Wednesday, March 11, 2015

MẮT CŨNG CẦN THỂ DỤC ... ( Chuyển Bởi Tu Lan )




MẮT CŨNG CẦN THỂ DỤC ...

Ngay cả khi có thị lực 10/10, việc chăm sóc đôi mắt vẫn rất quan trọng. Và dù bạn tin hay không, việc tập luyện cho đôi mắt cũng quan trọng như việc luyện tập những bộ phận còn lại của cơ thể.

Việc chăm sóc đôi mắt nên được ưu tiên hàng đầu, đặc biệt, nếu bạn dành phần lớn thời gian ngồi trước máy tính, điện thoại hoặc màn hình ti vi. Và nếu nhìn chằm chằm vào máy tính trong thời gian dài thì có thể khiến toàn bộ cơ thể trở nên mệt mỏi, chứ không riêng gì mắt.

Tập luyện cho đôi mắt rất quan trọng

TS. Keki Mehta, bác sĩ chuyên khoa Mắt, giải thích: “Những bài tập mắt rất tốt cả về mặt cơ học và quang học. Nó sẽ cải thiện sự ổn định cơ học của mắt bằng cách phối hợp và tăng cường các cơ mắt, làm tăng khả năng tập trung của mắt. Về mặt quang học, tập luyện mắt giúp cải thiện hình ảnh quang học phối hợp giữa hai mắt, giúp mắt chuyển tiếp một hình ảnh ba chiều chính xác đến não. Sau đó, sẽ gửi một tín hiệu khiến chúng ta nhìn rõ hình ảnh”.

Tuy các bài tập cho mắt có thể không giúp bạn giảm sự lệ thuộc vào kính, nhưng nó rất cần thiết nếu bạn muốn có một đôi mắt khỏe. Đôi mắt của bạn cũng giống như bất kỳ phần nào khác của cơ thể - chúng cần được nghỉ ngơi và phục hồi sau một ngày làm việc.

Tập luyện đôi mắt thường xuyên chắc chắn sẽ giúp bạn không cảm thấy mệt mỏi vào cuối ngày và đảm bảo rằng đôi mắt của bạn luôn trong trẻo.

Nguyên nhân của mỏi mắt

Đọc sách trong điều kiện không đủ sáng dẫn đến căng thẳng. Điều này là do đồng tử mắt phải giãn ra để cho phép nhiều ánh sáng vào mắt. Căng thẳng đôi mắt có thể dẫn đến nhức đầu dai dẳng, mệt mỏi, mờ mắt và mất khả năng tập trung.

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của sự mệt mỏi của đôi mắt là nhìn quá lâu vào các thiết bị kỹ thuật số như màn hình máy tính, điện thoại thông minh hoặc các trò chơi video.

Tình trạng mỏi mắt được gọi là hội chứng thị lực máy tính. Nó ảnh hưởng đến khoảng 50-90 % nhân viên phải thường xuyên làm việc với máy tính. Tiếp xúc với ánh sáng quá chói hoặc nhìn chằm chằm vào một vật gì đo rất có hại cho mắt.

Ngoài ra, bất kỳ hoạt động nào khiến bạn phải tập trung cao độ trong thời gian dài có thể làm giảm tần số chớp mắt, dẫn đến khô mắt. Đây là lý do tại sao mắt bạn thường mỏi khi đọc trên đường đi hoặc đọc trong ánh sáng mờ.

Các bài tập cho đôi mắt

Đảo mắt: Đảo mắt theo chiều kim đồng hồ và sau đó đảo theo chiều ngược lại. Lặp lại sau 30 phút. Điều này đặc biệt cần thiết nếu bạn đang ngồi trước màn hình máy tính hoặc phải nghiên cứu trong nhiều giờ.

Che sáng: Nhắm mắt lại và dùng khum bàn tay của bạn che ánh sáng cho mắt. Tránh áp đẩy lực lên nhãn cầu. Điều này giúp thư giãn và xóa tan mệt mỏi cho đôi mắt.

Tập trung: Tập trung vào một vật xa bạn trong khoảng nửa phút. Cố gắng duy trì sự tập trung, sau đó chớp mắt nhanh nhiều lần. Tiếp theo, tập trung vào một vật gần đó trong khoảng 15 giây, rồi chớp mắt nhanh và nhiều lần. Thực hiện động tác này khoảng 10 lần.


