Friday, June 1, 2012

CÒN NƯƠNG TỰA LÀ CÒN DAO ĐỘNG


                                Còn nương tựa là còn dao động
                                                       Tác giả: Nguyễn Duy Nhiên
Có một ông phú hộ kia rất giàu có, nhưng ông không có hạnh phúc.  Một hôm ông tuyên bố với mọi người rằng, ông có một viên ngọc quý báu nhất trong gia tài của mình, và ông hứa sẽ tặng cho người nào có thể chỉ cho ông biết cách làm sao để có hạnh phúc. Nhưng vẫn không ai có thể trả lời được câu hỏi ấy cho ông. Một hôm, có người nói với ông rằng có một vị đạo sĩ sống trên một ngọn đồi nọ, tuy ông ta sống một mình nhưng rất an lạc, nếu ông tìm đến hỏi thì có lẽ vị đạo sĩ ấy sẽ chỉ cho ông cách nào để có được hạnh phúc.
Ông phú hộ bèn mang viên ngọc quý của mình và lên đường đi tìm gặp vị đạo sĩ.  Sau mấy ngày đường, ông gặp được vị đạo sĩ trong một khu rừng sâu.  Ông nói, "Thưa ngài, xin ngài hãy chỉ cho tôi phương cách nào để có được hạnh phúc. Tôi có viên ngọc quý giá này, nó cũng là cả gia tài của tôi, và tôi sẽ sẵn sàng dâng tặng ngài, nếu như ngài có thể giúp cho tôi." 
Vị đạo sĩ thinh lặng hồi lâu rồi nói, "Thế viên ngọc của ông đâu hãy mang ra cho ta xem thử!"  Ông phú hộ cầm viên ngọc quý ra và đưa cho vị đạo sĩ xem. Đột nhiên, vị đạo sĩ giựt lấy viên ngọc quý từ trong tay ông phú hộ và bước đi mất hút vào rừng sâu. Ông phú hộ hoảng hốt không kịp phản ứng vì sự việc xảy ra quá bất ngờ.
Sau khi lấy lại được bình tĩnh, ông vội vàng đi tìm vị đạo sĩ và trong lòng rất đau đớn vì vừa đánh mất hết cả gia sản của mình. Với một tâm trạng khổ đau và nuối tiếc ông lang thang khắp nơi tìm kiếm. Đến khi trời bắt đầu nhá nhem tối, ông mệt mỏi và tuyệt vọng ngồi xuống dưới một gốc cây. Khi ấy, từ xa ông chợt thấy bóng dáng của vị đạo sĩ đang chậm rãi đi lại nơi ông ngồi. Vị đạo sĩ không nói một lời nào, bước lại gần và cầm viên ngọc đưa trả lại cho ông. Trong giây phút ấy, ông phú hộ chợt thấy mình là một người rất hạnh phúc…
Chúng ta tuy không có một viên ngọc quý như ông phú hộ trong câu truyện ấy, nhưng chúng ta cũng có những thứ mà nếu mất đi chắc mình sẽ rất khổ đau. Và nhiều khi cũng như ông phú hộ ấy, ta lại cứ tưởng rằng mình đã có thể buông bỏ chúng được rồi. Mà nếu như ta chưa nhận thấy được điều ấy thì mình cũng khó thể nào có được hạnh phúc phải không bạn?
Còn nương tựa thì còn dao động
Có một vị thiền sư nói rằng, trong đạo Phật sự tu tập không phải là một sự rèn luyện để ta được trở thành một cái gì đó, cho dù đó là tốt đẹp hơn, mà tu tập là một sự buông bỏ để ta không trở thành một cái gì hết. Vì hễ còn trở thành một cái gì là nó vẫn còn cần có sự nương tựa, mà ‎"Cái gì có nương tựa, cái ấy có dao động. Cái gì không nương tựa, cái ấy không dao động. Không có dao động thì có khinh an. Có khinh an thì không có thiên về. Không có thiên về thì không có đến và đi; không có đến và đi thì không có diệt và sanh; không có diệt và sanh thì không có đời này, không có đời sau, không có đời ở giữa. Ðây là sự đoạn tận khổ đau." (Kinh Phật Tự Thuyết - Udàna).
