Những
người mắc bệnh phong, tay chân thường bị hủy hoại dần và thời gian tử
vong không dưới 10 năm. Vậy nhưng với Hàn Mặc Tử chỉ đúng 5 năm phát
bệnh và khi chết cơ thể hoàn toàn nguyên vẹn chứ không hề bị hủy hoại
như bất cứ một bệnh nhân cùi nào.
Theo
những tư liệu bấy lâu nay thì thi sĩ Hàn Mặc Tử, nhà thơ tài hoa của
phong trào thơ mới chết vì bệnh phong, một trong "tứ chứng nan y" theo
quan niệm một thời.
Gần
70 năm sau ngày Hàn Mặc Tử ra đi, nhiều người thực sự yêu quý thơ và
quan tâm đến cuộc đời tài hoa bạc mệnh của ông đã xâu chuỗi những mảng
ký ức lại để hình dung rõ hơn về cuộc đời và cái chết của Hàn Mặc Tử.
Một vấn đề được đặt ra là: Hàn Mặc Tử chết không phải vì bệnh phong?
Bệnh "phong" hay bệnh "phung"?
Trong
cuốn Hàn Mặc Tử (NXB Võ Doãn Mai - 1942), tác giả Trần Thanh Mại có
viết: “Đùng một cái, một buổi mai ngủ dậy, thi sĩ thấy mấy đầu ngón tay
tê dại đi và không thẳng ra được, và soi gương thì thấy da mặt sượng sần
mà hai gò má đã đỏ ửng.
Chàng
tuyệt giao với bạn hữu, với cả Mộng Cầm, sau khi thú thực với nàng nỗi
đại biến của mình. Lẽ tất nhiên chàng cũng lấy lời cao thượng xin cởi
những ước hẹn ngày xưa và dâng trả sự tự do lại cho nàng”.
Theo
gia đình Hàn Mặc Tử, thì vào khoảng đầu năm 1935, họ đã phát hiện những
dấu hiệu của bệnh phong trên cơ thể ông. Tuy nhiên, ông cũng không quan
tâm vì cho rằng nó là một chứng phong ngứa gì đó không đáng kể.
Cho
đến năm 1936, khi ông được xuất bản tập "Gái quê", rồi đi Huế, Sài Gòn,
Quảng Ngãi, vào Sài Gòn lần thứ hai, được bà Bút Trà cho biết đã lo
xong giấy phép tờ Phụ nữ tân văn, quyết định mời Hàn Mặc Tử làm chủ bút,
bấy giờ ông mới nghĩ đến bệnh tật của mình. Nhưng ý ông là muốn chữa
cho dứt hẳn một loại bệnh thuộc loại “phong ngứa” gì đấy, để yên tâm vào
Sài Gòn làm báo chứ không ngờ đến một căn bệnh nan y.
Năm
1938 - 1939, Hàn Mặc Tử đau đớn dữ dội. Tuy nhiên, ở bên ngoài thì
không ai nghe ông rên rỉ than khóc. Ông chỉ gào thét ở trong thơ mà
thôi.
Trước
ngày Hàn Mặc Tử vào trại phong Quy Hòa, Nguyễn Bá Tín, em ruột của nhà
thơ cho biết tình trạng bệnh tật của anh mình như sau: “Da anh đã khô
cứng, nhưng hơi nhăn ở bàn tay, vì phải vận dụng sức khỏe để kéo các
ngón khi cầm muỗng ăn cơm. Bởi vậy, trông như mang chiếc “găng” tay bằng
da thô. Toàn thân khô cứng”.
Ông
Nguyễn Bá Tín, trong một chuyến thăm Bệnh viện Quy Hòa, có đến thăm bác
sĩ Gour Vile. Bác sĩ nói rằng: Bệnh cùi rất khó phân biệt. Giới y học
(thời đó) chưa biết rõ lắm. Tuy triệu chứng giống nhau, nhưng lại có
nhiều thứ. Ông bác sĩ quả quyết bệnh cùi không thể lây dễ dàng được.
Vậy
tại sao Hàn Mặc Tử lại mắc chứng phong? Nhiều thông tin cho rằng, một
hôm Hàn Mặc Tử đi dạo với bà Mộng Cầm ở lầu Ông Hoàng (Phan Thiết), qua
một cái nghĩa địa có một ngôi mộ mới an táng thì gặp mưa. Bỗng ông phát
hiện ra từng đốm đỏ bay lên từ ngôi mộ. Sau đó ông về nhà nghỉ, để rồi
sớm mai ông phát hiện ra mình như vậy.
