Hầu hết chúng ta chưa bao giờ nghĩ xem mình dùng chiếc thớt, chiếc thìa, đôi giày và thậm chí là lược chải đầu này bao lâu rồi. Mặc dù trông chúng rất sạch sẽ và vẫn dùng tốt nhưng chúng có thể ẩn chứa những vi khuẩn gây hại cho cơ thể.
Với sự hỗ trợ của các chuyên gia khoa học, chúng ta sẽ kiểm tra xem mình có thể làm sạch các đồ dùng trong nhà theo cách nào?
Các loại nấm mốc thường phát triển rất mạnh trong các loại giày vải, đặc biệt khi chúng thường xuyên ở trong điều kiện ấm áp, tối tăm như dưới gầm cầu thang, tủ quần áo….
Một nghiên cứu gần đây cho thấy lượng nấm mốc trong các đôi giày cũ cao gấp 100 lần so với trong nhà vệ sinh.
Những đôi giày chạy nhiễm khuẩn sẽ gây bệnh cho chân. Vì thế nên giặt giày mỗi tháng 1 lần với nước lạnh, xà phòng và phơi khô tự nhiên.
Thời điểm nên thay mới: 1 lần/năm hoặc đi được 1.600km.
Theo chuyên gia về siêu vi của bệnh viện Barts và London John Oxford, gỗ là chất liệu xốp, có nhiều lỗ nhỏ li ti hơn so với nhựa hay kim loại và vì thế nó càng dễ trở thành nơi trú ẩn an toàn cho vi trùng và nấm mống hơn.
Đặc biệt, khi các vi khuẩn “thịnh hành” trong bếp như E.coli (thường tìm thấy trong thịt sống hay ở những trẻ có thói quen vệ sinh kém) nhiễm vào thìa gỗ thì có thể dẫn tới ngộ độc thực phẩm.
Đừng cho thìa gỗ vào trong máy rửa bát vì nó có thể bị gãy và lây lan vi khuẩn cho các đồ dùng khác. Thay vào đó, hãy ngâm nó trong nước kháng khuẩn khoảng nửa tiếng và rồi rửa với nước sôi.
Thời điểm nên thay mới: Sau 5 năm nhưng có thể sớm hơn nếu nó bị gãy hoặc bất kỳ phần nào của đồ vật bị xơ, mềm hay mủn ra. Vì đó chính là nơi lý tưởng cho những ổ vi khuẩn đáng sợ sinh sôi.
Nghiên cứu cho thấy có một loạt các bệnh nghiêm trọng, từ bệnh tim, đột quỵ, viêm khớp và các viêm nhiễm mãn tính khác liên quan với những bàn chải đánh răng “không hợp vệ sinh”.
Một nghiên cứu của ĐH Manchester cho thấy trung bình, 1 chiếc bàn chải có chứa tới 10 triệu khuẩn, bao gồm một tỉ lệ lớn là các khuẩn gây hại nghiêm trọng như khuẩn tụ cầu vàng (staphylococci), liên cầu khuẩn (streptococcus), E.coli và nấm candida.
Bạn không thể thấy các quần thể vi khuẩn này nhưng bạn có thể thấy lông bàn chải bị gãy, bẹp dúm vẹo vọ - một địa điểm lý tưởng để vi khuẩn trú ẩn.
Thời điểm nên thay mới: Mỗi 3 tháng
Mỗi nang lược có chứa khoảng 50.000 vi khuẩn. Lược cũng là nơi “sưu tập” các loại tóc cũng như “hút” các loại bụi bẩn và chất nhờn.
“Cơ thể chúng ta cũng có rất nhiều vi khuẩn trên da và có thể lây từ người này sang người khác. Vì vậy các bệnh như chốc lở hay viêm da cũng thường phát triển các vết rộp hay viêm nhiễm ở mặt, cổ và tay có thể lan từ người này sang người khác qua lược chải. Lược cần được giặt bằng nước nóng, nước xà phòng mỗi tuần và phơi khô.
Thời điểm nên thay mới: Mỗi 4 năm nhưng cần thay sớm hơn nếu các lông chải bị cứng, có thể gây tổn thương da đầu.
Một chiếc thớt nhựa tại nhà trung bình chứa lượng vi khuẩn nhiều hơn ghế nhà tắm gấp 50 lần.
Để làm sạch, cần xịt chất kháng khuẩn, rửa thớt với nước sôi. Có thớt dùng thái thịt sống và thớt thái thịt chín, rau quả riêng để ngăn ngừa khuẩn E.coli lan sang các món sa lá hay hoa quả.
Nếu thớt bắt đầu có nhiều vết cắt thì đó là lúc cần phải thay mới vì các vết cắt trên thớt chính là nơi trú ẩn lý tưởng của vi khuẩn.
Thời điểm nên thay mới: Mỗi 3 năm.