Chúng ta không có hạnh phúc, có lẽ là vì ta chưa thật sự nhìn thấy rõ được chính mình, bạn có nghĩ vậy không? Ta không thật sự thấy được những gì mình còn mong cầu, những gì mình vẫn còn đang nương tựa. Vị đạo sĩ ấy đã chỉ cho ông phú hộ thấy rõ rằng, ông không thể nào có được hạnh phúc nếu như ông vẫn chưa thật sự thấy được những gì mình vẫn còn đang bị dính mắc. Mà tôi nghĩ, vấn đề khổ đau phần lớn là do cái không-thấy-được ấy của mình. Vì một cái thấy sáng tỏ, chánh kiến, là bước đầu cần thiết trên con đường hạnh phúc.
Có lẽ ta không nhìn thấy được là vì mình vẫn chưa thành thật với chính mình, đôi khi cái nguyên nhân khổ đau cũng rõ rệt và hiển nhiên, nhưng chúng ta thì cứ mãi lo tìm kiếm ở một nơi xa xôi nào khác. Như câu truyện người mất chìa khóa. Có lần một người hàng xóm đi ngang thấy ông Nasrudin đang bò dưới đất ngoài đường. Anh dừng lại hỏi, "Ông đang tìm gì thế?"  Ông trả lời,  "Tìm cái chìa khóa của tôi."  Và cả hai người cùng bò xuống đất đi tìm. Tìm một hồi lâu không thấy, người hàng xóm hỏi,  "Ông làm rơi chìa khóa ở nơi đâu vậy?"  Nasruddin trả lời, "Tôi đánh mất chìa khóa trong nhà."  Người bạn thắc mắc, "Vậy chứ tại sao ông lại ra tìm chìa khóa ở đây?"  Ông trả lời, "Bởi vì ở ngoài đây có nhiều ánh sáng hơn. Trong nhà tôi tối quá!"
Con đường tu học là một con đường hạnh phúc. Và trong đạo Phật thì hạnh phúc ấy chỉ thật sự có mặt khi ta biết buông bỏ và bớt dính mắc hơn. Nhưng nếu như ta chưa thấy rõ và thành thật với chính mình thì làm sao ta có thể buông bỏ được phải không bạn?
Ấm một bình minh
Trong một cuộc sống mà phần lớn những hạnh phúc của ta vẫn còn nương tựa và dao động, tôi thấy chút an ổn khi được đi thiền hành trên con đường nhỏ nhiều lá, hay những buổi sáng ban mai ngồi yên trên thiền đường, khi vạn vật ngoài kia còn lờ mờ tối. Bao quanh chúng tôi là một không gian rộng lớn.
Buổi sáng này, sau giờ ngồi thiền, mở mắt ra tôi thấy nắng ấm phủ núi đồi ngoài kia. Vạn vật lại mới tinh mơ. Bốn mùa chuyển đổi, nhưng bầu trời sáng nay vẫn xanh và trong, vì bản chất của nó bao giờ cũng vậy. Hôm qua và ngày mai, trong cuộc đời của chúng ta có thể sẽ có những ngày mưa, nhưng rồi cũng qua. Và những cơn mưa đôi khi lại làm bầu trời sáng nay trong hơn. 
Tôi đoán buổi chiều sẽ trở lạnh. Sáng mai tôi sẽ dậy thật sớm, mặc thêm một chiếc áo khoác cho ấm, xuống thiền đường ngồi nghe tiếng chim hót và nhìn mặt trời hồng. Buổi sáng nơi này mặt trời mùa thu thật đẹp. Dãy núi xa, những đóa hoa dại bên đường, con suối giữa rừng, và con đường nhỏ phủ đầy lá trải dài ngoài kia cũng đang có mặt trong tôi, đang ngồi yên đây.
Bạn biết không, một trong những đặc tính của giáo pháp đức Phật là ehipasiko, cũng có nghĩa là trở về để thấy. Tôi nghĩ, ngồi lại cho yên, bước những bước thảnh thơi cũng là một cách quay trở về, nó giúp cho cái thấy của mình được chút sáng tỏ hơn, và hạnh phúc của ta cũng bớt chút gì dao động hơn. Ðặt nhẹ dùi vào chuông, tôi nguyện tiếng chuông này thỉnh lên sáng nay sẽ làm những bình minh trong cuộc đời thêm ấm áp.