Tuy
nhiên, về sau này, khi trả lời phỏng vấn tác giả Châu Hải Kỳ trên báo
Phổ thông số 63, ra ngày 15/8/1961, bà Mộng Cầm cho rằng: “Tôi nhận có
đi chơi lầu Ông Hoàng với Hàn Mặc Tử, có gặp mưa, có ngồi ở nghĩa địa,
nhưng không phải vì đó mà Hàn Mặc Tử bị phong. Nếu Hàn Mặc Tử bị phong
sao tôi không hề hấn gì cả? Hai người cùng ngồi núp mưa một chỗ kia mà”.
Sau này, thời gian cũng khỏa lấp dần, cũng không ai biết tại sao nhà thơ tài hoa này lại mắc chứng bệnh nan y đó.
Đó
là căn bệnh do trực khuẩn Hansen gây nên. Trước đây vì thành kiến sai
lầm rằng đây là căn bệnh truyền nhiễm nên bao nhiêu bệnh nhân đã bị hắt
hủi, cách ly, xa lánh thậm chí bị ngược đãi (trôi sông, chôn sống, bỏ
vào rừng cho thú dữ ăn thịt), thì Hàn Mặc Tử cũng không là ngoại lệ. Lúc
này, gia đình ông phải đối phó với chính quyền địa phương vì họ đã hay
tin ông mắc căn bệnh truyền nhiễm, đòi đưa ông cách ly với mọi người.
Sau
đó gia đình phải đưa ông trốn tránh nhiều nơi. Việc đưa ông đi trốn
tránh nếu xét về mặt hiệu quả chữa trị thì đúng là phản khoa học. Vì lẽ
ra cần phải sớm đưa ông vào nơi có đầy đủ điều kiện chữa trị nhất lúc
bấy giờ là Bệnh viện phong Quy Hòa.
Thực
tế, bệnh phong chỉ lây trong những điều kiện nhất định, ít lây hơn
nhiều so với bệnh lao, là chỉ khi tiếp xúc lâu dài với các thể phong
nặng (phong hở) như phong ác tính, phong đang tiến triển, chảy nước mũi
nhiều và có tổn thương lở loét ở da, ở bàn tay, bàn chân, đặc biệt đối
với các trẻ nhỏ, khi sức đề kháng còn kém.
Các thể phong nhẹ khác như phong bất định, phong củ ít có khả năng lây hơn nhiều. Tỉ lệ lây giữa vợ chồng chỉ là 2-3%.
Mặc
dù trong y văn đã có nói đến một số trường hợp lây phong do xuyên dái
tai hoặc xăm trổ, nhưng ở Việt Nam từ hơn 100 năm nay ở các trại phong
Quỳnh Lập, Sóc Sơn, Phú Bình, Sơn La, Quy Hòa chưa hề có cán bộ nhân
viên y tế nào bị lây bệnh.
Bác
sĩ Trần Hữu Ngoạn, Giám đốc Bệnh viện phong Quỳnh Lập sau đó ở Quy Hòa,
nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử đã điều trị trước đây, để làm gương cho nhân
viên, ông từng đi, ăn, ở nhiều năm giữa khu bệnh nhân.
Thậm
chí, bác sĩ đã lấy bệnh phẩm ở nơi tổn thương tự chích vào da nhiều
lần, cho tới nay vẫn không bị lây bệnh để chứng minh rằng bệnh phong
không phải là thứ đáng xa lánh, đáng sợ đến thế.
Gần
đây có một tờ báo cho rằng, Hàn Mặc Tử chết vì bệnh “phung” chứ không
phải bệnh “phong”. Thực tế, bệnh “phung” và bệnh phong khác nhau như thế
nào?
Theo
cách gọi của người miền Trung, thì bệnh "phung" chính là bệnh cùi, còn
bệnh phong lại chính là bệnh tê thấp (phong thấp). Kể cả với cách gọi
của người miền Bắc, thì bệnh “phong” vẫn được hiểu là phong thấp, hay tê
thấp.
Khi
những người mắc bệnh "phung" qua đời, dân thường mai táng ở những khu
vực tách biệt và rắc vôi quanh mộ phần để chống lây nhiễm. “Phung” theo
phương ngữ, chính là “phong” theo cách gọi phổ thông.
