CUỐI TRỜI HƯ VÔ
Truyện ngắn - Nguyễn Tư
Thứ
bảy nào cũng vậy, Toàn thường lái xe đưa gia-đình đi phố mua đồ và ăn
cơm VN ở các tiệm Tàu. Dường như, mọi người ở đây chỉ có hai ngày cuối
tuần là ngày của riêng mình mà thôi, các ngày khác là của xưởng máy, của
sở làm, của những sinh-hoạt mà con người tự thấy mình mất hút trong cái
guồng máy cơ-khí vĩ-đại ì -ầm . Con người chỉ là một chiếc răng cưa
bé-bỏng, tội-nghiệp, quay cuồng. Chính điều này làm cho tôi nhớ đến
quê-hương, nơi đó - dù nghèo, nhưng đôi lúc tôi nghĩ, ít ra cũng còn tìm
thấy chút ít ý-nghĩa của đời sống, tiếc rằng…
“ Em là gái ngồi trong song cửa
Và anh là mây bốn phương trời”
Bởi vậy, cho nên có lần, lúc tôi đã về sống với Toàn ở Sài-gòn, tôi có nhận
được một chiếc thư cũ rích viết bằng bút chì do Mẹ tôi chuyển xuống từ Đàlạt
cũng là chiếc thư sau cùng của một thời làm con gái.Thư không ghi địa-chỉ người gửi,con dấu từ Bưu-điện Nha-trang nhưng tôi biết của Thái ngay, qua nét chữ rất tài-tử mà tôi đã quen,trong đó Thái nóiThái rất buồn khi học về những loại mây trong giờ Khí-tượng của ngành Không-lực với lời nhắc-nhở của huấn-luyện viên: “Mây là kẻ thù của các phi công”… Và sau đó,tôi không được tin tức gì về Thái cả,ngoại trừ đêm tình cờ gặp Thái ở quán Café-Tùng đường Hàm-Nghi Đalat. Hôm đó ,Thái mặc bộ đồ bay màu lam,đội calot viền bạc,buồn thiu,và như một người lạ mặt hoàn-toàn, tôi mới nghiệm thấy rằng, không có một sự xa lạ nào, bằng sự xa lạ của tình yêu tan vỡ!Sự có mặt của Toàn đêm đó, đi bên cạnh tôi,vẫn không ngăn được những giọt nước mắt tôi âm-thầm nhỏ xuống và quả thật là tôi thương Toàn quá chừng,vì Toàn có hiểu gì đâu?!Và, chính điều này,cũng làm cho tôi thương tôi hơn.Tôi khổ!
Tôi lái xe ra phố,hai đứa nhỏ ở hàng ghế sau đùa giỡn la-lối om-sòm, tôi nói các con ồn-ào và hư quá,mẹ không cho đi chơi đâu, rồi chúng lại làm lành với nhau. Nhìn chúng càng lớn,lại thấy mình càng già.Đôi lúc tôi không dám nhìn thẳng vào tấm kính chiếu-hậu của xe, để né tránh khỏi phải thấy sự tàn-tạ của đời mình.Càng lớn tuổi,con người càng sống với quá-khứ mình, đúng như ông thầy dạy Triết nào đó của tôi đã giảng trong giờ Tâm-lý học ngày xưa, nhất là những quá-khứ đau buồn.Sự tiếc nuối,pha lẫn với xót thương làm cho tôi muốn khóc. Hôm nay tôi không mua được nhiều đồ, tôi lái xe vào “garage”, sai mấy đứa nhỏ,đem đồ vào bỏ trong tủ lạnh, dù tôi chỉ mua một ít thực-phẩm nấu sẵn để cho Toàn về ăn cơm.Từ siêu-thị về,tôi lái xe đã thấy quờ-quạng quá, tôi nhức đầu và choáng-váng như một ngươi say rượu, tôi đạp thắng hoài.Tiếng bánh xe rít trên đường nghe ghê quá. Có lúc xe chạy chồm qua hàng “lane” bên kia,thằng Úc chạy phía sau văng tục càu-nhàu, bóp còi inh-ỏi, một tập-quán bày tỏ sự phản đối ở đây .. .Nó có hiểu đâu rằng,tôi đang khổ tâm, tôi đang trải qua một cơn xúc-động ghê-gớm của cuộc đời?