10 điều nên làm để giữ mắt khỏe


Khám mắt định kỳ, đeo kính chống nắng, không hút thuốc... đó là những điều tốt cho sức khỏe đôi mắt. Mắt chúng ta cũng cần có lịch khám đều đặn, chỉ có điều không cần thiết phải quá thường xuyên. Đó là để phát hiện sớm những căn bệnh về mắt, đồng thời giúp làm chậm quá trình lão hoá mắt cho mọi người.
Khám mắt định kỳ, đeo kính chống nắng, không hút thuốc... đó là những điều tốt cho sức khỏe đôi mắt.

1. Chú ý khám kiểm tra mắt


Mắt chúng ta cũng cần có lịch khám đều đặn, chỉ có điều không cần thiết phải quá thường xuyên. Đó là để phát hiện sớm những căn bệnh về mắt, đồng thời giúp làm chậm quá trình lão hoá mắt cho mọi người.


Lần khám mắt đầu tiên nên bắt đầu trước 5 tuổi. Từ đó đến năm 19 tuổi chúng ta cần khám kiểm tra mắt ít nhất 1 lần để phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh suy giảm thị lực và nhiều căn bệnh cơ bản khác về mắt. Từ 20 - 30 tuổi nên khám mắt 1 lần. Từ 30 - 40 tuổi nên khám 2 lần.


Đây là cơ sở để phát hiện những triệu chứng sớm của các bệnh như glaucoma (bệnh tăng nhãn áp) và điểm đen võng mạc (sự lão hoá khiến mắt giảm thị lực). Nếu được phát hiện kịp thời, những chứng bệnh này hoàn toàn có thể điều trị được. Sau 40 tuổi, chúng ta nên kiểm tra mắt định kỳ mỗi 2 - 4 năm; trên 65 tuổi, nên khám mắt 2 năm 1 lần. Với những người có bệnh tiểu đường hoặc trong gia đình có tiền sử bệnh án về mắt thì nên khám định kỳ theo sự chỉ định của bác sĩ.

2. Chống nắng cho mắt


Kính mát không chỉ để giúp bạn phòng tránh những vết chân chim nơi khoé mắt vốn rất dễ hình thành khi phải nheo mắt quá nhiều. Kính mát còn là để giúp bạn ngăn chặn những tác hại của tia cực tím cùng những bước sóng khác có thể khiến bạn bị đục nhân mắt hoặc bị điểm đen võng mạc. Tốt nhất, bạn nên sử dụng kính mát thường xuyên, vào bất cứ khi nào ra đường, đặc biệt là ở nhũng vùng có ánh sáng chói gắt (gần mặt nước hoặc tuyết) và không nên chỉ dùng trong mùa hè. Bạn nên dùng loại kính tốt, mắt kính được làm bằng chất liệu chuyên biệt và có độ chống nắng 100%. Theo các chuyên gia nhãn khoa, những tia sóng màu xanh lam và màu tím là có hại nhất đối với võng mạc. Và kính mắt có màu hổ phách, màu vàng cam hoặc mầu nâu đặc biệt có hiệu quả trong việc ngăn chặn các bức sóng màu tím và màu xanh.

3. Chăm sóc mắt chu đáo


Những người phải thường xuyên làm việc ở những môi trường như công trường xây dựng, khu chế tác, sản xuất... những nơi thường xuyên phải tiếp xúc với bụi và những mảnh, miếng nhỏ, cứng, dễ bay... đều cần phải sử dụng kính bảo vệ mắt. Ngay cả khi thực hiện những công việc vặt trong nhà như treo tranh, sơn tường hoặc sơn móng tay... thì chúng ta cũng cần phải đeo kính bảo hộ.

4. Dùng kính sát tròng đúng cách


Kính sát tròng là một dụng cụ bảo vệ mắt hữu hiệu, tuy nhiên chúng lại đòi hỏi người sử dụng phải đặc biệt giữ gìn, bảo quản. Tốt nhất bạn nên có một cặp đôi mắt kính sát tròng để sử dụng thay thế luân phiên trong những trường hợp bắt buộc như bị nhiễm trùng mắt... Bởi nếu không, chúng có thể dễ dàng khiến triệu chứng nhẹ ban đầu (nhiễm trùng, sưng tấy mắt) trở thành bệnh nặng (loét mắt, viêm võng mạc). Cũng nên kiểm tra hạn dùng của dung dịch ngâm mắt kính thường xuyên để bảo đảm vệ sinh mắt kính.