Tuy
nhiên, xét trên góc độ khoa học, thì trực khuẩn Hansen không có khả
năng lây lan lớn, nhất là với những người có sức đề kháng cao và có thể
chữa trị thành công bằng các phương pháp khoa học hiện đại chứ không
phải bằng một tình thương mầu nhiệm nào cả.
Rõ
ràng, một căn bệnh có quá nhiều tên gọi: phong, cùi, hủi, phung...
Trong khi đó, giữa những tên gọi ấy có thể gây những hiểu lầm nhất định
sang một căn bệnh khác thì quả là... không ổn. Chính vì vậy, nên gọi lại
tên của căn bệnh này một cách khoa học như đúng cái tên trực khuẩn vốn
có của nó: bệnh Hansen.
Hàn Mặc Tử chết vì bệnh gì?
Những
người mắc bệnh phong, tay chân thường bị hủy hoại dần và thời gian tử
vong không dưới 10 năm. Vậy nhưng với Hàn Mặc Tử thì cái chết của ông
quá nhanh so với thời kỳ phát bệnh, chỉ đúng 5 năm và khi chết cơ thể
hoàn toàn nguyên vẹn chứ không hề bị hủy hoại như bất cứ một bệnh nhân
cùi nào. Một vấn đề được đặt ra, có phải thi sĩ tài hoa này từ giã cõi
đời là vì bệnh phong đã đến hồi kết?
Trong
câu chuyện với người em của thi sĩ Hàn Mặc Tử, bác sĩ Gour Vile cũng
nói rằng kinh nghiệm từ các trại cùi, không có bệnh nhân nào chỉ đau có
từng ấy năm mà chết được.
Ông
trách gia đình Hàn Mặc Tử không đưa nhà thơ đi trại phong sớm. Và bác
sĩ cho rằng, Hàn Mặc Tử chết là do nội tạng hư hỏng quá nhanh do uống
quá nhiều thuốc tạp nham của lang băm trước khi nhập viện phong Quy Hòa.
Ông
Nguyễn Bá Tín từng giải thích về việc anh mình đi trại phong chậm như
thế này: “Tôi cũng biết có nhiều người chạy chữa công khai, không có mặc
cảm, không sợ tiếng tăm nên đã lành bệnh. Có lẽ mẹ tôi quá tế nhị về
điểm này. Cũng có thể là bà cụ không nỡ để anh có cảm nghĩ về bệnh nan y
của anh bị ruồng rẫy”.
Khi
Hàn Mặc Tử phát bệnh, mẹ của ông mời một ông thầy ở Gò Bồi, ngoại ô
thành Quy Nhơn đến bắt mạch bốc thuốc. Uống được chừng nửa tháng, đã có
các biến chuyển tốt, những dấu đỏ trên người biến gần hết.
Lúc
này, ông cảm thấy rất phấn khởi, chỉ nghĩ đến ngày lên đường vào Sài
Gòn làm tờ Phụ nữ tân văn. Cũng vì nôn nóng, một hôm Hàn Mặc Tử uống
thuốc gấp đôi liều lượng, người co giật ngã từ trên giường xuống đất
khiến gia đình hoảng hốt. Từ đó tiến triển bệnh dường như bị chững lại.
Sau
thời kỳ này, việc chữa bệnh cho Hàn Mặc Tử liên tục đổi thầy, đổi
thuốc. Có một điều, ông không chịu chữa trị bằng tây y mà cứ theo đông
y. Mô tả của những người thân của Hàn Mặc Tử trong thời kỳ này là: Thân
thể không lở lói nhưng gầy sọm đi, nước da thâm nâu như tô lên thứ thuốc
vẽ chỗ đậm chỗ lợt.
Lúc
nhập viện, Hàn Mặc Tử chỉ nằm ở Bệnh viện Quy Nhơn ít hôm rồi được
chuyển vào Bệnh viện phong Quy Hòa (20/9/1940) mang số bệnh nhân 1.134
và đến ngày 11/11/1940 thì qua đời tại đây.
Nếu
giả thuyết rằng Hàn Mặc Tử chết vì nội tạng hư hỏng quá nhanh nên cơ
thể chóng suy sụp dẫn đến tử vong, thì bệnh phong cũng góp nguyên nhân
làm ông tử vong nhanh như vậy. Sau này, có người cho rằng ông không chết
vì bệnh phong mà chết vì chứng kiết lị. Vậy thực hư thế nào?