Tôi đóng sầm cửa xe lại và đi bộ vào nhà. Mấy đứa nhỏ chạy theo lăng-xăng
đòi chia quà, tôi nói, các con lấy gói bánh đem ra chia nhau ăn đi,để cho mẹ nằm
nghỉ một chút, mẹ mệt quá!Tôi nằm dài trên nệm dày,lấy tay chà-chà nơi hai
thái-dương, rồi thở dài, tự dưng hai dòng nước mắt lăn trên gò má, tôi tự nhủ: “Uyên ơi,mầy đã khóc rồi sao Uyên? Sao chừ, mầy yếu đuối thế? Mầy đã từng xăm mình bằng lòng lấy một người chồng mầy không yêu, mà do gia-đình mầy lựa chọn rồi mà?Mầy đã ăn ở với người ta có những hai đứa con rồi mà?Thời gian mười mấy năm qua,không đủ lâu để mày quên Thái hay sao?...”Tôi ngồi dậy,khóa cửa phòng lại,tôi không muốn cho ai thấy những giọt nước mắt thầm kín này nhất là chồng của tôi . Tôi trở lại giường nằm, gác tay lên trán suy nghĩ miên-man về buổi sáng hôm nay,trong câu chuyện tình cờ với một người bạn thân.Anh ấy nói anh ấy mới qua đây một tháng,sau khi đã ở tù ròng-rã hơn 10 năm trời ở miền Hoàng-Liên-Sơn giáp giới Trung -Quốc . Người bạn kể đến những nỗi khổ của những người tù trong một xã-hội tự nhận mình không có nhà tù mà chỉ có những“Trại kỷ-luật”, “Trại cải-tạo”… Những cái mà báo chí Tây-phương vẫn một hai gọi cho được là “Re- education camp” Cứ cái đà này,rồi đến một ngày nào đó, các ông sẽ được chui vào cái trại này, để coi xem nó có giống cái “Prison” hay “Jail” của các ông không, bảo đảm là tệ hơn rất nhiều? Các ông hãy còn đầy ắp niềm tin về những cuộc cách-mạng của những người vô-sản. Các ông chỉ cần đọc“Tư-bản luận”dày đôi ba tập của Marx là các ông muốn xuống đường.Các ông có biết đâu rằng, mỗi chữ trong cuốn sách đó , là mỗi chiếc đinh đóng sâu vào da thịt chúng tôi, đau khổ còn hơn một lần Chúa bị đóng đinh trên Thánh giá?!
Hùng, tên người bạn, tôi mới vừa gặp sáng nay kể lại rằng, đám Sĩ-quan ở Nha-trang bị đưa ra ngoài Bắc gần muốn hết,phần lớn bị xếp vào loại “ác ôn” như Quân-báo, An-ninh,Tâm-lý chiến, Cảnh-sát đặc-biệt, Biệt-kích dù và “giặc lái”…Hùng nói công việc đầu tiên là chúng tôi được dân chúng “dàn chào” bằng những trận “mưa đá”dữ-dội, tối-tăm mày mặt …dành riêng cho những người mà họ gọi là “Sĩ-quan Ngụy có nợ máu với Nhân-dân” rồi sau đó thì ôi thôi đủ điều ,không có ngôn ngữ,bút mực nào nói hết,Bắc cũng như Nam, duy có điều là ở Nam,thì tù được gần-gũi vợ con hơn,được thăm nuôi nhiều hơn và dĩ-nhiên là“ bán vợ đợ con” cũng nhanh hơn . Hùng nói Hùng ở chung trại với Thái và Hùng lấy làm lạ là không bao giờ anh ấy nghe Thái nhắc đến tên Uyên - một cái tên mà có lẽ - cũng như tôi, tên Thái là một điều cấm kỵ trong ký-ức đau khổ của riêng tôi, xin đừng ai đụng đến nhé!.Mẹ ơi, mẹ hãy để cho con đau khổ một mình – mẹ đừng bao giờ nói lần thứ hai với con nữa , câu nói đó: “Dù sao, con lấy thằng Toàn cũng sướng cuộc đời con hơn, gia-đình mình đâu đến nỗi gì , nhan sắc con đâu kém ai ?Thằng nớ có cái Tú-tài quèn mà gắn bó làm chi,có chồng cho đáng tấm chồng,bỏ công trang điểm má hồng răng đen, chứ con…người xưa nói vậy mà”