Những quả bom vi khuẩn “nổ chậm” trong đồ dùng bằng vải
Các chuyên gia cho biết các vi khuẩn sống trong các loại vải có thể kích thích gây bệnh tim, dị ứng và đột quỵ. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia khoa học, chúng ta sẽ kiểm tra xem mình có thể làm sạch các đồ dùng bằng vải theo cách nào?
Khăn tắm cần được giặt mỗi tuần 1 lần ở nhiệt độ 90oC hoặc luôn được phơi phóng bởi khuẩn tụ cầu vàng có thể nhiễm sang da bạn trong quá trình sử dụng. Ở mức nhẹ, nó có thể gây viêm nhiễm nếu có 1 vết thương hở và nó cũng có thể sống lâu trên 1 bề mặt khô ráo.
Thời điểm nên thay mới: Dùng bao lâu tùy ý nếu thường xuyên giặt nó trong nước nóng.
Một chiếc gối mới sẽ tăng gấp đôi trọng lượng sau 3 năm dùng và số cân nặng dôi thêm đó là chất thải của các loại mạt bụi ở bên trong nó.
Theo GS Jean Emberlin, GĐ Hiệp hội Dị ứng Anh, những chất thải này có thể gây ra sốt, eczema hay hen suyễn, đặc biệt là khi mặt bạn nằm áp vào gối và hít phải các chất thải này.
Các chất thải của mạt bụi cũng khiến những người bị viêm mũi, viêm xoang dễ tái phát bệnh.
Giặt gối vài tháng 1 lần ở nhiệt độ 60oC với thời gian ít nhát 20 phút sẽ giúp hạn chế tình trạng này.
Tuy nhiên, nếu bạn bị hen hay dị ứng thì cần mua gối chống dị ứng mà thường được làm từ bọt biển.
Chăn lông cũng chứa đầy chất thải của mạt bụi và các da chết. Trong 1 nghiên cứu của ĐH Worcester, 10 loại chăn lông đã được đem ra phân tích và các nhà khoa học phát hiện ra có tới 20.000 mạt bụi nhà cùng với vi khuẩn và các bào tử nấm trong chăn.
Chăn lông cần được giặt mỗi 6 tháng 1 lần.
Thời điểm nên thay mới: Gối là 2 năm/lần và chăn lông là 5 năm/lần.
Theo Hiệp hội Giấc ngủ Anh, cơ thể chúng ta bài tiết ra khoảng 200ml chất nhờn mỗi đêm. Chất dầu này cùng với khoảng 450g da chết mỗi năm sẽ cung cấp cho mạt bụi một nguồn thực phẩm cực dồi dào.
Theo Hiệp hội Dị ứng Anh, trung bình mỗi chiếc giường có chứa tới hơn 10.000 mạt bụi, tạo ra hơn 2 triệu hạt phân. Thậm chí nếu bạn không bị sốt hay dị ứng thì việc tiếp xúc với các chất này cũng đủ làm bạn sinh bệnh, đặc biệt nếu gia đình có tiền sử bệnh dị ứng.
Vì thế hãy giữ cho đệm luôn sạch sẽ bằng cách thường xuyên thay ga trải giường và hút bụi ít nhất 1 lần/tuần.
Thời điểm nên thay mới: Mỗi 5 năm. Còn nếu hút bụi hàng tuần thì có thể dùng tới 10 năm.
Những miếng xốp, mút với nhiều lỗ rỗng tự nhiên và ở trong môi trường bếp ẩm ướt sẽ nhanh chóng trở thành “tổ ấm” của vi khuẩn. Cứ mỗi 8 tiếng, 1 vi khuẩn có thể nhân lên thành 4 triệu con, tăng nhanh gấp 200 lần so với điều kiện trong thí nghiệm.
Nghiên cứu của ĐH Arizona cho thấy hầu hết những miếng mút trong bếp đều chứa 1 lượng lớn vi khuẩn E.coli và salmonella. Các miếng mút này cũng là ổ lây lan thuận tiện cho các đồ vật, bề mặt khác. Vì thế nên tách biệt “nhiệm vụ” cho từng khăn bếp như khăn lau bàn, khăn rửa bát…
Giặt khăn ở nhiệt độ ít nhất là 90oC và dùng các chất tẩy mạnh để làm sạch vi khuẩn. Một trong những cách diệt khuẩn hiệu quả nhất là cho khăn bếp vào lò vi sóng. Nghiên cứu của ĐH Florida cho thấy 2 phút quay trong lò vi sóng sẽ giết hoặc làm ngưng hoạt động của hơn 99% vi khuẩn có trong khăn. Chính sức nóng chứ không phải sóng của lò vi sóng đã diệt vi khuẩn. Và hiệu quả của lò vi sóng sẽ tốt nhất khi khăn được làm ướt trước khi cho vào lò.
Thời điểm nên thay mới: Mỗi tháng hoặc dùng giấy hay khăn dùng 1 lần.