Hàn
Mặc Tử trút hơi thở cuối cùng trong cô đơn lặng lẽ, không có bất kỳ một
người thân nào bên cạnh. Gần 50 năm sau, người bạn đồng bệnh của ông là
Nguyễn Văn Xê mới kể lại chi tiết những giây phút cuối cùng ấy trên tạp
chí Sông Hương số 28 ngày 11/12/1987.
Hồi
ký viết lại rằng, ngày 20/9/1940, có tiếng phanh xe ôtô trước Nhà
thương nam làm bệnh nhân người nhìn qua cửa sổ, kẻ lẹ chân chạy ra gần
chiếc xe. Mẹ Juetta lẹ làng chạy ra cửa tiếp hồ sơ nơi tay bác y tá đứng
tuổi rồi đỡ bệnh nhân xuống. Đến giường số 3, mẹ dừng lại, nhìn hồ sơ
và nhẹ nhàng nói: “Trí, đây là chỗ của con”.
15
giờ chiều hôm ấy, ông Xê bắt chuyện với Hàn Mặc Tử: “Tôi là Xê, người
Huế, vào trại đã hai năm, hiện đang giúp việc cho các mẹ. Tôi còn nhỏ
lắm, mới 21 tuổi thôi, xin anh Trí hãy gọi bằng em cho thân mật”, Hàn
Mặc Tử lắc đầu: “Anh Xê đừng quan tâm chuyện tuổi tác, tôi cũng mới hai
mươi tám”.
Hàn
Mặc Tử nói với ông Nguyễn Văn Xê: “Khắp các tiệm thuốc bắc và các ông
bà thầy thuốc nam ở Bình Định tôi đến chữa không sót một người, mà càng
ngày thân thể ra thế này”.
Hàn
Mặc Tử vào Quy Hòa được ba tuần. Nhờ sự chăm sóc chu đáo, tận tụy của
các nữ tu dòng thánh François Dassise, mà đặc biệt là mẹ Juetta phụ
trách Nhà thương nam là người lo lắng cho Hàn Mặc Tử nhất nên bệnh tình
thuyên giảm rõ rệt.
Từ
tuần lễ thứ tư, sinh hoạt của ông đều đều: 5h sáng dậy đi nhà thờ đọc
kinh và rất sốt sắng chầu lễ, rước lễ; 7h cùng anh em bệnh nhân ăn điểm
tâm cháo trắng với đường đen; 8h băng bó, uống thuốc hoặc chuyện trò với
anh em đồng bệnh; 11h ăn cơm trưa rồi nghỉ ngơi; 14h30 đi nhà thờ đọc
kinh lần hạt; đến 17h đi ăn cơm chiều.
Sang
tuần thứ năm, Hàn Mặc Tử được mẹ Juetta chích thuốc trị bệnh thời đó do
bác sĩ Gour vile, Giám đốc Bệnh viện Quy Nhơn bào chế với tên Huile de
Cholmoogra để chích ven mỗi lần 1/2cc cộng với thuốc trị công phạt ác
tính là Essene Teberentine nên bệnh có vẻ giảm do đó thường thấy Hàn Mặc
Tử bách bộ lui tới ở hành lang Nhà thương nam hoặc ở vườn hoa ngồi suy
tư trên ghế đá với tập giấy kẹp ở nách cầm cây bút chì nhỏ mòn cùn.
Hàn Mặc Tử sinh hoạt bình thường cho đến vào buổi trưa 30/10/1940, sau khi đi đọc kinh lần hạt ở nhà thờ về.
Cả
buổi trưa cho đến tối ngày hôm đó (30/10/1940) ông Xê bận việc đến sáng
hôm sau mới hay Hàn Mặc Tử đi kiết bị kiệt sức nên không thể đến nhà
thờ.
Khi
ông Xê đến thăm thì thấy Hàn Mặc Tử phờ phạc, xanh xao nhiều lắm nên
ông đề nghị mẹ Juetta cho ông vào trong phòng liệt nằm cho tiện. Rồi
suốt hơn một tuần lễ từ 30/10 đến 7/11/1940 thì bệnh kiết lị của Hàn Mặc
Tử vẫn không thuyên giảm mà có phần tăng thêm nên người ông khô đét,
gầy guộc xanh xao đến thảm não.
