Friday, November 14, 2014

TRƯƠNG VĂN BỀN VÀ XÀ BÔNG CÔ BA ( Chuyển Bởi VK )



  Trương Văn Bền và Xà Bông Cô Ba


Ông Trương Văn Bền, sáng lập xà bông Cô Ba nổi tiếng khắp miền Nam Việt Nam trước 1975

Người sống ở miền Nam trước năm 1975 ai cũng biết xà bông Cô Ba. Thời đó Cô Ba đánh bật cả những hiệu xà bông nổi tiếng nước ngoài nhập cảng ở Việt Nam, độc chiếm thị trường Đông Dương, xuất cảng sang tận Hương Cảng, Phi châu, Tân Đảo. Người đưa “Cô Ba” đi xa như vậy là ông Trương Văn Bền.
 
 Chỉ huy trưởng kỹ nghệ đầu tiên của Việt Nam
 
Người Anh, Mỹ thường dùng từ “captains of industry” để gọi những người đi đầu, khai phá, trong nền kỹ nghệ của một đất nước. Nếu nhìn lại toàn bộ những gì mà ông Trương Văn Bền đã từng làm cho nền kỹ nghệ nước nhà thời trước 1975, thì có thể gọi ông là người “chỉ huy trưởng kỹ nghệ” đầu tiên của Việt Nam.
 
Ông Trương Văn Bền sanh tháng 12/1884, trong gia đình người Minh Hương khá giả. Lúc nhỏ Trương Văn Bền học chữ Hán, sau đó năm 1896, ông bắt đầu học ở các trường Pháp nổi tiếng như Ecole Municipale de Cholon, Collège de My Tho, Lycée Chasseloup-Laubat (Saigon). Ông cũng thường xuyên được sang Pháp, theo học ở những ngôi trường danh tiếng, nhưng ông không có bằng cấp nào cả. Dù vậy ông vẫn được bổ nhiệm làm công chức trong chính quyền. Năm 1901, ông thôi việc, trở lại nghề buôn bán của cha ông.
 
Từ nhỏ, Trương Văn Bền đã quen với khung cảnh giao thương mua bán tấp nập, máu kinh doanh cũng thấm vào người ông như lẽ tự nhiên. Khi mới bỏ nghiệp công chức ra buôn bán, lúc đầu Trương Văn Bền bán đậu phọng, đậu xanh, đường, trong một cửa tiệm nhỏ ở số 40 rue du Cambodge (Chợ Lớn). Sau đó ông khuếch trương mua hàng sỉ bán lại cho các tiệm bán lẻ ở Chợ Lớn. Việc làm ăn phát đạt ông mở nhà máy sản xuất tinh dầu, buôn bán nông sản lúa gạo. Một năm sau, ông mở một nhà máy xay gạo ở Chợ Lớn và một ở Rạch Cát. Ông còn có một khách sạn và một tiệm mỹ phẩm ở Chợ Lớn. Nhưng ông thực sự nổi tiếng từ khi bước vào ngành sản xuất xà bông.
 
Thuở đó, chỉ có các lò nhỏ ở Chợ Lớn sản xuất xà bông rẻ tiền. Cũng có hai nhà máy làm xà bông của hai người Pháp là Mazet và Boris nhưng xà bông của họ giá rất mắc. Người Sài Gòn ưa chuộng xà bông nhập cảng của Pháp, xà bông Marseille.
 
Ông Trương Văn Bền rất nhạy bén, nhìn thấy cái ‘lỗ hổng” này. Một mặt, ông lân la đến hai nhà máy của người Pháp tìm cách học bí quyết sản xuất xà bông. Mặt khác, ông gởi một kỹ sư giỏi qua Paris để tìm hiểu kỹ thuật làm xà bông. Khi kỹ sư này về Việt Nam, ông bắt tay vào sản xuất mặt hàng xà bông của riêng mình.
 
Năm 1932, hãng xà bông Trương Văn Bền được thành lập tại địa chỉ “Quai de Cambodge” (trước chợ Kim Biên bây giờ), ban đầu sản xuất 600 tấn xà bông đá giặt đồ mỗi tháng. Sau đó xà bông Cô Ba, xà bông thơm đầu tiên của Việt Nam, để tắm gội ra đời. Cho tới bây giờ người ta vẫn không hiểu xà bông của ông Trương Văn Bền sản xuất từ dầu dừa, nhưng công thức sản xuất như thế nào mà chỉ nghe mùi thơm là biết đó là xà bông của hãng Trương Văn Bền.
 
 
Xà bông Cô Ba 
 
Ông Bền và “Cô Ba”
 
Cái giỏi của ông Trương Văn Bền là chọn một cái tên rất Việt Nam với biểu tượng người phụ nữ miền Nam để xà bông của ông nhanh chóng được đón nhận. Trong hồi ký, ông viết về việc chọn “Cô Ba”: “Tôi đang tìm kiếm tên nào kêu, dễ gọi, dễ nhớ để đặt tên cho xà-bông mà chưa kiếm ra.
 