5. Tăng cường sức sống cho đôi mắt


Nhiều người thường nghĩ rằng chỉ cà rốt vốn chứa nhiều vitamin A mới cần thiết cho việc bảo vệ mắt. Mắt còn cần chất lutein để giúp phòng tránh chứng điểm đen võng mạc. Chất lutein có nhiều trong các loại rau lá xanh, đặc biệt là cải xoăn, bó xôi. Ngoài ra, mắt bạn còn rất cần tăng cường lượng axit béo Omega 3 từ cá để giúp phòng tránh hiện tượng khô mắt. Tuy nhiên, bạn nên đặc biệt tránh axit béo Omega 6 vì chúng sẽ làm hạn chế tác dụng của Omega 3. Omega 6 có nhiều trong dầu thực vật.

6. Thay nhớt cho mắt


Do tác động của quá trình lão hoá, mắt chúng ta sẽ ngày càng khô hơn. Nguyên nhân của hiện tượng khô mắt là do màng nước mắt không đủ nước, chất nhờn và dầu. Chung quanh mí mắt chúng ta thực ra luôn có một lượng dầu nhất định đế bôi trơn giúp cho mắt giữ được nước nên không bị khô. Nếu mắt thiếu dầu, chúng sẽ dẫn tới việc xuất hiện thêm nhiều tuyến lệ và khiến chúng ta bị chảy nước mắt liên tục (đó là lý do vì sao khi mắt bị sưng tấy hoặc khô, chúng ta thường hay chảy nước mắt). Chất axít béo Omega 3 có thể "xử lý" vấn đề này dễ dàng. Ngoài ra, sức nóng và hơi gió cũng có thể gây khô mắt, đặc biệt là khi bạn thường xuyên ngồi gần quạt thông gió, máy điều hoà... Tốt nhất bạn nên tránh để luồng gió thổi trực tiếp vào mặt.

7. Đừng hút thuốc



Thuốc lá làm tăng nguy cơ và đồng thời thúc đẩy nhanh quá trình phát triển của bệnh đục nhân mắt, bệnh điểm đen võng mạc và phá huỷ hệ thần kinh thị giác.

8. Đừng để mắt bị căng thẳng


Bất kỳ công việc nào đòi hỏi sự tập trung cao độ cũng sẽ khiến tần suất chớp mắt của bạn bị giảm thiểu. Và đương nhiên, những công việc liên quan nhiều đến máy tính và sở thích lướt nét sẽ là mối nguy hại hàng đầu đối với sức khoẻ đôi mắt. Vì thế, bạn nên nhớ thường xuyên nghỉ giải lao và thay đổi hướng nhìn liên tục nếu phải làm việc quá căng thẳng. Ngoài ra, những loại thuốc nhỏ mắt (không phải loại để chữa bệnh) sẽ giúp bạn bôi trơn mắt, khiến mắt đỡ mỏi để bạn có thể làm việc lâu hơn.

9. Lưu ý tiền sử bệnh án


Các chứng bệnh về mắt thường do di truyền. Do đó, nếu mắt bạn bị mắc chứng glaucoma hoặc bất kỳ chứng bệnh nào khác liên quan đến mắt, tốt nhất bạn nên chia sẻ thông tin với người thân trong gia đình và họ hàng chung quanh. Nhận thức được vấn đề và phát hiện sớm sẽ giúp mọi người phòng tránh và chữa trị được các bệnh về mắt một cách dễ dàng.

10. Sống khoẻ và sinh hoạt điều độ


Nếu tăng cường vận động cơ thể, thực hiện đều đặn các bài tập thể dục, vòng tuần hoàn máu trong cơ thể bạn sẽ được thúc đẩy và làm giảm áp lực lên mắt. Kiểm tra sức khoẻ định kỳ cũng cần thiết để bảo vệ mắt khi chúng có thể giúp phát hiện sớm những chứng bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ đôi mắt của bạn như tiểu đường...