Từ đó, lòng tự-trọng của Thái làm cho chàng không muốn tới nhà tôi dạy kèm cho tôi nữa, dù Thái là người Học-sinh từ xa đến Đalạt học, rất giỏi, nhưng gia-đình ở Trung rất khắc-nghiệt làm anh ấy bỏ đi, nên gia-đình tôi đã chọn anh làm“gia-sư” kèm môn Toán lớp 10 cho tôi . Tính anh rất thẳng, nhưng rất có tâm hồn, đọc sách rất nhiều và rất thích nhạc Trịnh, nhất là bài “Người về bỗng nhớ” thì anh hát rất thiết-tha, như chừng anh đã từng yêu ai đó mà trắc-trở …Anh cũng rất mê nhạc Classic Tây-phương như bài “Sérénata” chả hạn hay “Come back to Sorento”…thì tôi thấy mắt anh mơ-màng lim-dim như thể anh đang nhớ đến một nơi chốn nào đó đã xa …Đúng giờ dạy là anh đạp xe tới nhà tôi, với chiếc xe đạp tồi nhất thành phố này mà anh ưa giễu rằng: “Tên nào mà ăn cắp xeanh thì nhục chết đi thôi, nên anh chả bao giờ sắm cái khóa như người ta” trong tiếng cười lớn thấy vui …Trong cái căp da đã sờn, chứa vài cuốn sách Toán toàn viết băng chữ Pháp để dạy cho tôi và ra bài tập cho tôi làm tại chỗ, trong lúc đó anh tới cái võng giăng ở phòng ngoài, nằm ngửa thảnh-thơi, vừa móc trong túi ra cuốn sách loại “livre de poche” nhỏ bé, gọn-gàng …đọc ngấu-nghiến mà tác-giả tôi thường thấy anh ưa đọc là Henry De Montherlant với tên sách là “Les célibataires”(những kẻ độc thân)…Khi tôi giải xong Toán thì tôi kêu anh vào sửa cho tôi, làm đúng thì anh khen “nhỏ này giỏi nha” nhưng sai là tôi bị mắng “ngu” ngay, mà chả sợ tôi tự-ái gì cả …Quả thực như vây, khi giải phương-trình bậc 2, có biệt-số Delta âm mà tôi cứ ngồi lui-cui giải hoài không được rồi bưc-bội đành khóc, anh ấy vào xem thì mắng ngay “Imbécile!”(ngu) thẳng thừng …Thế là tôi đứng phắt dậy, mặt bù-sụ chả nói lời nào, đi về phía phòng riêng của tôi, nằm vật xuống, bụm măt khóc nức-nở, anh phải chạy theo nhưng chỉ dám đứng nơi cửa phòng, nói vào mềm-mại:“Anh xin lỗi em!” vừa xin tôi đừng khóc lớn kẻo Mẹ tôi hay được thì anh ấy mất viêc ngay, còn bị nghi-ngờ oan rằng anh đã chọc ghẹo tôi hay sàm-sỡ gì đó …mất tư cách của một ông thầy … Nhưng tôi vẫn cứ nấc lớn, anh ấy thất-vọng , lắc đầu rồi bỏ ra về không chào tôi một lời như mọi bữa …Sau này, tôi cảm thấy thương anh ấy về những cách ứng xử với tôi như vây, thẳng nhưng vẫn biết mình quá trớn …nên tôi lại tìm anh để xin lỗi dù cũng chịu mình “ngu” thực, thì anh ấy cười chọc tôi bằng câu an-ủi “Đẹp mà ngu thì không sao, chứ đẹp như em mà còn khôn nữa thì chết Thiên hạ!?”, điều này làm cho tôi bật cười sung-sướng vì biết Thái “gỡ tội” bằng cách khen tôi một cách rất thông-minh và chính điều này khiến tôi yêu Thái hơn. Mẹ có biết rằng mẹ đã tưởng mẹ đem lại hạnh-phúc cho con bằng cách cách mẹ làm con đau khổ suốt đời không? Nhưng rồi, sau này, những buổi chiều như thường lệ, tôi ngồi trên balcon nhà, không còn thấy bóng dáng của Thái đến dạy kèm cho tôi nữa, mà không biết lý-do, cho nên tôi đến nhà trọ tìm chàng, thì người chủ nhà nói Thái đã dọn đi nơi khác và cũng không thấy chàng đến đây chơi nữa. Tôi xin phép vào căn phòng riêng của Thái trước đây mà thỉnh-thoảng tôi có đến thăm chàng bất ngờ đã khiến chủ nhà quen mặt và dành mọi dễ-dãi cho tôi vì họ biết tôi yêu anh ấy lắm, giờ muốn hưởng lại những giây phút xa xưa nồng ấm mà hai đứa đã từng có nơi đây .Tôi bàng-hoàng nhìn trên bàn học của Thái, vẫn còn bức tranh người đàn bà ngồi xõa tóc của Danh-họa “Renoir” mà Thái nói Thái rất thích và cắt từ một tờ báo nghệ-thuật nào đó. Bên dưới bức tranh Thái có ghi dòng chữ màu đen bằng tiếng Pháp: “VICTOIRE OU MORT” như một lời tâm niệm của cuộc đời chàng, mà anh ấy hay nhắc với tôi mỗi khi hai đứa đi chơi đồi …: “Hoặc thắng hoặc chết”, thì tôi bật hỏi ngay: “Anh mới 19 tuổi chứ mấy mà đã nói được câu đó hay sao?” Anh ấy cười trả lời tôi: “Chứ theo em thì anh phải đợi đến bao giờ?”Thanh-niên cùng trang lứa với Thái, họ không vậy, chỉ lo diện đẹp, ăn chơi và tán gái nhoi, thuộc tên những tài-tử ciné hơn là tên những tác-giả sách nổi tiếng thế giới … Lúc nào tôi cũng thấy Thái say mê đọc André Gide, và Saint Exupéry - một phi-công thời-chiến kiêm nhà Văn khét tiếng của Pháp trong Thế-chiến II. Thái nói Thái thích thằng bé trong “Le retour de l’enfant prodigue”(Cuộc trở về của đứa con hoang-đàng chi địa) nhưng chàng chê cậu bé dở hơi ở điểm, sau khi đã đi hoang, khổ quá nó lại trở về núp trong chuồng ngựa cho đến sáng, cha nó thấy đưa vào nhà, rồi nó quỳ xuống xin lỗi cha nó đồng thời trả lời câu hỏi đầu tiên của người cha: “Con đã đi tìm kiếm cái gì?” (Que chechais- tu?)nó chậm rãi trả lời: “Con đi tìm coi thử con là ai?” (Je chechais qui j’étais) .Thái vẫn nhắc với tôi điều đó luôn trong những cuộc đi chơi trong đồi chiều. Thái có một cái nhìn về đời sống khác với những người thanh-niên cùng lứa tuổi, như tôi,nên tôi yêu Thái về điểm đó nhiều hơn là vẻ đep bên ngoài, dù Thái cao 1.75 và có đôi mắt buồn nhưng sáng long-lanh, triệu chứng của sự thông minh, thảo nào Thái học ban Toán, dù rất giỏi Văn chương ….Tình yêu bắt đầu từ sự nể-nang và lòng ngưỡng-mộ không thể