Ngoài Bắc, phong trào cách mạng Việt Nam quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học cầm đầu nổi lên nhiều chỗ và đã bị thất bại đau đớn, đến lúc Tây xử tử họ ở Yên Bái thì mười người như một, trước khi đút đầu vô máy chém đều bình tĩnh hô to: “Việt Nam vạn tuế” gây một luồng dư luận sôi nổi ở trong nước và thế giới. Tôi không bỏ lỡ vội chụp lấy vụ này, tôi muốn lấy tên Việt Nam đặt cho xà bông do người Việt Nam sản xuất để nêu lòng ái quốc đang bồng bột ở trong xứ, xà bông Việt Nam là của người Việt làm cho người Việt, người Việt yêu nước phải dùng đồ Việt Nam”.
 
Và ông đã dùng hình ảnh người phụ nữ miền Nam có gương mặt phúc hậu, tóc búi, rất có duyên- cô Ba làm biểu tượng cho xà bông của mình. Cô Ba là ai? Có nhiều giai thoại về “Cô Ba”, một trong những lời đồn thì Cô Ba là con gái Thầy Thông Chánh ở Trà Vinh, người đàn bà đẹp nhứt Nam Kỳ hồi đầu thế kỷ 20. Cô Ba có thể coi là người phụ nữ Việt đầu tiên làm người mẫu cho hàng hóa Việt Nam.
 
Thật ra người phụ nữ ấy chính là người vợ xinh đẹp của ông Trương Văn Bền. Có thể thấy hình ảnh trên nhãn hiệu và ảnh của phu nhân ông Trương Văn Bền trong bức ảnh chụp chung cả gia đình là một.


Vả lại, trước kia trong phòng làm việc của ông tại hãng Xà Bông Việt Nam có tượng bằng đồng đen hình vợ ông mà ông dùng làm mẫu cho hình trên hộp xà bông.
 
Ngay từ thời đó ông Bền đã rất giỏi quảng bá thương hiệu của mình. Trên báo chí, trong mục quảng cáo thường đăng “Dùng xà bông xấu, mục quần áo” hoặc “Người Việt Nam nên xài xà bông Việt Nam” của Hãng Xà bông Trương Văn Bền, vừa quảng cáo, vừa “khích” người Việt nên dùng hàng hóa Việt. Trong hồi ký, ông Trương Văn Bền kể: “Tôi phải làm quảng cáo dữ lắm cho thương hiệu xà bông Cô Ba. Một mặt phải kiếm thế ép mấy hàng tạp hóa mua xà-bông Việt Nam về bán, vì tiệm tạp hóa hầu hết của khách trú, họ xấu bụng không mấy khi chịu mua đồ của người Việt Nam chế tạo về bán, chỉ trừ khi nào món đồ ấy đã được thông dụng đem lại một mối lợi hàng ngày thì họ mới chịu mua.
 
Tôi bèn huy động một tốp người cứ lần lượt hàng ngày đi hết các tiệm tạp hóa hỏi có xà-bông Cô Ba bán không? Hễ có thì mua một, hai xu, bằng không thì đi chỗ khác, trước khi bước chân ra khỏi tiệm nói với lại một câu:
 
“Sao không buôn xà-bông Việt Nam về bán? Thứ đó tốt hơn xà-bông khác nhiều”. Hết người này tới người khác rồi chủ tiệm cũng phải để ý lấy làm lạ, phải hỏi lại chỗ bán xà-bông Việt Nam, cho người mua thử về bán.
 
Tôi còn tổ chức những tốp quảng bá thương hiệu. Tốp thì ôm đờn ca vọng cổ tán dương tính chất của xà- bông của hãng mình, tốp thì đi đánh võ rao hàng, rồi đá banh tôi cũng cho mặc áo thêu thương hiệu xà- bông của hãng. Nói tóm lại tôi không bỏ lỡ một dịp nào mà không làm quảng cáo, nên xà-bông Việt Nam bán chạy lắm”.
 
Nhờ sức mạnh quảng cáo nên xà bông Cô Ba của Trương Văn Bền tiến phát rất mau, chỗ nào cũng buôn xà bông Cô Ba, ai nấy chỉ dùng xà bông Cô Ba thôi.
 
Trong thương trường, ông Bền có chủ trương riêng để tạo uy tín là phải giữ phẩm chất tốt, bền bỉ. Ông nhìn xa thấy rộng, không theo lối chụp giựt ...
 
Khi máy giặt được phát minh và nhập cảng vào miền Nam, ông Bền liền sản xuất loại bột giặt để thích ứng ngay. Loại bột giặt Viso của ông Trương Văn Khôi, và bột giặt Việt Nam của hãng xà bông Trương Văn Bền đủ sức cạnh tranh với bột giặt của Mỹ nhập cảng...