Đêm
8/11/1940, Hàn Mặc Tử đi tiêu rất nhiều lần, mỗi lần đi có một chút
chất nhầy và vài giọt máu nên ông Xê thấy Hàn Mặc Tử mệt lả đến đi không
nổi, ông phải dìu đi tiêu, rồi về giường nằm.
Đêm
càng về khuya thì sức ông Xê càng mệt nên đã ngủ quên chắn cả lối đi,
không ngờ trong lúc ấy Hàn Mặc Tử tuột xuống giường đi không nổi nên đã
lấy một cái âu ngồi lên đó mà đi tiêu.
Khi
ông Xê giật mình thức giấc thì thấy Hàn Mặc Tử ngồi trong xó tối sau
chiếc tủ con ôm bụng nhăn nhó nói: “Anh Xê ơi, đỡ tôi lên với”. Ông Xê
đến đỡ Hàn Mặc Tử lên giường nằm rồi mới nói: “Sao anh không thức tôi
dậy”, thi sĩ trả lời vô cùng mệt nhọc: “Tôi thấy anh cũng mệt nên để anh
nghỉ một chút”.
Sáng
9/11/1940, sau khi khám bệnh, mẹ Juetta bưng chén thuốc cho Hàn Mặc Tử
uống xong nói: “Chiều nay có xe đi mời Cha Tuyên úy vào xức dầu cho
con”, ông gật đầu và nói tiếng “dạ” rất nhỏ. Sáng 10/11/1940 lúc 6h45,
Cha cho Hàn Mặc Tử được chịu phép xức dầu và rước lễ lần cuối.
Đêm
10/11, ông Xê trực, hai mẹ Juetta và soeur Julienne có đến thăm Hàn Mặc
Tử ba lần và lần thứ ba khoảng 3h thì soeur Julienne cho biết từ đó đến
sáng Hàn Mặc Tử sẽ chết.
Thời
gian của đêm đó như chùng xuống, ông Xê nhìn Hàn Mặc Tử ngoài những lúc
đau bụng đi tiêu, thì khi quỳ cũng như ngồi hoặc nằm, Hàn Mặc Tử đều
đọc kinh cho đến ngày 11/11/1940 lúc 5h45 sáng thì ông nhẹ nhàng tắt
thở.
Có
người cho rằng con đường đi đến cái chết của Hàn Mặc Tử dù ngắn ngủi
nhưng hồ như vật vã đau đớn suốt một chuỗi thời gian quá nặng nề. Chính
vì ông bị suy sụp tinh thần nên bệnh tật càng có cơ hội tàn phá sức khỏe
ông đến kiệt cùng. Và rất nhiều ý kiến cho rằng, một trong những điều
tác động gây nên sự suy sụp ấy, chính là do bản thân nhà thơ có chứng
tâm thần từ thời mới lớn, nên rất hay hoảng loạn và hoang tưởng.
Đây
cũng là một ý kiến có sức thuyết phục vì thơ ông thường có những dấu
hiệu của “cuồng điên hoảng loạn”, đặc biệt là những năm tháng cuối đời.
Người
em trai của ông, sau nhiều năm lặng lẽ chiêm nghiệm, đã công bố một kết
luận vào năm 1991: “Trong quá trình chung sống bên anh tôi ghi nhận anh
có hiện tượng suy nhược tâm thần, bệnh đó đã được nhiều người bạn tôi,
chuyên khoa tâm lý sau này xác nhận là hiện tượng “névrose”, một chứng
rối loạn thần kinh nào đó, mà con người vẫn còn sáng suốt và rung cảm
bén nhạy. Vẫn làm chủ được trí óc mình”.
Khoảng
17, 18 tuổi, Hàn Mặc Tử suýt chết đuối ở biển Quy Nhơn. Sau khi thoát
chết, ông trở nên hoảng loạn khác thường. Từ đó, ông bỏ luôn thói quen
tắm biển, sợ nước, ít hoạt động, hình thể gầy nhỏ đi. Nhiều biểu hiện
làm cho gia đình sợ rằng ông bị tâm thần, nhưng sau đó thấy ông bình
thường, thậm chí còn tập làm thơ nên cũng quên đi nỗi lo lắng...
Theo CAND