãy cải thiện khả năng kiếm tiền thay vì "nâng cấp" khả năng tiết kiệm của bạn.
8. Người trung lưu giải quyết các vấn đề tiền bạc theo cảm xúc, người giàu giải quyết theo logic

“Chỉ khi nào bạn kết hợp được trí óc minh mẫn với cảm xúc được kiểm soát thì bạn mới có được hành vi hợp lý”, Warren Buffett
Steve Siebold đã phỏng vấn hơn 1.200 người giàu nhất thế giới trong vòng 30 năm qua để phục vụ cho việc viết cuốn sách “How Rich People Think”, và theo ông, có hơn 100 sự khác biệt trong cách nhìn nhận về tiền bạc giữa người giàu và người trung lưu.
Ông đã tìm ra một trong những khác biệt quan trọng là người trung lưu nhìn nhận tiền bạc dưới góc nhìn cảm xúc, còn người giàu nhìn nhận tiền bạc thông qua góc nhìn logic.
Đưa ra những quyết định tài chính theo cảm xúc sẽ hủy hoại tài chính của bạn.
Warren Buffett giải thích rằng trong đầu tư, giải quyết vấn đề cảm xúc quan trọng hơn giải quyết vấn đề tiền bạc. Cảm xúc là thứ khiến mọi người mua giá cao và bán giá thấp. Cảm xúc cũng tạo ra những vụ làm ăn mạo hiểm. Do đó, hãy gạt cảm xúc khỏi việc làm ăn và hãy tuân theo logic.
9. Người trung lưu đánh giá thấp tiềm năng của bản thân, người giàu đặt ra các mục tiêu lớn

“Hãy đặt ra các mục tiêu cao và đừng dừng lại cho tới khi bạn đạt được chúng”, Bo Jackson.
Người trung lưu đặt ra các mục tiêu. Đôi khi chính các mục tiêu đã tạo ra sự khác biệt giữa người trung lưu và người giàu. Người trung lưu đặt ra các mục tiêu an toàn dễ đạt được. Người giàu đặt ra các mục tiêu có vẻ bất khả thi, khó khăn hoặc điên rồ. Nhưng họ biết chúng có thể đạt được, vấn đề là cần có tư duy đúng đắn.
Khi bạn đang đặt ra các mục tiêu, hãy tự hỏi xem liệu mục tiêu đó có thể lớn hơn không. Hãy tự hỏi xem đó có phải tất cả những điều bạn có thể làm hoặc bạn có thể làm hơn thế.
10. Người trung tin rằng phải làm việc chăm chỉ, người giàu tin vào đòn bẩy

“Sử dụng đúng cách các nguồn lực sẵn có dễ hơn xây dựng những nguồn lực chưa có”, George Soros.
Làm việc chăm chỉ là điều cần thiết đối với tất cả mọi người. Nếu bạn muốn bước tới đỉnh cao thành công, bạn phải lao động. Vấn đề là chỉ làm việc chăm chỉ thôi thì chưa đủ để giúp bạn giàu. Bạn không thể trở nên giàu có nếu tự làm lấy hết mọi việc. Bạn phải dùng đến các đòn bẩy để trở nên thực sự giàu có và sử dụng chúng đúng cách.
Bạn có thể dùng đòn bẩy đối với nhiều việc từ thuê ngoài cho tới đầu tư. Bạn càng dùng nhiều đòn bẩy, bạn càng có nhiều thời gian rảnh để làm những việc thực sự có ý nghĩa đối với cuộc sống và sự nghiệp của bạn.
Nói tóm lại, nếu bạn muốn trở nên thành công, bạn phải suy nghĩ như người giàu và làm những việc người giàu làm.