nào khởi sự đi bằng những tầm thường …. Thái học rất giỏi, những bài toán khó trong sách “Le Bossé” Thái giải cho tôi hiểu hết và có điều đặc-biệt, sách vở của Thái đi học, lúc nào cũng bèo-nhèo vì được gấp đôi lại và nhét vào túi sau quần, mà trời Đalat lại hay có những cơn mưa chiều nặng hạt nên cuốn tập duy-nhất cho tất cả các môn của chàng lại càng bèo-nhèo hơn, . Vẽ vòng tròn và đường thẳng, hay Vecteur …Thái không cần “compas,” thước kẽ như người ta, mà chỉ vẽ bằng tay, vì Thái lý-luận nghe cũng rất hợp-lý: “Cái vòng tròn vẽ bằng compas cũng chưa phải là cái vòng tròn, vì Toán chỉ là những ý-niệm trừu-tượng, gọi là ý-niệm thuần-lý - notion rationelle mà thôi, nó không hề có một cách tuyêt-đối trong thực-tế, nên mình vẽ sao cũng được miễn mình nghĩ đó là cái vòng tròn được rồi, dùng compas chi mất thì giờ…”. Những câu nói, những suy nghĩ của Thái, kể cả những câu khôi-hài, làm cho tôi không thể nào quên Thái được, dù tôi đã nhận lời lấy Toàn , được xem như một sự phản-bội, với chính tôi, với Thái – tôi đau khổ biết dường nào!Tôi tự an-ủi mình bằng một hệ-số của Định-mệnh và Lương tâm , thực sự chỉ là cách tự lường gạt minh đó thoi, khi tôi tự biết “Số mệnh” chỉ là ngôn-ngữ của những kẻ bạc-nhược, bất lực và hèn nhát ở đời này mà thôi….Tuy vậy , tôi vẫn có chỗ không đành trong lòng , tôi vẫn thấy tôi phụ-bạc Thái, chỉ nội điều đó thôi,cũng làm tôi tan nát cõi lòng. Nên tôi rất sợ khi phải nghĩ đến Thái. Anh Thái, anh có nghĩ như thế hay không? Ở trên đất nước xa lạ này , mà nghe một người nhắc về người yêu của mình trong những ngày xa cũ, đã lâu mình không có tin tức,thì quả là tôi rất buồn. tôi hỏi Hùng - người bạn chung của cả 3 đứa - ở cùng trại tù với Thái ngoài Bắc:
-Anh ấy có được khỏe không? Đó là điều tôi cầu mong duy-nhất và sau
cùng cho Thái. Vì tôi thấy Thái đã mất mát nhiều thứ, nhất là tình cảm …
Hùng suy nghĩ giây lâu rồi trả lời:
-Anh ấy vẫn khỏe trong những tháng mới đến, nhưng sau đó thì…thì....
Hùng bỏ lửng câu nói, sau cái ngập-ngừng có tính toán về câu trả lời, làm cho tôi
nghi ngờ về lòng thành thực của Hùng. Tôi tiếp một cách phát cáu, xẳng giọng:
-Thế thì anh nói anh Thái chết rồi có phải khỏe hơn không? Cuộc đời vốn đã ngắn-ngủi mà sao anh lại dài-dòng làm chi vậy, anh Hùng ?
Hùng gật-gật cái đầu, cúi mặt nhìn xuống đất, như tránh thấy cái phản-ứng đau khổ của tôi, rồi nói:
-Thái nhảy từ một vực đá khá sâu khi đang lao-động, không ai trở tay kip kể cả tên vệ-binh đứng cạnh đó chả bao xa,và thi thể được vùi ở bìa rừng, trong một chiếc mền rách nát do vợ anh ấy bỏ vào chiếc bao cát làm hành-trang mang theo khi Thái lên đường ra Bắc “học-tập”….
Nước mắt tôi lăn xuống, lăn xuống…Tôi lấy chiếc khăn tay chặm-chặm, rồi từ giã Hùng đi về . Mấy đứa con tôi ngồi trong xe vẫn tỉnh bơ, ngơ-ngác nhìn tôi đi tới . Chúng nói , thôi về kẻo Ba đợi Mẹ ơi, trưa lắm rồi!Tôi bước lên xe, dập mạnh cánh cửa lại, choàng dây an-toàn, chiếc xe rồ máy phóng tới. Nước mắt tôi cứ tràn xuống, nhỏ trên “volant”, ướt mèm. Tôi nhủ thầm trong miệng: “Thưa mẹ , con đang hạnh phúc với ý muốn của mẹ đây, anh Toàn tha lỗi cho em, các con đừng khinh mẹ, và anh Thái của em anh đã lựa chọn vế thứ nhì của câu anh viết trên bàn học: LA MORT - CÁI CHẾT mà em tình cờ bắt gặp khi đến nhà trọ cũ của anh ở đường Phan-Đình-Phùng trong lúc anh đã bỏ em lặng lẽ đi xa, bỏ về Nhatrang, khi biết em sắp lấy chồng, một ông Bác sĩ giàu có ở Sai-gon do mẹ em lựa chọn …Em biểt vì sao anh ra đi lặng-lẽ không từ giã với em một lời…Chắc anh đã thầm hát câu này của TCS trên chưyến tàu đêm vĩnh biệt, từ Đalat về Nhatrang …mà anh thường hát nho nhỏ cho em nghe trước đây : “Đời đã quen những kiếp xa nhau …?” - phải không ? …Những tảng mây anh yêu cũng không còn nữa, anh đã tìm được câu trả lời cho anh chưa? Thằng nhãi hoang đàng của GIDE đã ra đi vĩnh-viễn không nhìn thấy cha nó một lần – và, có lẽ anh cũng chẳng muốn nhìn thấy em lần nữa, phải không?”
Tôi khóc nấc lên thành tiếng, và tôi nghe rõ tiếng chân của Toàn đi nơi phòng khách, cùng tiếng reo vui của hai đứa nhỏ: “Ba về! Mẹ ơi!.” Toàn mở cửa bước vào phòng treo cái áo khoác, chàng thấy tôi mắt đỏ hoe rồi hỏi, sao rứa em? Tôi lắc đầu nói, không sao đâu anh, em mới đi phố về, nhức đầu quá. Anh và các con dùng cơm trước đi, cho em nghỉ một lát. Toàn khẽ đóng cửa và bước ra ngoài , tiếng giày nện đều-đặn trên sàn nhà rồi mất hút dần về phía nhà dưới. Tôi úp mặt xuống gối và nước mắt cứ tuôn dài. Một lát sau Toàn trở lại và gõ cửa kêu tôi dậy, nói em xuống ăn cơm và uống thuốc kẻo nguội hết. Tôi trả lời trong sự mỏi-mệt tột cùng , Thôi, anh cất thức ăn giùm em vào tủ lạnh đi, sao em không muốn ăn cơm anh nờ. Toàn áy-náy nói, sao hôm nay em có vẻ buồn quá vậy em?Em nhớ nhà hay có chuyện gì, hoặc em bịnh rồi? Ở đây thời tiết bất thường, nên dường như em bị cảm. Tôi thấy một nỗi xót thương Toàn vì chàng vẫn luôn-luôn đối với tôi là một người chồng tốt. Lúc nào Toàn cũng tỏ vẻ chăm sóc tôi tận-tình, nhưng chính điều này - đôi khi lại làm tôi nản và bực.Toàn không hiểu những gì đã xảy ra trong tôi mãnh liệt như lần hồi mới cưới nhau tình cờ hai vợ chồng gặp Thái trong quán Café Tùng ở Dalat, lúc Thái đã là phi-công Quân sự, từ Nhatrang có chuyến bay công tác xứ này mà hai bên vẫn lặng-lẽ làm thinh dù rất xao-xuyến - thứ xao-xuyến đau thương của những người đã từng yêu nhau, nhưng vì hoàn cảnh gì đó họ đành phải xa nhau và lần này, cũng chỉ là thứ tình cảm y như vậy nhưng xa-xăm hơn, vĩnh-viễn hơn, và thê-thảm hơn mà Toàn hoàn toàn không hề hay biết …Dường như tôi lại không thích loại đàn ông như thế, loại đàn ông chỉ biết cắm đầu học giỏi rồi xếp sách, lấy vợ đẹp con nhà giàu, chỉ quanh quẩn bên vợ con…Làm việc chỉ biết cho nhiều tiền để thỏa-mãn một số mộng ước tầm thường, không cao hơn lòng ích-kỷ. Ngày đó Toàn lớn hơn tôi nhiều, nhưng với tấm bằng Bác-sĩ thì nó vẫn tương-xứng với cái vai-vế của một gia đình làm nghề Thầu-khoán xây cất giàu có như Ba Mẹ tôi -Tôi vẫn thấy nhớ thương Thái hoài, khi Thái biết tôi nhận lời lấy anh Toàn, nhớ về một câu nói vừa mỉa-mai, vừa cay đắng của Thái mà Mẹ tôi từng thốt ra với tôi khi so sánh Thái đang là người yêu của tôi lúc đó và anh Toàn sẽ là chồng sắp cưới của tôi khi tôi có vẻ dùng-dằng, anh ấy cười mỉm nói: “Cái bằng Tú-tài quèn của anh - dù nó là hạng mention très bien đó nha - thì cũng chỉ đủ để anh mất em, rồi sau đó đi lính là cùng…” Tôi đọc được những ý nghĩa trong nụ cười của Thái lúc đó. Nhưng tôi an-ủi Thái bằng một câu nói chân thành: Anh hãy còn trẻ quá, mà anh Thái , vả lại, anh thuộc loại học-sinh “brillant”bên “Grand Lycée”khét tiếng ở đây mà anh!Em nghĩ anh còn đi xa hơn nữa chứ anh? Thái cười khảy nói: Em nên an lòng mà bước đi trong những lựa chọn của mình, anh không trách em , cũng như Ba Mẹ em đâu, bởi vì , nếu anh là em thì anh cũng sẽ lựa chọn con đường đó. Có điều hơi buồn là tại sao anh lại yêu em làm chi cho nó khổ, nó rắc-rối thêm cho anh mà thôi…Những lý-luận có vẻ an-phận của Thái làm cho tôi cảm thấy tôi trở nên tầm thường trong Tình yêu của Thái, dù gì, dưới con mắt mọi người, tôi lấy Toàn cũng chỉ vì chàng có tấm bằng cao hơn Thái.Trong đời sống chồng vợ với Toàn , bổn phận và thời gian làm cho tôi nguôi-ngoai phần nào nỗi đau xưa cũ . Nhưng sáng hôm nay, dường như tôi đang có mặc-cảm là tôi có tham dự một phần rất lớn trong cái chết của Thái . Bởi vì tôi biết Thái là một con người sôi nổi, một thứ sôi nổi trầm lắng của một con người có nghị lực và lòng thủy chung với những ý nghĩ ban đầu của mình, Thái đã không đạt được vế đầu trong câu của Thái viết trên bàn học ngày xưa, thì Thái chỉ còn lại vế thứ 2, vì rõ ràng là Thái đã thua tất cả . Thua canh bạc sau cùng, mà nó là một hệ-luận của những dữ-kiện ban đầu, trong đó có tôi. Chỉ có tôi mới thấy được và hiểu được điều đó nơi Thái, mà tôi thì ở cách biệt Thái thật xa, xa ngay trong cái đêm Giáng sinh buồn khi tôi vừa tròn 16 tuổi, thời điểm mà tôi biết tôi mất Thái vĩnh-viễn khi chuyến tàu đêm tốc hành đã âm thầm mang Thái trở lại Nha Trang…để bước vào một chặng đời khác không có tôi - Air Force - khởi nguồn cho những mất-mát, đau thương và nhữg tai-ương thê thảm về sau …của cả hai người – dù tôi đang sống, nhưng thực ra, tôi cũng đã chết đó thôi ….
THẦY NGUYỄN TƯ THIẾP